Điều kiện thành lập công ty kinh doanh nhà hàng
Khi điều kiện kinh tế ngày càng phát triển và thu nhập người dân ngày càng được cải thiện, nâng cao thì nhu cầu của con người về việc thưởng thức những món ăn ngon, đẹp mắt, độc lạ và bổ dưỡng ngày càng lớn. Bởi vậy, kinh doanh nhà hàng là ngành dịch vụ đang rất phát triển và thu hút nhiều nhà đầu tư. Tuy nhiên để thành lập công ty kinh doanh nhà hàng, các nhà đầu tư cần lưu ý điều kiện thành lập. Trong bài viết dưới đây, Luật Mai Sơn sẽ giải đáp cho các nhà đầu tư điều kiện thành lập công ty kinh doanh nhà hàng.
Căn cứ pháp lý
- Biểu cam kết của Việt Nam trong WTO.
- Luật Doanh nghiệp năm 2020.
- Luật An toàn thực phẩm năm 2010.
- Nghị định số 67/2016/NĐ-CP quy định về điều kiện sản xuất, kinh doanh thực phẩm thuộc lĩnh vực quản lý chuyên ngành của Bộ Y tế.
- Nghị định số 105/2017/NĐ-CP về kinh doanh rượu, sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 17/2020/NĐ-CP.
- Nghị định số 15/2018/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm.
- Nghị định 08/2022/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường.
- Nghị định 136/2020/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng cháy chữa cháy và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy chữa cháy.
- Nghị định số 01/2021/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp
Kinh doanh nhà hàng là gì?
Nhà hàng là nơi chuyên bán, cung cấp các loại đồ ăn, thức uống cho khách hàng để kiếm lời. Mỗi nhà hàng đều đa dạng và phong phú với các loại đồ ăn, đồ uống khác nhau nhằm thỏa mãn nhu cầu của khách hàng. Kinh doanh ăn uống là quá trình vận hành các trang thiết bị, từ quản lý, giám sát, lễ tân, nhân viên phục vụ, thu ngân đến bộ phận bếp. Mỗi bộ phận đảm nhiệm một vai trò khác nhau và được đào tạo theo quy trình để đáp ứng tiêu chuẩn dịch vụ nhà hàng. Điều này nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ, mang lại trải nghiệm tốt nhất cho khách hàng, đồng thời mang lại doanh thu và lợi nhuận cao nhất cho nhà hàng.
Điều kiện tiếp cận thị trường đối với dịch vụ kinh doanh nhà hàng
Theo cam kết của Việt Nam trong WTO
- Việt Nam khi gia nhập WTO đã cam kết mở cửa cho nhà đầu tư nước ngoài tiếp cận thị trường đối với kinh doanh nhà hàng ở Việt Nam cho các phân ngành: dịch vụ cung cấp thức ăn (CPC 642) và đồ uống (CPC 643)
- Việt Nam không hạn chế tiếp cận thị trường trong hiện diện thương mại ngành “dịch vụ cung cấp thức ăn (CPC 642) và đồ uống (CPC 643)”, không hạn chế tiếp cận thị trường ngoại trừ trong vòng 8 năm kể từ ngày gia nhập, việc cung cấp dịch vụ cần tiến hành song song với đầu tư xây dựng, nâng cấp, cải tạo hoặc mua lại nhà hàng, sau đó không hạn chế.
Như vậy, hiện nay nhà đầu tư nước ngoài có thể thành lập công ty kinh doanh nhà hàng ở Việt Nam mà không chịu bất kỳ hạn chế tiếp cận thị trường nào theo cam kết của WTO. Các điều kiện thành lập được áp dụng trong trường hợp này là tương tự đối với nhà đầu tư trong nước.
Điều kiện thành lập công ty kinh doanh nhà hàng theo quy định của pháp luật Việt Nam
Điều kiện về đăng ký kinh doanh
Hoạt động kinh doanh nhà hàng là hoạt động có địa điểm cố định và mang tính thường xuyên nên không thuộc các trường hợp kinh doanh không phải đăng ký quy định tại Khoản 2 Điều 79 Nghị định số 01/2021/NĐ-CP. Vì vậy, nhà đầu tư có mong muốn kinh doanh dịch vụ này hợp pháp thì bắt buộc phải đăng ký kinh doanh.
Điều kiện đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy
- Căn cứ Nghị định số 136/2020/NĐ-CP quy định về phòng cháy chữa cháy. Tùy vào tổng diện tích kinh doanh hoặc khối tích mà chủ nhà hàng xác định cơ sở bên mình thuộc diện quản lý về phòng cháy và chữa cháy hay cơ sở có nguy hiểm về cháy nổ.
- Đặc biệt, đối với nhà hàng có tổng diện tích kinh doanh từ 300 m2 trở lên hoặc tổng khối tích từ 3000m³ trở lên đã bắt đầu phải đáp ứng các điều kiện nghiêm ngặt đặt ra tại Điều 5 của Nghị định.
Như vậy, tùy thuộc vào quy mô kinh doanh mà chủ nhà hàng cần phải thực hiện các công việc kiểm tra, huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ theo danh mục cơ sở tương ứng đảm bảo đáp ứng các điều kiện an toàn về phòng cháy chữa cháy theo quy định.
Điều kiện về an toàn vệ sinh thực phẩm
Khoản 10 Điều 5 Luật an toàn vệ sinh thực phẩm 2010 quy định hành vi cấm sản xuất, kinh doanh thực phẩm tại cơ sở không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật.
Căn cứ Khoản 1 Điều 11 Nghị định số 15/2018/NĐ-CP quy định các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm phải có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm khi hoạt động kinh doanh thực phẩm, ăn uống. Ngoại trừ những nhà hàng kinh doanh thực phẩm không có địa điểm cố định; nhà hàng trong khách sạn thì sẽ không thuộc diện cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm.
Để công ty kinh doanh nhà hàng sở hữu giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm phải đáp ứng các tiêu chí sau:
- Có đủ điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm phù hợp với từng loại hình sản xuất, kinh doanh thực phẩm theo quy định.
- Có đăng ký ngành, nghề kinh doanh thực phẩm trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.
Điều kiện về nơi chế biến, kinh doanh nhà hàng
- Bếp ăn được bố trí bảo đảm, không nhiễm chéo giữa thực phẩm chưa qua chế biến và thực phẩm đã qua chế biến
- Có đủ nước đạt quy chuẩn kỹ thuật phục vụ việc chế biến, kinh doanh.
- Cống rãnh ở khu vực cửa hàng, nhà bếp phải thông thoát, không ứ đọng
- Nhà ăn phải thoáng mát, đủ ánh sáng, duy trì chế độ vệ sinh sạch sẽ, có biện pháp để ngăn ngừa côn trùng và động vật gây hại
- Có thiết bị bảo quản thực phẩm, nhà vệ sinh, rửa tay và thu dọn chất thải, rác thải hàng ngày sạch sẽ.
- Người đứng đầu đơn vị có bếp ăn tập thể có trách nhiệm đảm đảm an toàn thực phẩm.
- Dụng cụ nấu nướng, chế biến phải đảm bảo an toàn vệ sinh.
- Dụng cụ ăn uống phải được làm bằng vật liệu an toàn rửa sạch, giữ khô.
- Tuân thủ quy định về sức khỏe, kiến thức và thực hành của người trực tiếp sản xuất, kinh doanh thực phẩm.
Điều kiện trong chế biến và bảo quản thực phẩm
- Sử dụng thực phẩm, nguyên liệu thực phẩm phải rõ nguồn gốc và đảm đảm an toàn, lưu mẫu thức ăn
- Thực phẩm phải được chế biển bảo đảm an toàn, hợp vệ sinh.
- Thực phẩm bày bán phải để trong tủ kính hoặc thiết bị bảo quản hợp vệ sinh, chống được bụi, mưa, nắng và sự xâm nhập của côn trùng và động vật gây hại; được bày bán trên bàn hoặc giá cao hơn mặt đất.
Điều kiện về người trực tiếp tham gia chế biến thức ăn
- Giấy xác nhận đủ sức khoẻ của chủ cơ sở và người trực tiếp sản xuất, kinh doanh thực phẩm do cơ sở y tế cấp huyện trở lên cấp; phiếu báo kết quả cấy phân âm tính mầm bệnh gây bệnh đường ruột (tả, lỵ trực khuẩn và thương hàn) của người trực tiếp sản xuất thực phẩm đối với những vùng có dịch bệnh tiêu chảy đang lưu hành theo công bố của Bộ Y tế.
- Giấy xác nhận kiến thức về an toàn thực phẩm của chủ cơ sở và người trực tiếp sản xuất, kinh doanh thực phẩm (bản sao có xác nhận của cơ sở);
Một số giấy phép liên quan đến kinh doanh nhà hàng
Lập kế hoạch bảo vệ môi trường
Căn cứ Nghị định số 08/2022/NĐ-CP quy định tùy thuộc vào phương án sản xuất kinh doanh, quy mô công suất, tần suất lượng nước thải, chất thải, khí thải phát sinh…để xác định việc nhà hàng có thuộc đối tượng phải lập đăng ký kế hoạch bảo vệ môi trường theo quy định. Công ty có nhu cầu kinh doanh nhà hàng cần xem chi tiết các tiêu chí theo Nghị định số 08/2022/NĐ-CP.
Giấy phép bán lẻ rượu tiêu dùng
Đối với công ty kinh doanh nhà hàng có kinh doanh, bán lẻ rượu thì cần xin giấy phép bán lẻ rượu tiêu dùng.
Căn cứ theo Điều 19 Nghị định số 105/2017/NĐ-CP thì hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép bán lẻ rượu cần có:
- Đơn đề nghị cấp Giấy phép bán buôn rượu theo Mẫu số 01 ban hành theo Nghị định 105/2017/NĐ-CP)
- Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã hoặc hộ kinh doanh.
- Bản sao hợp đồng thuê/mượn hoặc tài liệu chứng minh quyền sử dụng hợp pháp cơ sở dự kiến làm địa điểm bán lẻ.
- Bản sao văn bản giới thiệu hoặc hợp đồng nguyên tắc của thương nhân sản xuất rượu, thương nhân phân phối rượu hoặc thương nhân bán buôn rượu.
Quý khách hàng có nhu cầu tư vấn về dịch vụ thành lập công ty kinh doanh nhà hàng, xin vui lòng liên hệ công ty luật Mai Sơn để được hỗ trợ hiệu quả nhất.