ĐIỀU KIỆN THÀNH LẬP DOANH NGHIỆP XÃ HỘI

Điều kiện thành lập doanh nghiệp xã hội

Trong nền kinh tế thị trường, bên cạnh những doanh nghiệp được thành lập nhằm theo đổi mục tiêu lợi nhuận thuần túy, còn tồn tại một loại chủ thể kinh doanh đặc biệt, là doanh nghiệp xã hội. Doanh nghiệp xã hội là loại hình doanh nghiệp có phạm vi hoạt động khá rộng và có mối liên kết với nhiều đối tượng khác nhau và được xông nhận về mặt pháp lý lần đầu tiên tại Luật Doanh nghiệp 2014. Với mục đích hàng đầu là hoạt động vì xã hội, việc quản lý các doanh nghiệp xã hội được coi là khá phức tạp, đồng thời được pháp luật quy định khá chi tiết. Bài viết sau đây của công ty luật Mai Sơn sẽ cung cấp tới quý khách những thông tin về điều kiện thành lập doanh nghiệp xã hội.

Căn cứ pháp lý

  • Luật Doanh nghiệp 2020;
  • Luật Đầu tư 2020;
  • Nghị định 01/2021 NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp;
  • Nghị định 47/2021/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Doanh nghiệp;
  • Thông tư số 20/2015/TT-BKHĐT hướng dẫn về đăng ký doanh nghiệp;
  • Thông tư số 04/2016 quy định biểu mẫu văn bản sử dụng trong đăng ký doanh nghiệp xã hội.

Khái quát chung về doanh nghiệp xã hội

Doanh nghiệp xã hội là gì?

Doanh nghiệp xã hội là những doanh nghiệp được thành lập với mục tiêu là để giải quyết một vấn đề xã hội nào đó mà doanh nghiệp theo đuổi, phần lớn lợi nhuận thu được dùng để phục vụ mục tiêu xã hội và môi trường.

Đặc điểm của doanh nghiệp xã hội

  • Là doanh nghiệp được đăng ký thành lập theo quy định của Luật Doanh nghiệp;
  • Mục tiêu hoạt động nhằm giải quyết vấn đề xã hội, môi trường và lợi ích cộng đồng;
  • Sử dụng ít nhất 51% tổng lợi nhuận sau thuế hàng năm của doanh nghiệp để tái đầu tư nhằm thực hiện mục tiêu đã đăng ký;

Quyền và nghĩa vụ đặc thù của doanh nghiệp xã hội

  • Chủ sở hữu, người quản lý doanh nghiệp xã hội được xem xét, tạo thuận lợi và hỗ trợ trong việc cấp giấy phép, chứng chỉ và chứng nhận có liên quan theo quy định của pháp luật;
  • Được quy động, nhận tài trợ từ cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức phi chính phủ và các tổ chức khác đề bù đắp chi phí quản lý, hoạt động của doanh nghiệp;
  • Không được sử dụng các khoản tài trợ huy động được cho mục đích khác ngoài bù đắp chi phí quản lí và chi phí hoạt động để giải quyết vấn đề xã hội mà doanh nghiệp đã đăng ký;
  • Trường hợp được nhận các ưu đãi, doanh nghiệp xã hội phải đăng ký hàng năm báo cáo với cơ quan có thẩm quyền về tình hình hoạt động của doanh nghiệp.

Vai trò của doanh nghiệp xã hội

  • Trực tiếp giải quyết các vấn đề xã hội và làm tăng những trị tốt đẹp mang bản sắc chung của toàn xã hội thông qua hàng hóa, dịch vụ hoặc hỗ trợ những người có hoàn cảnh khó khăn (được doanh nghiệp tuyển dụng);
  • Các vấn đề xã hội thường được quan tâm gồm: bảo vệ giá trị văn hóa, bảo vệ môi trường, cứu trợ, quyên góp, giải quyết xung đột tỏng cộng đồng hoặc làm lành mạnh các quan hệ xã hội;
  • Việc mang lại những giá trị tốt đẹp đối với xã hội được coi là lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp xã hội so với các doanh nghiệp khác.

Người nước ngoài có được thành lập doanh nghiệp xã hội ở Việt Nam không?

Nhà đầu tư nước ngoài được phép thành lập doanh nghiệp xã hội ở Việt Nam với vốn sở hữu từ 1-100% tùy thuộc vào lĩnh vực đầu tư và phải đáp ứng mục tiêu của doanh nghiệp xã hội. Thủ tục thành lập doanh nghiệp xã hội có vốn đầu tư nước ngoài cũng giống với thủ tục thành lập doanh nghiệp xã hội có vốn đầu tư nước ngoài thông thương tại Việt Nam.

Điều kiện thành lập doanh nghiệp xã hội

Điều kiện về loại hình

Quý khách có thể lựa chọn một trong các loại hình sau để tiến hành thành lập doanh nghiệp xã hội:

  • Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên;
  • Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên;
  • Công ty cổ phần;
  • Công ty hợp danh;
  • Doanh nghiệp tư nhân.

Điều kiện về chủ thể thành lập doanh nghiệp

Tất cả tổ chức, cá nhân thành lập doanh nghiệp xã hội phải đáp ứng các điều kiện sau:

  • Tổ chức có tư cách pháp nhân;
  • Cá nhân từ đủ 18 tuổi; có đầy đủ năng lực hành vi dân sự;
  • Không thuộc trường hợp các tổ chức, cá nhân không có quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp tại Việt Nam theo quy định tại Khoản 2 Điều 17 Luật doanh nghiệp 2020.

Điều kiện về vốn điều lệ

  • Tùy theo ngành nghề và quy mô kinh doanh, doanh nghiệp có thể đăng ký mức vốn điều lệ phù hợp với khả năng tài chính của mình.
  • Doanh nghiệp phải đảm bảo góp vốn đủ và đúng loại tài sản đã cam kết khi đăng ký thành lập doanh nghiệp trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, không kể thời gian vận chuyển, nhập khẩu tài sản góp vốn, thực hiện thủ tục hành chính để chuyển quyền sở hữu tài sản.
  • Trường hợp sau 90 ngày kể từ thời điểm cam kết góp vốn, khi không đủ số vốn thực góp, doanh nghiệp phải tiến hành thủ tục giảm vốn điều lệ.

Điều kiện về ngành nghề kinh doanh

  • Doanh nghiệp được quyền đăng ký kinh doanh những ngành, nghề mà pháp luật không cấm.
  • Đối với những ngành, nghề có điều kiện thì doanh nghiệp phải đảm bảo đáp ứng được điều kiện của từng ngành nghề theo quy định của pháp luật.

Điều kiện về tên của doanh nghiệp xã hội

Tên doanh nghiệp xã hội phải được đặt theo quy định tại Điều 37 (Tên doanh nghiệp), Điều 38 (Những điều cấm trong đặt tên doanh nghiệp, Điều 39 (Tên doanh nghiệp bằng tiếng nước ngoài và tên viết tắt của doanh nghiệp) và Điều 41 (Tên trùng và dễ gây nhầm lẫn) tại Luật Doanh nghiệp 2020. Cụ thể:

  • Tên của doanh nghiệp xã hội phải đảm bảo hai thành tố: loại hình doanh nghiệp và tên riêng;
  • Có thể bổ sung cụm từ “xã hội” vào tên riêng doanh nghiệp.
  • Tên doanh nghiệp phải được gắn tại trụ sở chính, chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp.
  • Tên doanh nghiệp phải được in hoặc viết trên các giấy tờ giao dịch, hồ sơ tài liệu và ấn phẩm do doanh nghiệp phát hành.

Điều kiện về trụ sở chính

  • Trụ sở chính của doanh nghiệp đặt trên lãnh thổ Việt Nam, là địa chỉ liên lạc của doanh nghiệp và được xác định theo địa giới đơn vị hành chính; có số điện thoại, số fax và thư điện tử (nếu có).
  • Không đặt trụ sở doanh nghiệp tại địa chỉ là căn hộ chung cư (trừ căn hộ chung cư có chức năng thương mại) hoặc nhà tập thể.

Thủ tục thành lập doanh nghiệp xã hội

doanh nghiệp xã hội được thực hiện đăng ký doanh nghiệp theo trình tự, thủ tục và hồ sơ tương ứng đối với từng loại hình doanh nghiệp quy định tại Luật Doanh nghiệp (Điều 17 đến điều 45). Thủ tục thành lập bao gồm các bước:

Bước 1: Soạn thảo hồ sơ thành lập doanh nghiệp xã hội

Tương ứng đối với từng loại hình doanh nghiệp, bộ hồ sơ thành lập doanh nghiệp xã hội bao gồm:

  • Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp xã hội;
  • Điều lệ doanh nghiệp xã hội (có đầy đủ chữ ký của người tham gia thành lập doanh nghiệp);
  • Danh sách thành viên hoặc cổ đông;
  • Giấy ủy quyền cho người nộp hồ sơ (nếu không phải là đại diện pháp luật của công ty đi nộp);
  • Bản sao hợp lệ CMND/CCCD/hộ chiếu của chủ sở hữu, của các thành viên góp vốn, của cổ đông sáng lập, người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp và người đại diện ủy quyền nộp hồ sơ (nếu có).

Ngoài ra, khác với các loại hình doanh nghiệp khác, doanh nghiệp xã hội phải thực hiện thêm thủ tục thông báo Cam kết thực hiện mục tiêu xã hội, môi trường với cơ quan đăng ký kinh doanh. Hồ sơ thông báo Cam kết thực hiện mục tiêu xã hội, môi trường bao gồm:

  • Bản cam kết thực hiện mục tiêu xã hội, môi trường, bao gồm những nội dung sau:
  • Các vấn đề xã hội, môi trường; phương thức mà doanh nghiệp dự định thực hiện nhằm giải quyết vấn đề xã hội, môi trường;
  • Thời hạn thực hiện hoạt động nhằm giải quyết vấn đề xã hội, môi trường;
  • Mức tỷ lệ phần trăm lợi nhuận giữ lại hằng năm được tái đầu tư để giải quyết vấn đề xã hội, môi trường;
  • Nguyên tắc và phương thức sử dụng các khoản viện trợ, tài trợ từ tổ chức và cá nhân; nguyên tắc và phương thức xử lý các khoản viện trợ, tài trợ còn dư khi doanh nghiệp giải thể hoặc chuyển thành doanh nghiệp thông thường (nếu có);
  • Họ, tên, chữ ký của chủ doanh nghiệp tư nhân (đối với doanh nghiệp tư nhân), thành viên hợp danh (đối với công ty hợp danh); thành viên, cổ đông là cá nhân, người đại diện theo pháp luật hoặc theo ủy quyền đối với công ty TNHH và công ty cổ phần.
  • Quyết định của doanh nghiệp về việc thông qua nội dung bản cam kết thực hiện mục tiêu xã hội, môi trường đã ký;
  • Bản sao hợp lệ biên bản họp của đại hội đồng cổ đông đối với công ty cổ phần, của hội đồng thành viên đối với công ty TNHH 2 thành viên trở lên, của chủ sở hữu công ty/chủ tịch công ty đối với công ty TNHH 1 thành viên, của các thành viên hợp danh đối với công ty hợp danh thông qua nội dung bản cam kết thực hiện mục tiêu xã hội, môi trường;

Bước 2: Nộp hồ sơ đăng ký thành lập doanh nghiệp và nộp lệ phí công bố thông tin doanh nghiệp 

Cơ quan đăng ký kinh doanh thực hiện việc xem xét, giải quyết hồ sơ trong thời hạn 3 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận. Trường hợp hồ sơ đủ điều kiện, cơ quan thực hiện cập nhật thông tin công khai trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp. Trường hợp không đủ điều kiện, cơ quan đăng ký kinh doanh thông báo bằng văn bản, nê rõ lý do và yêu cầu doanh nghiệp sửa đổi, bổ sung hồ sơ.

Bước 3: Khắc con dấu doanh nghiệp

Doanh nghiệp tự quản lý và chịu trách nhiệm về con dấu doanh nghiệp.

Quý khách hàng có nhu cầu tư vấn và tìm hiểu thêm thông tin pháp luật doanh nghiệp, thủ tục thành lập công ty  xin vui lòng liên hệ Công ty Luật Mai Sơn để được chúng tôi hỗ trợ tốt nhất!