Trường hợp trúng đấu thầu thực hiện dự án đầu tư có bắt buộc phải ký quỹ theo quy định hay không?
Đấu thầu là gì? Có những nguyên tắc nào trong thực hiện dự án đầu tư?
Đấu thầu là gì?
Theo quy định tại khoản 8 Điều 4 Luật Đấu thầu 2023 thì:
Đấu thầu là quá trình lựa chọn nhà thầu để ký kết, thực hiện hợp đồng cung cấp dịch vụ tư vấn, dịch vụ phi tư vấn, mua sắm hàng hóa, xây lắp, lựa chọn nhà đầu tư để ký kết, thực hiện hợp đồng dự án đầu tư kinh doanh trên cơ sở bảo đảm cạnh tranh, công bằng, minh bạch, hiệu quả kinh tế và trách nhiệm giải trình.
Trong đó, theo quy định tại khoản 4, 5 Điều 4 Luật Đấu thầu 2023
Dịch vụ tư vấn là một hoặc một số hoạt động dịch vụ bao gồm:
– Lập, đánh giá báo cáo quy hoạch, tổng sơ đồ phát triển, kiến trúc; khảo sát, lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư, hồ sơ đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư, báo cáo nghiên cứu khả thi, báo cáo kinh tế – kỹ thuật, báo cáo đánh giá tác động môi trường;
– Khảo sát, lập thiết kế, dự toán;
– Tư vấn đấu thầu;
– Tư vấn thẩm tra, thẩm định;
– Tư vấn giám sát; tư vấn quản lý dự án;
– Tư vấn thu xếp tài chính; kiểm toán và các dịch vụ tư vấn khác.
Dịch vụ phi tư vấn là một hoặc một số hoạt động dịch vụ bao gồm:
– Logistics, bảo hiểm, quảng cáo, nghiệm thu chạy thử, chụp ảnh vệ tinh; in ấn;
– Vệ sinh;
– Truyền thông;
– Sửa chữa, bảo trì, bảo dưỡng và hoạt động dịch vụ khác không phải là dịch vụ tư vấn quy định tại khoản 4 Điều 4 Luật Đấu thầu 2023
Có những nguyên tắc nào trong thực hiện dự án đầu tư?
Nguyên tắc thực hiện dự án đầu tư được quy định tại Điều 42 Luật Đầu tư 2020, cụ thể như sau:
– Đối với dự án đầu tư thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư, việc chấp thuận chủ trương đầu tư phải được thực hiện trước khi nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư.
– Đối với dự án đầu tư thuộc diện cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, nhà đầu tư có trách nhiệm thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư trước khi thực hiện dự án đầu tư.
– Nhà đầu tư có trách nhiệm tuân thủ quy định của Luật Đầu tư 2020, pháp luật về quy hoạch, đất đai, môi trường, xây dựng, lao động, phòng cháy và chữa cháy, quy định khác của pháp luật có liên quan, văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư (nếu có) và Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (nếu có) trong quá trình triển khai thực hiện dự án đầu tư.
Trường hợp trúng đấu thầu thực hiện dự án đầu tư có bắt buộc phải ký quỹ theo quy định hay không?
Căn cứ khoản 1 Điều 43 Luật Đầu tư 2020 quy định về bảo đảm thực hiện dự án đầu tư như sau:
Bảo đảm thực hiện dự án đầu tư
1. Nhà đầu tư phải ký quỹ hoặc phải có bảo lãnh ngân hàng về nghĩa vụ ký quỹ để bảo đảm thực hiện dự án đầu tư có đề nghị Nhà nước giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, trừ các trường hợp sau đây:
a) Nhà đầu tư trúng đấu giá quyền sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất thu tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê;
b) Nhà đầu tư trúng đấu thầu thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất;
c) Nhà đầu tư được Nhà nước giao đất, cho thuê đất trên cơ sở nhận chuyển nhượng dự án đầu tư đã thực hiện ký quỹ hoặc đã hoàn thành việc góp vốn, huy động vốn theo tiến độ quy định tại văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư;
d) Nhà đầu tư được Nhà nước giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư trên cơ sở nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất của người sử dụng đất khác.
Như vậy trong trường hợp nhà đầu tư trúng đấu thầu thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất thì không cần phải ký quỹ hoặc phải có bảo lãnh ngân hàng về nghĩa vụ ký quỹ để bảo đảm thực hiện dự án đầu tư có đề nghị Nhà nước giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất.
Tóm lại, không phải mọi trường hợp trúng đấu thầu thực hiện dự án đầu tư đều phải kỹ quỹ.
Cơ quan nào là cơ quan đầu mối giúp Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước đối với hoạt động đấu thầu?
Đối chiếu với quy định tại khoản 2 Điều 84 Luật Đấu thầu 2023 về trách nhiệm quản lý nhà nước về đấu thầu
Theo đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan đầu mối giúp Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước đối với hoạt động đấu thầu và có quyền hạn, trách nhiệm sau đây:
– Xây dựng, ban hành hoặc trình cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật về đấu thầu theo thẩm quyền;
– Xây dựng, quản lý Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia và sản phẩm báo chí về đấu thầu để phục vụ hoạt động đấu thầu qua mạng, công khai thông tin về lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư theo quy định của Luật này;
– Xây dựng, quản lý cơ sở dữ liệu quốc gia về nhà đầu tư, nhà thầu, bao gồm kết quả thực hiện hợp đồng, chất lượng hàng hóa đã sử dụng theo quy định của Chính phủ;
– Quy định về đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, nghiệp vụ chuyên môn về đấu thầu cho người làm công tác đấu thầu; quy định về việc thi, cấp, thu hồi chứng chỉ nghiệp vụ chuyên môn về đấu thầu;
– Thanh tra, kiểm tra hoạt động đấu thầu;
– Thực hiện quyền hạn, trách nhiệm khác về quản lý nhà nước đối với hoạt động đấu thầu được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.