Thành lập công ty kinh doanh khu vui chơi, giải trí
Hiện nay các khu vui chơi giải trí đã trở thành điểm đến lý tưởng dành cho nhiều gia đình, bạn bè mỗi khi cần thời gian nghỉ ngơi và thư giãn. Vì thế đây là loại hình kinh doanh được các nhà đầu tư tin tưởng lựa chọn. Trong bài viết này,công ty luật Mai Sơn sẽ chia sẻ những thông tin pháp lý hữu ích về thành lập công ty kinh doanh khu vui chơi, giải trí để Quý khách hàng có cái nhìn tổng quan nhất.
Cơ sở pháp lý
- Biểu cam kết WTO của Việt Nam;
- Luật Doanh nghiệp 2020;
- Luật Đầu tư 2020;
- Luật Xây dựng 2014, sửa đổi bổ sung 2020;
- Nghị định số 01/2021/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp;
- Thông tư số 06/2017/TT-BVHTTDL quy định chi tiết một số điều của Luật du lịch, sửa đổi bổ sung bởi Thông tư số 13/2019/TT-BVHTTDL và Thông tư 13/2021/TT-BVHTTDL.
Công ty kinh doanh khu vui chơi, giải trí là gì?
Công ty kinh doanh khu vui chơi giải trí là một loại hình doanh nghiệp cung cấp các dịch vụ giải trí và vui chơi cho khách hàng. Các công ty này thường sở hữu và vận hành các cơ sở giải trí như công viên giải trí, trung tâm mua sắm, rạp chiếu phim. Ngoài ra, họ cũng có thể cung cấp các dịch vụ liên quan như tổ chức tiệc, biểu diễn trực tiếp và các hoạt động giải trí khác.
Điều kiện thành lập công ty
Điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài
Khu vui chơi giải trí thuộc trường hợp kinh doanh dịch vụ giải trí, văn hóa và thể thao. Hiện tại Việt Nam chưa cam kết đối với hiện diện thương mại các ngành dịch vụ thuộc nhóm này.
Điều kiện về chủ thể thành lập công ty
Theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015 và Luật Doanh nghiệp năm 2020, tổ chức cá nhân muốn thành lập phải có đầy đủ năng lực hành vi dân sự và không thuộc đối tượng bị nhà nước cấm thành lập hoặc tham gia công ty.
Ngoài ra, tổ chức và cá nhân được thành lập, quản lý kinh doanh các khu vui chơi và giải trí, trừ một số trường hợp quy định cụ thể tại Điều 17 Luật Doanh nghiệp 2020.
Điều kiện về ngành nghề kinh doanh
Khu vui chơi, giải trí bao gồm rất nhiều hoạt động, ngành nghề đa dạng. Khi thành lập công ty kinh doanh dịch vụ này, Quý khách hàng có thể kê khai, đăng ký một trong các ngành, nghề theo Quyết định số 27/2018/QĐ-TTg ban hành hệ thống kinh tế Việt Nam. Đó có thể là mã ngành 9321: Hoạt động của các công viên vui chơi và công viên theo chủ đề, bao gồm các hoạt động đa dạng và hấp dẫn như lái máy móc, đi trên nước, các trò chơi, các buổi biểu diễn, triển lãm theo chủ đề và các khu vui chơi dã ngoại.
Điều kiện về tên công ty
Theo quy định tên doanh nghiệp không được đặt trùng hoặc gây nhầm lẫn với những doanh nghiệp đã đăng ký trước đó; không sử dụng tên cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân, tên của tổ chức chính trị, xã hội… trừ trường hợp có sự chấp thuận của cơ quan, đơn vị hoặc tổ chức đó; hay cấm sử dụng từ ngữ, ký hiệu vi phạm truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức và thuần phong mỹ tục của dân tộc.
Điều kiện với cơ sở kinh doanh dịch vụ vui chơi, giải trí đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch
Theo Điều 11 Thông tư số 06/2017/TT-BVHTTDL, pháp luật Việt Nam ghi nhận cơ sở kinh doanh dịch vụ vui chơi giải trí để đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch, cần đáp ứng những điều kiện cụ thể sau:
- Có đăng ký kinh doanh và bảo đảm các điều kiện kinh doanh đối với dịch vụ vui chơi, giải trí theo quy định của pháp luật;
- Có nội quy; có nơi đón tiếp, gửi đồ dùng cá nhân;
- Có địa điểm, cơ sở vật chất, dụng cụ, phương tiện phù hợp với từng loại dịch vụ vui chơi giải trí;
- Có người hướng dẫn, nhân viên phục vụ phù hợp với từng dịch vụ vui chơi, giải trí;
- Các tiêu chuẩn quy định tại Khoản 3, Khoản 5 Điều 8 và Khoản 5 Điều 9 Thông tư 06/2017/TT-BVHTTDL bao gồm:
- Niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết;
- Có nhà vệ sinh sạch sẽ, được thông gió và đủ ánh sáng;
- Nhân viên có thái độ phục vụ văn minh, lịch sự; mặc đồng phục và đeo biển tên trên áo.
Thủ tục thành lập công ty
Theo Luật Đầu tư 2020, kinh doanh khu vui chơi và giải trí không thuộc trường hợp ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Do Việt Nam chưa cam kết dịch vụ này trong khuôn khổ WTO, nên trong bài viết này Luật Mai Sơn sẽ tập trung trình bày thủ tục thành lập công ty kinh doanh khu vui chơi, giải trí đối với công ty 100% vốn trong nước. Khi đó, doanh nghiệp cần thực hiện thủ tục xin cấp:
- Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh;
- Giấy phép xây dựng khu vui chơi, giải trí trước khi tiến hành xây dựng.
Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh
Hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh
Theo nghị định số 01/2021/NĐ-CP, doanh nghiệp cần phải chuẩn bị hồ sơ bao gồm các giấy tờ sau:
- Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp;
- Điều lệ doanh nghiệp;
- Danh sách thành viên đối với công ty TNHH 2 thành viên trở lên và danh sách cổ đông đối với công ty cổ phần kèm theo giấy tờ sau:
- Nếu cá nhân tham gia góp vốn: bản sao hợp lệ CMND hoặc căn cước công dân hoặc hộ chiếu còn hiệu lực;
- Nếu tổ chức tham gia góp vốn: quyết định tham gia góp vốn và quyết định bổ nhiệm người quản lý vốn góp, bản sao Giấy đăng ký doanh nghiệp, bản sao CMND/CCCD/hộ chiếu của người đại diện quản lý phần vốn góp.
- Bản sao có chứng thực Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (Nếu có);
- Giấy ủy quyền cho Công ty Luật Mai Sơn thực hiện thủ tục.
Thủ tục xin cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh
- Bước 1: Chuẩn bị đầy đủ hồ sơ thành lập;
- Bước 2: Nộp hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận đầu tư (Nếu là công ty có vốn đầu tư nước ngoài);
- Bước 3: Nộp hồ sơ qua trang website dangkyquamang.dkkd.gov.vn;
- Bước 4: Nhận thông báo kết quả
- Nếu hồ sơ hợp lệ, Sở kế hoạch và Đầu tư ra thông báo hồ sơ được chấp thuận;
- Nếu hồ sơ không hợp lệ, Sở kế hoạch và Đầu tư ra thông báo sửa đổi bổ sung;
- Bước 5: Đăng ký nhận Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh qua đường bưu điện hoặc nhận trực tiếp tại Sở kế hoạch và Đầu tư;
- Bước 6: Khắc dấu công ty và thực hiện một số thủ tục sau khi thành lập.
Cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận
Phòng đăng ký kinh doanh Sở kế hoạch và Đầu tư – nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính có trách nhiệm tiếp nhận và xử lý hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của công ty.
Thời hạn giải quyết: 04 – 06 ngày làm việc
Giấy phép xây dựng khu vui chơi giải trí:
Căn cứ theo Điều 89 Luật Xây dựng 2014, sửa đổi bổ sung 2020, trước khi khởi công xây dựng khu vui chơi giải trí, chủ đầu tư phải có giấy phép xây dựng do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp. Ngoài ra, khu vui chơi giải trí không thuộc các trường hợp được miễn giấy phép xây dựng theo quy định tại Khoản 2 Điều này.
Do đó, sau khi hoàn thành thủ tục xin cấp Giấy chứng nhận kinh doanh, khách hàng kinh doanh khu vui chơi cần làm thủ tục xin giấy phép xây dựng, tùy theo quy mô và mức đầu tư của dự án.
Các thủ tục mà chủ đầu tư cần phải thực hiện để xin giấy phép xây dựng bao gồm:
- Thỏa thuận địa điểm đầu tư hoặc đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh/Thành phố trực thuộc trung ương chấp thuận về chủ trương đầu tư;
- Thẩm định và phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, hoặc lập bản cam kết bảo vệ môi trường;
- Đăng ký đầu tư, thẩm tra dự án đầu tư;
- Thẩm định và phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 (đối với dự án phải lập quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500);
- Thẩm định nhu cầu sử dụng đất của dự án (đối với dự án đầu tư trong nướ Trừ dự án nhóm A và dự án đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước);
- Giao đất hoặc thuê đất, hoặc chuyển mục đích sử dụng đất;
- Thẩm duyệt phòng cháy, chữa cháy;
- Cấp giấy phép xây dựng (nếu có yêu cầu phải có giấy phép xây dựng).
Top khu vui chơi giải trí nổi tiếng Việt Nam
Trên thị trường Việt Nam hiện nay có rất nhiều công ty kinh doanh khu vui chơi và giải trí. Dưới đây là một số khu vui chơi nổi bật nhất:
- Sun World Hạ Long Quảng Ninh – trực thuộc công ty cổ phần Tập đoàn mặt trời – Sungroup;
- Sun World Bà Nà Hills;
- Vinwonders Phú Quốc;
- Vinwonders Nam Hội An;
Trên đây là nội dung tư vấn về thành lập công ty kinh doanh khu vui chơi giải trí. Nếu có nhu cầu thành lập hoặc cần tư vấn thêm thông tin, Quý khách hàng xin vui lòng liên hệ Công ty luật Mai Sơn để được hỗ trợ sớm nhất.