DỰ ÁN ĐẦU TƯ XÂY DỰNG KHÔNG PHÂN BIỆT CÁC LOẠI NGUỒN VỐN SỬ DỤNG PHẢI ĐÁP ỨNG NHỮNG YÊU CẦU NÀO?

Dự án đầu tư xây dựng không phân biệt các loại nguồn vốn sử dụng phải đáp ứng những yêu cầu nào?

Dự án đầu tư xây dựng là tập hợp các đề xuất có liên quan đến những vấn đề gì? Dự án đầu tư xây dựng không phân biệt các loại nguồn vốn sử dụng phải đáp ứng những yêu cầu nào? Đây là câu hỏi của anh Q.P đến từ Phú Yên.

Dự án đầu tư xây dựng là tập hợp các đề xuất có liên quan đến những vấn đề gì?

Dự án đầu tư xây dựng là tập hợp các đề xuất có liên quan đến những vấn đề về việc sử dụng vốn để tiến hành hoạt động xây dựng để xây dựng mới, sửa chữa, cải tạo công trình xây dựng nhằm phát triển, duy trì, nâng cao chất lượng công trình hoặc sản phẩm, dịch vụ trong thời hạn và chi phí xác định.

Ở giai đoạn chuẩn bị dự án đầu tư xây dựng, dự án được thể hiện thông qua Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đầu tư xây dựng, Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng hoặc Báo cáo kinh tế – kỹ thuật đầu tư xây dựng (theo khoản 15 Điều 3 Luật xây dựng 2014).

Dự án đầu tư xây dựng không phân biệt các loại nguồn vốn sử dụng phải đáp ứng những yêu cầu nào?

Dự án đầu tư xây dựng không phân biệt các loại nguồn vốn sử dụng phải đáp ứng những yêu cầu được quy định tại Điều 51 Luật xây dựng 2014 được sửa đổi bởi khoản 17 Điều 28 Luật sửa đổi bổ sung một số điều của 37 Luật có liên quan đến quy hoạch 2018 như sau:

– Phù hợp với quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, quy hoạch xây dựng, quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất tại địa phương nơi có dự án đầu tư xây dựng.

– Có phương án công nghệ và phương án thiết kế xây dựng phù hợp.

– Bảo đảm chất lượng, an toàn trong xây dựng, vận hành, khai thác, sử dụng công trình, phòng, chống cháy, nổ và bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.

– Bảo đảm cấp đủ vốn đúng tiến độ của dự án, hiệu quả tài chính, hiệu quả kinh tế – xã hội của dự án.

– Tuân thủ quy định khác của pháp luật có liên quan.

Chủ đầu tư hoặc cơ quan, tổ chức được giao nhiệm vụ chuẩn bị dự án đầu tư xây dựng không phải lập Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng đối với những công trình nào?

Theo khoản 1, 3, 4 Điều 52 Luật xây dựng 2014 , được sửa đổi bởi khoản 10 Điều 1 Luật xây dựng sửa đổi năm 2020 như sau:

Lập dự án đầu tư xây dựng

1. Khi đầu tư xây dựng, chủ đầu tư hoặc cơ quan, tổ chức được giao nhiệm vụ chuẩn bị dự án phải lập Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều này. Nội dung Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng phải phù hợp với yêu cầu của từng loại dự án. Việc lập Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng phải tuân thủ quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.

2. Trước khi lập Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng, việc lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đầu tư xây dựng được quy định như sau:

a) Dự án quan trọng quốc gia, dự án nhóm A sử dụng vốn đầu tư công; dự án PPP theo quy định của pháp luật về đầu tư theo phương thức đối tác công tư; dự án thuộc thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ theo quy định của Luật Đầu tư phải lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đầu tư xây dựng;

b) Đối với dự án không thuộc quy định tại điểm a khoản này, việc lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đầu tư xây dựng do người quyết định đầu tư quyết định;

c) Trình tự lập, thẩm định Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đầu tư xây dựng được thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư công, pháp luật về đầu tư theo phương thức đối tác công tư và quy định khác của pháp luật có liên quan;

d) Nội dung Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đầu tư xây dựng được thực hiện theo quy định tại Điều 53 của Luật này, trừ dự án PPP.

3. Dự án đầu tư xây dựng chỉ cần lập Báo cáo kinh tế – kỹ thuật đầu tư xây dựng trong các trường hợp sau:

a) Công trình xây dựng sử dụng cho mục đích tôn giáo;

b) Công trình xây dựng quy mô nhỏ và công trình khác do Chính phủ quy định.

4. Nhà ở riêng lẻ của hộ gia đình, cá nhân khi xây dựng không phải lập Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng hoặc Báo cáo kinh tế – kỹ thuật đầu tư xây dựng.

Như vậy, khi đầu tư xây dựng, chủ đầu tư hoặc cơ quan, tổ chức được giao nhiệm vụ chuẩn bị dự án không phải lập Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng đối với:

– Công trình xây dựng sử dụng cho mục đích tôn giáo;

– Công trình xây dựng quy mô nhỏ và công trình khác do Chính phủ quy định.

– Nhà ở riêng lẻ của hộ gia đình, cá nhân khi xây dựng không phải lập Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng hoặc Báo cáo kinh tế – kỹ thuật đầu tư xây dựng.