Thành lập công ty vốn Malaysia tại Việt Nam
Là một quốc gia có tốc độ phát triển nhanh, hiện nay Việt Nam đang là một địa điểm thu hút của nhiều nhà đầu tư nước ngoài trong đó có Malaysia. Và trên thực tế, có rất nhiều nhà đầu tư đến từ quốc gia này có những thắc mắc đối với việc thành lập công ty vốn Malaysia ở Việt Nam. Hiểu được điều này, Luật Mai Sơn sẽ cung cấp cho quý khách một vài thông tin trong bài viết dưới đây.
Căn cứ pháp lý
- Luật Doanh nghiệp 2020;
- Luật Đầu tư 2020;
- Nghị định 31/2021/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư.
Khái niệm về công ty có vốn đầu tư Malaysia
Pháp luật Việt Nam không có quy định cụ thể về định nghĩa của một công ty có vốn đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, qua thực tế có thể hiểu rằng một công ty có vốn đầu tư nước ngoài là một doanh nghiệp được thành lập theo pháp luật Việt Nam, được thành lập hoặc tham gia bởi các nhà đầu tư là cá nhân hoặc tổ chức nước ngoài góp vốn để thực hiện các hoạt động kinh doanh tại Việt Nam.
Vậy có thể hiểu rằng, công ty có vốn đầu tư Malaysia là công ty được thành lập theo pháp luật Việt Nam do cá nhân/tổ chức nước ngoài góp vốn để thực hiện các hoạt động kinh doanh tại Việt Nam
Thủ tục thành lập công ty có vốn đầu tư Malaysia
Thủ tục thành lập công ty có vốn đầu tư nước ngoài có từ 1% đến 100% vốn do nhà đầu tư nước ngoài góp ngay khi thành lập được thực hiện theo các bước như sau:
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư
Hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư bao gồm:
- Văn bản đề nghị thực hiện dự án đầu tư.
- Tài liệu chứng minh tư cách pháp lý:
- Đối với nhà đầu tư là tổ chức: bản sao Giấy chứng nhận thành lập hoặc tài liệu tương đương khác xác nhận tư cách pháp lý đối với nhà đầu tư là tổ chức.
- Đối với nhà đầu tư là cá nhân: Bản sao chứng minh nhân dân/ thẻ căn cước hoặc hộ chiếu đối với nhà đầu tư là cá nhan.
- Đề xuất dự án đầu tư bao gồm các nội dung: nhà đầu tư thực hiện dự án, mục tiêu đầu tư, quy mô đầu tư, vốn đầu tư. và phương án huy động vốn, địa điểm, thời hạn, tiến độ đầu tư, nhu cầu về lao động, đề xuất hưởng ưu đãi đầu tư, đánh giá tác động, hiệu quả kinh tế – xã hội của dự án.
- Văn bản chứng minh năng lực tài chính của nhà đầu tư:
- Đối với nhà đầu tư là tổ chức: báo cáo tài chính 02 năm gần nhất của nhà đầu tư. Hoặc cam kết hỗ trợ tài chính của công ty mẹ. Hoặc cam kết hỗ trợ tài chính của tổ chức tài chính. Hoặc bảo lãnh về năng lực tài chính của nhà đầu tư. Hoặc tài liệu thuyết minh năng lực tài chính của nhà đầu tư.
- Đối với nhà đầu tư là cá nhân: xác nhận số dư tài khoản, sổ tiết kiệm;
- Hợp đồng thuê trụ sở, Giấy tờ chứng minh quyền cho thuê của bên cho thuê (Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Giấy phép xây dựng, Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh có chức năng kinh doanh bất động sản của bên cho thuê hoặc các giấy tờ tương đương).
- Đề xuất nhu cầu sử dụng đất; trường hợp dự án không đề nghị Nhà nước giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất thì nộp bản sao thỏa thuận thuê địa điểm hoặc tài liệu khác xác nhận nhà đầu tư có quyền sử dụng địa điểm để thực hiện dự án đầu tư;
- Giải trình về sử dụng công nghệ đối với dự án đầu tư đối với dự án có sử dụng công nghệ thuộc Danh mục công nghệ hạn chế chuyển giao theo quy định của pháp luật về chuyển giao công nghệ gồm các nội dung: tên công nghệ, xuất xứ công nghệ, sơ đồ quy trình công nghệ; thông số kỹ thuật chính, tình trạng sử dụng của máy móc, thiết bị và dây chuyền công nghệ chính;
- Hợp đồng BCC đối với dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BCC;
- Tài liệu khác liên quan đến dự án đầu tư, yêu cầu về điều kiện, năng lực của nhà đầu tư theo quy định của pháp luật (nếu có).
Số lượng hồ sơ: Nhà đầu tư nộp 01 bộ hồ sơ
Bước 2: Nộp hồ sơ Cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư
Thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với các dự án đầu tư không thuộc diện quyết định chủ trương đầu tư nhà đầu tư thực hiện như sau:
Kê khai trực tuyến các thông tin về dự án đầu tư trên Hệ thống thông tin quốc gia về đầu tư nước ngoài
- Trước khi thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, nhà đầu tư kê khai trực tuyến các thông tin về dự án đầu tư trên Hệ thống thông tin quốc gia về đầu tư nước ngoài. Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày kê khai hồ sơ trực tuyến, nhà đầu tư nộp hồ sơ cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho Cơ quan đăng ký đầu tư.
- Sau khi Cơ quan đăng ký đầu tư tiếp nhận hồ sơ, nhà đầu tư được cấp tài khoản truy cập Hệ thống thông tin quốc gia về đầu tư nước ngoài để theo dõi tình hình xử lý hồ sơ.
- Cơ quan đăng ký đầu tư sử dụng Hệ thống thông tin quốc gia về đầu tư nước ngoài để tiếp nhận, xử lý, trả kết quả hồ sơ đăng ký đầu tư, cập nhật tình hình xử lý hồ sơ và cấp mã số cho dự án đầu tư.
Nộp hồ sơ trực tiếp cấp giấy Chứng nhận đăng ký đầu tư
Nhà đầu tư nộp hồ sơ cấp Giấy chứng nhận đầu tư tại cơ quan đăng ký đầu tư theo thẩm quyền như sau:
- Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh nơi công ty đặt trụ sở chính:
- Dự án đầu tư ngoài khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế;
- Dự án đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao và dự án đầu tư trong khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao tại những địa phương chưa thành lập Ban Quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất và khu công nghệ cao.
- Dự án đầu tư thực hiện trên địa bàn nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Dự án đầu tư thực hiện đồng thời ở trong và ngoài khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao và khu kinh tế.
- Ban quản lý các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao và khu kinh tế tỉnh nơi công ty đặt trụ sở chính
- Dự án đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao;
- Dự án đầu tư thực hiện trong khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế.
Bước 3: Cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư
Thời hạn cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư là 05 ngày làm việc nếu dự án đầu tư cần chấp thuận chủ trường đầu tư, 15 ngày làm việc đối với dự án không cần chấp thuận chủ trương đầu tư
Bước 4: Chuẩn bị hồ sơ và nộp hồ sơ cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp
Sau khi công ty có vốn đầu tư nước ngoài được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư nhà đầu tư thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp tương tự như thủ tục thành lập công ty vốn Việt Nam.
Hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp
- Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp.
- Điều lệ công ty.
- Danh sách thành viên (đối với công ty TNHH hai thành viên trở lên) hoặc Danh sách cổ đông sáng lập và cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài (danh sách người đại diện theo ủy quyền nếu có cổ đông là tổ chức).
- Bản sao các giấy tờ sau đây: Thẻ căn cước công dân, Giấy chứng minh nhân dân, Hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác của các thành viên là cá nhân;
- Quyết định thành lập, Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc tài liệu tương đương khác của tổ chức và văn bản ủy quyền; Thẻ căn cước công dân, Giấy chứng minh nhân dân, Hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác của người đại diện theo ủy quyền của thành viên là tổ chức
- Đối với thành viên là tổ chức nước ngoài thì bản sao Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc tài liệu tương đương phải được hợp pháp hóa lãnh sự;
- Quyết định góp vốn và bổ nhiệm người quản lý; Danh sách người đại diện theo ủy quyền (đối với thành viên là tổ chức);
- Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với nhà đầu tư đã được cấp.
Thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp
Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh nơi công ty đặt trụ sở chính
Bước 5: Công bố nội dung thông tin đăng ký doanh nghiệp
Doanh nghiệp sau khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp phải thông báo công khai trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp. Đồng thời, phải nộp phí công bố theo quy định của pháp luật. Nội dung công bố bao gồm các nội dung Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp và các thông tin sau đây:
- Ngành, nghề kinh doanh;
- Danh sách cổ đông sáng lập; danh sách cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài đối với công ty cổ phần (nếu có).
Phí công bố nội dung đăng ký doanh nghiệp:
Việc đề nghị công bố nội dung đăng ký doanh nghiệp và nộp phí công bố nội dung đăng ký doanh nghiệp được thực hiện tại thời điểm doanh nghiệp nộp hồ sơ đăng ký doanh nghiệp.
Bước 6: Khắc dấu của công ty
- Dấu bao gồm dấu được làm tại cơ sở khắc dấu hoặc dấu dưới hình thức chữ ký số theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử.
- Doanh nghiệp quyết định loại dấu, số lượng, hình thức và nội dung dấu của doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện và đơn vị khác của doanh nghiệp.
- Việc quản lý và lưu giữ dấu thực hiện theo quy định của Điều lệ công ty hoặc quy chế do doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện hoặc đơn vị khác của doanh nghiệp có dấu ban hành. Doanh nghiệp sử dụng dấu trong các giao dịch theo quy định của pháp luật.
Bước 7: Mở tài khoản vốn đầu tư trực tiếp từ Malaysia
- Sau khi hoàn thiện thủ tục thành lập công ty có vốn đầu tư Malaysia nhà đầu tư thực hiện mở tài khoản vốn đầu tư trực tiếp Malaysia. Nhà đầu tư thực hiện chuyển vốn vào tài khoản vốn này theo thời hạn góp vốn ghi nhận tại Giấy chứng nhận đầu tư.
- Ngoài ra, công ty có vốn đầu tư Malaysia cần mở thêm tài khoản giao dịch để nhận tiền từ tài khoản vốn đầu tư sang để thực hiện các thủ tục thu chi tại Việt Nam..
Bước 8: Công ty có vốn đầu tư Malaysia thực hiện các thủ tục sau thành lập công ty
Sau khi công ty được thành lập nhà đầu tư cần thực hiện các thủ tục sau thành lập tương tự như công ty Việt Nam. Cụ thể:
- Treo biển tại trụ sở.
- Đăng ký chữ ký số để nộp thuế điện tử và báo cáo thuế qua mạng Internet
- Mua chữ ký số điện tử để thực hiện nộp thuế điện tử
- Đề nghị phát hành hóa đơn điện tử.
- Thực hiện báo cáo tình hình thực hiện dự án theo quy định tại Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.
- Kê khai nộp thuế theo quy định.
Làm sao để biết ngành, nghề mà nhà đầu tư Malaysia dự định đầu tư kinh doanh ở Việt Nam có thuộc danh sách ngành nghề được cho phép hay không?
Hiện nay, Malaysia và Việt Nam đều là thành viên của WTO và Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Biểu cam kết của Việt Nam trong khuôn khổ WTO đã ghi nhận những cam kết mở cửa thị trường đối với các ngành dịch vụ tại Việt Nam. Nhà đầu tư có thể dễ dàng tra cứu tiếp cận hoặc liên hệ đến chúng tôi đã được tra cứu điều kiện tiếp cận thị trường.
Trong khuôn khổ CPTPP, Hiệp định này sử dụng phương pháp tiếp cận “chọn-bỏ”. Theo đó, chỉ những ngành nào được quy định trong Phụ lục I và II NCM thì mới bị hạn chế tiếp cận thị trường. Đối với những ngành không bị liệt kê trong danh mục này, nhà đầu tư Malaysia sẽ được đối xử như những nhà đầu tư Việt Nam và sẽ không bị áp dụng bất kì biện pháp hạn chế tiếp cận thị trường nào.
Trên đây là những tư vấn của Luật Mai Sơn về việc thành lập công ty vốn Malaysia tại Việt Nam, nếu quý khách hàng có thắc mắc gì thêm xin liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ tốt nhất!