DỊCH VỤ ĐĂNG KÝ BẢN QUYỀN TÁC GIẢ

Dịch vụ đăng ký bản quyền tác giả

Theo Luật Sở hữu trí tuệ, quyền tác giả là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tác phẩm do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu. Quyền tác giả được ghi nhận cho các tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học như sách, bài giảng, tác phẩm âm nhạc, tác phẩm sân khấu, tác phẩm điện ảnh, … Quyền tác giả tự động hình thành từ thời điểm tác phẩm được định hình dưới một hình thức vật chất nhất định, bất kể tác phẩm đã công bố hay chưa công bố, đã đăng ký hay chưa đăng ký.

LUẬT SƯ TƯ VẤN SỞ HỮU TRÍ TUỆ – 0941762609

Quyền liên quan là quyền của tổ chức, cá nhân đối với cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng, tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hóa.

Mặc dù đăng ký bản quyền không phải là bắt buộc, tuy nhiên nếu cá nhân hoặc tổ chức là tác giả đã đăng ký bản quyền tác giá/ quyền liên quan với Cục bản quyền tác giả – văn học nghệ thuật sẽ mang lại rất nhiều thuận lợi khi có tranh chấp xảy ra.

Cơ sở pháp lý

Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, sửa đổi năm 2009, 2019, 2022 và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Dịch vụ đăng ký bản quyền tác giả là gì?

Dịch vụ đăng ký bản quyền tác giả là việc tác giả, chủ sở hữu tác phẩm ủy quyền cho tổ chức đại diện Sở hữu trí tuệ như công ty luật Mai Sơn đại diện mình thực hiện đăng ký quyền tác giả với Cục Bản quyền để cấp Giấy chứng nhận quyền tác giả cho tác phẩm của mình theo quy định của pháp luật.

Chủ thể có quyền được đăng ký quyền tác giả

Căn cứ theo Điều 13 Luật sở hữu trí tuệ 2005, tác giả, chủ sở hữu có quyền được bảo hộ quyền tác giả bao gồm:

  • Tổ chức, cá nhân có tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả gồm người trực tiếp sáng tạo ra sản phẩm vả chủ sở hữu quyền tác giả;
  • Tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả trên bao gồm tổ chức, cá nhân Việt Nam; tổ chức, cá nhân nước ngoài có tác phẩm được công bố lần đầu tiên tại Việt Nam mà chưa được công bố ở bất kỳ nước nào hoặc được công bố đồng thời tại Việt Nam trong thời hạn ba mươi ngày, kể từ ngày tác phẩm đó dược công bố lần đầu tiên ở nước khác; tổ chức, cá nhân nước ngoài có tác phẩm được bảo hộ tại Việt Nam theo điều ước quốc tế về quyền tác giả mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

Lưu ý: Tác giả là người trực tiếp sáng tạo tác phẩm. Trường hợp có từ hai người trở lên cùng trực tiếp sáng tạo tác phẩm với chủ ý là sự đóng góp của họ được kết hợp thành một tổng thể hoàn chỉnh thì những người đó là các đồng tác giả.

Ai có quyền nộp đơn đăng ký bản quyền tác giả?

Theo quy định của Luật sở hữu trí tuệ, tác giả hoặc chủ sở hữu tác phẩm có thể là cá nhân, pháp nhân trong nước hoặc cá nhân, pháp nhân nước ngoài đều có quyền nộp đơn đăng ký bản quyền tác giả cho tác phẩm của mình tại Cục Bản quyền tác giả.

Khi tiến hành nộp đơn đăng ký cá nhân, pháp nhân trong nước có thể trực tiếp hoặc ủy quyền cho tổ chức đại diện quyền tác giả thay mặt mình nộp đơn đăng ký tới cơ quan đăng ký.

Đối với cá nhân, pháp nhân nước ngoài muốn đăng ký bản quyền tại Việt Nam sẽ không được trực tiếp nộp đơn mà bắt buộc phải ủy quyền cho tổ chức đại diện quyền tác giả nộp đơn đăng ký cho tác phẩm tại Việt Nam.

Các loại hình được đăng ký quyền tác giả

Căn cứ theo Điều 14 Luật Sở hữu trí tuệ 2005, sửa đổi tại khoản 5 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật sở hữu trí tuệ 2009 được hướng dẫn cụ thể tại điều 6, điều 7 nghị định 17/2023/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành luật sở hữu trí tuệ về quyền tác giả, quyền liên quanCác loại hình tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả bao gồm:

  • Tác phẩm văn học, khoa học, sách giáo khoa, giáo trình và tác phẩm khác được thể hiện dưới dạng chữ viết hoặc ký tự khác như:
    • Tác phẩm văn học, khoa học và tác phẩm khác thể hiện dưới dạng chữ viết bao gồm: Tiểu thuyết, truyện vừa, truyện ngắn; bút ký, ký sự, tùy bút, hồi ký; thơ, trường ca; kịch bản; công trình nghiên cứu văn hoá, văn học, nghệ thuật, khoa học và các bài viết khác;
    •  Sách giáo khoa là tác phẩm được xuất bản, cụ thể hóa các yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông; được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt, cho phép sử dụng làm tài liệu dạy học chính thức trong các cơ sở giáo dục phổ thông;
    • Giáo trình là tài liệu giảng dạy, học tập, nghiên cứu chính có nội dung phù hợp với chương trình đào tạo, bồi dưỡng được người đứng đầu cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp duyệt, lựa chọn hoặc được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật;
    • Tác phẩm thể hiện dưới dạng ký tự khác là tác phẩm thể hiện bằng chữ nổi cho người khiếm thị, ký hiệu tốc ký và các ký hiệu tương tự thay cho chữ viết mà cá nhân, tổ chức tiếp cận có thể hiểu và sao chép được bằng nhiều hình thức khác nhau.
  • Bài giảng, bài phát biểu và bài nói khác là tác phẩm thể hiện bằng ngôn ngữ nói và phải được định hình dưới một hình thức vật chất nhất định.
  • Tác phẩm báo chí là tác phẩm có nội dung độc lập và cấu tạo hoàn chỉnh, bao gồm các thể loại: Phóng sự, ghi nhanh, tường thuật, phỏng vấn, phản ánh, điều tra, bình luận, xã luận, chuyên luận, ký báo chí và các thể loại báo chí khác nhằm đăng, phát trên báo in, báo nói, báo hình, báo điện tử hoặc các phương tiện khác.
  • Tác phẩm âm nhạc là tác phẩm được thể hiện dưới dạng nhạc nốt trong bản nhạc hoặc các ký tự âm nhạc khác không phụ thuộc vào việc trình diễn hay không trình diễn.
  • Tác phẩm sân khấu là tác phẩm thuộc loại hình nghệ thuật biểu diễn, bao gồm: Chèo, tuồng, cải lương, múa, múa rối, múa đương đại, ba lê, kịch nói, opera, kịch dân ca, kịch hình thể, nhạc kịch, xiếc, tấu hài, tạp kỹ và các loại hình nghệ thuật biểu diễn khác.
  • Tác phẩm điện ảnh là tác phẩm có nội dung, được biểu hiện bằng hình ảnh động liên tiếp hoặc hình ảnh do các thiết bị kỹ thuật, công nghệ tạo ra; có hoặc không có âm thanh và các hiệu ứng khác theo nguyên tắc của ngôn ngữ điện ảnh. Hình ảnh tĩnh được lấy ra từ một tác phẩm điện ảnh là một phần của tác phẩm điện ảnh đó.
  • Tác phẩm điện ảnh không bao gồm bản ghi hình nhằm mục đích phổ biến tin tức trên dịch vụ phát thanh, truyền hình, không gian mạng; chương trình biểu diễn nghệ thuật, trò chơi điện tử; bản ghi hình về hoạt động của một hoặc nhiều người, mô tả các sự kiện, tình huống hoặc chương trình thực tế.
  • Tác phẩm mỹ thuật là tác phẩm được thể hiện bởi đường nét, màu sắc, hình khối, bố cục bao gồm:
    • Hội họa: Tranh sơn mài, sơn dầu, lụa, bột màu, màu nước, giấy dó và các chất liệu khác;
    • Đồ họa: Tranh khắc gỗ, khắc kim loại, khắc cao su, khắc thạch cao, in độc bản, in đá, in lưới, tranh cổ động, thiết kế đồ họa và các chất liệu khác;
    • Điêu khắc: Tượng, tượng đài, phù điêu, đài, khối biểu tượng;
    • Nghệ thuật sắp đặt và các hình thức thể hiện nghệ thuật đương đại khác.
    • Tác phẩm hội họa, điêu khắc, nghệ thuật sắp đặt và các hình thức nghệ thuật đương đại khác tồn tại dưới dạng độc bản. Tác phẩm đồ họa có thể được thể hiện tới phiên bản thứ 50, được đánh số thứ tự có chữ ký của tác giả.
  • Tác phẩm mỹ thuật ứng dụng là tác phẩm được thể hiện bởi đường nét, màu sắc, hình khối, bố cục với tính năng hữu ích, có thể gắn liền với một đồ vật hữu ích, được sản xuất thủ công hoặc công nghiệp bao gồm: Thiết kế đồ họa (hình thức thể hiện của biểu trưng, bộ nhận diện và bao bì sản phẩm; hình thức thể hiện của nhân vật); thiết kế thời trang; thiết kế mang tính mỹ thuật gắn liền với tạo dáng sản phẩm; thiết kế nội thất, trang trí nội thất, ngoại thất mang tính mỹ thuật. Tác phẩm mỹ thuật ứng dụng được thể hiện dưới dạng tạo dáng sản phẩm mang tính mỹ thuật, không thể được tạo ra một cách dễ dàng đối với người có hiểu biết trung bình trong lĩnh vực tương ứng và không bao gồm tạo dáng bên ngoài của sản phẩm bắt buộc phải có để thực hiện chức năng của sản phẩm.
  • Tác phẩm nhiếp ảnh là tác phẩm thể hiện hình ảnh thế giới khách quan trên vật liệu bắt sáng hoặc trên phương tiện mà hình ảnh được tạo ra, hay có thể được tạo ra bằng các phương pháp hóa học, điện tử hoặc phương pháp kỹ thuật khác. Tác phẩm nhiếp ảnh có thể có chú thích hoặc không có chú thích.
  • Tác phẩm kiến trúc là tác phẩm thuộc loại hình kiến trúc, bao gồm:
    • Bản vẽ thiết kế kiến trúc về công trình hoặc tổ hợp các công trình, nội thất, phong cảnh;
    • Công trình kiến trúc.
  • Bản họa đồ, sơ đồ, bản đồ, bản vẽ bao gồm họa đồ, sơ đồ, bản đồ, bản vẽ liên quan đến địa hình, các loại công trình khoa học và kiến trúc.
  • Tác phẩm văn học, nghệ thuật dân gian bao gồm:
    • Tác phẩm văn học, nghệ thuật dân gian là các loại hình nghệ thuật ngôn từ;
    • Tác phẩm văn học, nghệ thuật dân gian là các loại hình nghệ thuật biểu diễn như chèo, tuồng, cải lương, múa rối, điệu hát, dân ca, làn điệu âm nhạc; điệu múa, dân vũ, vở diễn, trò chơi dân gian, lễ hội dân gian, hội làng, các hình thức nghi lễ dân gian khác.

Ngoài ra còn có quy định đăng ký Tác phẩm phái sinh

Tác phẩm phái sinh là tác phẩm được sáng tạo trên cơ sở một hoặc nhiều tác phẩm đã có, bao gồm:

  • Tác phẩm dịch là tác phẩm được thể hiện bằng ngôn ngữ khác với ngôn ngữ của tác phẩm được dịch.
  • Tác phẩm phóng tác là tác phẩm mô phỏng theo nội dung của tác phẩm được phóng tác, có thể được chuyển từ thể loại này sang thể loại khác hoặc sửa đổi trong cùng một thể loại, bao gồm cả sửa đổi bố cục tác phẩm để làm cho tác phẩm phù hợp với điều kiện khác nhau của việc khai thác, sử dụng.
  • Tác phẩm biên soạn là tác phẩm được soạn ra từ một phần hoặc toàn bộ các tác phẩm đã có theo chủ đề nhất định và có thể có bình luận, đánh giá.
  • Tác phẩm chú giải là tác phẩm được sáng tạo từ việc làm rõ nghĩa và nội dung một số từ, câu hoặc sự kiện, điển tích, địa danh nêu tại tác phẩm được chú giải.
  • Tác phẩm tuyển chọn là tác phẩm được chọn lọc từ các tác phẩm đã có của một hoặc nhiều tác giả theo thời gian hoặc chủ đề nhất định, bao gồm cả tác phẩm tuyển tập, hợp tuyển.
  • Tác phẩm cải biên là tác phẩm được soạn lại, viết lại, chuyển soạn lại hoặc thay đổi hình thức diễn đạt khác với tác phẩm được dùng để cải biên theo mục đích, yêu cầu nhất định trong trường hợp cụ thể.
  • Tác phẩm chuyển thể là tác phẩm được chuyển từ loại hình này sang loại hình khác hoặc tác phẩm được thể hiện bằng thủ pháp nghệ thuật khác với tác phẩm được chuyển thể trong cùng một loại hình.
  • Ngoài ra, các tác phẩm trên phải do tác giả trực tiếp sáng tạo bằng lao động trí tuệ của mình mà không sao chép từ tác phẩm của người khác.

Các đối tượng không thuộc phạm vi bảo hộ quyền tác giả

Căn cứ điều 8 nghị định 17/2023/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành luật sở hữu trí tuệ về quyền tác giả, quyền liên quan:

  • Tin tức thời sự thuần túy đưa tin là các thông tin báo chí ngắn hàng ngày, tin vặt, số liệu sự thật, chỉ mang tính chất đưa tin, không có tính sáng tạo.
  • Văn bản hành chính bao gồm văn bản của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp và đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân.
  • Quy trình, hệ thống, phương pháp hoạt động, khái niệm, nguyên lý, số liệu quy định được hiểu như sau:
    • Quy trình là trình tự phải tuân theo để tiến hành công việc;
    • Hệ thống là tập hợp nhiều yếu tố, đơn vị cùng loại hoặc cùng chức năng, có quan hệ hoặc liên hệ với nhau chặt chẽ, làm thành một thể thống nhất;
    • Phương pháp là cách thức nghiên cứu, nhìn nhận các hiện tượng của tự nhiên và đời sống xã hội;
    • Khái niệm là ý nghĩ phản ánh ở dạng khái quát các sự vật và hiện tượng của hiện thực và những mối liên hệ giữa chúng;
    • Nguyên lý là định luật cơ bản có tính chất tổng quát, chi phối một loạt hiện tượng, là những ý tưởng hoặc lý thuyết ban đầu quan trọng và được coi là xuất phát điểm cho việc xây dựng những lý thuyết khác.

Thời hạn bảo hộ quyền tác giả và các quyền liên quan đến quyền tác giả

Căn cứ theo Điều 27 Luật Sở hữu trí tuệ 2005, sửa đổi bổ sung tại Khoản 8 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật sở hữu trí tuệ 2009:

  • Quyền nhân thân của tác giả: Quyền đặt tên cho tác phẩm; Quyền đứng tên thật hoặc bút danh trên tác phẩm; được nêu tên thật hoặc bút danh khi tác phẩm được công bố, sử dụng; Quyền bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm, không cho người khác sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả được bảo hộ vô thời hạn.
  • Quyền công bố tác phẩm hoặc cho phép người khác công bố tác phẩm và quyền tài sản quy định có thời hạn bảo hộ sau:
    • Tác phẩm điện ảnh, nhiếp ảnh, mỹ thuật ứng dụng, tác phẩm khuyết danh có thời hạn bảo hộ là bảy mươi lăm năm, kể từ khi tác phẩm được công bố lần đầu tiên; đối với tác phẩm điện ảnh, nhiếp ảnh, mỹ thuật ứng dụng chưa được công bố trong thời hạn hai mươi lăm năm, kể từ khi tác phẩm được định hình thì thời hạn bảo hộ là một trăm năm, kể từ khi tác phẩm được định hình; đối với tác phẩm khuyết danh, khi các thông tin về tác giả xuất hiện thì thời hạn bảo hộ được tính theo quy định dưới đây;
    • Tác phẩm không thuộc loại hình quy định trên có thời hạn bảo hộ là suốt cuộc đời tác giả và 50 năm tiếp theo năm tác giả chết; trường hợp tác phẩm có đồng tác giả thì thời hạn bảo hộ chấm dứt vào năm thứ năm mươi sau năm đồng tác giả cuối cùng chết;
    • Thời hạn bảo hộ quy định trên chấm dứt vào thời điểm 24 giờ ngày 31 tháng 12 của năm chấm dứt thời hạn bảo hộ quyền tác giả.

Đăng ký bản quyền tác giả có lợi ích như thế nào?

  • Đăng ký bản quyền tác giả hay còn gọi là bảo hộ bản quyền tác giả, mục đích là nhằm đảm bảo cho người sáng tạo ra tác phẩm chống lại các hành vi sử dụng trái phép tác phẩm như: ăn trộm, sao chép, lạm dụng tác phẩm đó.
  • Trong trường hợp có tranh chấp xảy ra, Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả là bằng chứng tốt nhất chứng minh quyền sở hữu của tác giả đối với tác phẩm.
  • Nếu tác giả phát hiện có người sử dụng trái phép tác phẩm của mình, tác giả có thể yêu cầu người sử dụng đó ngừng sử dụng và có thể đòi bồi thường thiệt hại. Điều này chỉ có thể thực hiện được khi tác giả đã đăng ký bản quyền tác giả.
  • Giấy chứng nhận bản quyền tác giả là một loại giấy tờ chứng minh quyền sở hữu tác phẩm, được sử dụng khi định giá tài sản của công ty trong trường hợp cổ phần hóa, mua bán, sáp nhập doanh nghiệp.

Vì vậy, đăng ký bản quyền là một cách quan trọng để bảo vệ quyền lợi của tác giả và đảm bảo tác phẩm được sử dụng đúng cách.

Hồ sơ đăng ký quyền tác giả

Để đăng ký bản quyền tác giả, tác giả cần chuẩn bị các hồ sơ, tài liệu như sau:

  • Tờ khai đăng ký quyền tác giả (theo mẫu tương ứng tại Thông tư 08/2023/TT-BVHTTDL ngày 02 tháng 06 năm 2023 Thông tư quy định các mẫu trong hoạt động đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan).
    • Tờ khai phải được làm bằng tiếng Việt và do chính tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan hoặc người được ủy quyền nộp hồ sơ ký tên. Tờ khai cần ghi đầy đủ thông tin về người nộp hồ sơ, tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả hoặc chủ sở hữu quyền liên quan. Tờ khai cần có tóm tắt nội dung tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình hoặc chương trình phát sóng; tên tác giả, tác phẩm được sử dụng làm tác phẩm phái sinh nếu tác phẩm đăng ký là tác phẩm phái sinh; thời gian, địa điểm, hình thức công bố; cam đoan về trách nhiệm đối với các thông tin ghi trong đơn.
  • Hai bản sao tác phẩm đăng ký bản quyền tác giả:
    • 01 bản lưu tại Cục Bản quyền tác giả. 01 bản đóng dấu ghi số Giấy chứng nhận đăng ký gửi trả lại cho chủ thể được cấp Giấy chứng nhận đăng ký.
    • Đối với những tác phẩm có đặc thù riêng như tranh, tượng, tượng đài, phù điêu, tranh hoành tráng gắn với công trình kiến trúc; tác phẩm có kích thước quá lớn, cồng kềnh bản sao tác phẩm đăng ký được thay thế bằng ảnh chụp không gian ba chiều.

+ Với tác phẩm viết: 02 quyển trên giấy A4 có đánh số trang và chữ ký của tác giả vào từng trang hoặc dấu giáp lai công ty;

+ Với chương trình máy tính: 02 bản in mã nguồn + giao diện phần mềm trên giấy A4 + 02 đĩa CD có nội dung mã nguồn và giao diện trên đó;

+ Đối với tác phẩm mỹ thuật ứng dụng: 02 bản in trên giấy A4 tác phẩm có chữ ký hoặc dấu của tác giả, chủ sở hữu tác phẩm;

+ Đối với tác phẩm âm nhạc: 02 bản in phần nhạc + lời hoặc bản ghi âm (thu âm) trong trường hợp đã ghi âm;

+ Đối với tác phẩm kiến trúc: 02 bản vẽ trên giấy A3

  • Giấy uỷ quyền hoặc hợp đồng ủy quyền, nếu người nộp đơn là người được ủy quyền, mẫu do Luật Mai Sơn soạn hoặc cung cấp; Trường hợp bên ủy quyền là cá nhân thì văn bản ủy quyền phải được chứng thực theo quy định của pháp luật.
  • Tài liệu chứng minh quyền nộp đơn;
  • Văn bản đồng ý của các đồng tác giả, nếu tác phẩm có đồng tác giả;
  • Văn bản đồng ý của các đồng chủ sở hữu, nếu quyền tác giả thuộc sở hữu chung.
  • Chứng minh nhân dân công chứng của tác giả, chủ sở hữu tác phẩm;
  • Bản sao công chứng Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp của công ty (nếu chủ sở hữu là công ty).

Tất cả các tài liệu nộp kèm đơn đăng ký quyền tác giả phải được làm bằng tiếng Việt. Trường hợp làm bằng tiếng nước ngoài thì phải được dịch ra tiếng Việt và có công chứng/chứng thực. Các tài liệu gửi kèm hồ sơ nếu là bản sao phải có công chứng, chứng thực.

Trường hợp quý khách hàng sử dụng dịch vụ của công ty Luật Mai Sơn, chúng tôi sẽ chuẩn bị, soạn thảo toàn bộ hồ sơ, tài liệu cần thiết để thực hiện đăng ký bản quyền tác giả.

Thủ tục đăng ký quyền tác giả

Thủ tục đăng ký bản quyền tác giả được thực hiện theo các bước như sau:

Bước 1: Xác định thể loại tác phẩm đăng ký

Sau khi hoàn thiện tác phẩm, chủ sở hữu, tác giả thực hiện xác định thể loại tác phẩm dự định đăng ký bản quyền.

Bước 2: Chuẩn bị hồ sơ đăng ký bản quyền tác giả

Sau khi xác định được loại hình tác phẩm dự định đăng ký bản quyền, Chủ sở hữu, tác giả tác phẩm tiến hành soạn thảo hồ sơ đăng ký bản quyền theo quy định.

Bước 3: Soạn thảo Hồ sơ đăng ký quyền tác giả

Nội dung hồ sơ cần chuẩn bị như đã giới thiệu ở trên.

 Bước 4: Nộp hồ sơ đăng ký bản quyền tác giả

Nộp trực tiếp tại Cục Bản quyền tác giả tại các địa chỉ sau:

  • Cục Bản quyền tác giả: Số 33 Ngõ 294/2 Kim Mã, Ba Đình, Hà Nội, TP. Hà Nội.
  • Văn phòng đại diện tại TP. Hồ Chí Minh: Số 170 Nguyễn Đình Chiểu, P. 6, Q. 3, TP. Hồ Chí Minh.
  • Văn phòng đại diện tại TP. Đà Nẵng: Số 58 Phan Chu Trinh, Quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng.

Nộp qua đường bưu điện đến các địa chỉ: Cục Bản quyền tác giả: Số 33 Ngõ 294/2 Kim Mã, Ba Đình, Hà Nội, TP. Hà Nội.

Nộp trực tuyến: Cổng dịch vụ công trực tuyến: http://dichvucong.gov.vn/

Bước 5: Cục Bản quyền tác giả thẩm định cấp Giấy chứng nhận

  • Trong thời gian 30 ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ được nộp và được Cục bản quyền tác giả chấp nhận hợp lệ, Cục Bản quyền tác giả cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả cho người nộp hồ sơ. Trường hợp hồ sơ thiếu, sai sót cần điều chỉnh Cục Bản quyền tác giả sẽ có thông báo
  • Trong trường hợp từ chối thì Cục Bản quyền tác giả phải thông báo bằng văn bản cho người nộp hồ sơ.
  • Tổ chức, cá nhân có thời hạn tối đa 01 tháng kể từ ngày nhận được thông báo để sửa đổi, bổ sung hồ sơ, trừ trường hợp xảy ra sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan theo quy định của pháp luật. Trường hợp tổ chức, cá nhân không sửa đổi, bổ sung hồ sơ hoặc đã sửa đổi, bổ sung mà hồ sơ vẫn chưa hợp lệ thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền trả lại hồ sơ cho tổ chức, cá nhân;

Cách thức nộp hồ sơ đăng ký quyền tác giả

  • Tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan có thể trực tiếp nộp hồ sơ đăng ký bản quyền.
  • Thông qua Tổ chức Đại diện Sở hữu trí tuệ nộp đơn đăng ký bản quyền tác giả.

Khó khăn trong quá trình bảo hộ quyền tác giá trên thực tế

Ở nước ta hiện nay vấn đề bảo hộ quyền tác giả nói chung còn rất yếu kém. Việc đánh giá để cấp giấy chứng nhận đăng ký bản quyền tác giả được thực hiện trên cơ sở cam kết của chính tác giả của logo đó, chưa có hệ thống đồng bộ để quản lý và tra cứu khả năng logo đăng ký có phải là phiên bản sao chép của logo khác hay không, đặc biệt là trong trường hợp tác giả của logo chưa công bố tác phẩm.

Việc đăng ký bảo hộ bản quyền tác giả không phải là thủ tục bắt buộc để được hưởng quyền tác giả và nó cũng không phải là cơ sở xác lập quyền tác giả; tác phẩm dù có đăng ký hay không đăng ký quyền tác giả đều được hưởng sự bảo hộ như nhau.

Quyền tác giả được xác lập chưa mang tính tuyệt đối nên khâu thực thi, bảo vệ quyền chưa triệt để. Vấn đề sao chép logo diễn biến phức tạp, khó chứng minh được thế nào, mức độ nào là hành vi vi phạm bản quyền.

Ngoài ra đối với tác phẩm mỹ thuật ứng dụng có thể bảo hộ dưới hình thức đăng ký nhãn hiệu

Đây là thủ tục bảo hộ đảm bảo quyền sở hữu mạnh nhất hiện nay về mặt pháp lý cho chủ sở hữu logo (tác phẩm mỹ thuật ứng dụng). Nội dung bảo hộ đăng ký nhãn hiệu: bảo hộ cả nội dung chữ và nội dung hình (nếu logo có bao gồm chữ), chống lại được hành vi sử dụng logo tương tự gây nhầm lẫn cho dù không bị trùng 100%. Nhãn hiệu có quy định chặt chẽ về các trường hợp trùng, gây nhầm lẫn để đánh giá mức độ vi phạm khi bị sao chép sử dụng mà không xin phép.