Kiểm soát viên tại doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ có được đồng thời là người quản lý tại doanh nghiệp khác không?
Kiểm soát viên tại doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ thuộc thẩm quyền quản lý của cơ quan nào?
Thẩm quyền quản lý Kiểm soát viên tại doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ được quy định tại khoản 5 Điều 3 Nghị định 159/2020/NĐ- CP(được sửa đổi bởi khoản 1 Điều 1 Nghị định 69/2023/NĐ- CP) như sau:
Giải thích từ ngữ
…
b) Đánh giá, cử, cử lại, cho thôi đại diện phần vốn nhà nước, khen thưởng, kỷ luật, nghỉ hưu đối với người đại diện phần vốn nhà nước.
2. Cơ quan tham mưu là cơ quan làm công tác tổ chức cán bộ của cấp có thẩm quyền.
3. Tập thể lãnh đạo doanh nghiệp bao gồm Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty và ban thường vụ cấp ủy cùng cấp (đối với tổ chức đảng cấp trên cơ sở) hoặc cấp ủy cùng cấp (đối với tổ chức đảng cấp cơ sở).
4. Người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp là người do cơ quan đại diện chủ sở hữu cử làm đại diện một phần hoặc toàn bộ phần vốn Nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp để thực hiện toàn bộ hoặc một số quyền, trách nhiệm và nghĩa vụ của cổ đông nhà nước hoặc thành viên góp vốn tại doanh nghiệp theo quy định của pháp luật.
5. Kiểm soát viên là người thuộc thẩm quyền quản lý của cơ quan đại diện chủ sở hữu, được cơ quan đại diện chủ sở hữu bổ nhiệm, làm việc theo chế độ chuyên trách hoặc kiêm nhiệm.
Như vậy, theo quy định, Kiểm soát viên tại doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ là người thuộc thẩm quyền quản lý của cơ quan đại diện chủ sở hữu, được cơ quan đại diện chủ sở hữu bổ nhiệm, làm việc theo chế độ chuyên trách hoặc kiêm nhiệm.
Kiểm soát viên tại doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ có được đồng thời là người quản lý tại doanh nghiệp khác không?
Việc kiêm nhiệm chức danh đối với Kiểm soát viên tại doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ được quy định tại khoản 2 Điều 7 Nghị định 159/2020/NĐ- CP như sau:
Kiêm nhiệm đối với người quản lý doanh nghiệp nhà nước, Kiểm soát viên và người đại diện phần vốn nhà nước
…
2. Việc kiêm nhiệm các chức danh, chức vụ khác của Kiểm soát viên được quy định như sau:
a) Trưởng Ban kiểm soát, Kiểm soát viên không được là người quản lý công ty và người quản lý tại doanh nghiệp khác; không được là Kiểm soát viên của doanh nghiệp không phải là doanh nghiệp nhà nước; không phải là người lao động của công ty;
b) Một cá nhân có thể đồng thời được bổ nhiệm làm Trưởng Ban kiểm soát, Kiểm soát viên của không quá 04 doanh nghiệp nhà nước.
3. Việc kiêm nhiệm các chức danh, chức vụ khác của người đại diện phần vốn nhà nước được quy định như sau:
a) Người đại diện phần vốn nhà nước chuyên trách chỉ được tham gia đại diện phần vốn nhà nước tại 01 doanh nghiệp;
b) Người đại diện phần vốn nhà nước không chuyên trách có thể tham gia đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp khác cùng cơ quan đại diện chủ sở hữu, nhưng không quá 03;
c) Người đại diện phần vốn nhà nước không được kiêm nhiệm đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp khác cơ quan đại diện chủ sở hữu;
d) Người đại diện phần vốn nhà nước không là cán bộ, công chức, viên chức.
Theo quy định trên thì Kiểm soát viên tại doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ không được là người quản lý công ty và người quản lý tại doanh nghiệp khác.
Như vậy, trong trường hợp này, chị không được đồng thời làm Kiểm soát viên và người quản lý tại doanh nghiệp khác.
Thời hạn giữ chức vụ cho mỗi nhiệm kỳ bổ nhiệm đối với Kiểm soát viên là bao lâu?
Thời hạn giữ chức vụ cho mỗi nhiệm kỳ bổ nhiệm đối với Kiểm soát viên được quy định tại khoản 1 Điều 27 Nghị định 159/2020/NĐ- CP như sau:
Thời hạn giữ chức vụ
1. Thời hạn giữ chức vụ cho mỗi nhiệm kỳ bổ nhiệm của người quản lý doanh nghiệp nhà nước, Kiểm soát viên là 05 năm, tính từ thời điểm quyết định bổ nhiệm có hiệu lực. Trường hợp thời hạn giữ chức vụ dưới 05 năm thực hiện theo quyết định của cấp có thẩm quyền.
2. Trường hợp người quản lý doanh nghiệp nhà nước, Kiểm soát viên được điều động, bổ nhiệm giữ chức vụ mới tương đương chức vụ cũ trở lên thì thời hạn giữ chức vụ được tính từ ngày quyết định điều động, bổ nhiệm giữ chức vụ mới có hiệu lực thi hành.
3. Trường hợp thay đổi chức danh quản lý do thay đổi tên gọi doanh nghiệp thì thời hạn giữ chức vụ được tính từ ngày quyết định bổ nhiệm theo chức vụ cũ theo tên gọi cũ của doanh nghiệp.
Như vậy, theo quy định, thời hạn giữ chức vụ cho mỗi nhiệm kỳ bổ nhiệm đối với Kiểm soát viên là 05 năm, tính từ thời điểm quyết định bổ nhiệm có hiệu lực.
Trường hợp thời hạn giữ chức vụ dưới 05 năm thực hiện theo quyết định của cấp có thẩm quyền.
Lưu ý: Trường hợp Kiểm soát viên được điều động, bổ nhiệm giữ chức vụ mới tương đương chức vụ cũ trở lên thì thời hạn giữ chức vụ được tính từ ngày quyết định điều động, bổ nhiệm giữ chức vụ mới có hiệu lực thi hành.