Mẫu đơn đề nghị cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán phân bón mới nhất hiện nay được quy định như thế nào?
Mẫu đơn đề nghị cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán phân bón mới nhất hiện nay được quy định như thế nào?
Mẫu đơn đề nghị cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán phân bón mới nhất hiện nay được quy định tại Mẫu số 08 Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 84/2019/NĐ- CP, khoản 4 Điều 1 Nghị định 130/2022/NĐ- CP
Cá nhân nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán phân bón đến cơ quan nào?
Cá nhân nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán phân bón đến cơ quan theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 17 Nghị định 84/2019/NĐ- CP như sau:
Trình tự cấp, cấp lại Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất phân bón, Giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán phân bón
1. Trình tự cấp Giấy chứng nhận.
a) Trình tự cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất phân bón như sau:
Tổ chức, cá nhân gửi hồ sơ đến cơ quan có thẩm quyền cấp quy định tại khoản 1 Điều 13 Nghị định này.
Trong thời hạn 20 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, cơ quan có thẩm quyền thẩm định nội dung hồ sơ, nếu hồ sơ đạt yêu cầu thực hiện kiểm tra thực tế điều kiện sản xuất phân bón, việc thực hiện nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân sản xuất phân bón theo quy định tại điểm i khoản 2 Điều 50 Luật Trồng trọt và lập biên bản kiểm tra theo Mẫu số 12 Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này.
Trường hợp tổ chức, cá nhân sản xuất phân bón không đáp ứng điều kiện, phải thực hiện khắc phục, sau khi khắc phục có văn bản thông báo đến cơ quan có thẩm quyền để tổ chức kiểm tra nội dung đã khắc phục. Trường hợp kết quả kiểm tra đạt yêu cầu, trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc kiểm tra, cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất phân bón theo Mẫu số 10 tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này. Trường hợp không cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất phân bón phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
b) Trình tự cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán phân bón như sau:
Tổ chức, cá nhân gửi hồ sơ đến cơ quan có thẩm quyền cấp quy định tại khoản 2 Điều 13 Nghị định này.
Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, cơ quan có thẩm quyền thẩm định nội dung hồ sơ, nếu hồ sơ đạt yêu cầu thực hiện kiểm tra điều kiện buôn bán phân bón tại tổ chức, cá nhân và lập biên bản kiểm tra theo Mẫu số 12 tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này.
Trường hợp tổ chức, cá nhân buôn bán phân bón không đáp ứng điều kiện, phải thực hiện khắc phục, sau khi khắc phục có văn bản thông báo đến cơ quan có thẩm quyền để kiểm tra nội dung đã khắc phục. Trường hợp kết quả kiểm tra đạt yêu cầu, trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc kiểm tra, cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán phân bón theo Mẫu số 11 tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này. Trường hợp không cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán phân bón phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
…
Dẫn chiếu đến khoản 2 Điều 13 Nghị định 84/2019/NĐ- CP như sau:
Thẩm quyền cấp, cấp lại, thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất phân bón, Giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán phân bón và kiểm tra duy trì điều kiện
…
2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm tra, cấp, cấp lại, thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán phân bón theo Mẫu số 11 tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này.
…
Như vậy, theo quy định trên thì cá nhân nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán phân bón đến Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Cá nhân buôn bán phân bón có quyền như thế nào?
Căn cứ tại khoản 1 Điều 51 Luật trồng trọt 2018 có quy định như sau:
Quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân buôn bán phân bón
1. Tổ chức, cá nhân buôn bán phân bón có quyền sau đây:
a) Buôn bán phân bón được công nhận lưu hành tại Việt Nam;
b) Được cung cấp thông tin và hướng dẫn sử dụng, bồi dưỡng chuyên môn phân bón.
2. Tổ chức, cá nhân buôn bán phân bón có nghĩa vụ sau đây:
a) Duy trì đầy đủ các điều kiện buôn bán phân bón quy định tại Điều 42 của Luật này trong quá trình buôn bán phân bón;
b) Bảo quản phân bón ở nơi khô ráo, không để lẫn với các loại hàng hóa khác làm ảnh hưởng đến chất lượng phân bón;
c) Kiểm tra nguồn gốc phân bón, nhãn phân bón, dấu hợp chuẩn, dấu hợp quy và các tài liệu liên quan đến chất lượng phân bón;
d) Chấp hành việc thanh tra, kiểm tra của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
đ) Cung cấp chứng từ hợp pháp để truy xuất nguồn gốc phân bón;
e) Bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật;
g) Hướng dẫn sử dụng phân bón theo đúng nội dung ghi trên nhãn phân bón;
h) Chấp hành quy định của pháp luật về phòng cháy và chữa cháy, hóa chất, lao động, môi trường và quy định khác của pháp luật có liên quan.
Như vậy, theo quy định trên thì cá nhân buôn bán phân bón có các quyền như sau:
– Buôn bán phân bón được công nhận lưu hành tại Việt Nam;
– Được cung cấp thông tin và hướng dẫn sử dụng, bồi dưỡng chuyên môn phân bón.