Những loại giao dịch nào doanh nghiệp không được sử dụng tiền mặt?

Những loại giao dịch nào doanh nghiệp không được sử dụng tiền mặt?

Xin cho tôi hỏi những loại giao dịch nào doanh nghiệp không được sử dụng tiền mặt? – Bảo Châu (Hải Phòng)

Mục lục bài viếtMục lục bài viết

 

1. Giao dịch không được sử dụng tiền mặt là gì?

Điều 116  Bộ luật Dân sự 2015 định nghĩa giao dịch dân sự là hợp đồng hoặc hành vi pháp lý đơn phương làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự.

Theo đó, giao dịch dân sự có thể được thể hiện dưới các hình thức sau đây:

– Bằng lời nói

– Bằng văn bản. Trong đó giao dịch thông qua phương tiện điện tử dưới hình thức thông điệp dữ liệu theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử cũng được coi là giao dịch bằng văn bản

– Bằng hành vi cụ thể

Ngoài ra, tại Nghị định 222/2013/NĐ- CP, tiền mặt là tiền giấy, tiền kim loại do Ngân hàng Nhà nước phát hành. Do đó, giao dịch không sử dụng tiền mặt có thể hiểu là việc các cá nhân, tổ chức không sử dụng tiền mặt để thực hiện các giao dịch thanh toán, giao dịch dân sự khác.

2. Những loại giao dịch nào doanh nghiệp không được sử dụng tiền mặt?

2.1 Giao dịch góp vốn, mua bán, chuyển nhượng phần vốn góp

Theo Điều 3 Thông tư 09/2015/TT-BTC quy định các doanh nghiệp không sử dụng tiền mặt (tiền giấy, tiền kim loại do Ngân hàng Nhà nước phát hành) để thanh toán các giao dịch góp vốn, mua bán, chuyển nhượng phần vốn góp vào doanh nghiệp khác

Theo đó, khi thực hiện giao dịch góp vốn và mua bán, chuyển nhượng phần vốn góp vào doanh nghiệp khác, các doanh nghiệp sử dụng các hình thức sau:

– Thanh toán bằng Séc;

– Thanh toán bằng ủy nhiệm chi – chuyển tiền;

– Các hình thức thanh toán không sử dụng tiền mặt phù hợp khác theo quy định hiện hành.

2.2 Các giao dịch vay, cho vay và trả nợ vay lẫn nhau

Tại khoản 2 Điều 6 Nghị định 222/2013/NĐ- CPcó nêu các doanh nghiệp không phải tổ chức tín dụng không sử dụng tiền mặt khi vay và cho vay lẫn nhau.

2.3 Mua hàng hóa, dịch vụ từng lần từ 20 triệu đồng trở lên

Khoản chi nếu có hóa đơn mua hàng hóa, dịch vụ từng lần có giá trị từ 20 triệu đồng trở lên (giá đã bao gồm thuế GTGT) khi thanh toán phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt.

Chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt thực hiện theo quy định của các văn bản pháp luật về thuế giá trị gia tăng.

– Trường hợp mua hàng hóa, dịch vụ từng lần có giá trị từ hai mươi triệu đồng trở lên ghi trên hóa đơn mà đến thời điểm ghi nhận chi phí, doanh nghiệp chưa thanh toán và chưa có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt thì doanh nghiệp được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế. Trường hợp khi thanh toán doanh nghiệp không có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt thì doanh nghiệp phải kê khai, điều chỉnh giảm chi phí đối với phần giá trị hàng hóa, dịch vụ không có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt vào kỳ tính thuế phát sinh việc thanh toán bằng tiền mặt (kể cả trong trường hợp cơ quan thuế và các cơ quan chức năng đã có quyết định thanh tra, kiểm tra kỳ tính có phát sinh khoản chi phí này).

Đối với các hóa đơn mua hàng hóa, dịch vụ đã thanh toán bằng tiền mặt phát sinh trước thời điểm T có hiệu lực Thông tư 78/2014/TT-BTC  thi hành thì không phải điều chỉnh lại.

– Trường hợp doanh nghiệp mua hàng hóa, dịch vụ liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và có hóa đơn in trực tiếp từ máy tính tiền theo quy định của pháp luật về hóa đơn; hóa đơn này nếu có giá trị từ 20 triệu đồng trở lên thì doanh nghiệp căn cứ vào hóa đơn này và chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt của doanh nghiệp để tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế.

– Trường hợp doanh nghiệp mua hàng hóa, dịch vụ liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và có hóa đơn in trực tiếp từ máy tính tiền theo quy định của pháp luật về hóa đơn; hóa đơn này nếu có giá trị dưới 20 triệu đồng và có thanh toán bằng tiền mặt thì doanh nghiệp căn cứ vào hóa đơn này và chứng từ thanh toán bằng tiền mặt của doanh nghiệp để tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế.

(Điểm c khoản 1 Điều 6 Thông tư 78/2014/TT-BTC  (sửa đổi bổ sung tại Thông tư 119/2014/TT-BTC )

2.4 Giao dịch nộp tiền vào ngân sách Nhà nước

Các đơn vị, tổ chức kinh tế có tài khoản tại ngân hàng thương mại thực hiện nộp ngân sách nhà nước bằng hình thức thanh toán không dùng tiền mặt hoặc nộp bằng tiền mặt tại ngân hàng thương mại để chuyển nộp vào tài khoản của Kho bạc Nhà nước.

(Khoản 4 Điều 5  Thông tư 13/2017/TT-BTC (sửa đổi, bổ sung tại  Thông tư 136/2018/TT-BTC)

2.5  Giao dịch chứng khoán

Theo khoản 1 Điều 5 Nghị định 222/2013/NĐ- CP  quy định:

– Tổ chức, cá nhân không thanh toán bằng tiền mặt trong các giao dịch chứng khoán trên Sở giao dịch chứng khoán.

– Tổ chức, cá nhân không thanh toán bằng tiền mặt trong các giao dịch chứng khoán đã đăng ký, lưu ký tại Trung tâm Lưu ký chứng khoán không qua hệ thống giao dịch của Sở giao dịch chứng khoán.

2.6 Doanh nghiệp có vốn Nhà nước 

Tại Điều 4 Nghị định 222/2013/NĐ- CPquy định:

– Các tổ chức sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước không thanh toán bằng tiền mặt trong các giao dịch, trừ một số trường hợp được phép thanh toán bằng tiền mặt theo quy định của Bộ Tài chính.

– Các tổ chức sử dụng vốn nhà nước không thanh toán bằng tiền mặt trong các giao dịch, trừ một số trường hợp được phép thanh toán bằng tiền mặt theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.

Theo đó đối với doanh nghiệp nhà nước không thanh toán bằng tiền mặt trong các giao dịch, trừ một số trường hợp được phép thanh toán bằng tiền mặt theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.