HƯỚNG DẪN TRÍCH LẬP DỰ PHÒNG GIẢM GIÁ HÀNG TỒN KHO CHI TIẾT

Hướng dẫn trích lập Dự Phòng Giảm Giá Hàng Tồn Kho chi tiết

Dự phòng giảm giá hàng tồn kho là gì? Điều kiện, đối tượng, thời điểm trích lập, công thức tính và cách hạch toán dự phòng giảm giá hàng tồn kho như thế nào?

Trong quá trình bán hàng hóa thì việc giá bán trên thị trường có thể thấp hơn giá nhập kho hàng hóa, khiến cho doanh nghiệp bị tổn thất. Hãy cùng Kế toán Mai Sơn tìm hiểu cách trích lập dự phòng khoản tổn thất này nhé.

I. CĂN CỨ PHÁP LÝ

  • Thông tư số 228/2009/TT-BTC được ban hành ngày 07/12/2009;
  • Thông tư số 89/2013 ngày 28/06/2013 sửa đổi bổ sung Thông tư số 228/2009/TT-BTC ngày 07/12/2009;
  • Chuẩn mực kế toán hàng tồn kho – Chuẩn mực kế toán số 02;
  • Thông tư 48/2019/TT-BTC, ban hành ngày 08/08/2019, có hiệu lực vào ngày 10/10/2019.

II. KHÁI NIỆM VÀ PHÂN LOẠI HÀNG TỒN KHO

1. Khái niệm hàng tồn kho

Hàng tồn kho là những tài sản được mua vào để bán ra hoặc dùng để sản xuất hoặc cung cấp dịch vụ trong kỳ, đang trong quá trình sản xuất kinh doanh dở dang.

2. Phân loại hàng tồn kho

Căn cứ theo Khoản 2 Điều 22 Thông tư 133/2016/TT-BTC ban hành quy định hàng tồn kho của doanh nghiệp bao gồm:

  • Hàng hóa;
  • Thành phẩm;
  • Sản phẩm dở dang;
  • Nguyên liệu, vật liệu ;
  • Công cụ dụng cụ;
  • Hàng mua đang đi trên đường;
  • Hàng gửi đi bán.

III. TRÍCH LẬP DỰ PHÒNG GIẢM GIÁ HÀNG TỒN KHO

1. Khái niệm

Dự phòng giảm giá hàng tồn kho: Là dự phòng khi có sự giảm của giá trị thuần có thể thực hiện được thấp hơn so với phần giá trị ghi sổ của hàng tồn kho hay nói cách khác là dự phòng phần giá trị bị tổn thất do giá hàng tồn kho bị giảm.

2. Thời điểm trích lập và hoàn nhập dự phòng giảm giá hàng tồn kho

Là vào thời điểm lập báo cáo tài chính năm.

3. Đối tượng và điều kiện

Đối tượng trích lập dự phòng gồm: nguyên liệu, vật liệu, công cụ, dụng cụ, hàng hóa, hàng mua đang đi đường, hàng gửi đi bán, hàng hóa trong kho bảo thuế, thành phẩm trong trường hợp giá gốc ghi trên sổ sách kế toán cao hơn giá trị thuần có thể thực hiện được và thỏa mãn điều kiện sau:

  • Có hóa đơn, chứng từ hợp pháp theo quy định chứng minh giá vốn hàng tồn kho;
  • Hàng hoá, vật tư thuộc quyền sở hữu của doanh nghiệp và còn tồn kho tại thời điểm lập báo cáo tài chính.

Lưu ý: 

Đối với trường hợp nguyên vật liệu có giá gốc ghi trên sổ sách kế toán cao hơn giá trị thuần nhưng giá bán sản phẩm sản xuất từ nguyên vật liệu này không bị giảm giá thì cũng không được trích lập dự phòng giảm giá nguyên vật liệu tồn kho đó.

4. Nguyên tắc kế toán dự phòng giảm giá hàng tồn kho

  • Doanh nghiệp khi trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho phải có bằng chứng tin cậy về việc suy giảm của giá trị thuần có thể thực hiện được so với giá gốc của hàng tồn kho;
  • Dự phòng giảm giá hàng tồn kho được lập vào thời điểm lập báo cáo tài chính và phải được lập căn cứ vào quy định tại Chuẩn mực kế toán số 02 – Hàng tồn kho ban hành kèm theo Quyết định số 149/2001/QĐ-BTC ngày 31/12/2001 của Bộ trưởng Bộ Tài chính và quy chế tài chính hiện hành;
  • Đối với từng loại vật tư, hàng hóa, sản phẩm tồn kho phải trích lập dự phòng riêng. Khi trích lập dự phòng dịch vụ cung cấp dở dang, thì phải trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho theo từng loại dịch vụ có mức giá riêng biệt;
  • Giá trị thuần của hàng tồn kho có thể thực hiện được là giá bán của hàng tồn kho trừ đi các chi phí liên quan như: chi phí tiêu thụ, chi phí hoàn thành sản phẩm;
  • Lập khoản dự phòng giảm giá hàng tồn kho phải lập căn cứ vào số lượng, giá gốc, giá trị thuần có thể thực hiện được của từng loại vật tư, hàng hóa, sản phẩm tồn kho:
  • Đối với trường hợp dự phòng giảm giá hàng tồn kho phải lập ở kỳ kế toán này lớn hơn khoản dự phòng giảm giá hàng tồn kho được ghi trên sổ kế toán thì số chênh lệch được ghi tăng dự phòng và ghi tăng giá vốn hàng bán;
  • Đối với trường hợp dự phòng giảm giá hàng tồn kho phải lập ở kỳ kế toán này nhỏ hơn khoản dự phòng giảm giá hàng tồn kho được ghi trên sổ kế toán thì số chênh lệch được ghi giảm dự phòng và ghi giảm giá vốn hàng bán.

5. Phương pháp lập dự phòng

Công thức trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho:

Mức dự phòng giảm giá hàng tồn kho  

=

Lượng hàng tồn kho thực tế tại thời điểm lập BCTC năm  

x

(Giá gốc theo sổ sách kế toán của hàng tồn kho)  

Giá trị thuần của hàng tồn kho có thể được thực hiện)

Trong đó:

  • Giá gốc của hàng tồn kho gồm: chi phí mua hàng, chi phí chế biến và các chi phí có liên quan trực tiếp để hàng tồn kho ở địa điểm và trạng thái hiện tại theo quy định tại Chuẩn mực kế toán số 02 về Hàng tồn kho được ban hành kèm Quyết định số 149/2001/QĐ-BTC ngày 31/12/2001 của Bộ trưởng Bộ Tài chính;
  • Giá trị thuần của hàng tồn kho có thể thực hiện được là giá bán của hàng tồn kho trừ đi các chi phí liên quan như: chi phí tiêu thụ, chi phí hoàn thành sản phẩm.

6Cách hạch toán dự phòng giảm giá hàng tồn kho

6.1. Theo Thông tư 200

Nếu số dự phòng giảm giá hàng tồn kho lớn hơn số đã trích lập từ các kỳ trước, thực hiện trích lập bổ sung phần chênh lệch:

  • Nợ TK 632;
  • Có TK 2294.

Nếu số dự phòng giảm giá hàng tồn kho nhỏ hơn số đã trích lập từ các kỳ trước, thực hiện trích lập bổ sung phần chênh lệch:

  • Nợ TK 2294;
  • Có TK 632.

Đối với vật tư, hàng hoá do hết hạn sử dụng, hư hỏng nên bị huỷ bỏ, kế toán thực hiện trích lập khoản dự phòng:

  • Nợ TK 2294: Số đã được trích lập dự phòng;
  • Nợ TK 632: Số chênh lệch khi số tổn thất cao hơn số lập dự phòng;
  • Có TK 152, 153, 155, 156.

Xử lý khoản dự phòng hàng tồn kho khi doanh nghiệp 100% vốn nhà nước chuyển thành công ty cổ phần. Khi bù đắp phần dự phòng giảm giá hàng tồn kho còn tăng vốn nhà nước thì ghi như sau:

  • Nợ TK 2294;
  • Có TK 411.

6.2. Theo Thông tư 133

Nếu số dự phòng giảm giá hàng tồn kho lớn hơn số đã trích lập từ các kỳ trước, thực hiện trích lập bổ sung phần chênh lệch:

  • Nợ TK 632;
  • Có TK 2294.

Nếu số dự phòng giảm giá hàng tồn kho nhỏ hơn số đã trích lập từ các kỳ trước, thực hiện trích lập bổ sung phần chênh lệch:

  • Nợ TK 2294;
  • Có TK 632.

Đối với vật tư, hàng hoá do hết hạn sử dụng, hư hỏng nên bị hủy bỏ, kế toán thực hiện trích lập khoản dự phòng:

  • Nợ TK 2294: Số đã được trích lập dự phòng;
  • Nợ TK 632: Số chênh lệch khi số tổn thất cao hơn số lập dự phòng;
  • Có TK 152, 153, 155, 156.

IV. CÂU HỎI THƯỜNG GẶP VỀ TRÍCH LẬP DỰ PHÒNG GIẢM GIÁ HÀNG TỒN KHO

1. Thời điểm nào thì được trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho?

Thời điểm trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho là thời điểm lập báo cáo tài chính năm.


2. Hàng tồn kho đã trích lập dự phòng phải xử lý như thế nào?

Sau khi doanh nghiệp phát hiện hàng tồn kho của doanh nghiệp bị hư hỏng, hết hạn sử dụng, lỗi mốt, kỹ thuật lạc hậu thì phải xử lý thanh lý, huỷ bỏ. Doanh nghiệp cần phải:

– Thành lập hội đồng xử lý hoặc thuê tổ chức thẩm định để đánh giá thẩm định hàng tồn kho và đưa ra phương án giải quyết với số hàng tồn kho bị hư hỏng, hết giá trị và số hàng tồn kho còn giá trị sử dụng ➞ lập biên bản;

– Căn cứ vào biên bản của hội đồng xử lý hoặc bên thẩm định, thì ban quản lý công ty sẽ đưa ra quyết định để các bộ phận liên quan đến số hàng tồn kho cần xử lý để thực hiện;

– Phần tổn thất thực tế do không thu hồi được từng loại hàng tồn kho là khoản chênh lệch giữa giá trị ghi trên sổ kế toán trừ đi phần giá trị thu hồi từ người gây ra thiệt hại đền bù, từ cơ quan bảo hiểm bồi thường và từ thanh lý hàng tồn kho;

– Giá trị phần tổn thất thực tế của hàng tồn kho không thu hồi được nhưng đã có quyết định xử lý, sau khi bù đắp bằng phần nguồn dự phòng giảm giá hàng tồn kho, khoản chênh lệch được hạch toán vào phần giá vốn hàng bán của doanh nghiệp.


3. Chi phí trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho có phải chi phí hợp lý không?

Trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho được xác định là chi phí hợp lý được trừ khi tính thuế TNDN trong kỳ BCTC năm để bù đắp tổn thất có thể xảy ra trong kỳ báo cáo tài chính năm sau.

Lưu ý: 

Căn cứ vào Điều 4 Thông tư 96/2015/TT-BTC sửa đổi, bổ sung Điều 6 Thông tư số 78/2014/TT-BTC thì việc trích, lập, sử dụng dự phòng hàng tồn kho không đúng quy định về trích lập dự phòng sẽ bị loại khỏi chi phí hợp lý khi tính thuế TNDN.