Quy định nội dung kích thước khi đặt bảng tên công ty

Việc gắn biển công ty là công việc bắt buộc của toàn bộ doanh nghiệp khi được thành lập. Việc treo biển công ty là việc thể hiện công ty đang hoạt động tại địa chỉ này và cơ quan nhà nước dễ dàng quản lý. Như vậy quy định nội dung kích thước khi đặt bảng tên công ty như thế nào? Luật Mai Sơn sẽ hướng dẫn quý khách hàng tại bài viết sau:

1. Biển tên doanh nghiệp là gì?

Biển tên doanh nghiệp là gì?

Theo Điều 17 Luật Quảng cáo năm 2012, biển hiệu là một trong các phương tiện quảng cáo cho phép các tổ chức, cá nhân sử dụng để quảng bá thương hiệu.

Đồng thời, Khoản 4 Điều 37 Luật Doanh nghiệp 2020 cũng quy định rõ, tên công ty phải được gắn tại trụ sở chính, chi nhánh và văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh; đồng thời phải in hoặc viết trên các giấy tờ giao dịch, hồ sơ tài liệu và ấn phẩm do doanh nghiệp phát hành.

Từ đây, có thể kết luận, biển tên doanh nghiệp là một trong những phương tiện quảng cáo mà pháp luật cho phép công ty sử dụng nhằm công bố, giới thiệu thông tin, quảng bá hình ảnh…

Vì sao cần phải treo biển tên?

Doanh nghiệp cần treo biển tên bởi một số lý do sau đây:

– Đây là quy định bắt buộc, là một trong số những phương thức chứng minh sự tồn tại hợp pháp của công ty (Theo Khoản 4 Điều 37 Luật Doanh nghiệp năm 2020), là cơ sở để cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, quản lý;

– Quảng bá, giới thiệu thông tin tới khách hàng;

– Thể hiện hình ảnh chuyên nghiệp, công khai minh bạch tới đối tác, khách hàng…

2. Quy định treo biển tên công ty mới thành lập

Nội dung phải có trên biển tên công ty 

Theo Điều 34 Luật Quảng cáo 2012, trên biển tên công ty cần có những thông tin sau:

– Tên cơ quan chủ quản trực tiếp (nếu có): Ví dụ, công ty cổ phần A (100% vốn tư nhân) thành lập và hoạt động tại thành phố Hà Nội thì cơ quản chủ quản trực tiếp quản lý là Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố;

– Tên cơ sở sản xuất, kinh doanh: biển tên đảm bảo đủ các phần cần có của tên công ty theo đúng quy định pháp luật doanh nghiệp có liên quan (Ví dụ: Công ty cổ phần/Công ty CP/CTCP + Tên doanh nghiệp);

– Địa chỉ, số điện thoại;

– Mã số thuế (mã số thuế không được nêu trong quy định của Luật Quảng cáo, song để dễ trong việc tìm kiếm, tránh sự nhầm lẫn thì doanh nghiệp nên bổ sung mã số đăng ký doanh nghiệp/mã số thuế trên biển tên).

*Lưu ý: Doanh nghiệp nên gửi ảnh Giấy đăng ký kinh doanh cho các đơn vị làm biển quảng cáo để biển tên được lấy đúng thông tin và thiết kế phù hợp.

Chữ viết trên biển tên công ty

– Theo Điều 18 Luật Quảng cáo 2012, chữ viết trên biển quảng cáo phải được thể hiện bằng tiếng Việt, trừ nhãn hiệu/khẩu hiệu/thương hiệu/tên riêng bằng tiếng nước ngoài hoặc các từ ngữ đã được quốc tế hoá không thể thay thế bằng tiếng Việt;

– Đồng thời, nếu doanh nghiệp muốn đưa tên viết tắt; tên giao dịch quốc tế hoặc tên, chữ nước ngoài lên biển tên công ty thì phải ghi ở phía dưới, kích thước chữ phải nhỏ hơn tên chữ Việt Nam, cụ thể: chữ nước ngoài không được quá 3/4 khổ chữ tiếng Việt và phải đặt bên dưới chữ tiếng Việt.

(Căn cứ: Điểm b Khoản 1 Điều 23 Nghị định 103/2009/NĐ- CP và Điều 18 Luật Quảng cáo 2012)

Hình thức, kích thước biển tên công ty

Biển tên có thể làm dưới dạng ngang hoặc dọc, nhưng phải đảm bảo giới hạn kích thước được quy định tại Khoản 3 Điều 34 Luật Quảng cáo 2012 như sau:

– Đối với biển tên ngang: chiều cao tối đa là 02 mét (m), chiều dài không vượt quá chiều ngang mặt tiền nhà.

– Đối với biển tên dọc: chiều ngang tối đa là 01 mét (m), chiều cao tối đa là 04 mét (m) nhưng không vượt quá chiều cao của tầng nhà nơi đặt biển tên.

Số lượng biển tên công ty

Theo quy định tại Khoản 2 Điều 23 Nghị định 103/2009/NĐ-CP:

– Mỗi doanh nghiệp chỉ được đặt 01 biển tên tại cổng;

– Mỗi doanh nghiệp chỉ cần 01 biển tên ngang và không quá 02 biển tên dọc.

Vị trí treo biển tên công ty

Cũng tại Khoản 2 Điều 23 của Nghị định 103/2009/NĐ-CP, doanh nghiệp có thể lựa chọn đặt biển tên ở:

– Sát cổng, hoặc;

– Mặt trước của trụ sở hoặc nơi kinh doanh.

*Lưu ý: Khi treo biển tên, phải tránh không gian thoát hiểm, cứu hoả và không được lấn ra vỉa hè, lòng đường, gây ảnh hưởng đến giao thông công cộng.

3. Xử phạt doanh nghiệp trong trường hợp treo biển không đúng theo quy định về kịch cỡ

Căn cứ theo Điều 48 Nghị định 38/2021/NĐ- CP thì hành vi vi phạm quy định về biển hiệu như sau:

“1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Không thể hiện đầy đủ trên biển hiệu tên cơ quan chủ quản trực tiếp; tên cơ sở sản xuất kinh doanh theo đúng giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp; địa chỉ, điện thoại;

b) Sử dụng biển hiệu có kích thước không đúng theo quy định.

2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Ghi không đúng hoặc ghi không đầy đủ tên gọi bằng tiếng Việt trên biển hiệu; b) Không viết bằng chữ tiếng Việt mà chỉ viết bằng chữ tiếng nước ngoài trên biển hiệu;

c) Thể hiện tên riêng, tên viết tắt, tên giao dịch quốc tế bằng chữ tiếng nước ngoài ở phía trên tên bằng chữ tiếng Việt trên biển hiệu; d) Thể hiện tên gọi, tên viết tắt, tên giao dịch quốc tế bằng chữ tiếng nước ngoài có khổ chữ quá ba phần tư khổ chữ tiếng Việt trên biển hiệu;

đ) Chiều cao của biển hiệu dọc vượt quá chiều cao của tầng nhà nơi đặt biển hiệu.

3. Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Treo, dựng, đặt, gắn biển hiệu che chắn không gian thoát hiểm, cứu hỏa;

b) Treo, dựng, đặt, gắn biển hiệu lấn ra vỉa hè, lòng đường, ảnh hưởng đến giao thông công cộng;

c) Treo, dựng, đặt, gắn biển hiệu làm mất mỹ quan.

4. Biện pháp khắc phục hậu quả:

Buộc tháo dỡ biển hiệu đối với hành vi quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều này.”

Theo đó, với cá nhân treo biển hiệu không đúng theo quy định sẽ bị xử phạt từ 5 triệu đến 10 triệu đồng, riêng biển hiệu dọc có chiều cao vượt quá chiều cao của tầng nhà đặt biển hiệu sẽ bị xử phạt từ 10 -15 triệu đồng. Đồng thời, buộc tháo dỡ biển hiệu theo quy định pháp luật.

Đồng thời, tại Điều 5 Nghị định 38/2021/NĐ-CP quy định về mức phạt tiền và thẩm quyền phạt tiền đối với cá nhân, tổ chức như sau:

“1. Mức phạt tiền tối đa đối với một hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa là 50.000.000 đồng đối với cá nhân và 100.000.000 đồng đối với tổ chức. Mức phạt tiền tối đa đối với một hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực quảng cáo là 100.000.000 đồng đối với cá nhân và 200.000.000 đồng đối với tổ chức.

2. Mức phạt tiền quy định tại Chương II và Chương III Nghị định này là mức phạt tiền áp dụng đối với cá nhân, trừ trường hợp quy định tại khoản 1, điểm c khoản 4, điểm a khoản 5 và khoản 6 Điều 6; các điểm c, đ, e và g khoản 4 Điều 8; các khoản 1, 2 và 3 Điều 9; Điều 10; điểm a khoản 2, các khoản 3, 5 và 6, các điểm a, b, c và d khoản 7 Điều 14; các khoản 1, 2, 3, 4 và điểm b khoản 5 Điều 21; các khoản 1, 2, 3, 4 và điểm b khoản 5 Điều 23; khoản 1 Điều 24; các Điều 30, 38, 39 và 40 Nghị định này là mức phạt tiền áp dụng đối với tổ chức.

3. Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính mức phạt tiền đối với tổ chức gấp 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.

4. Thẩm quyền phạt tiền của các chức danh có thẩm quyền xử phạt quy định tại Chương IV Nghị định này là thẩm quyền áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính của cá nhân; thẩm quyền phạt tiền đối với tổ chức gấp 2 lần thẩm quyền phạt tiền đối với cá nhân.”

Theo đó, điểm b, điểm đ khoản 1 Điều 48 Nghị định 38/2021/NĐ-CP chỉ là mức xử phạt đối với cá nhân còn tổ chức sẽ nhân đôi.

Nếu quý khách hàng gặp bất kỳ vấn đề hoặc thắc mắc nào liên quan đến nội dung bài viết hoặc các quy định pháp luật, chúng tôi luôn sẵn lòng hỗ trợ và giải quyết vấn đề của quý khách một cách nhanh chóng và tốt nhất có thể. Quý khách hàng có thể liên hệ với chúng tôi thông qua tổng đài 0975 852 995. Chúng tôi sẽ lắng nghe và phản hồi sớm nhất để đảm bảo rằng mọi khó khăn và mâu thuẫn được giải quyết một cách hiệu quả và hài lòng nhất.