THÀNH LẬP CÔNG TY TẠI TRUNG QUỐC

Thành lập công ty tại Trung Quốc

Hoạt động thành lập công ty  tại Trung Quốc

Hoạt động đầu tư thành lập công ty tại Trung Quốc là việc một nhà đầu tư Việt Nam chuyển vốn đầu tư từ Việt Nam để góp vốn thành lập một trong các loại hình doanh nghiệp được quy định tại Trung Quốc trên cơ sở của pháp luật Việt Nam về hoạt động đầu tư ra nước ngoài và của Trung Quốc với quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh để các nhà đầu tư được thành lập.

Thành lập công ty tại Trung Quốc theo quy định pháp luật của Trung Quốc

Sau khi xin được giấy chứng nhận cho phép đầu tư tại Trung Quốc, để có thể thành lập công ty  tại Trung Quốc, nhà đầu tư Việt Nam cần phải đáp ứng được các quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh tại Trung Quốc dựa trên tư cách pháp lý của nhà đầu tư nước ngoài.

Các quy định về điều kiện kinh doanh tại Trung Quốc được quan tâm vô cùng sát sao. Cụ thể, các điều kiện kinh doanh này sẽ được thể hiện ở hình thức văn bản chấp thuận hay điều kiện kinh doanh không cần văn bản chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền. Và việc thành lập công ty tại Trung Quốc sẽ phải đáp ứng được cả những điều kiện kinh doanh trước khi đăng ký thành lập doanh nghiệp và sau khi doanh nghiệp đã đi vào hoạt động.

Khi đăng ký thành lập công ty tại Trung Quốc, người thành lập doanh nghiệp  phải xin sự chấp thuận của cơ quan nhà nước về:

– Tên của doanh nghiệp: Theo quy định của pháp luật Trung Quốc, bước đầu tiên để thành lập một doanh nghiệp ở quốc gia này là việc chọn tên cho doanh nghiệp. Chủ thể kinh doanh sẽ phải nộp đơn xin chấp thuận của Cục quản lý Công nghiệp và Thương mại địa phương (AIC) về tên doanh nghiệp. Và chủ thể kinh doanh đó chỉ có thể tiến hành các hành vi đăng ký doanh nghiệp tiếp theo khi đã được cơ quan này có văn bản chấp nhận tên doanh nghiệp.

– Vốn pháp định: Pháp luật Trung Quốc yêu cầu các công ty muốn được khai sinh và công nhận sự ra đời một cách hợp pháp thì sẽ phải đáp ứng được các quy định về vốn tối thiểu theo từng loại hình doanh nghiệp. Cụ thể, sau khi được sự chấp thuận của cơ quan Nhà nước về tên doanh nghiệp, các doanh nghiệp sẽ chủ động mở tài khoản ngân hàng và nộp tiền góp vốn ban đầu vào tài khoản đó rồi yêu cầu ngân hàng xác nhận. Nếu việc góp vốn ban đầu không bằng tiền mặt mà bằng tài sản thì chủ thể góp vốn ở đây phải thực hiện chuyển quyền sở hữu tài sản cho công ty. Giá trị tài sản ở đây cũng phải được thẩm định một cách hợp pháp. Trong một số trường hợp doanh nghiệp sẽ phải có báo cáo thẩm tra vốn từ cơ quan kiểm toán và đây cũng là một trong số những tài liệu không thể thiếu trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp. Tuy nhiên, vốn pháp định ở Trung Quốc không nhất thiết phải góp đủ ở thời điểm đăng ký doanh nghiệp mà có thời gian tối đa để thực hiện việc góp vốn này.

Và khi thực hiện hoạt động kinh doanh, doanh nghiệp trong một số trường hợp nhất định cũng sẽ phải xin phép hoạt động với cơ quan chuyên ngành quản lý lĩnh vực mà doanh nghiệp đó kinh doanh. Cụ thể ở đây phải kể đến hệ thống cấp phép, bao gồm:

– Giấy phép kinh doanh tạm thời: Đây là loại giấy phép do cơ quan có thẩm quyền cấp trong thời gian doanh nghiệp chờ đợi góp đầy đủ vốn pháp định. Và khi doanh nghiệp đã góp đủ vốn pháp định, thời gian ở Giấy phép kinh doanh sẽ được điều chỉnh theo thời gian hoạt động thực tế của doanh nghiệp đó.

– Giấy phép kinh doanh bắt buộc: Đây là loại giấy phép bắt buộc phải có ở Trung Quốc gắn liền với một số ngành nghề nhất định như: xuất nhập khẩu, sản xuất, kinh doanh thuốc, khám chữa bệnh…

Việc cấp Giấy phép kinh doanh ở Trung Quốc là vô cùng phức tạp và cần phải đáp ứng rất nhiều yêu cầu, đặc biệt là đối với các nhà đầu tư nước ngoài thì việc được cấp phép kinh doanh sẽ khó khăn hơn nhiều so với các nhà đầu tư trong nước. Ngoài ra, khi thực hiện hoạt động kinh doanh, các công ty tại Trung Quốc cũng còn phải thông qua nhiều sự chấp thuận khác của cơ quan có thẩm quyền.

Thực hiện xin cấp giấy chứng nhận cho phép đầu tư ra nước ngoài

Theo pháp luật hiện hành, để thành lập công ty tại Trung Quốc thì cá nhân, tổ chức Việt Nam phải thực hiện thủ tục xin cấp giấy phép đầu tư ra nước ngoài theo Luật Đầu tư 2020, Nghị định 31/2021/NĐ-CP và thành lập công ty theo quy định Pháp luật của Trung Quốc.

Điều kiện cấp Giấy chứng nhận đầu tư thành lập công ty tại Trung Quốc

  • Hoạt động đầu tư thành lập công ty tại Trung Quốc phải phù hợp với nguyên tắc thực hiện hoạt động đầu tư ra nước ngoài, trong đó nhấn mạnh về tuân thủ hệ thống pháp luật về đầu tư tại Trung Quốc;
  • Ngành nghề kinh doanh của công ty được thành lập tại Trung Quốc không thuộc ngành, nghề cấm đầu tư ra nước ngoài quy định tại Điều 53 và đáp ứng điều kiện đầu tư ra nước ngoài đối với ngành, nghề đầu tư ra nước ngoài có điều kiện quy định tại Điều 54 Luật Đầu tư 2020;
  • Nhà đầu tư Việt Nam đầu tư ra Trung Quốc có cam kết tự thu xếp ngoại tệ hoặc có cam kết thu xếp ngoại tệ để thực hiện hoạt động đầu tư ra nước ngoài cửa tổ chức tín dụng được phép.
  • Có quyết định đầu tư thành lập công ty tại nước ngoài theo quy định của Luật Doanh nghiệp được cấp bởi cơ quan Việt Nam
  • Có văn bản của cơ quan thuế xác nhận việc thực hiện nghĩa vụ nộp thuế của nhà đầu tư. Thời điểm xác nhận của cơ quan thuế là không quá 03 tháng tính đến ngày nộp hồ sơ dự án đầu tư.

Hồ sơ cấp Giấy chứng nhận đầu tư thành lập công ty tại Trung Quốc

Đối với các dự án đầu tư thành lập công ty tại Trung Quốc không thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư ra nước ngoài, nhà đầu tư nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Hồ sơ bao gồm:

  • Văn bản đăng ký đầu tư ra nước ngoài;
  • Tài liệu về tư cách pháp lý của nhà đầu tư;
  • Quyết định đầu tư ra nước ngoài do nhà đầu tư quyết định theo quy định của Luật Doanh nghiệp;
  • Văn bản cam kết tự cân đối nguồn ngoại tệ hoặc văn bản cam kết thu xếp ngoại tệ cho nhà đầu tư của tổ chức tín dụng được phép theo quy định tại khoản 3 Điều 60 Luật Đầu tư 2020. Trường hợp nhà đầu tư nộp văn bản cam kết tự cân đối nguồn ngoại tệ thì nộp kèm theo văn bản của tổ chức tín dụng xác nhận số dư tài khoản ngoại tệ của nhà đầu tư;
  • Đối với dự án đầu tư ra nước ngoài trong các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 54 Luật Doanh nghiệp 2020, nhà đầu tư nộp văn bản chấp thuận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc đáp ứng điều kiện đầu tư ra nước ngoài theo quy định của pháp luật có liên quan (nếu có).
  • Văn bản của cơ quan thuế xác nhận việc thực hiện nghĩa vụ nộp thuế của nhà đầu tư theo quy định tại khoản 5 Điều 60 Luật Đầu tư 2020;
  • Tài liệu xác nhận địa điểm thực hiện dự án đầu tư tại nước ngoài đối với trường hợp quy định tại Điều 73 Nghị định 31/2021/NĐ-CP bao gồm: (i) Giấy phép đầu tư hoặc văn bản có giá trị tương đương của quốc gia, vùng lãnh thổ tiếp nhận đầu tư; (ii) Quyết định giao đất, cho thuê đất của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền tại quốc gia, vùng lãnh thổ tiếp nhận đầu tư; (iii) Hợp đồng trúng thầu, thầu khoán; hợp đồng giao đất, cho thuê đất; hợp đồng hợp tác đầu tư, kinh doanh kèm theo tài liệu chứng minh thẩm quyền của bên liên quan trong hợp đồng đối với địa điểm; (iv) Thỏa thuận nguyên tắc về việc giao đất, cho thuê đất, thuê địa điểm kinh doanh, chuyển nhượng quyền sử dụng đất hoặc tài sản gắn liền với đất; thỏa thuận hợp tác đầu tư kinh doanh kèm theo tài liệu chứng minh thẩm quyền của bên liên quan trong thỏa thuận đối với địa điểm.
  • Tài liệu xác định hình thức đầu tư ra nước ngoài theo quy định tại Điều 74 Nghị định 31/2021/NĐ-CP.

Trình tự, thủ tục cấp giấy chứng nhận đầu tư thành lập công ty tại Trung Quốc

Bước 1: Chuẩn bị và nộp hồ sơ

  • Nhà đầu tư kê khai thông tin Hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài trên Hệ thống thông tin quốc gia về đầu tư;
  • Nộp 03 bộ hồ sơ (trong đó có 01 bộ hồ sơ gốc) cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong vòng 15 ngày tiếp theo.

Bước 2: Tiếp nhận và xử lý hồ sơ

  • Hồ sơ được Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp nhận khi có đủ đầu mục tài liệu và số lượng theo quy định;
  • Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ. Trường hợp hồ sơ không hợp lệ hoặc có nội dung cần phải làm rõ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có văn bản thông báo cho nhà đầu tư trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ;
  • Trường hợp dự án đầu tư ra nước ngoài có ngành, nghề báo chí, phát thanh, truyền hình, Bộ Kế hoạch và Đầu tư lấy ý kiến Bộ Thông tin và Truyền thông bằng văn bản theo quy định tại khoản 2 Điều 72 Nghị định 31/2021/NĐ-CP. Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản lấy ý kiến, Bộ Thông tin và Truyền thông có văn bản trả lời Bộ Kế hoạch và Đầu tư;

Bước 3: Nhận kết quả

  • Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài, trong đó ghi nhận mã số dự án đầu tư theo quy định tại Điều 37 Nghị định 31/2021/NĐ-CP, đồng thời sao gửi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Tài chính, Bộ Ngoại giao, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, bộ quản lý ngành, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi nhà đầu tư đặt trụ sở chính hoặc đăng ký thường trú, cơ quan thuế nơi xác nhận việc thực hiện nghĩa vụ nộp thuế của nhà đầu tư, cơ quan đại diện chủ sở hữu của nhà đầu tư (nếu có);
  • Trường hợp hồ sơ không hợp lệ hoặc không đáp ứng các điều kiện cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có văn bản thông báo từ chối cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài và nêu rõ lý do gửi nhà đầu tư.

Quý khách hàng có nhu cầu thành lập công ty tại Trung Quốc và xin Giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài xin vui lòng liên hệ Công ty luật  Mai sơn  để được hỗ trợ nhanh nhất và tốt nhất!