KHI NÀO NHÃN HIỆU BỊ YÊU CẦU HỦY BỎ HIỆU LỰC

Khi nào nhãn hiệu bị yêu cầu hủy bỏ hiệu lực?

Do tầm quan trọng của nhãn hiệu trong sự phát triển kinh tế nói chung và đối với từng chủ sở hữu nói riêng, pháp luật Việt Nam đã có quy định về thủ tục đăng ký nhãn hiệu tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, nhãn hiệu có thể bị yêu cầu hủy bỏ hiệu lực. Công ty luật Mai Sơn đã tổng hợp các vấn đề pháp lý để trả lời câu hỏi khi nào nhãn hiệu bị yêu cầu hủy bỏ hiệu lực.

Căn cứ pháp lý

  • Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, sửa đổi bổ sung 2009, 2019, 2022.

Hủy bỏ hiệu lực đối với nhãn hiệu là gì?

Pháp luật về sở hữu trí tuệ từ trước đến nay chưa định nghĩa về hủy bỏ hiệu lực đối với nhãn hiệu. Tuy nhiên, về cơ bản có thể hiểu hủy bỏ hiệu lực đối với nhãn hiệu là việc xóa bỏ giá trị pháp lý của giấy chứng nhận đăng kí nhãn hiệu đã được cơ quan có thẩm quyền cấp khi xuất hiện một trong các căn cứ hủy bỏ hiệu lực theo quy định của pháp luật.

Giấy chứng nhận đăng kí nhãn hiệu sẽ hoàn toàn không có giá trị pháp lý kể từ thời điểm cấp, theo đó, mọi quyền và nghĩa vụ pháp lý được thiết lập trên cơ sở giấy chứng nhận đăng kí nhãn hiệu cũng không được ghi nhận. Như vậy, hủy bỏ hiệu lực giấy chứng nhận đăng kí nhãn hiệu có thể được định nghĩa như sau:

“Hủy bỏ hiệu lực đối với nhãn hiệu là thủ tục do cơ quan nhà nước có thẩm quyền tiến hành trên cơ sở yêu cầu của tổ chức, cá nhân nhằm xóa bỏ hoàn toàn giá trị pháp lý của giấy chứng nhận đăng kí nhãn hiệu kể từ thời điểm giấy chứng nhận đăng kí nhãn hiệu được cấp khi xuất hiện một trong các căn cứ hủy bỏ hiệu lực theo quy định của pháp luật.”

Nhãn hiệu bị yêu cầu hủy bỏ hiệu lực khi nào?

Nhãn hiệu bị hủy bỏ toàn bộ hiệu lực

Khoản 1 Điều 96 Luật Sở hữu trí tuệ quy định duy nhất một trường hợp nhãn hiệu sẽ bị hủy bỏ toàn bộ hiệu lực nếu: Người nộp đơn đăng ký nhãn hiệu với dụng ý xấu.

Trường hợp này liên quan đến việc sử dụng nhãn hiệu để gây thất vọng hoặc lừa dối người tiêu dùng. Nếu một người nộp đơn đăng ký nhãn hiệu có mục đích gian lận, đánh lừa người tiêu dùng, hoặc tạo ra nhãn hiệu giả mạo để lợi dụng thương hiệu của người khác, giấy chứng nhận đăng kí nhãn hiệu sẽ bị hủy bỏ. Việc này nhằm bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng và đảm bảo sự minh bạch trong thị trường.

Nhãn hiệu bị hủy bỏ một phần hoặc toàn bộ hiệu lực

Bên cạnh trường hợp nhãn hiệu bị hủy toàn bộ hiệu lực theo khoản 1 Điều 96 Luật Sở hữu trí tuệ thì tại khoản 2 Điều 96 đã ghi nhận những trường hợp nhãn hiệu có thể bị hủy một phần hoặc toàn bộ hiệu lực như sau:

Người nộp đơn đăng ký không có quyền đăng ký và không được người có quyền đăng ký chuyển nhượng quyền đăng ký đối với nhãn hiệu

Căn cứ này bao gồm hai điều kiện phải thỏa mãn đó là:

  • Bản thân người nộp đơn không có quyền đăng ký và
  • Người nộp đơn không được chuyển nhượng quyền đăng ký đối với nhãn hiệu từ bất kỳ chủ thể nào có quyền đăng ký.

“Quyền đăng ký” ở đây có thể được hiểu là khả năng pháp luật cho phép cá nhân, tổ chức yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đăng kí nhãn hiệu cho nhãn hiệu của mình. Theo đó, quyền đăng ký nhãn hiệu được quy định tại Điều 87 Luật Sở hữu trí tuệ. Căn cứ vào quy định này, trường hợp hủy bỏ hiệu lực đối với nhãn hiệu do người nộp đơn đăng ký không có quyền đăng ký và không được chuyển nhượng quyền đăng ký đối với nhãn hiệu có thể được suy ra như sau:

Nhãn hiệu có thể bị hủy bỏ hiệu lực nếu tổ chức, cá nhân yêu cầu cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu không có quyền đăng kí đối với nhãn hiệu. Đồng thời chủ thể đó không được chuyển nhượng quyền đăng ký đối với nhãn hiệu từ chủ thể có quyền đăng kí. Có thể đưa ra một trường hợp ví dụ như sau:

Ví dụ: Tổ chức, cá nhân tiến hành hoạt động thương mại hợp pháp đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm mà mình đưa ra thị trường nhưng do người khác sản xuất mà nhãn hiệu này đã được người sản xuất sử dụng cho sản phẩm. Bên cạnh đó, nhãn hiệu cũng có thể bị hủy bỏ hiệu lực nếu có căn cứ chứng minh mặc dù người sản xuất không sử dụng nhãn hiệu cho sản phẩm nhưng họ không cho phép tổ chức, cá nhân tiến hành hoạt động thương mại hợp pháp đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm do họ sản xuất mà các cá nhân, tổ chức này đưa ra thị trường.

Nhãn hiệu không đáp ứng được điều kiện bảo hộ tại thời điểm cấp giấy chứng nhận đăng kí nhãn hiệu

Theo quy định của pháp luật, nhãn hiệu không đáp ứng các điều kiện bảo hộ khi thuộc một trong các trường hợp sau:

  • Thứ nhất, không phải là dấu hiệu nhìn thấy được dưới dạng chữ cái, chữ số, từ ngữ, hình vẽ, hình ảnh, kể cả hình ba chiều hoặc sự kết hợp các yếu tố đó, được thể hiện bằng một hoặc nhiều màu sắc.

Như vậy, các dấu hiệu không nhận biết được bằng “thị giác”, không cố định được dưới dạng các yếu tố liệt kê ở trên khiến người tiêu dùng không thể lựa chọn hàng hóa, dịch vụ thông qua việc quan sát, nhìn ngắm sẽ bị coi là dấu hiệu không đáp ứng điều kiện bảo hộ và do đó, giấy chứng nhậ đăng kí nhãn hiệu cấp cho các dấu hiệu này sẽ bị hủy bỏ hiệu lực

  • Thứ hai, hông có khả năng phân biệt hàng hoá, dịch vụ của chủ sở hữu nhãn hiệu với hàng hoá, dịch vụ của chủ thể khác.

Chức năng cơ bản của nhãn hiệu là phân biệt hàng hóa, dịch vụ của các tổ chức, cá nhân khác nhau, do đó, một nhãn hiệu được bảo hộ phải có khả năng phân biệt. Vì thế, giấy chứng nhận đăng kí nhãn hiệu cấp cho các dấu hiệu không có khả năng phân biệt hàng hóa, dịch vụ của chủ sở hữu với hàng hóa, dịch vụ của chủ thể khác cũng sẽ bị hủy bỏ hiệu lực. Đánh giá một dấu hiệu không có khả năng phân biệt làm căn cứ cho việc hủy bỏ hiệu lực đối với nhãn hiệu cần xem xét dưới hai góc độ: (1) dấu hiệu không có khả năng tự phân biệt và (2) dấu hiệu trùng hoặc tương tự gây nhầm lẫn với một trong các đối tượng thuộc phạm vi bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ của chủ thể khác.

  • Thứ ba, các dấu hiệu không được bảo hộ là nhãn hiệu theo quy định của pháp luật.

Bên cạnh các trường hợp hủy bỏ hiệu lực đối với nhãn hiệu do nhãn hiệu không có khả năng phân biệt, pháp luật còn quy định việc hủy bỏ hiệu lực của nhãn hiệu để đảm bảo lợi ích của các quốc gia, tổ chức quốc tế, lợi ích của cộng đồng cũng như phù hợp với văn hóa, đạo đức của mỗi dân tộc.

Căn cứ khoản 1 Điều 8 Luật Sở hữu trí tuệ, có thể hiểu nhãn hiệu sẽ bị hủy bỏ hiệu lực nếu trái với đạo đức xã hội, trật tự công cộng, có hại cho quốc phòng, an ninh. Ngoài ra, các nhãn hiệu chứa những dấu hiệu không được bảo hộ với danh nghĩa nhãn hiệu theo Điều 73 Luật Sở hữu trí tuệ cũng thuộc trường hợp bị hủy bỏ hiệu lực.

Trên đây là bài viết trình bày chi tiết về vấn đề khi nào nhãn hiệu bị yêu cầu hủy bỏ hiệu lực. Nếu có bất kì khó khăn vướng mắc liên quan tới pháp luật sở hữu trí tuệ, Quý khách hàng vui lòng liên hệ Công ty luật Mai Sơn để được tư vấn cụ thể, chi tiết!