Việc thành lập cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài được thực hiện theo trình tự như thế nào?
Việc thành lập cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài được thực hiện theo trình tự như thế nào?
Cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài được quy định tại Điều 28 NGhị định 86/2018/NĐ – CP bao gồm các loại hình:
+ Cơ sở đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn.
+ Cơ sở giáo dục mầm non.
+ Cơ sở giáo dục phổ thông (trường tiểu học, trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông, trường phổ thông có nhiều cấp học).
+ Cơ sở giáo dục đại học.
+ Phân hiệu của cơ sở giáo dục đại học có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.
Căn cứ theo quy định tại Điều 31 NGhị định 86/2018/NĐ – CP thì tùy thuộc vào loại hình của cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài mà trình tự thành lập sẽ khác nhau, cụ thể:
– Việc cho phép thành lập cơ sở đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn có vốn đầu tư nước ngoài thực hiện theo trình tự sau đây:
+ Cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư;
+ Cấp quyết định cho phép hoạt động giáo dục và thông báo trên trang thông tin điện tử của cơ quan cấp phép.
– Việc cho phép cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài, tổ chức quốc tế liên chính phủ được phép hoạt động tại Việt Nam thành lập cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông thực hiện theo trình tự sau đây:
+ Cấp quyết định cho phép thành lập;
+ Cấp quyết định cho phép hoạt động giáo dục và thông báo trên trang thông tin điện tử của cơ quan cấp phép.
– Việc cho phép thành lập cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục đại học có vốn đầu tư nước ngoài thực hiện theo trình tự sau đây:
+ Cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư;
+ Cấp quyết định cho phép thành lập;
+ Cấp quyết định cho phép hoạt động giáo dục và thông báo trên trang thông tin điện tử của cơ quan cấp phép.
– Việc cho phép mở phân hiệu của cơ sở giáo dục đại học có vốn đầu tư nước ngoài thực hiện theo trình tự sau đây:
+ Cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư;
+ Cấp quyết định cho phép thành lập phân hiệu của cơ sở giáo dục đại học;
+ Cấp quyết định cho phép hoạt động và thông báo trên trang thông tin điện tử của cơ quan cấp phép.
Vốn đầu tư tối thiểu của cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài là bao nhiêu?
Căn cứ theo quy định tại Điều 35 NGhị định 86/2018/NĐ – CP có quy định về vốn đầu tư của cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài như sau:
Vốn đầu tư
1. Dự án đầu tư thành lập cơ sở giáo dục mầm non phải có suất đầu tư ít nhất là 30 triệu đồng/trẻ (không bao gồm các chi phí sử dụng đất). Tổng số vốn đầu tư ít nhất được tính toán căn cứ thời điểm có quy mô dự kiến cao nhất. Kế hoạch vốn đầu tư phải phù hợp với quy mô dự kiến của từng giai đoạn.
2. Dự án đầu tư thành lập cơ sở giáo dục phổ thông phải có suất đầu tư ít nhất là 50 triệu đồng/học sinh (không bao gồm các chi phí sử dụng đất). Tổng số vốn đầu tư ít nhất được tính toán căn cứ thời điểm có quy mô dự kiến cao nhất, nhưng không thấp hơn 50 tỷ đồng.
3. Dự án đầu tư thành lập cơ sở đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn phải có suất đầu tư ít nhất là 20 triệu đồng/học viên (không bao gồm các chi phí sử dụng đất). Tổng số vốn đầu tư ít nhất được tính toán căn cứ thời điểm có quy mô dự kiến cao nhất.
4. Dự án đầu tư thành lập cơ sở giáo dục đại học phải có tổng số vốn đầu tư tối thiểu là 1.000 tỷ đồng (không bao gồm các chi phí sử dụng đất). Tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài là chủ đầu tư dự án thực hiện việc chứng minh khả năng tài chính theo quy định của Luật đầu tư. Đến thời điểm thẩm định cho phép thành lập trường đại học, giá trị đầu tư phải thực hiện được trên 500 tỷ đồng.
5. Dự án đầu tư xin thành lập phân hiệu của cơ sở giáo dục đại học có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam phải có vốn đầu tư tối thiểu là 250 tỷ đồng (không bao gồm các chi phí sử dụng đất). Đến thời điểm thẩm định cho phép thành lập phân hiệu trường đại học, giá trị đầu tư phải thực hiện được trên 150 tỷ đồng.
6. Đối với các cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài không xây dựng cơ sở vật chất mới mà chỉ thuê lại hoặc do bên Việt Nam góp vốn bằng cơ sở vật chất sẵn có để triển khai hoạt động thì mức đầu tư ít nhất phải đạt 70% các mức quy định tại các khoản 1, 2, 3 và 4 Điều này.
Như vậy, tùy thuộc vào loại hình của cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài mà vốn đầu tư tối thiểu sẽ khác nhau.
Thẩm quyền cho phép thành lập cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài ra sao?
Căn cứ theo quy định tại Điều 40 NGhị định 86/2018/NĐ – CP thì những chủ thể sau có thẩm quyền cho phép thành lập cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài:
+ Thủ tướng Chính phủ quyết định cho phép thành lập cơ sở giáo dục đại học có vốn đầu tư nước ngoài.
+ Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết định cho phép thành lập cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông do cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài, tổ chức quốc tế liên chính phủ đề nghị.
+ Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định cho phép thành lập cơ sở giáo dục mầm non và cơ sở giáo dục phổ thông, trừ cơ sở giáo dục mầm non và cơ sở giáo dục phổ thông thuộc thẩm quyền của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.