Góp vốn vào công ty bằng chuyển khoản hay tiền mặt
Việc một cá nhân hay doanh nghiệp muốn góp vốn vào công ty đang dần trở nên phổ biến trong xã hội hiện nay. Tuy nhiên, không ít cá nhân/doanh nghiệp trong các chủ thể này vẫn còn có thắc mắc về việc góp vốn vào công ty bằng chuyển khoản hay tiền mặt. Bài viết dưới đây của Luật Mai Sơn sẽ giúp cho quý khách hàng giải đáp thắc mắc này.
Cơ sở pháp lý
- Luật Doanh nghiệp 2020;
- Luật Cán bộ, công chức 2008, sửa đổi bổ sung năm 2019;
- Luật Phòng, chống tham nhũng 2018;
- Nghị định 222/2013/NĐ-CP về thanh toán bằng tiền mặt;
- Nghị định 88/2019/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng, sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 143/2021/NĐ-CP và Nghị định 23/2023/NĐ-CP;
- Thông tư 09/2015/TT-BTC về hướng dẫn giao dịch tài chính của doanh nghiệp theo quy định tại điều 6 Nghị định số 222/2013/NĐ-CP ngày 31/12/2013 của Chính phủ về thanh toán bằng tiền mặt.
Khái quát về hoạt động góp vốn vào doanh nghiệp
Theo quy định của Pháp luật Việt Nam, góp vốn là việc góp tài sản để tạo thành vốn điều lệ của công ty. Góp vốn sẽ bao gồm góp vốn thành lập doanh nghiệp hoặc góp thêm vốn điều lệ của doanh nghiệp đã được thành lập.
Tài sản góp vốn có thể là Đồng Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng, giá trị quyền sử dụng đất, giá trị quyền sở hữu trí tuệ, công nghệ, bí quyết kỹ thuật, các tài sản khác có thể định giá bằng Đồng Việt Nam. Trong trường hợp góp vốn bằng Đồng Việt Nam hoặc ngoại tệ tự do chuyển đổi thì sẽ có hai hình thức góp vốn đó là bằng tiền mặt hoặc chuyển khoản.
Có thể thấy, quy định này đã mở ra một khoảng rộng cho các bên thực hiện việc góp vốn vào doanh nghiệp có thể tự do thỏa thuận xác định những loại tài sản khác được góp vốn… Ngoài ra, các bên cùng nhau tham gia thành lập công ty có thể thực hiện góp vốn vào công ty dưới các hình thức góp vốn bằng tài sản, góp vốn bằng tri thức hoặc hoạt động hay công việc theo quy định của pháp luật.
Doanh nghiệp góp vốn vào công ty bằng chuyển khoản hay tiền mặt?
Căn cứ theo Điều 6 Nghị định 222/2013/NĐ-CP và Điều 3 Thông tư 09/2015/TT-BTC, trong các giao dịch góp vốn vào doanh nghiệp, các doanh nghiệp không được thanh toán bằng tiền mặt mà phải sử dụng một trong các phương thức sau:
- Thanh toán bằng Séc;
- Thanh toán bằng ủy nhiệm chi – chuyển tiền;
- Các hình thức thanh toán không sử dụng tiền mặt phù hợp khác theo quy định hiện hành.
Hơn nữa, tại công văn số 786/TCT-CS do Tổng Cục Thuế ban hành ngày 01/03/2016, đã có hướng dẫn rõ ràng về vấn đề này như sau:
“Tại Điều 6 Nghị định số 222/2013/NĐ-CP ngày 31/12/2013 của Chính phủ về thanh toán bằng tiền mặt quy định:
Điều 6. Giao dịch tài chính của doanh nghiệp
- Các doanh nghiệp không thanh toán bằng tiền mặt trong các giao dịch góp vốn và mua bán, chuyển nhượng phần vốn góp vào doanh nghiệp.
- Các doanh nghiệp không phải tổ chức tín dụng không sử dụng tiền mặt khi vay và cho vay lẫn nhau.
Căn cứ quy định trên thì các doanh nghiệp không được sử dụng tiền mặt khi góp vốn, mua bán, chuyển nhượng phần vốn góp vào doanh nghiệp. Quy định trên không áp dụng bắt buộc đối với cá nhân khi góp vốn vào doanh nghiệp.”
Như vậy, đối với đối tượng chủ thể là các doanh nghiệp, hình thức góp vốn vào công ty sẽ phải là chuyển khoản mà không thể sử dụng tiền mặt.
Đối tượng nào được góp vốn vào công ty bằng tiền mặt?
Như đã phân tích ở trên, các doanh nghiệp sẽ không được góp vốn vào công ty bằng tiền mặt. Tuy nhiên, các quy định trên chỉ quy định đối với doanh nghiệp chứ không quy định việc cá nhân góp vốn vào doanh nghiệp thì không được góp vốn bằng tiền mặt. Do đó, cá nhân Việt Nam là đối tượng duy nhất được góp vốn vào công ty bằng tiền mặt khi đăng ký thành lập doanh nghiệp hoặc đăng ký góp thêm vốn vào công ty trách nhiệm hữu hạn, đăng ký mua cổ phần chào bán của công ty cổ phần theo quy định của pháp luật. Như vậy, cá nhân khi góp vốn vào các doanh nghiệp có thể góp vốn bằng hình thức tiền mặt, bởi không có quy định nào bắt buộc cá nhân góp vốn vào doanh nghiệp phải qua tài khoản ngân hàng.
Tuy nhiên, để đảm bảo tính minh bạch, rõ ràng thì cá nhân góp vốn vào doanh nghiệp nên chọn hình thức thanh toán qua ngân hàng.
Trường hợp nào cá nhân không được góp vốn bằng tiền mặt
Trong trường hợp doanh nghiệp tiếp nhận vốn góp của cá nhân thuộc các trường hợp pháp luật có quy định đặc biệt chẳng hạn như trường hợp công ty có vốn nước ngoài phải thực hiện việc quản lý vốn góp và góp vốn thông qua tài khoản vốn đầu tư của công ty. Do đó khi góp vốn vào công ty, các thành viên, cổ đông công ty đều phải thực hiện việc chuyển khoản nếu góp vốn bằng tiền. Trên thực tế, ngân hàng quản lý tài khoản vốn cũng sẽ tiến hành từ chối cho nộp tiền mặt vào tài khoản vốn đầu tư dù người góp vốn là cá nhân Việt Nam.
Mức phạt với doanh nghiệp nếu vi phạm quy định về thanh toán giao dịch góp vốn bằng tiền mặt
Điểm a khoản 8 Điều 26 Nghị định 88/2019/NĐ-CP (sửa đổi bới Nghị định 143/2021/NĐ-CP) quy định về mức phạt đổi với hành vi vi phạm quy định thanh toán tiền mặt là từ 150.000.000 đồng tới 200.000.000 đồng.
Tuy nhiên, đối chiếu với điểm b khoản 3 Điểu 3 Nghị định 88/2019/NĐ-CP thì mức phạt trên là mức phạt áp dụng với cá nhân vi phạm, tổ chức vi phạm thì phạt gấp đôi.
Do đó, mức phạt đối với doanh nghiệp góp vốn thanh toán bằng tiền mặt sẽ từ 300 – 400 triệu đồng. Đồng thời, phải nộp vào ngân sách Nhà nước số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm.
Cán bộ, công chức nhà nước có được tham gia góp vốn vào doanh nghiệp không?
Để trả lời câu hỏi này, Luật Mai Sơn sẽ chia việc tham gia góp vốn thành 2 trường hợp:
Trường hợp 1: Cán bộ, công chức nhà nước góp vốn để thành lập doanh nghiệp
Tại điểm b khoản 2 Điều 17 Luật Doanh nghiệp 2020 đã quy định về đối tượng không có quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp tại Việt Nam, trong đó có bao gồm cán bộ, công chức viên chức.
Chính bởi vậy theo quy định của pháp luật Việt Nam, công chức không có quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp.
Trường hợp 2: Cán bộ, công chức nhà nước góp vốn vào doanh nghiệp đã thành lập từ trước đó
- Điểm b khoản 3 Điều 17 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định về quyền thành lập, góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp và quản lý doanh nghiệp như sau:
“3. Tổ chức, cá nhân có quyền góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp vào công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh theo quy định của Luật này, trừ trường hợp sau đây:
[…]
- b) Đối tượng không được góp vốn vào doanh nghiệp theo quy định của Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức, Luật Phòng, chống tham nhũng.”
- Tại Điều 20 Luật Cán bộ, công chức có quy định về việc cán bộ, công chức sẽ không được làm những việc liên quan đến sản xuất, kinh doanh, công tác nhân sự quy định tại Luật phòng, chống tham nhũng, Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và những việc khác theo quy định của pháp luật và của cơ quan có thẩm quyền.
- Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 đã có những quy định về quy tắc ứng xử của người có chức vụ, quyền hạn. Cụ thể:
Những người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị không được phép:
- Thành lập, tham gia quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty TNHH, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã, trừ trường hợp có luật quy định khác;
- Thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã thuộc lĩnh vực mà trước đây mình có trách nhiệm quản lý trong thời hạn nhất định theo quy định của Chính phủ
Người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan nhà nước không được góp vốn vào doanh nghiệp hoạt động trong phạm vi ngành, nghề mà người đó trực tiếp thực hiện việc quản lý nhà nước hoặc để vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con kinh doanh trong phạm vi ngành, nghề do người đó trực tiếp thực hiện việc quản lý nhà nước.
Như vậy, công chức vẫn có thể được góp vốn vào doanh nghiệp, trừ trường hợp thuộc các đối tượng không được góp vốn vào doanh nghiệp theo quy định của Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức, Luật Phòng, chống tham nhũng mà đã được liệt kê phía trên và với điều kiện sẽ không được trở thành người quản lý của doanh nghiệp đó. Cụ thể:
- Cán bộ công chức được góp vốn vào công ty cổ phần: Cán bộ, công chức nhà nước sau khi góp vốn sẽ trở thành cổ đông của công ty nhưng sẽ không được tham gia với tư cách người quản lý doanh nghiệp;
Đối với công ty TNHH, vì sau khi cán bộ, công chức nhà nước góp vốn sẽ đương nhiên có tư cách là thành viên Hội đồng thành viên hoặc chủ sở hữu công ty nên sẽ trở thành người quản lý doanh nghiệp. Chính vì vậy, cán bộ, công chức, viên chức sẽ không được tham gia góp vốn vào loại hình Công ty TNHH. Tương tự đối với công ty hợp danh, doanh nghiệp tư nhân, hợp tác xã, hộ kinh doanh, là những hình thức doanh nghiệp cán bộ, công chức, viên chức không được góp vốn.
Những ai được gọi là người quản lý doanh nghiệp?
Theo khoản 24 Điều 4 Luật Doanh nghiệp 2020, khái niệm về người quản lý doanh nghiệp không được quy định rõ mà chủ được trình bày dưới dạng liệt kê, cụ thể tương ứng với mỗi loại hình, vị trí quản lý doanh nghiệp được quy định như sau: Doanh nghiệp tư nhân: Chủ doanh nghiệp tư nhân.
- Công TNHH một thành viên: Chủ tịch công ty;
- Công ty TNHH hai thành viên trở lên: Chủ tịch Hội đồng đồng thành viên, thành viên Hội đồng thành viên;
- Công ty cổ phần: Chủ tịch Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng quản trị;
- Công ty hợp danh: Thành viên hợp danh.
Ngoài ra, người quản lý doanh nghiệp có thể là các chức danh khác được quy định theo điều lệ công ty như: Giám đốc, Tổng giám đốc, Trưởng phòng/ban chuyên môn.
Trên đây là một vài những từ vấn của Công ty luật Mai Sơn về chủ đề góp vốn điều lệ bằng chuyển khoản hay tiền mặt. Nếu quý khách hàng còn cần tư vấn điều kiện thành lập công ty, điều kiện, thủ tục góp vốn khi thành lập công ty, tăng vốn điều lệ công ty xin vui lòng liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ tốt nhất!