Thủ tục rút đơn đăng ký sở hữu công nghiệp cấp Trung ương mới nhất được thực hiện như thế nào?
Thủ tục rút đơn đăng ký sở hữu công nghiệp cấp Trung ương mới nhất được thực hiện như thế nào?
Căn cứ theo Mục 10 Mục A thủ tục hành chính ban hành kèm theo Quyết định 2060/QĐ – BKHCN năm 2023 có nêu rõ thủ tục rút đơn đăng ký sở hữu công nghiệp cấp Trung ương mới nhất được thực hiện như sau:
– Bước 1: Tiếp nhận yêu cầu
Tổ chức, cá nhân nộp 01 bộ hồ sơ yêu cầu rút đơn đăng ký sở hữu công nghiệp đến Cục Sở hữu trí tuệ.
– Bước 2: Xử lý đơn
+ Trường hợp yêu cầu rút đơn không có thiếu sót, Cục Sở hữu trí tuệ ra thông báo chấp nhận rút đơn, ghi nhận việc rút đơn trong hồ sơ đơn. Đơn đăng ký sở hữu công nghiệp đã rút không thể được khôi phục mà chỉ có thể dùng làm căn cứ để yêu cầu hưởng quyền ưu tiên.
+ Trường hợp yêu cầu rút đơn có thiếu sót, không hợp lệ, Cục Sở hữu trí tuệ sẽ ra thông báo dự định từ chối chấp nhận rút đơn, nêu rõ lý do để người yêu cầu sửa chữa thiếu sót hoặc có ý kiến phản đối. Nếu người yêu cầu không sửa chữa thiếu sót hoặc sửa chữa không đạt yêu cầu, không có ý kiến phản đối hoặc ý kiến phản đối không xác đáng thì Cục Sở hữu trí tuệ ra thông báo từ chối chấp nhận yêu cầu rút đơn.
Cách thức thực hiện:
– Nộp trực tuyến qua Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của Bộ Khoa học và Công nghệ.
– Trực tiếp hoặc qua dịch vụ bưu chính tới trụ sở Cục Sở hữu trí tuệ tại Hà Nội hoặc 2 Văn phòng đại diện của Cục tại TP. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng.
Thời hạn giải quyết: 02 tháng kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ.
Yêu cầu, điều kiện thực hiện thủ tục hành chính: Trước khi Cục Sở hữu trí tuệ quyết định cấp hoặc từ chối cấp văn bằng bảo hộ, người nộp đơn có quyền tuyên bố rút đơn đăng ký sở hữu công nghiệp.
Kết quả thực hiện thủ tục hành chính: Thông báo chấp nhận /Thông báo từ chối chấp nhận rút đơn đăng ký sở hữu công nghiệp.
Hồ sơ thực hiện thủ tục rút đơn đăng ký sở hữu công nghiệp cấp Trung ương bao gồm những gì?
Căn cứ theo Mục 10 Mục A thủ tục hành chính ban hành kèm theo Quyết định 2060/QĐ – BKHCN năm 2023 có nêu rõ hồ sơ thực hiện thủ tục rút đơn đăng ký sở hữu công nghiệp cấp Trung ương bao gồm:
– Tuyên bố rút đơn bằng văn bản;
– Văn bản uỷ quyền (nếu nộp hồ sơ thông qua đại diện), trong đó nêu rõ việc ủy quyền rút đơn hoặc phải kèm theo thư lệnh chỉ rõ số đơn cần rút;
Số lượng hồ sơ thực hiện thủ tục rút đơn đăng ký sở hữu công nghiệp cấp Trung ương: 01 bộ
Yêu cầu chung đối với đơn đăng ký sở hữu công nghiệp là gì?
Căn cứ theo quy định tại Điều 100 Luật sở hữu trí tuệ 2005 (được bổ sung bởi khoản 32 Điều 1 Luật sở hữu trí tuệ sửa đổi 2022 ) quy định như sau:
Yêu cầu chung đối với đơn đăng ký sở hữu công nghiệp
1. Đơn đăng ký sở hữu công nghiệp bao gồm các tài liệu sau đây:
a) Tờ khai đăng ký theo mẫu quy định;
b) Tài liệu, mẫu vật, thông tin thể hiện đối tượng sở hữu công nghiệp đăng ký bảo hộ quy định tại các điều từ Điều 102 đến Điều 106 của Luật này;
c) Giấy uỷ quyền, nếu đơn nộp thông qua đại diện;
d) Tài liệu chứng minh quyền đăng ký, nếu người nộp đơn thụ hưởng quyền đó của người khác;
đ) Tài liệu chứng minh quyền ưu tiên, nếu có yêu cầu hưởng quyền ưu tiên;
đ1) Tài liệu thuyết minh về nguồn gốc của nguồn gen hoặc tri thức truyền thống về nguồn gen trong đơn đăng ký sáng chế, đối với sáng chế được trực tiếp tạo ra dựa trên nguồn gen hoặc tri thức truyền thống về nguồn gen
e) Chứng từ nộp phí, lệ phí.
2. Đơn đăng ký sở hữu công nghiệp và giấy tờ giao dịch giữa người nộp đơn và cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp phải được làm bằng tiếng Việt, trừ các tài liệu sau đây có thể được làm bằng ngôn ngữ khác nhưng phải được dịch ra tiếng Việt khi cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp yêu cầu:
a) Giấy uỷ quyền;
b) Tài liệu chứng minh quyền đăng ký;
c) Tài liệu chứng minh quyền ưu tiên;
d) Các tài liệu khác để bổ trợ cho đơn.
3. Tài liệu chứng minh quyền ưu tiên đối với đơn đăng ký sở hữu công nghiệp bao gồm:
a) Bản sao đơn hoặc các đơn đầu tiên có xác nhận của cơ quan đã nhận đơn đầu tiên;
b) Giấy chuyển nhượng quyền ưu tiên nếu quyền đó được thụ hưởng từ người khác.
Theo đó, đơn đăng ký sở hữu công nghiệp phải đáp ứng các yêu cầu chung theo quy định trên.
Yêu cầu về tính thống nhất của đơn đăng ký sở hữu công nghiệp ra sao?
Căn cứ theo quy định tại Điều 101 Luật sở hữu trí tuệ 2005 quy định như sau:
Yêu cầu về tính thống nhất của đơn đăng ký sở hữu công nghiệp
1. Mỗi đơn đăng ký sở hữu công nghiệp chỉ được yêu cầu cấp một văn bằng bảo hộ cho một đối tượng sở hữu công nghiệp duy nhất, trừ trường hợp quy định tại các khoản 2, 3 và 4 Điều này.
2. Mỗi đơn đăng ký có thể yêu cầu cấp một Bằng độc quyền sáng chế hoặc một Bằng độc quyền giải pháp hữu ích cho một nhóm sáng chế có mối liên hệ chặt chẽ về kỹ thuật nhằm thực hiện một ý đồ sáng tạo chung duy nhất.
3. Mỗi đơn đăng ký có thể yêu cầu cấp một Bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp cho nhiều kiểu dáng công nghiệp trong các trường hợp sau đây:
a) Các kiểu dáng công nghiệp của một bộ sản phẩm gồm nhiều sản phẩm thể hiện ý tưởng sáng tạo chung duy nhất, được sử dụng cùng nhau hoặc để thực hiện chung một mục đích;
b) Một kiểu dáng công nghiệp kèm theo một hoặc nhiều phương án là biến thể của kiểu dáng công nghiệp đó, theo ý tưởng sáng tạo chung duy nhất, không khác biệt đáng kể với kiểu dáng công nghiệp đó.
4. Mỗi đơn đăng ký có thể yêu cầu cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu cho một nhãn hiệu dùng cho một hoặc nhiều hàng hoá, dịch vụ khác nhau.
Theo đó, tính thống nhất của đơn đăng ký sở hữu công nghiệp phải đáp ứng các yêu cầu trên.