HỒ SƠ SỬA ĐỔI GIẤY CHỨNG NHẬN ĐĂNG KÝ NHÃN HIỆU

Hồ sơ sửa đổi Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu

Nhãn hiệu là công cụ tiếp thị không thể thiếu trong bối cảnh toàn cầu hóa hoạt động thương mại hiện nay của các doanh nghiệp. Khi chủ sở hữu có bất kỳ thay đổi nào đã được ghi nhận tại Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu phải thực hiện thủ tục thay đổi thông tin trên Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu. Tuy nhiên, trong thực tế, nhiều khách hàng gặp khó khăn khi chuẩn bị hồ sơ để sửa đổi Giấy chứng nhận này. Để giải đáp thắc mắc của quý khách hàng, công ty luật Mai Sơn xin đưa ra bài viết hồ sơ sửa đổi Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu sau đây.

Căn cứ pháp lý

  • Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, sửa đổi bổ sung năm 2009, 2019, 2022;
  • Nghị định số 65/2023/NĐ-CP quy định chi tiết về sở hữu công nghiệp, bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp, và quản lý giống cây trồng.

Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu

Nhãn hiệu là những dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hóa, dịch vụ của các tổ chức, cá nhân khác nhau. Để sử dụng nhãn hiệu, Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu (hay còn gọi là văn bằng bảo hộ nhãn hiệu) là kết quả cuối cùng của thủ tục đăng ký nhãn hiệu tại Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam. Đây được coi là văn bản pháp lý cao nhất chứng minh quyền sở hữu nhãn hiệu của chủ sở hữu nhãn hiệu. Tổ chức, cá nhân sau khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu sẽ được nhà nước bảo hộ quyền nhãn hiệu trong phạm vi và thời gian nhất định.

Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu có hiệu lực trên toàn lãnh thổ Việt Nam, từ ngày cấp đến hết 10 năm kể từ ngày nộp đơn, có thể được gia hạn nhiều lần liên tiếp, mỗi lần 10 năm.

Các trường hợp sửa đổi Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu

Việc sửa đổi Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu phải được thực hiện theo quy định của pháp luật. Theo đó, căn cứ Điều 29 Nghị định 65/2023/NĐ-CP, chỉ các trường hợp sau, người đăng ký mới được sửa đổi Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu:

Thay đổi các thông tin về đăng ký nhãn hiệu:

  • Thay đổi về tên, địa chỉ của chủ văn bằng bảo hộ;
  • Thay đổi chủ văn bằng bảo hộ (chuyển dịch quyền sở hữu do thừa kế, kế thừa, sáp nhập, chia, tách, hợp nhất, liên doanh, liên kết, thành lập pháp nhân mới của cùng chủ sở hữu, chuyển đổi hình thức kinh doanh hoặc theo quyết định của Tòa án hoặc của cơ quan có thẩm quyền khác);
  • Sửa đổi bản mô tả tính chất đặc thù của quy chế sử dụng nhãn hiệu tập thể, quy chế sử dụng nhãn hiệu chứng nhận.

Yêu cầu thu hẹp phạm vi bảo hộ

Chủ văn bằng bảo hộ có quyền yêu cầu cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp thu hẹp phạm vi bảo hộ theo quy định tại khoản 3 Điều 97 của Luật Sở hữu trí tuệ trong các trường hợp sau đây:

  • Yêu cầu giảm bớt một hoặc một số hàng hóa, dịch vụ hoặc nhóm hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ ghi trong Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu;
  • Loại bỏ các chi tiết nhỏ là yếu tố bị loại trừ (không bảo hộ riêng) nhưng không làm thay đổi khả năng phân biệt của nhãn hiệu ghi trong Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu.

Sửa chữa thiếu sót

Trường hợp phát hiện có thiếu sót trong giấy chứng nhận đăng ký, Cục Sở hữu trí tuệ tự mình hoặc theo yêu cầu của người phát hiện ra thiếu sót tiến hành thu hồi giấy chứng nhận có thiếu sót và cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu mới.

Hồ sơ sửa đổi Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu

Hồ sơ sửa chữa Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu là toàn bộ các giấy tờ cần chuẩn bị phải nộp để tiến hành yêu cầu sửa đổi Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu. Theo quy định của pháp luật về Sở hữu trí tuệ, hồ sơ sửa đổi Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu bao gồm:

  • Tờ khai yêu cầu sửa đổi làm theo Mẫu số 06 tại Phụ lục II của Nghị định 65/2023/NĐ-CP, trong đó nêu rõ yêu cầu ghi nhận thay đổi. Một tờ khai yêu cầu sửa đổi có thể yêu cầu sửa đổi nhiều văn bằng bảo hộ nếu có cùng nội dung sửa đổi, với điều kiện người yêu cầu phải nộp phí theo quy định đối với từng văn bằng bảo hộ;
  • Bản gốc văn bằng bảo hộ trong trường hợp văn bằng bảo hộ được cấp dưới dạng giấy;
  • Tài liệu xác nhận việc thay đổi tên, địa chỉ (bản gốc hoặc bản sao có chứng thực); quyết định đổi tên, địa chỉ; giấy phép đăng ký kinh doanh có ghi nhận việc thay đổi tên, địa chỉ; các tài liệu pháp lý khác chứng minh việc thay đổi tên, địa chỉ (bản gốc hoặc bản sao có chứng thực) nếu nội dung yêu cầu sửa đổi là tên, địa chỉ;
  • Tài liệu chứng minh việc chuyển dịch quyền sở hữu (tài liệu chứng minh việc thừa kế, kế thừa, sáp nhập, chia, tách, hợp nhất, liên doanh, liên kết, thành lập pháp nhân mới của cùng chủ sở hữu, chuyển đổi hình thức kinh doanh hoặc theo quyết định của Tòa án hoặc của cơ quan có thẩm quyền khác), nếu yêu cầu thay đổi chủ văn bằng bảo hộ;
  • Tài liệu thuyết minh chi tiết nội dung sửa đổi;
  • 02 bản quy chế sử dụng nhãn hiệu tập thể, 02 bản quy chế sử dụng nhãn hiệu chứng nhận đã sửa đổi (nếu yêu cầu sửa đổi nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận); 05 mẫu nhãn hiệu (nếu yêu cầu sửa đổi mẫu nhãn hiệu theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 29 Nghị định 65/2023/NĐ-CP);
  • Văn bản ủy quyền (trường hợp yêu cầu được nộp thông qua đại diện sở hữu công nghiệp);
  • Bản sao chứng từ nộp phí, lệ phí (trường hợp nộp phí, lệ phí qua dịch vụ bưu chính hoặc nộp trực tiếp vào tài khoản của cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp).

Một số câu hỏi liên quan đến hồ sơ sửa đổi Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu

Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu có những thông tin gì?

  • Số giấy chứng nhận;
  • Chủ sở hữu giấy chứng nhận bao gồm thông tin: Tên chủ sở hữu và địa chỉ của chủ sở hữu;
  • Thông tin về số đơn và ngày nộp đơn đăng ký nhãn hiệu;
  • Thông tin về nhóm sản phẩm/ dịch vụ đăng ký;
  • Thông tin về số quyết định cấp giấy chứng nhận đăng ký;
  • Thông tin về thời gian hiệu lực của giấy chứng nhận đăng ký.

Ngoài Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu, pháp luật Việt Nam còn quy định các loại văn bằng bảo hộ nào khác?

Văn bẳng bảo hộ là thuật ngữ được sử dụng trong pháp luật sở hữu trí tuệ thể hiện hình thức ghi nhận bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ của chủ sở hữu. Theo quy định tại khoản 3 Điều 92 Luật Sở hữu trí tuệ, thì văn bằng bảo hộ các đối tượng sở hữu trí tuệ bao gồm:

  • Bằng độc quyền sáng chế;
  • Bằng độc quyền giải pháp hữu ích;
  • Bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp;
  • Giấy chứng nhận đăng ký thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn;
  • Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu;
  • Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý.

Trường hợp phát hiện có thiếu sót trong Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu, ai là người chịu chi phí sửa chữa thiếu sót?

Căn cứ Khoản 6 Điều 29 Nghị định 65/2023/NĐ-CP, chủ văn bằng bảo hộ phải nộp phí thẩm định yêu cầu sửa đổi văn bằng bảo hộ theo quy định tại khoản 1 Điều 97 của Luật Sở hữu trí tuệ và phí công bố thông tin sửa đổi đối với trường hợp văn bằng bảo hộ có thiếu sót đã được công bố nếu thiếu sót đó do lỗi của chủ văn bằng bảo hộ. Nếu thiếu sót đó do lỗi của cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp thì chủ văn bằng bảo hộ không phải nộp khoản phí đó.

Đăng ký nhãn hiệu là biện pháp quan trọng, phổ biến nhất để xác lập quyền sở hữu hợp pháp đối với nhãn hiệu. Quý khách hàng có nhu cầu tư vấn về hồ sơ sửa đổi Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu, xin vui lòng liên hệ Công ty Luật Mai Sơn để được hỗ trợ tốt nhất.