Tính sáng tạo của sáng chế
Xã hội ngày càng phát triển, kéo theo đó là nhu cầu sáng tạo, tạo ra các phát minh ngày càng tăng cao. Để bảo vệ cho thành quả sáng tạo của mình thì bắt buộc chủ sở hữu phát minh đó sẽ phải yêu cầu bảo hộ đối với sản phẩm của mình. Theo đó, sáng chế sẽ được bảo hộ theo hình thức bằng độc quyền sáng chế nếu đáp ứng được các điều kiện về tính sáng tạo, tính mới và khả năng áp dụng công nghiệp. Còn bằng độc quyền giải pháp hữu ích sẽ được cấp cho những sản phẩm có tính mới và có khả năng áp dụng công nghiệp. Cả hai hình thức này chỉ khác nhau ở một điểm, đó là về tính sáng tạo. Vậy tính sáng tạo của sáng chế là gì? Để giải đáp thắc mắc của quý khách hàng, công ty luật Mai Sơn đưa ra bài viết về tính sáng tạo của sáng chế dưới đây.
Cơ sở pháp lý
- Luật Sở hữu trí tuệ 2005 sửa đổi, bổ sung năm 2009, 2019, 2022.
- Thông tư số 01/2007/TT-BKHCN quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ về sở hữu công nghiệp.
- Thông tư số 16/2016/TT-BKHCN sửa đổi bổ sung một số điều của Thông tư số 01/2007/TT-BKHCN.
Sáng chế là gì?
Theo quy định của pháp luật sở hữu trí tuệ hiện hành, sáng chế là một giải pháp kỹ thuật sáng tạo dưới dạng sản phẩm hoặc quy trình được tạo ra nhằm giải quyết một vấn đề xác định bằng việc ứng dụng các quy luật tự nhiên. Theo đó, sáng chế là một quá trình sáng tạo và nghiên cứu mang tính đột phá và đem lại lợi ích cho xã hội.
Tại sao nên đăng ký sáng chế?
Sáng chế cần phải được đăng ký bảo hộ vì những lý do sau:
- Đăng ký bảo hộ sáng chế sẽ thể hiện tính độc quyền sở hữu của chủ sở hữu đối với sáng chế của mình. Theo đó, bất kỳ một sản phẩm trí tuệ nào cũng là thành phẩm của con người và có giá trị. Vì thế đăng ký văn bằng bảo hộ sáng chế là cách tốt nhất để xác lập quyền sở hữu độc quyền của chủ sở hữu đối với sáng chế đó từ đó tránh được việc bị sử dụng sáng chế trái phép.
- Đăng ký bảo hộ là cơ sở thực hiện quyền đối với sáng chế. Dựa trên điều đó, chủ sở hữu được độc quyền trực tiếp khai thác sáng chế. Trường hợp nếu không trực tiếp khai thác sáng chế thì chủ sở hữu có quyền cấp li-xăng cho một hoặc nhiều doanh nghiệp mong muốn khai thác sáng chế đó để thu tiền từ hoạt động này.
- Đây là cơ sở để yêu cầu bảo vệ quyền đối với sáng chế. Sáng chế nói riêng và các đối tượng sở hữu trí tuệ nói chung luôn là đích đến để xâm phạm của nhiều chủ thể trong nền kinh tế cạnh tranh ngày càng khắc nghiệt hiện nay. Cho nên nếu không đăng ký bảo hộ có thể làm ảnh hưởng lớn đến việc khai thác quyền đối với sáng chế của chủ sở hữu.
Vậy nên, khi đã đăng ký bảo hộ đối với sáng chế, dựa trên cơ sở văn bằng bảo hộ trong tay thì chủ sở hữu có thể yêu cầu cơ quan có thẩm quyền xử lý hành vi xâm phạm quyền đối với sáng chế của các đối thủ kinh doanh kia.
Ngược lại nếu như sáng chế chưa được đăng ký có thể dẫn đến một tranh chấp dài và căng thẳng gây ảnh hưởng đến lợi ích của bên chủ sở hữu. Điều này sẽ càng khó khăn hơn khi bên đối thủ nhanh tay hơn trong việc đi đăng ký bảo hộ cho sáng chế dưới tên mình.
Điều kiện bảo hộ của sáng chế
Theo quy định tại Điều 58 Luật Sở hữu trí tuệ, để có thể được bảo hộ dưới hình thức cấp bằng độc quyền sáng chế sẽ phải đáp ứng được đầy đủ ba điều kiện:
- Sáng chế có tính mới
- Trình độ sáng tạo của sáng chế
- Có khả năng áp dụng công nghiệp
Tính sáng tạo của sáng chế là gì?
Trình độ sáng tạo của sáng chế được coi là điều kiện có tính quyết định để có thể xem xét sáng chế đó có được bảo hộ độc quyền hay không. Căn cứ tại Điều 61 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 sửa đổi, bổ sung năm 2009, 2019, 2022 có quy định như sau:
- Trình độ sáng tạo của sáng chế sẽ được đánh giá dựa trên cơ sở so sánh với các giải pháp kỹ thuật đã được bộc lộ công khai dưới hình thức sử dụng, mô tả bằng văn bản hoặc dưới bất kỳ hình thức nào khác ở trong nước hoặc nước ngoài trước ngày nộp đơn hoặc trong trường hợp sáng chế được quyền ưu tiên thì sẽ là ngày ưu tiên của đơn sáng chế đó.
- Sáng chế không đáp ứng được điều kiện về trình độ sáng tạo và không được bảo hộ là sáng chế chỉ chưa đựng sự cải tiến không đáng kể trong lĩnh vực kỹ thuật tương tự hoặc những dấu hiệu tạo nên sự khác biệt có thể suy luận từ những thứ đang tồn tại bởi những người có hiểu biết trung bình về lĩnh vực tương ứng với sáng chế đó.
Tại Mục 25.6 Thông tư số 16/2016/TT-BKHCN sửa đổi bổ sung một số điều của Thông tư số 01/2007/TT-BKHCN đánh giá trình độ sáng tạo qua những yếu tố như sau:
Nguồn thông tin tối thiểu bắt buộc
Khi đánh giá trình độ sáng tạo của sáng chế thì ít nhất phái tiến hành tra cứu thông tin trong nguồn bắt buộc nhưng không chỉ giới hạn việc tra cứu ở nguồn tối thiểu đó. Nguồn thông tin bắt buộc có thể được hiểu như sau:
- Tất cả các đơn đăng ký sáng chế đã được Cục Sở hữu trí tuệ tiếp nhận có cùng chỉ số phân loại với chỉ số phân loại của đối tượng nêu trong đơn đang được thẩm định được tính đến chỉ số ố hạng thứ bavà có ngày công bố sớm hơn ngày nộp đơn hoặc ngày ưu tiên của đơn đang được thẩm định.
- Các đơn đăng ký sáng chế hoặc các văn bằng bảo hộ sáng chế do các tổ chức hayquốc gia khác công bố trong vòng 25 năm tính đến ngày nộp đơn hoặc ngày ưu tiên của đơn đang được thẩm định (trong trường hợp đơn được hưởng quyền ưu tiên) sẽ được lưu giữ trong cơ sở dữ liệu sáng chế có tại Cục Sở hữu trí tuệ và các nguồn thông tin khác do Cục Sở hữu trí tuệ quy định.
- Trong trường hợp cần thiết và có thể, việc tra cứu được mở rộng đến cơ sở dữ liệu quốc gia về khoa học và công nghệ.
Đánh giá trình độ sáng tạo
Việc đánh giá về trình độ sáng tạo của giải pháp kỹ thuật nêu trong đơn được thực hiện bằng cách đánh giá các dấu hiệu cơ bản khác biệt nêu trong phạm vi bảo hộ để có thể đưa ra các kết luận như sau:
- Các dấu hiệu cơ bản khác biệt có bị coi là đã được bộc lộ trong nguồn thông tin tối thiểu bắt buộc hay là không.
- Tập hợp của các dấu hiệu cơ bản khác biệt có bị coi là có tính hiển nhiên đối với người có hiểu biết trung bình về lĩnh vực kỹ thuật tương ứng hay là không.
Ứng với một điểm thuộc về phạm vi bảo hộ, sáng chế được coi là có trình độ sáng tạo nếu như việc đưa dấu hiệu cơ bản khác biệt vào tập hợp các dấu hiệu cơ bản của sáng chế đó là kết quả của hoạt động sáng tạo mà không phải là kết quả hiển nhiên của hiểu biết thông thường trong lĩnh vực kỹ thuật tương ứng.
Ngoài ra, trong các trường hợp sau đây, tương ứng với một điểm thuộc phạm vi bảo hộ, sáng chế sẽ bị coi là không có trình độ sáng tạo nếu thuộc trong các trường hợp như sau:
- Tập hợp các dấu hiệu cơ bản khác biệt phải mang tính hiển nhiên, tức là bất kỳ người nào có hiểu biết trung bình về lĩnh vực kỹ thuật tương ứng cũng biết rằng để thực hiện chức năng đã định hoặc để đạt được mục đích đã định tất yếu phải sử dụng tập hợp các dấu hiệu đó và ngược lại khi sử dụng tập hợp các dấu hiệu đó thì tất yếu phải đạt được mục đích hoặc thực hiện được chức năng tương ứng.
- Tập hợp các dấu hiệu cơ bản khác biệt đã được bộc lộ dưới dạng đồng nhất hoặc tương đương trong một hay một số sang chế nào đó đã biết trong nguồn thông tin tối thiểu bắt buộc đã nêu.
- Sáng chế là sự kết hợp đơn giản của các sáng chế đã biết với chức năng, mục đích và hiệu quả cũng là sự kết hợp đơn giản chức năng, mục đích và hiệu quả của từng giải pháp kỹ thuật đã biết.
Quý khách hàng có nhu cầu tư vấn về pháp luật sở hữu trí tuệ, đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, đăng ký bảo hộ sáng chế xin vui lòng liên hệ Công ty luật Mai Sơn để được hỗ trợ tốt nhất.