Việc doanh nghiệp thông báo điều chỉnh giá trên trang thông tin điện tử có được xem là hình thức niêm yết giá theo quy định hay không?
Doanh nghiệp có được điều chỉnh giá hàng hóa, dịch vụ do mình sản xuất, kinh doanh hay không?
Căn cứ tại khoản 5 Điều 11 Luật giá 2012 về quyền của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh:
Quyền của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh
1. Tự định giá hàng hóa, dịch vụ do mình sản xuất, kinh doanh, trừ hàng hóa, dịch vụ thuộc Danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá.
2. Quyết định giá mua, giá bán hàng hóa, dịch vụ do mình sản xuất, kinh doanh mà Nhà nước quy định khung giá, giá tối đa, giá tối thiểu.
3. Đấu thầu, đấu giá, thoả thuận giá, hiệp thương giá và cạnh tranh về giá dưới các hình thức khác theo quy định của pháp luật khi mua, bán hàng hoá, dịch vụ.
4. Áp dụng nguyên tắc, căn cứ, phương pháp định giá do Nhà nước quy định để định giá hàng hóa, dịch vụ.
5. Điều chỉnh giá hàng hóa, dịch vụ do mình sản xuất, kinh doanh phù hợp với biến động của yếu tố hình thành giá.
6. Hạ giá bán hàng hóa, dịch vụ mà không bị coi là vi phạm pháp luật về cạnh tranh và pháp luật chống bán phá giá hàng nhập khẩu, đồng thời phải niêm yết công khai tại nơi giao dịch về mức giá cũ, mức giá mới, thời hạn hạ giá đối với các trường hợp sau:
a) Hàng tươi sống;
b) Hàng hóa tồn kho;
c) Hàng hóa, dịch vụ theo mùa vụ;
d) Hàng hóa, dịch vụ để khuyến mại theo quy định của pháp luật;
đ) Hàng hóa, dịch vụ trong trường hợp doanh nghiệp phá sản, giải thể; thay đổi địa điểm, ngành nghề sản xuất, kinh doanh;
e) Hàng hóa, dịch vụ khi thực hiện chính sách bình ổn giá của Nhà nước.
Như vậy, doanh nghiệp được quyền điều chỉnh giá hàng hóa, dịch vụ do mình sản xuất, kinh doanh phù hợp với biến động của yếu tố hình thành giá.
Trong đó, định giá được định nghĩa tại khoản 5 Điều 4 Luật giá 2012 là việc cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh quy định giá cho hàng hóa, dịch vụ.
Việc doanh nghiệp thông báo điều chỉnh giá có được xem là hình thức niêm yết giá theo quy định hay không?
Căn cứ tại Điều 6 Luật giá 2012 về công khai thông tin về giá
Công khai thông tin về giá
1. Cơ quan nhà nước thực hiện công khai chủ trương, chính sách, biện pháp quản lý, điều tiết, quyết định về giá của Nhà nước bằng một hoặc một số hình thức như họp báo, đăng tải trên phương tiện thông tin đại chúng hoặc hình thức thích hợp khác.
2. Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thực hiện công khai thông tin về giá hàng hóa, dịch vụ gắn với thông số kinh tế – kỹ thuật cơ bản của hàng hóa, dịch vụ đó bằng hình thức niêm yết giá. Đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc Danh mục hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn giá, Danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá, tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh lựa chọn thêm một hoặc một số hình thức như họp báo, đăng tải trên phương tiện thông tin đại chúng hoặc hình thức thích hợp khác.
3. Cơ quan thông tin, truyền thông có trách nhiệm đưa tin về giá chính xác, khách quan, trung thực và chịu trách nhiệm về việc đưa tin theo quy định của pháp luật.
4. Việc công khai thông tin về giá quy định tại Điều này không áp dụng đối với trường hợp thông tin không được phép công khai theo quy định của pháp luật.
Đối với quy định tại khoản 6 Điều 4 Luật giá 2012 thì:
6. Niêm yết giá là việc tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thông báo công khai bằng các hình thức thích hợp, rõ ràng và không gây nhầm lẫn cho khách hàng về mức giá mua, giá bán hàng hóa, dịch vụ bằng Đồng Việt Nam bằng cách in, dán, ghi giá trên bảng, trên giấy hoặc trên bao bì của hàng hóa hoặc bằng hình thức khác tại nơi giao dịch hoặc nơi chào bán hàng hóa, dịch vụ để thuận tiện cho việc quan sát, nhận biết của khách hàng, cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Như vậy, có thể thấy rằng, việc doanh nghiệp thông báo điều chỉnh giá trên trang thông tin điện tử có thể được xem là hình thức niêm yết giá theo quy định.
Mẫu thông báo điều chỉnh giá của doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ là mẫu nào?
Hiện nay, pháp luật Việt Nam không quy định cụ thể đối với thông báo điều chỉnh giá áp dụng với các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ.
Mặc dù vậy, mẫu thông báo điều chỉnh giá thường được gửi đến đối tượng mục tiêu là khách hàng do đó cần phải đảm bảo trang trọng, chuyên nghiệp và nên được bảo đảm tiêu chuẩn của một văn bản hành chính theo quy định tại .Nghị định 30/2020/NĐ -CP
Mẫu thông báo điều chỉnh giá có thể bao gồm một số nội dung sau:
– Thông tin đầy đủ tên của công ty, doanh nghiệp cung cấp hàng hóa, dịch vụ.
– Lời chào và lời cảm ơn đến khách hàng khi đã và đang sử dụng dịch vụ hoặc sản phẩm của công ty trong thời gian vừa qua.
– Lý do doanh nghiệp cần thực hiện việc điều chỉnh giá cho sản phẩm
– Thông tin cụ thể về việc điều chỉnh giá sản phẩm, dịch vụ: Sản phẩm hoặc dịch vụ nào sẽ điều chỉnh giá?
– Thời gian chính thức áp dụng việc điều chỉnh giá để khách hàng nắm được.
– Lời cảm ơn đối với khách hàng của doanh nghiệp.
– Chữ ký của giám đốc công ty theo con dấu pháp lý của công ty để xác thực thông báo điều chỉnh giá của doanh nghiệp.
Doanh nghiệp có thể tham khảo Mẫu thông báo điều chỉnh giá dưới đây:
Mẫu thông báo điều chỉnh giá của doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ.