Sau khi chủ nợ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản, doanh nghiệp có được quyền thương lượng để chủ nợ rút đơn không?
1. Chủ nợ có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản không?
– Tòa án chỉ xem xét, giải quyết phá sản trên cơ sở yêu cầu mở thủ tục phá sản của người có quyền và nghĩa vụ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản. Căn cứ quy định tại Điều 5 Luật phá sản 2014, chủ nợ không có bảo đảm hoặc chủ nợ có bảo đảm một phần là đối tượng đầu tiên có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản trong trường hợp khi hết thời hạn 03 tháng kể từ ngày khoản nợ đến hạn mà doanh nghiệp, hợp tác xã không thực hiện nghĩa vụ thanh toán.
– Tuy nhiên, không phải tất cả các chủ nợ đều có quyền nộp đơn trong đó các chủ nợ có bảo đảm không được quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản. Bởi lẽ, với các khoản nợ của họ tại doanh nghiệp hoặc hợp tác xã mất khả năng thanh toán đã được bảo đảm bằng tài sản của doanh nghiệp hoặc được bảo lãnh của bên thứ ba.
2. Đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản
– Khi yêu cầu Tòa án mở thủ tục phá sản, các chủ nợ không có bảo đảm hoặc chủ nợ có bảo đảm một phần phải làm đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản. Trong đó, đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản phải có các nội dung chủ yếu quy định tại khoản 2 Điều 26 như sau:
+ Ngày, tháng, năm;
+ Tên Tòa án nhân dân có thẩm quyền giải quyết phá sản;
+ Tên, địa chỉ của người làm đơn;
+ Tên, đại chỉ của doanh nghiệp, hợp tác xã bị yêu cầu mở thủ tục phá sản;
+ Khoản nợ đến hạn, kèm theo đơn phải có chứng cứ để chứng minh khoản nợ đến hạn.
– Xử lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản: Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày được phân công giải quyết, Thẩm phán phải xem xét đơn yêu cầu và xử lý theo các hướng như sau:
+ Trong trường hợp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản hợp lệ, Thẩm phán thông báo cho người nộp đơn yêu cầu về việc nộp lệ phí phá sản, tạm ứng chi phí phá sản, trừ trường hợp không phải nộp lệ phí phá sản, tạm ứng chi phí phá sản;
+ Trường hợp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản không đủ các nội dung theo quy định, Thẩm phán thông báo cho người nộp đơn để họ thực hiện việc sửa đổi, bổ sung đơn;
+ Trường hợp thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án khác, Tòa án nhận được yêu cầu mở thủ tục phá sản chuyển đơn yêu cầu đến cho Tòa án nhân dân có thẩm quyền giải quyết;
+ Trong một số trường hợp rơi vào các trường hợp được quy định tại Điều 35 Luật Phá sản 2014, Thẩm phán phải trả lại đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản. Chẳng hạn, với trường hợp người nộp đơn không thực hiện việc sửa đổi, bổ sung đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản hoặc người nộp đơn rút đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản thì Tòa án ra quyết định trả lại đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản.
Ngoài ra, Tòa án cũng cần thông báo việc xử lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản bằng văn bản cho người nộp đơn và doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán.
– Thủ tục thông báo việc thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản
+ Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày thụ lý đơn, Tòa án phải thông báo bằng văn bản đến cho các chủ thể bao gồm: gửi cho người nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản, doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán, các cơ quan, tổ chức đang giải quyết vụ việc liên quan đến doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán do các bên cung cấp và Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp về việc thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản.
+ Với trường hợp người nộp đơn là người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán thì Tòa án phải thông báo cho các chủ nợ của doanh nghiệp, hợp tác xã cung cấp.
+ Trường hợp người nộp đơn không phải là doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán thì hợp tác xã, doanh nghiệp mất khả năng thanh toán phải xuất trình cho Tòa án các giấy tờ, tài liệu theo quy định tại khoản 3 Điều 28 Luật Phá sản 2014 (Các tài liệu, giấy tờ bao gồm: Báo cáo tài chính của doanh nghiệp trong 03 năm gần nhất; bản giải trình nguyên nhân dẫn đến tình trạng mất khả năng thanh toán; báo cáo thực hiện các biện pháp khôi phục doanh nghiệp; Bảng kê chi tiết tài sản, địa điểm của tài sản trong doanh nghiệp; danh sách chủ nợ; giấy tờ, tài liệu liên quan đến việc thành lập doanh nghiệp, hợp tác xã; kết quả định giá tài sản còn lại (nếu có)) trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được thông báo của Tòa án.
– Thủ tục nộp lệ phí phá sản, tạm ứng chi phí phá sản
+ Trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày làm việc kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản hợp lệ, Tòa án nhân dân dự tính số tiền tạm ứng chi phí phá sản và thông báo cho người yêu cầu mở thủ tục phá sản để nộp lệ phí phá sản, tạm ứng chi phí phá sản;
+ Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được thông báo về việc nộp lệ phí phá sản, tạm ứng chi phí phá sản, người nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản phải thực hiện việc nộp lệ phí phá sản, tạm ứng chi phí phá sản như sau: nộp lệ phí phá sản cho cơ quan thi hành án dân sự, nộp tạm ứng chi phí phá sản vào tài sản do Tòa án nhân dân mở tại ngân hàng.
3. Có được rút đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản không?
Cơ sở pháp lý: Điều 35 Luật Phá sản 2014
– Pháp luật quy định người nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản có quyền rút đơn yêu cầu với trường hợp chủ nợ thỏa thuận được với doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán về việc rút đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản. Và trong trường hợp này Tòa án sẽ thực hiện việc trả lại đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản cho người nộp đơn. Như vậy, theo quy định pháp luật về phá sản thì người nộp đơn có quyền rút đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản.
4. Doanh nghiệp có quyền thương lượng để chủ nợ rút đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản không?
– Thời hạn thực hiện việc thương lượng giữa các bên:
+ Khi có nhu cầu thương lương với bên chủ nợ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản thì doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán có quyền đề nghị bằng văn bản gửi đến Tòa án nhân dân để các bên thương lượng việc rút đơn, Thời hạn đề nghị: trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày Tòa án nhân dân nhận đơn yêu cầu hợp lệ của chủ nợ.
+ Sau khi có văn bản đề nghị thương lượng, Tòa án nhân dân có trách nhiệm ấn định thời gian thương lượng nhưng không quá 20 ngày kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản hợp lệ.
– Sau khi đã thương lượng với nhau thì 2 trường hợp có thể xảy ra bao gồm:
+ Trường hợp thương lượng thành công: Trong trường hợp các bên thỏa thuận được với nhau về việc rút đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản thì Tòa án nhân dân trả lại đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản;
+ Trường hợp thương lượng không thành công: Trường hợp thương lượng không thành công hoặc hết thời hạn thương lượng mà các bên không tiến hành thương lượng thì Tòa án thông báo cho người nộp đơn lệ phí phá sản, tạm ứng chi phí phá sản.
Khi các bên tiến hành thương lượng, các bên có thể thỏa thuận về phương án thanh toán nợ cho các chủ nợ. Lúc này, với sự tham gia của Tòa án trong quá trình thỏa thuận thì các bên sẽ dễ tìm thấy tiếng nói chung trong việc giải quyết các khoản nợ của doanh nghiệp hơn. Và các bên cũng có thể tự do thương lượng, thỏa thuận các vấn đề có liên quan miễn sao không trái với quy quy định của pháp luật về phá sản.
Như vậy, theo quy định của pháp luật, sau khi chủ nợ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản thì doanh nghiệp có quyền thương lượng với chủ nợ để rút đơn yêu cầu.
Trên đây là tư vấn của chúng tôi. Nếu chưa rõ, vướng mắc hoặc còn vấn đề pháp lý khác vui lòng liên hệ đến Bộ phận tư vấn pháp luật trực tuyến qua hotline số: 0975 852 995 Xin trân trọng cảm ơn.