Trốn thuế là gì? Doanh nghiệp trốn thuế bị phạt như thế nào?
Thế nào là trốn thuế? Doanh nghiệp, công ty trốn thuế thì ai sẽ chịu trách nhiệm? Các hành vi trốn thuế phổ biến, mức xử phạt doanh nghiệp trốn thuế hiện nay. Cùng Mai Sơn tìm hiểu trong bài viết này.
Thuế là khoản nguồn thu quan trọng của ngân sách nhà nước và đóng thuế là trách nhiệm của doanh nghiệp. Trốn thuế là hành vi vi phạm pháp luật, làm mất trật tự quản lý kinh tế của nhà nước. Tuy nhiên, vẫn có những doanh nghiệp bất chấp lợi ích mà thực hiện các hành vi gian lận, trốn thuế.
Bài viết dưới đây của Anpha sẽ chia sẻ cho bạn thêm thông tin về vấn đề này.
TRỐN THUẾ LÀ GÌ?
Trốn thuế là việc người nộp thuế cố tình không nộp hoặc nộp không đầy đủ tiền thuế về ngân sách nhà nước theo quy định. Theo đó, người nộp thuế thực hiện các phương thức không được pháp luật cho phép để giảm số tiền thuế phải nộp hoặc không nộp thuế.
AI PHẢI CHỊU TRÁCH NHIỆM KHI DOANH NGHIỆP TRỐN THUẾ?
Theo quy định, người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp có trách nhiệm thực hiện các quyền và nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch của doanh nghiệp. Đồng thời, người đại diện pháp luật có trách nhiệm đại diện cho doanh nghiệp với tư cách người yêu cầu giải quyết việc dân sự, nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trước trọng tài, tòa án và các quyền, nghĩa vụ khác.
Ngoài ra, theo Điều 13 Luật Doanh nghiệp 2020, người đại diện theo pháp luật có những trách nhiệm sau:
- Thực hiện quyền và nghĩa vụ được giao một cách trung thực, cẩn trọng, tốt nhất để bảo vệ lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp;
- Trung thành với lợi ích của doanh nghiệp, không lợi dụng địa vị và sử dụng thông tin, bí quyết, cơ hội kinh doanh, tài sản khác của doanh nghiệp để đạt lợi ích cá nhân hay phục vụ lợi ích của tổ chức, cá nhân khác;
- Thông báo chính xác, đầy đủ, kịp thời cho doanh nghiệp về doanh nghiệp mà mình hoặc người có liên quan của mình làm chủ hoặc có cổ phần, phần vốn góp;
- Ngoài ra, người đại diện theo pháp luật phải chịu trách nhiệm cá nhân đối với thiệt hại cho doanh nghiệp do vi phạm các trách nhiệm đã nêu trên.
➨ Như vậy, trong trường hợp doanh nghiệp trốn thuế, người đại diện theo pháp luật sẽ chịu trách nhiệm trước pháp luật về hành vi trốn thuế của doanh nghiệp. Những cá nhân khác trong doanh nghiệp (như kế toán hoặc những người khác có trách nhiệm đối với nghĩa vụ thuế) cũng sẽ phải chịu trách nhiệm cho hành vi trốn thuế này, nhưng người chịu trách nhiệm chính vẫn là người đại diện pháp luật của công ty.
>> Xem thêm: Rủi ro khi đứng tên giùm trên giấy phép kinh doanh.
NHỮNG HÀNH VI TRỐN THUẾ PHỔ BIẾN CỦA DOANH NGHIỆP
Hiện nay, có không ít doanh nghiệp đã và đang tìm cách tránh nghĩa vụ nộp thuế. Trong đó, các vi phạm thường gặp liên quan đến hành vi trốn thuế của doanh nghiệp có thể kể đến như:
➨ Sử dụng hóa đơn hoặc chứng từ không hợp pháp, cụ thể:
- Làm các giao dịch giả để tạo ra chứng từ, hoặc mua hoá đơn, chứng từ từ các cơ sở kinh doanh khác, mục đích để làm cho các hoạt động trở nên hợp pháp. Bằng cách này, doanh nghiệp sẽ giảm được thuế TNDN và cả thuế GTGT thông qua việc khấu trừ các khoản thuế đầu vào không hợp lệ;
➨ Không lập hóa đơn đúng quy định, cụ thể: Ghi giá trên hóa đơn và báo cáo doanh thu thấp hơn so với giá bán thực tế. Hành vi này thường xảy ra trong các ngành kinh doanh như nhà hàng, khách sạn, vận tải tư nhân, xăng dầu, vật liệu xây dựng, bán ô tô, xe máy…
➨ Không ghi chép đúng và đủ nội dung trong sổ kế toán.
Người có nghĩa vụ nộp thuế chỉ ghi lại một phần, không khai báo hoặc khai báo sai các giao dịch kinh tế chủ yếu để sử dụng cho việc khai thuế. Mục đích để giảm số thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được hoàn, miễn, giảm…
MỨC XỬ PHẠT ĐỐI VỚI DOANH NGHIỆP, CÔNG TY TRỐN THUẾ
Pháp luật về quản lý thuế đã quy định một số biện pháp và chế tài để xử lý các hành vi vi phạm tương ứng. Có 2 hình thức xử lý hành vi trốn thuế trong các doanh nghiệp là xử lý hành chính và xử lý hình sự. Việc quyết định xử phạt doanh nghiệp theo hình thức nào sẽ phụ thuộc vào mức độ vi phạm của doanh nghiệp.
1. Tóm tắt mức phạt dành cho cá nhân, người đại diện pháp luật có hành vi trốn thuế
Cá nhân, người đại diện pháp luật của doanh nghiệp phạm tội trốn thuế sẽ bị xử phạt như sau:
- Bị phạt phạt tiền từ 500 triệu – 1,5 tỷ đồng hoặc bị phạt tù từ 1 – 3 năm với các hành vi: Trốn thuế với số tiền từ 300 triệu đồng đến dưới 1 tỷ đồng; lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong công việc để trốn thuế, tái phạm hành vi trốn thuế;
- Bị phạt hành chính từ 1,5 tỷ đồng – 4,5 tỷ đồng hoặc bị phạt tù từ 2 – 7 năm nếu phạm tội trốn thuế với số tiền thuế từ 1 tỷ đồng trở lên;
- Người phạm tội bị phạt hành chính từ 20 triệu đồng – 100 triệu đồng và bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc cấm làm công việc nhất định trong vòng từ 1 – 5 năm hoặc bị tịch thu tài sản.
2. Tóm tắt mức phạt dành cho doanh nghiệp có hành vi trốn thuế
➨ Mức xử phạt hành chính đối với doanh nghiệp trốn thuế
- Phạt tiền 1 lần số thuế trốn khi có từ 1 tình tiết giảm nhẹ;
- Số tiền phạt sẽ tăng 1,5 lần nếu không có thêm tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ;
- Số tiền phạt sẽ tăng lên 2 lần nếu có 1 tình tiết tăng nặng;
- Số tiền phạt sẽ tăng lên 2,5 lần nếu có 2 tình tiết tăng nặng;
- Số tiền phạt sẽ tăng lên 3 lần nếu có từ 3 tình tiết tăng nặng trở lên.
➨ Mức xử phạt hình sự
- Phạt tiền từ 1 tỷ đồng đến 3 tỷ đồng đối với doanh nghiệp có phạm tội trốn thuế với số tiền từ 300 triệu đồng đến dưới 1 tỷ đồng;
- Phạt tiền từ 3 tỷ đồng đến 10 tỷ đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 6 tháng – 3 năm đối với doanh nghiệp phạm tội trốn thuế với số tiền từ 1 tỷ đồng trở lên;
- Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt từ 50 triệu đồng đến 200 triệu đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 1 – 3 năm.
3. VÍ DỤ VỀ XỬ PHẠT DOANH NGHIỆP TRỐN THUẾ
Cuối năm 2023, Tổng cục Thuế đã quyết định xử phạt “Công ty cổ phần tư vấn xây dựng Điện 2 (PECC2)” vì vi phạm hành chính liên quan đến thuế sau khi tiến hành kiểm tra thuế các năm 2020, 2021 và 2022 của công ty này.
Sau khi phát hiện Công ty cổ phần tư vấn xây dựng Điện 2 chưa nộp tờ khai thuế GTGT tháng 12/2021 mặc dù tiền thuế được nộp đúng hạn, cơ quan thuế đã rà soát và phát hiện các sai phạm khác về thuế và ra quyết định xử phạt công ty này gần 401 triệu đồng vì vi phạm hành chính.
Ngoài ra, công ty cũng phải nộp lại đầy đủ thuế TNDN, thuế TNCN, thuế GTGT cho các năm tương ứng và trả thêm khoản tiền chậm nộp thuế. Tổng cộng, số tiền phạt và chậm nộp thuế lên đến gần 2,1 tỷ đồng. Đây là mức xử phạt đối với công ty có hành vi trốn thuế nhưng có tình tiết giảm nhẹ, cụ thể là đã chủ động và tự nguyện khắc phục hậu quả chứ không cố tình trốn thuế.
Có thể thấy, trốn thuế không chỉ mang lại tổn thất cho ngân sách nhà nước mà còn gây hậu quả và tổn thất nặng nề cho doanh nghiệp khi bị phát hiện, xử phạt. Vì vậy, doanh nghiệp cần tuân thủ nghiêm các quy định về thuế đồng thời trung thực, minh bạch trong công tác kế toán.
MỘT SỐ CÂU HỎI THƯỜNG GẶP VỀ TRÁCH NHIỆM KHI DOANH NGHIỆP TRỐN THUẾ
1. Nếu công ty trốn thuế ai sẽ là người chịu trách nhiệm?
Khi doanh nghiệp trốn thuế, người đại diện theo pháp luật sẽ là người chịu trách nhiệm. Ngoài ra, những cá nhân khác trong doanh nghiệp (như kế toán hoặc những người khác có trách nhiệm đối với nghĩa vụ thuế) cũng sẽ chịu trách nhiệm.
2. Những hành vi trốn thuế phổ biến của doanh nghiệp hiện nay?
Tạo ra các giao dịch giả, ghi giá thấp trên hoá đơn và báo cáo doanh thu, ghi không đúng vào sổ sách kế toán…
3. Doanh nghiệp thực hiện hành vi trốn thuế có thể bị xử lý như thế nào?
Có 2 hình thức xử lý hành vi trốn thuế là xử lý hành chính và xử lý hình sự. Việc quyết định xử phạt theo hình thức nào sẽ phụ thuộc vào mức độ vi phạm của doanh nghiệp.
4. Ngoài việc phạt tiền và phạt tù, còn biện pháp nào được áp dụng để xử lý hành vi trốn thuế?
Các biện pháp xử lý khác để đối phó với hành vi trốn thuế: tịch thu tài sản, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hoạt động kinh doanh, đình chỉ hoạt động kinh doanh, cấm huy động vốn.