Thủ tục thành lập công ty môi trường

Thủ tục thành lập công ty môi trường

Môi trường hiện đang là một trong những mối quan tâm hàng đầu của xã hội bởi hiện tượng ô nhiễm môi trường ngày càng gia tăng. Chính điều này đã thúc đẩy các nhà nước dành sự quan tâm nhiều hơn để xử lý các vấn đề môi trường. Các nhà đầu tư dự định thành lập công ty môi trường hiện nay cần nắm rõ những quy định của pháp luật, một số ngành nghề khi thành lập công ty môi trường sẽ cần những điều kiện nhất định. Thủ tục thành lập công ty môi trường sẽ có trong bài viết của Luật Mai Sơn dưới đây

1. Điều kiện thành lập công ty môi trường

Khi tiến hành thành lập Công ty môi trường thì doanh nghiệp cần phải đáp ứng đủ các điều kiện chung về thành lập công ty theo quy định của pháp luật doanh nghiệp như:

Loại hình công ty:

Căn cứ vào mức vốn, quy mô hoạt động mà chủ thể kinh doanh lựa chọn loại hình doanh nghiệp phù hợp với nhu cầu thực tiễn của mình. Hiện nay có các loại hình công ty bao gồm công ty hợp danh, công ty TNHH và công ty cổ phần. Mỗi loại hình công ty đều có những ưu nhược điểm riêng nên chủ thể kinh doanh có thể lựa chọn loại hình phù hợp nhất với mình.

Vốn điều lệ:

Pháp luật không quy định mức vốn điều lệ tối thiểu cần phải có khi thành lập Công ty môi trường. Đối với những ngành nghề kinh doanh có điều kiện mà công ty tiến hành hoạt động thì phải đăng ký vốn điều lệ không được thấp hơn mức vốn pháp định mà pháp luật ấn định.

Trụ sở công ty:

Công ty cần phải có địa điểm cố định làm trụ sở chính để thực hiện các giao dịch, hoạt động kinh doanh của mình. Công ty cần phải có các giấy tờ chứng minh việc sử dụng hợp pháp trụ sở, ví dụ như Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc hợp đồng thuê giữa công ty với bên cho thuê.

Người đại diện theo pháp luật của công ty:

Công ty cần lựa chọn người đại diện theo pháp luật phù hợp, có đủ năng lực, kinh nghiệm để điều hành và quản lý công ty. Lưu ý các quy định của pháp luật trong trường hợp công ty có một hoặc nhiều người đại diện của công ty.

Tên công ty:

Tên công ty được đặt phải đảm bảo đủ các thành tố theo quy định và không được đặt trùng hay gây nhầm lẫn, sử dụng các ký hiệu, từ ngữ trái truyền thống, thuần phong mỹ tục của dân tộc. Tên công ty nên thể hiện được lĩnh vực hoạt động của công ty trong lĩnh vực môi trường.

Ngành nghề đăng ký kinh doanh:

Trong lĩnh vực môi trường thì một số ngành nghề có thể đăng ký kinh doanh bao gồm thu gom rác thải không độc hại, thoát nước và xử lý nước thải, xử lý và tiêu hủy rác thải, tái chế phế liệu…

Ngoài ra việc thành lập công ty môi trường còn cần phải đáp ứng các điều kiện quy định riêng như sau:

– Địa điểm công ty môi trường thuộc quy hoạch do cấp có thẩm quyền phê duyệt;

– Có khoảng cách bảo đảm để không ảnh hưởng xấu đối với môi trường và con người;

– Công ty phải đảm bảo công nghệ, phương tiện, thiết bị chuyên dụng cho việc lưu giữ và xử lý chất thải nguy hại đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường;

– Có công trình, hạ tầng và biện pháp bảo vệ môi trường;

– Công ty cần có nhân sự quản lý được cấp chứng chỉ và nhân sự kỹ thuật có trình độ chuyên môn phù hợp;

– Có quy trình vận hành an toàn công nghệ, phương tiện, thiết bị chuyên dụng.

– Có phương án bảo vệ môi trường.

– Có kế hoạch phục hồi môi trường sau khi chấm dứt hoạt động.

– Có báo cáo đánh giá tác động môi trường được Bộ Tài nguyên và Môi trường thẩm định và phê duyệt.

Đặc biệt đối với lĩnh vực xử lý chất thải nguy hại là ngành đặc biệt, ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường. Vì vậy Luật có những quy định chặt chẽ hơn đối với ngành nghề này. Cụ thể pháp luật quy định điều kiện đối với lĩnh vực xử lý chất thải như sau:

– Phải được cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy phép xử lý chất thải nguy hại.

– Các phương tiện, thiết bị thu gom, vận chuyển chất thải nguy hại phải đáp ứng yêu cầu kỹ thuật và quy trình quản lý theo quy định

2. Thủ tục thành lập công ty môi trường

Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ thủ tục thành lập công ty môi trường

Để thực hiện thủ tục thành lập công ty môi trường tại Sở Kế hoạch và Đầu tư, bạn cần chuẩn bị hồ sơ gồm các loại giấy tờ:

– Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp;

– Điều lệ công ty môi trường;

– Danh sách thành viên hoặc cổ đông công ty (nếu là công ty hợp danh; công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên hoặc công ty cổ phần);

– Bản sao hợp lệ một trong các giấy tờ chứng thực sau: Giấy chứng minh nhân dân hoặc Căn cước công dân hoặc Hộ chiếu còn hiệu lực đối với cá nhân; Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh/Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp đối với tổ chức (trừ trường hợp tổ chức là Bộ/UBND tỉnh, thành phố) và kèm theo giấy tờ chứng thực cá nhân, quyết định ủy quyền của Người đại diện theo ủy quyền của tổ chức; Quyết định góp vốn đối với thành viên là tổ chức.

Trong quá trình chuẩn bị hồ sơ, cần chú ý ghi vào hồ sơ thủ tục thành lập công ty môi trường các ngành nghề liên quan đến môi trường mà công ty dự định kinh doanh. Một số ngành, nghề doanh nghiệp có thể tham khảo khi thành lập công ty môi trường:

– Mã ngành 3700: Thoát nước và xử lý nước thải

– Mã ngành 3811: Thu gom rác thải không độc hại

– Mã ngành 3812: Thu gom rác thải độc hại

– Mã ngành 3821: Xử lý và tiêu hủy rác thải không độc hại

– Mã ngành 3822: Xử lý và tiêu hủy rác thải độc hại

– Mã ngành 3830: Tái chế phế liệu

– Mã ngành 3900: Xử lý ô nhiễm và hoạt động quản lý chất thải khác

– Mã ngành 7490: Hoạt động chuyên môn, khoa học và công nghệ khác.

Bước 2: Nộp hồ sơ thủ tục thành lập công ty môi trường

Sau khi chuẩn bị đầy đủ hồ sơ, nộp hồ sơ đến Phòng Đăng ký kinh doanh thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư nơi công ty môi trường dự định đặt trụ sở chính.

Bước 3. Nhận Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp

– Sau thời gian 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, công ty môi trường sẽ được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

3. Các công việc cần thực hiện sau khi thành lập công ty môi trường

Sau khi có Chứng nhận đăng ký kinh doanh thành lập công ty môi trường, doanh nghiệp cần tiến hành các thủ tục cơ bản sau:

– Tiến hành đăng ký chữ ký số: Công ty môi trường sau khi đi vào hoạt động cần tiến hành đăng ký mua chữ ký số để tiến hành đóng thuế online.

– Tiến hành thuê kế toán hay dịch vụ kế toán: Khi mới thành lập công ty môi trường, doanh nghiệp sẽ cần kế toán thực hiện các vấn đề về kê khai thuế hay sổ sách liên quan

– Khắc con dấu và công khai mẫu dấu: Công ty môi trường tiến hành khắc con dấu tròn của doanh nghiệp tùy theo ý mình. Tuy nhiên, cần có mã số thuế và tên công ty để phân biệt với những công ty khác. Sau đó, mẫu dấu này cũng cần công bố lên cổng thông tin đăng ký của doanh nghiệp.

– Tiến hành đăng ký tài khoản ngân hàng: Doanh nghiệp thực hiện đăng ký tài khoản ngân hàng để tiến hành giao dịch. Chủ công ty môi trường mang con dấu, CMND, giấy đăng ký công ty môi trường đến ngân hàng để mở tài khoản.

– Thực hiện kê khai thuế và đóng thuế: Doanh nghiệp kinh doanh lĩnh vực môi trường cần tiến hành kê khai và nộp tờ kê khai thuế ban đầu cho cơ quan thuế. Hơn nữa, sau khi thành lập công ty môi trường, bạn cần đóng những loại thuế như thuế thu nhập doanh nghiệp dựa trên mức lợi nhuận, thuế môn bài và thuế giá trị gia tăng.

– Tiến hành góp vốn vào công ty môi trường: Các thành viên và cổ đông của công ty môi trường tiến hành góp vốn vào công ty môi trường trong vòng 90 ngày.

– Công bố thông tin công ty môi trường: Cần tiến hành công bố, thông báo trên cổng thông tin của quốc gia các thông tin đăng ký công ty môi trường, thời gian tối đa là 30 ngày. Doanh nghiệp không thực hiện sẽ bị xử phạt theo quy định.

Để tham khảo thêm thông tin về vấn đề này, quý khách hàng có thể tìm hiểu tại bài viết: Thủ tục thành lập công ty môi trường thưo quy định mới nhất của Luật Mai Sơn.

Như vậy trên đây là toàn bộ thông tin về Thủ tục thành lập công ty môi trường mà Công ty Luật Mai Sơn muốn gửi đến quý khách mang tính tham khảo. Nếu quý khách còn vướng mắc về vấn đề trên hoặc mọi vấn đề pháp lý khác, quý khách hãy vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi qua Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến theo số điện thoại 0975852995 để được Luật sư tư vấn pháp luật trực tiếp qua tổng đài kịp thời hỗ trợ và giải đáp mọi thắc mắc.

Nếu quý khách cần báo giá dịch vụ pháp lý thì quý khách có thể gửi yêu cầu báo phí dịch vụ đến địa chỉ email: lsvuhoanglong@gmail.com để nhận được thông tin sớm nhất! Rất mong nhận được sự hợp tác và tin tưởng của quý khách! Luật Mai Sơn xin trân trọng cảm ơn!