KHI CHUYỂN GIAO CÔNG NGHỆ ĐỘC LẬP THÌ CÓ BẮT BUỘC PHẢI LẬP THÀNH HỢP ĐỒNG BẰNG VĂN BẢN HAY KHÔNG?

Khi chuyển giao công nghệ độc lập thì có bắt buộc phải lập thành hợp đồng bằng văn bản hay không?

Tôi có thắc mắc liên quan đến việc chuyển giao công nghệ độc lập. Cho tôi hỏi khi chuyển giao công nghệ độc lập thì có bắt buộc phải lập thành hợp đồng bằng văn bản hay không? Câu hỏi của chị Ngọc Hà ở Đồng Nai.

Khi chuyển giao công nghệ độc lập thì có bắt buộc phải lập thành hợp đồng bằng văn bản hay không?

Theo Điều 5  Luật chuyển giao công nghệ 2017 quy định về hình thức chuyển giao công nghệ như sau:

Hình thức chuyển giao công nghệ

1. Chuyển giao công nghệ độc lập.

2. Phần chuyển giao công nghệ trong trường hợp sau đây:

a) Dự án đầu tư;

b) Góp vốn bằng công nghệ;

c) Nhượng quyền thương mại;

d) Chuyển giao quyền sở hữu trí tuệ;

đ) Mua, bán máy móc, thiết bị quy định tại điểm d khoản 1 Điều 4 của Luật này.

3. Chuyển giao công nghệ bằng hình thức khác theo quy định của pháp luật.

4. Việc chuyển giao công nghệ quy định tại khoản 1 và điểm b khoản 2 Điều này phải được lập thành hợp đồng; việc chuyển giao công nghệ tại các điểm a, c, d và đ khoản 2 và khoản 3 Điều này được thể hiện dưới hình thức hợp đồng hoặc điều, khoản, phụ lục của hợp đồng hoặc của hồ sơ dự án đầu tư có các nội dung quy định tại Điều 23 của Luật này.

Theo quy định trên, việc chuyển giao công nghệ độc lập bắt buộc phải lập thành hợp đồng bằng văn bản.

Không lập thành hợp đồng bằng văn bản khi chuyển giao công nghệ độc lập thì tổ chức bị xử phạt thế nào?

Căn cứ khoản 1 Điều 22  Nghị định 51/2019/NĐ – CP quy định về vi phạm trong việc lập và thực hiện hợp đồng chuyển giao công nghệ, hợp đồng dịch vụ chuyển giao công nghệ, nội dung chuyển giao công nghệ trong điều, khoản, phụ lục của hợp đồng, hồ sơ dự án đầu tư như sau:

Vi phạm trong việc lập và thực hiện hợp đồng chuyển giao công nghệ, hợp đồng dịch vụ chuyển giao công nghệ, nội dung chuyển giao công nghệ trong điều, khoản, phụ lục của hợp đồng, hồ sơ dự án đầu tư

1. Phạt tiền từ 12.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi không lập thành hợp đồng bằng văn bản khi chuyển giao công nghệ độc lập hoặc góp vốn bằng công nghệ.

Theo khoản 2, khoản 3 Điều 3 Nghị định 51/2019/NĐ – CP quy định về hình thức xử phạt, mức phạt tiền và thẩm quyền xử phạt như sau:

Hình thức xử phạt, mức phạt tiền và thẩm quyền xử phạt

2. Mức phạt tiền tối đa trong hoạt động khoa học và công nghệ, chuyển giao công nghệ đối với cá nhân là 50.000.000 đồng, đối với tổ chức là 100.000.000 đồng.

3. Mức phạt tiền quy định tại Chương II Nghị định này là mức phạt tiền áp dụng đối với cá nhân. Tổ chức có cùng hành vi vi phạm thì mức phạt tiền gấp 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.

Theo đó, tổ chức không lập thành hợp đồng bằng văn bản khi chuyển giao công nghệ độc lập thì có thể bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền từ 24.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện có quyền xử phạt tổ chức không lập thành hợp đồng bằng văn bản khi chuyển giao công nghệ độc lập không?

Căn cứ khoản 2 Điều 35 Nghị định 51/2019/NĐ – CP quy định về phân định thẩm quyền xử phạt của Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp như sau:

Phân định thẩm quyền của Thanh tra, người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành trong lĩnh vực khoa học và công nghệ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Công an nhân dân, Hải quan, Quản lý thị trường, Cơ quan Thuế và Thanh tra, người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành khác

2. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính, xử phạt vi phạm hành chính và áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi vi phạm hành chính quy định tại Chương II Nghị định này theo thẩm quyền quy định tại Điều 29 Nghị định này và chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao.

Theo khoản 2 Điều 29 Nghị định 51/2019/NĐ – CP  được sửa đổi bởi điểm b khoản 8 Điều 3 Nghị định 126/2021/NĐ – CP quy định về quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện như sau:

Thẩm quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân

2. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 25.000.000 đồng;

c) Tước quyền sử dụng có thời hạn: Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động khoa học và công nghệ, Giấy chứng nhận hoạt động văn phòng đại diện, chi nhánh, Giấy phép chuyển giao công nghệ, Giấy chứng nhận đăng ký chuyển giao công nghệ, Giấy Chứng nhận đăng ký gia hạn, sửa đổi, bổ sung nội dung chuyển giao công nghệ, Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động dịch vụ đánh giá, giám định công nghệ;

d) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.

đ) Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 9 và 10 Điều 4 Nghị định này.

Theo quy định tại khoản 5 Điều 3 Nghị định 51/2019/NĐ – CP  về thẩm quyền xử phạt như sau:

Hình thức xử phạt, mức phạt tiền và thẩm quyền xử phạt

5. Thẩm quyền xử phạt của các chức danh quy định tại Chương III Nghị định này là thẩm quyền áp dụng đối với một hành vi vi phạm hành chính của cá nhân: Trường hợp phạt tiền, thẩm quyền xử phạt tổ chức gấp 02 lần thẩm quyền xử phạt cá nhân.

Như vậy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện có quyền xử phạt vi phạm hành chính về hoạt động khoa học và công nghệ với mức phạt tiền cao nhất là 25.000.000 đồng đối với cá nhân và cao nhất là 50.000.000 đồng đối với tổ chức.

Do tổ chức không lập thành hợp đồng bằng văn bản khi chuyển giao công nghệ độc lập thì có thể bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền cao nhất là 40.000.000 đồng nên Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện có quyền xử phạt tổ chức này.