Đối với hoạt động vận chuyển, nhận bảo quản nguyên liệu làm thuốc thì doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài có được thực hiện không?
Dược, thuốc, nguyên liệu làm thuốc được định nghĩa như thế nào theo quy định của pháp luật?
Căn cứ vào khoản 1, khoản 2, khoản 3 Điều 2 Luật dược 2016 định nghĩa về dược, thuốc và nguyên liệu làm thuốc như sau:
– Dược là thuốc và nguyên liệu làm thuốc.
– Thuốc là chế phẩm có chứa dược chất hoặc dược liệu dùng cho người nhằm mục đích phòng bệnh, chẩn đoán bệnh, chữa bệnh, điều trị bệnh, giảm nhẹ bệnh, điều chỉnh chức năng sinh lý cơ thể người bao gồm thuốc hóa dược, thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền, vắc xin và sinh phẩm.
– Nguyên liệu làm thuốc là thành phần tham gia vào cấu tạo của thuốc bao gồm dược chất, dược liệu, tá dược, vỏ nang được sử dụng trong quá trình sản xuất thuốc.
Mục đích của vốn đầu tư là gì?
Căn cứ vào khoản 23 Điều 3 Luật đầu tư 2020 về vốn đầu tư như sau:
23. Vốn đầu tư là tiền và tài sản khác theo quy định của pháp luật về dân sự và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên để thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh.
Như vậy, vốn đầu tư là tiền và tài sản khác theo quy định của pháp luật về dân sự và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên để thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh.
Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài có được vận chuyển, nhận bảo quản thuốc, nguyên liệu làm thuốc không?
Căn cứ vào điểm c khoản 10 Điều 91 Nghị định 54/2017/NĐ – CP quy định về nhập khẩu thuốc, nguyên liệu làm thuốc
Quy định về nhập khẩu thuốc, nguyên liệu làm thuốc
….
10. Các cơ sở có quyền nhập khẩu nhưng không được thực hiện quyền phân phối thuốc, nguyên liệu làm thuốc tại Việt Nam không được thực hiện các hoạt động liên quan trực tiếp đến phân phối thuốc, nguyên liệu làm thuốc tại Việt Nam, trừ thuốc và nguyên liệu làm thuốc do chính cơ sở sản xuất tại Việt Nam, bao gồm:
a) Bán thuốc, nguyên liệu làm thuốc, giao thuốc, nguyên liệu làm thuốc cho cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, cơ sở bán lẻ, cá nhân, tổ chức không phải là cơ sở bán buôn thuốc, nguyên liệu làm thuốc;
b) Nhận đơn đặt hàng, nhận thanh toán thuốc, nguyên liệu làm thuốc của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, cơ sở bán lẻ, cá nhân, tổ chức không phải là cơ sở bán buôn thuốc, nguyên liệu làm thuốc;
c) Vận chuyển, nhận bảo quản thuốc, nguyên liệu làm thuốc;
d) Xác định, áp đặt giá bán thuốc, nguyên liệu làm thuốc do cơ sở kinh doanh dược khác phân phối;
đ) Quyết định chiến lược phân phối, chính sách kinh doanh của thuốc, nguyên liệu làm thuốc do cơ sở kinh doanh dược khác phân phối;
e) Xây dựng kế hoạch cung ứng thuốc, nguyên liệu làm thuốc của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tại Việt Nam;
g) Hỗ trợ tài chính dưới mọi hình thức cho tổ chức, cá nhân trực tiếp mua thuốc, nguyên liệu làm thuốc của cơ sở nhằm mục đích thao túng việc phân phối thuốc, nguyên liệu làm thuốc nhập khẩu;
h) Thực hiện các hành vi khác liên quan đến phân phối thuốc theo quy định của pháp luật.
Đồng thời, theo Công văn 4338/QLD- PCD ngày 14/3/2018 của Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế về thi hành Nghị định 54/2017/NĐ – CP hướng dẫn Luật Dược có nội dung trả lời như sau:
– Về nguyên tắc, mọi hoạt động đầu tư nước ngoài về dược tại Việt Nam, ngoài việc tuân thủ quy định của pháp luật về đầu tư còn phải tuân thủ pháp luật chuyên ngành trong lĩnh vực dược, cụ thể là Luật dược 2016 có hiệu lực từ 01/01/2017 và Nghị định 54 có hiệu lực từ 01/7/2017, các văn bản hướng dẫn và các quy định pháp luật khác có liên quan.
– Khoản 10 Điều 91 Nghị định 54 áp dụng đối với tất cả “các cơ sở có quyền nhập khẩu nhưng không được thực hiện quyền phân phối thuốc”. Việc các doanh nghiệp FIE lựa chọn không thực hiện quyền nhập khẩu không có nghĩa doanh nghiệp được thực hiện quyền phân phối hoặc bất cứ hoạt động nào được coi là “trực tiếp liên quan đến phân phối thuốc, nguyên liệu làm thuốc tại Việt Nam” quy định tại Khoản 10 Điều 91 Nghị định 54 nêu trên.
– Điểm c Khoản 10 Điều 91 Nghị định số 54 quy định việc các cơ sở có quyền nhập khẩu nhưng không được thực hiện quyền phân phối thuốc, nguyên liệu làm thuốc tại Việt Nam (FIE) không được thực hiện các hoạt động liên quan trực tiếp đến phân phối thuốc, trong đó bao gồm hoạt động vận chuyển, nhận bảo quản thuốc, nguyên liệu làm thuốc. Quy định này là hoàn toàn phù hợp với cam kết WTO của Việt Nam, Luật dược 2016 và Chiến lược quốc gia phát triển ngành dược Việt Nam giai đoạn đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 của Thủ tướng Chính phủ nhằm sắp xếp lại hệ thống phân phối thuốc của Việt Nam theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại và hiệu quả, bảo đảm cung ứng kịp thời, đầy đủ thuốc có chất lượng, an toàn, hiệu quả với giá cả hợp lý cho người dân.
Tóm lại, từ các quy định trên, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam (FIE: Foreign Invested Enterprise) không được vận chuyển, nhận bảo quản thuốc, nguyên liệu làm thuốc, trừ thuốc và nguyên liệu làm thuốc do chính doanh nghiệp đó sản xuất tại Việt Nam.