5 điều kiện chuyển vốn đầu tư ra nước ngoài 

5 điều kiện chuyển vốn đầu tư ra nước ngoài

Ngày 15/11/2017, Chính phủ ban hành Nghị định số 124/2017/NĐ-CP quy định về đầu tư ra nước ngoài trong hoạt động dầu khí. Một trong những nội dung được quan tâm của Nghị định là hình thức góp vốn và điều kiện để các nhà đầu tư được chuyển vốn đầu tư ra nước ngoài thực hiện hoạt động đầu tư.

Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2018 và thay thế Nghị định số 121/2007/NĐ-CP

5 hình thức góp vốn

Theo Nghị định, các nhà đầu tư thực hiện góp vốn đầu tư theo 5 hình thức là: Góp vốn theo hình thức gọi vốn của người điều hành dự án; góp vốn vào công ty liên doanh điều hành chung, công ty điều hành; mua cổ phần của công ty sở hữu một phần hoặc toàn bộ dự án dầu khí; góp vốn theo hình thức cho công ty điều hành vay vốn; các hình thức khác theo quy định của pháp luật nước tiếp nhận đầu tư hoặc do Thủ tướng Chính phủ quyết định.

Nhà đầu tư góp vốn thực hiện dự án dầu khí nước ngoài trong hạn mức vốn đầu tư ra nước ngoài ghi trong giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài, trong đó bao gồm cả phần thay đổi so với vốn đầu tư ra nước ngoài đã đăng ký. Trường hợp nhà đầu tư có các khoản thu nhập từ việc đầu tư vốn cho dự án, nhà đầu tư phải thực hiện các thủ tục kê khai và nộp thuế thu nhập (nếu có) đối với các khoản thu nhập này theo quy định của pháp luật về thuế.

Vốn đầu tư ra nước ngoài thể hiện dưới 5 hình thức là: Ngoại tệ trên tài khoản tại tổ chức tín dụng được phép hoặc mua tại tổ chức tín dụng được phép hoặc ngoại hối từ nguồn vốn hợp pháp khác theo quy định của pháp luật; đồng Việt Nam phù hợp với pháp luật về quản lý ngoại hối của Việt Nam; máy móc, thiết bị, vật tư, nguyên liệu, nhiên liệu, hàng hoá thành phẩm, hàng hoá bán thành phẩm; giá trị quyền sở hữu công nghiệp, bí quyết kỹ thuật, quy trình công nghệ, dịch vụ kỹ thuật, quyền sở hữu trí tuệ, thương hiệu; các tài sản hợp pháp khác.

Điều kiện để chuyển vốn đầu tư ra nước ngoài

Chính phủ quy định rõ về 5 điều kiện để các nhà đầu tư được phép chuyển vốn đầu tư ra nước ngoài thực hiện hoạt động đầu tư, đó là:

Thứ nhất, nhà đầu tư được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài, trừ trường hợp quy định tại khoản 1 và khoản 4 Điều 5 Nghị định này.

Thứ hai, dự án dầu khí đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền của nước tiếp nhận đầu tư chấp thuận theo quy định của pháp luật nước tiếp nhận đầu tư. Trường hợp pháp luật của nước tiếp nhận đầu tư không quy định về việc cấp phép đầu tư hoặc chấp thuận đầu tư, nhà đầu tư phải có tài liệu chứng minh quyền hoạt động đầu tư tại nước tiếp nhận đầu tư.

Thứ ba, các nhà đầu tư phải có tài khoản vốn theo quy định tại Điều 63 của Luật đầu tư.

Thứ tư, nhà đầu tư tự chịu trách nhiệm đối với việc chuyển vốn đầu tư ra nước ngoài, đảm bảo đúng mục đích, đúng thời hạn và tuân thủ các quy định của hợp đồng dầu khí, hợp đồng mua bán cổ phần…

Thứ năm, nhà đầu tư chuyển vốn đầu tư ra nước ngoài thông qua tài khoản vốn đầu tư trực tiếp ra nước ngoài sau khi được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xác nhận đăng ký giao dịch ngoại hối liên quan đến đầu tư ra nước ngoài theo quy định tại Điều 21 Nghị định này.

Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2018 và thay thế Nghị định số 121/2007/NĐ-CP ngày 25/7/2007 của Chính phủ quy định về đầu tư trực tiếp ra nước ngoài trong hoạt động dầu khí và Nghị định số 17/2009/NĐ-CP ngày 16/02/2009 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 121/2007/NĐ-CP ngày 25/7/2007 của Chính phủ.

Riêng với trường hợp các giấy phép đầu tư, giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài đã được cấp có ghi thời hạn, khi hết thời hạn ghi trong giấy phép đầu tư hoặc giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài và nhà đầu tư vẫn có nhu cầu đầu tư mà không thay đổi nội dung khác của dự án đầu tư, nhà đầu tư đề nghị với Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét cấp lại giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài.