ĐIỂM MỚI LUẬT SỞ HỮU TRÍ TUỆ 2022 LIÊN QUAN ĐẾN SÁNG CHẾ

Điểm mới Luật sở hữu trí tuệ 2022 liên quan đến sáng chế

Ngày 16 tháng 6 năm 2022, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ. Luật Sở hữu trí tuệ 2022 của Việt Nam có hiệu lực từ ngày 01/01/2023, ngoại trừ các quy định về nhãn hiệu âm thanh có hiệu lực từ ngày 14/01/2022 và các quy định về bảo hộ dữ liệu thử nghiệm đối với hóa chất nông nghiệp sẽ có hiệu lực từ ngày 14/01/2024, Luật Sở hữu trí tuệ 2022 có những sửa đổi sâu rộng được coi là một cuộc đại tu lớn đối với hệ thống sáng chế của Việt Nam hiện nay. Cùng Luật Mai Sơn điểm qua những điểm mới Luật Sở hữu trí tuệ 2022 liên quan đến sáng chế.

Căn cứ pháp lý

  • Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 sửa đổi, bổ sung năm 2009, năm 2019, 2022.

Khái niệm sáng chế mật

Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi, bổ sung năm 2022 lần đầu tiên thiết lập các quy định riêng biệt để điều chỉnh sáng chế mật. Theo đó, khoản 12a Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ 2022 giải thích: “Sáng chế mật là sáng chế được cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xác định là bí mật nhà nước theo quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước”.

Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi, bổ sung năm 2022 cũng bổ sung thêm quy định giao chính phủ quy định chi tiết về xử lý đơn đăng ký sáng chế mật tại Khoản 3 Điều 108 quy định về tiếp nhận đơn đăng ký sở hữu công nghiệp, ngày nộp đơn: “Đơn đăng ký đối với sáng chế mật được thực hiện theo quy định của Chính phủ”.

Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi, bổ sung năm 2022 đã giải thích khái niệm “sáng chế mật” và quy định các trình tự thủ tục liên quan nhằm tạo cơ sở cho việc xây dựng cũng như thi hành quy định về sáng chế mật và kiểm soát an ninh đối với sáng chế mật nói riêng và sáng chế thuộc các lĩnh vực kỹ thuật có tác động đến quốc phòng, an ninh nói chung tại Điều 89a. Tuy nhiên, hiện nay quy định chi tiết của chính phủ đối với sáng chế mật vẫn đang trong giai đoạn xây dựng, chưa hoàn thiện.

Điều kiện bảo hộ đối với sáng chế

Theo Luật Sở hữu trí tuệ trước đó, sáng chế cùng được đề cập trong đơn đăng ký sáng chế có ngày nộp đơn hoặc ngày ưu tiên muộn hơn đơn sáng chế nộp trước lại không bị coi là mất tính mới nếu đã được bộc lộ trong đơn đăng ký sáng chế của người khác có ngày nộp đơn hoặc ngày ưu tiên sớm hơn nhưng được công bố trong hoặc sau ngày nộp đơn hoặc ngày ưu tiên của đơn đăng ký sáng chế đó.

Quy định này gây ra bất cập khi xung đột với quyền của chủ sở hữu đơn đăng ký sáng chế khác khi cùng đề cập đến một sáng chế. Cụ thể, phạm vi tình trạng kỹ thuật để đánh giá tính mới của sáng chế theo quy định cũ chưa tính đến đơn nộp trước, nhưng chưa được công bố vào thời điểm nộp đơn đăng ký đầu tiên của đơn nộp sau nên chưa đủ điều kiện để xếp vào trường hợp mất tính mới khi “bị bộc lộ công khai… trước ngày nộp đơn…”.

Bởi vậy, để khắc phục hạn chế trên, Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi, bổ sung năm 2022 đã sửa đổi quy định về tính mới của sáng chế tại khoản 1 Điều 60, cụ thể bổ sung thêm một số trường hợp sáng chế bị coi là mất tính mới là: “Bị bộc lộ trong đơn đăng ký sáng chế khác có ngày nộp đơn hoặc ngày ưu tiên sớm hơn nhưng được công bố vào hoặc sau ngày nộp đơn hoặc ngày ưu tiên của đơn đăng ký sáng chế đó” bên cạnh trường hợp mất tính mới do bị bộc lộ công khai dưới hình thức sử dụng, mô tả bằng văn bản hoặc bất kỳ hình thức nào khác ở trong hoặc ở nước ngoài trước ngày nộp đơn đăng ký sáng chế hoặc trước ngày ưu tiên trong trường hợp đơn đăng ký sáng chế được hưởng quyền ưu tiên.

Do chỉ áp dụng với các đơn đăng ký của những chủ đơn khác nhau nên trường hợp các đơn đăng ký sáng chế của cùng một người nộp đơn thì đơn đăng ký sáng chế có ngày nộp đơn hoặc ngày ưu tiên sớm hơn nhưng được công bố trong hoặc sau ngày nộp đơn hoặc ngày ưu tiên của đơn đăng ký sáng chế có ngày nộp đơn hoặc ngày ưu tiên muộn hơn vẫn sẽ không làm mất tính mới của đơn đăng ký sáng chế có ngày nộp đơn hoặc ngày ưu tiên muộn hơn.

Luật mới năm 2022 cũng sửa đổi Điều 100 (Yêu cầu chung đối với đơn đăng ký sở hữu công nghiệp) yêu cầu cung cấp tài liệu thuyết minh về nguồn gốc của nguồn gen hoặc tri thức truyền thống về nguồn gen trong đơn đăng ký sáng chế, nếu sáng chế liên quan đến nguồn gen hoặc tri thức truyền thống về nguồn gen.

Kiểm soát an ninh đối với sáng chế trước khi nộp đơn đăng ký ở nước ngoài

Luật Sở hữu trí tuệ 2022 đã bổ sung quy định về kiểm soát an ninh đối với sáng chế trước khi nộp đơn đăng ký ở nước ngoài tại Điều 89a vào sau Điều 89 “Cách thức nộp đơn đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp”.

Theo Điều 89a quy định về kiểm soát an ninh đối với sáng chế trước khi nộp đơn đăng ký ở nước ngoài: “Sáng chế thuộc các lĩnh vực kỹ thuật có tác động đến quốc phòng, an ninh, được tạo ra tại Việt Nam và thuộc quyền đăng ký của cá nhân là công dân Việt Nam và thường trú tại Việt Nam hoặc của tổ chức được thành lập theo pháp luật Việt Nam chỉ được nộp đơn đăng ký sáng chế ở nước ngoài nếu đã được nộp đơn đăng ký sáng chế tại Việt Nam để thực hiện thủ tục kiểm soát an ninh” nhưng như thế nào là “sáng chế thuộc các lĩnh vực kỹ thuật có tác động đến quốc phòng, an ninh” thì cần phải chờ quy định cụ thể hơn trong tương lai gần.

Trường hợp đơn đăng ký sáng chế bị coi là không hợp lệ về hình thức

Luật Sở hữu trí tuệ bổ sung trường hợp đơn đăng ký sáng chế bị coi là không hợp lệ trong trường hợp được nộp trái với quy định về kiểm soát an ninh đối với sáng chế. Quy định cụ thể tại điểm 2 Khoản 2 Điều 109: “Đơn đăng ký sáng chế được nộp trái với quy định về kiểm soát an ninh đối với sáng chế quy định tại Điều 89a của Luật này”.

Quyền đăng ký sáng chế

Điểm bổ sung được coi là mới và lớn nhất về sáng chế là xóa bỏ quy định tại khoản 2 Điều 86 trong Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành và bổ sung thêm một quy định tại Điều 86a quy định về “Quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước”.

Theo đó quyền đăng ký sáng chế là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách Nhà nước thuộc về tổ chức chủ trì nhiệm vụ khoa học và công nghệ và tổ chức này sẽ trở thành chủ sở hữu sáng chế này, trừ trường hợp sáng chế thuộc lĩnh vực quốc phòng và an ninh quốc gia sẽ do đại diện chủ sở hữu Nhà nước thực hiện quyền đăng ký.

Đồng thời liên quan đến chuyển nhượng sáng chế thuộc trường hợp trên, theo khoản 6 Điều 139 mới được bổ sung, chủ sở hữu sáng chế quy định tại khoản 1 Điều 86a chỉ được chuyển nhượng quyền cho tổ chức, cá nhân khác khi được đại diện chủ sở hữu Nhà nước chấp thuận.

Chấm dứt hiệu lực bằng độc quyền sáng chế

Thực tế, hiệu lực của văn bằng bảo hộ có thể bị chấm dứt toàn bộ hoặc một phần. Tuy nhiên, trong Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 mặc dù đã đề cập đến chấm dứt hiệu lực của văn bằng bảo hộ trong một số trường hợp nhưng vẫn chưa quy định rõ ràng về việc toàn bộ văn bằng bảo hộ bị chấm dứt hay chỉ một phần của văn bằng bảo hộ đó bị chấm dứt.

Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi năm 2022 đã khắc phục quy định đó, thay bằng: văn bằng bảo hộ bị chấm dứt toàn bộ hoặc một phần hiệu lực trong một số trường hợp nhất định.

Luật mới cũng sửa đổi Điều 96 (Hủy bỏ hiệu lực văn bằng bảo hộ) bằng cách bổ sung một số trường hợp văn bằng bảo hộ sáng chế bị hủy bỏ toàn bộ hoặc một phần hiệu lực chẳng hạn trường hợp sửa đổi đơn đăng ký làm mở rộng phạm vi đối tượng đã bộc lộ; sáng chế không được bộc lộ đầy đủ và rõ ràng; sáng chế được cấp văn bằng bảo hộ vượt quá phạm vi bộc lộ; đơn sáng chế được nộp trái với quy định về kiểm soát an ninh hoặc không bộc lộ/bộc lộ không chính xác về nguồn gốc của nguồn gen hoặc tri thức truyền thống về nguồn gen.

Ngoài ra, Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi năm 2022 cũng bổ sung các quy định để xác định rõ thời điểm chấm dứt hiệu lực của văn bằng bảo hộ trong một số trường hợp. Theo đó, hiệu lực của văn bằng bảo hộ bị chấm dứt kể từ ngày cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp ban hành quyết định chấm dứt hiệu lực văn bằng bảo hộ khi chủ bằng sáng chế không còn tồn tại và hiệu lực của văn bằng bảo hộ bị chấm dứt kể từ ngày cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp nhận được tuyên bố từ bỏ quyền sở hữu công nghiệp bằng văn bản của chủ văn bằng bảo hộ.

Phản hồi đơn đăng ký sáng chế

Về thời hạn phản hồi:

Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 không quy định thời hạn phản đối đơn đăng ký sáng chế, ý kiến của người thứ ba có thể được nộp trong suốt thời gian thẩm định sáng chế, miễn rằng ý kiến đó phải được nộp trước khi Cục Sở hữu trí tuệ ra quyết định cấp văn bằng bảo hộ. Một trong những điểm mới quan trọng trong Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi năm 2022 liên quan đến đối tượng sáng chế là bổ sung quy định về thời hạn phản đối đơn đăng ký sáng chế, cụ thể là thời hạn này là chín tháng kể từ ngày đơn đăng ký sáng chế được công bố.

Về thủ tục:

Nếu như Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 quy định Cục Sở hữu trí tuệ chỉ tiếp nhận ý kiến của người thứ ba, nhưng có thể không có phản hồi hay phải thiết lập thủ tục riêng để giải quyết ý kiến của người thứ ba. Thì tại Luật Sở hữu trí tuệ năm 2022 quy định chi tiết, rõ ràng hơn: Cục Sở hữu trí tuệ tiếp nhận ý kiến phản hồi, cấp số đơn phản hồi, phải thiết lập cơ chế, trình tự, thủ tục để giải quyết ý kiến phản đối như một thủ tục độc lập, tương tự như thủ tục chấm dứt, hủy bỏ hoặc khiếu nại.

Về phí:

Theo Luật Sở hữu trí tuệ 2005 thì đơn phản đối về việc cấp văn bằng bảo hộ sáng chế sẽ không phải nộp phí, còn Luật Sở hữu trí tuệ năm 2022 yêu cầu phải nộp phí, lệ phí, quy định tại Khoản 2 Điều 112a: “Ý kiến phản đối phải được lập thành văn bản kèm theo tài liệu hoặc trích dẫn nguồn thông tin để chứng minh và phải nộp phí, lệ phí”.

Đền bù do chậm trễ cấp phép sáng chế

Luật Sở hữu trí tuệ năm 2022 nhằm thực thi Hiệp định EVFTA đã bổ sung Điều 131a về quy định đền bù cho chủ sở hữu sáng chế vì sự chậm trễ trong việc cấp phép lưu hành dược phẩm. Lời văn của Điều này được lấy từ Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định EVFTA.

Từ chối cấp văn bằng bảo hộ

So sánh với Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành thì Luật Sở hữu trí tuệ năm 2022 bổ sung thêm trường hợp từ chối cấp văn bằng bảo hộ đối với sáng chế như sau:

  • Có cơ sở để khẳng định rằng người nộp đơn không có quyền đăng ký sáng chế;
  • Việc sửa đổi, bổ sung đơn làm mở rộng phạm vi sáng chế đã bộc lộ hoặc nêu trong đơn hoặc làm thay đổi bản chất của sáng chế yêu cầu đăng ký nêu trong đơn;
  • Sáng chế được yêu cầu bảo hộ vượt quá phạm vi bộc lộ trong bản mô tả ban đầu của đơn đăng ký sáng chế;
  • Sáng chế không được bộc lộ đầy đủ và rõ ràng trong bản mô tả sáng chế đến mức căn cứ vào đó người có hiểu biết trung bình về lĩnh vực kỹ thuật tương ứng có thể thực hiện được sáng chế đó;
  • Đơn đăng ký sáng chế không bộc lộ hoặc bộc lộ không chính xác về nguồn gốc của nguồn hen hoặc tri thức truyền thống về nguồn gen đối với sáng chế được trực tiếp tạo ra dựa trên nguồn gen hoặc tri thức truyền thống về nguồn gen;
  • Đơn đăng ký sáng chế được nộp trái với quy định về kiểm soát an ninh đối với sáng chế.

Thẩm định nội dung đơn đăng ký sáng chế

Luật Sở hữu trí tuệ bổ sung năm 2022 quy định về thẩm định nội dung đơn đăng ký sở hữu công nghiệp:

  • Cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp có thể sử dụng kết quả thẩm định nội dung đơn đăng ký sáng chế trùng với sáng chế được yêu cầu bảo hộ do cơ quan sáng chế nước ngoài thực hiện trong quá trình đánh giá khả năng bảo hộ.
  • Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quy định chi tiết việc sử dụng kết quả thẩm định nội dung đơn đăng ký sáng chế.

Luật Sở hữu trí tuệ 2022 bổ sung thêm quy định cho phép cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp có thể sử dụng kết quả thẩm định nội dung đơn đăng ký sáng chế trùng với sáng chế được yêu cầu bảo hộ do cơ quan sáng chế nước ngoài thực hiện trong quá trình đánh giá khả năng bảo hộ.

Bổ sung căn cứ bắt buộc chuyển giao quyền sử dụng đối với sáng chế và miễn trừ nghĩa vụ đền bù khi chuyển giao bắt buộc sáng chế

Bắt buộc chuyển giao quyền sử dụng đối với sáng chế được hiểu là việc chuyển giao cho tổ chức, cá nhân khác quyền sử dụng sáng chế theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền mà không cần được sự đồng ý của chủ bằng sáng chế.

Luật SHTT sửa đổi năm 2022 đã bổ sung tại điểm d, khoản 1 Điều 145 căn cứ bắt buộc chuyển giao quyền sử dụng đối với sáng chế trong trường hợp nhằm đáp ứng nhu cầu của nước nhập khẩu đủ điều kiện theo quy định của Hiệp định TRIPS, việc sử dụng sáng chế nhằm đáp ứng nhu cầu về dược phẩm để phòng bệnh, chữa bệnh của quốc gia khác có đủ điều kiện nhập khẩu theo điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Đồng thời, Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi năm 2022 đã bổ sung quy định về miễn trừ nghĩa vụ đền bù khi chuyển giao bắt buộc sáng chế. Theo đó, trường hợp quyền sử dụng sáng chế được chuyển giao theo quyết định bắt buộc để nhập khẩu dược phẩm theo cơ chế của điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên và khoản tiền đền bù cho việc sử dụng sáng chế được chuyển giao theo quyết định bắt buộc đã được trả tại nước xuất khẩu thì người được chuyển giao quyền sử dụng không phải trả cho chủ bằng sáng chế một khoản tiền đền bù.

Quý khách hàng có nhu cầu tư vấn lĩnh vực sở hữu trí tuệ, cập nhật những điểm mới Luật sở hữu trí tuệ 2022 liên quan đến sáng chế và đăng ký sáng chế, xin vui lòng liên hệ Công ty luật Mai Sơn để được hỗ trợ nhanh nhất, hiệu quả nhất!