Doanh nghiệp chuyển đổi từ hộ kinh doanh sẽ nhận được chính sách hỗ trợ gì?

Doanh nghiệp chuyển đổi từ hộ kinh doanh sẽ nhận được chính sách hỗ trợ gì?

Trong bối cảnh hiện nay, xu hướng khuyến khích các nhà đầu tư lựa chọn loại hình doanh nghiệp để kinh doanh đã hình thành và ngày càng khả thi. Điều này, giúp tạo điều kiện thuận lợi trong việc quản lý của nhà nước đồng thời cũng tạo điều kiện phát triển về hoạt động đầu tư kinh doanh của các nhà đầu tư. Đối với các hộ kinh doanh có thể sử dụng quy định của pháp luật để chuyển đổi từ hộ kinh doanh thành doanh nghiệp. Đồng thời, pháp luật cũng quy định những chính sách hỗ trợ để khuyến khích chuyển đổi hình thức hộ kinh doanh thành doanh nghiệp. Cùng Luật Mai Sơn tìm hiểu về những chính sách hỗ trợ đối với doanh nghiệp chuyển đổi từ hộ kinh doanh trong bài viết dưới đây.

1. Hộ kinh doanh là gì?

– Theo quy định tại Điều 79 Nghị định 01/2021/NĐ- CP quy định về đăng ký doanh nghiệp, hộ kinh doanh do một cá nhân (cá nhân là công dân Việt Nam đủ 18 tuổi và có năng lực hành vi dân sự đầy đủ) hoặc các thành viên hộ gia đình đăng ký thành lập và chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với hoạt động kinh doanh của hộ.

+ Trường hợp các thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh thì các thành viên còn lại phải ủy quyền cho một thành viên làm đại diện hộ kinh doanh. Cá nhân đăng ký hộ kinh doanh và cũng là người được các thành viên còn lại ủy quyền làm đại diện hộ kinh doanh được gọi là chủ hộ kinh doanh.

– Đặc điểm pháp lý của hộ kinh doanh:

Thứ nhất, hộ kinh doanh do một cá nhân, một nhóm người hoặc hộ gia đình làm chủ. Đối với hộ kinh doanh do một cá nhân làm chủ thì cá nhân này là chủ sở hữu của hộ kinh doanh và có toàn quyền quyết định hoạt động kinh doanh của hộ kinh doanh. Đối với hộ kinh doanh do một nhóm người hoặc hộ gia đình làm chủ thì hộ kinh doanh thuộc chủ sở hữu của nhiều chủ; và các thành viên trong nhóm và các thành viên trong hộ gia đình cùng có quyền ra quyết định đối với các hoạt động kinh doanh của hộ kinh doanh. Nhóm người hoặc hộ gia đình phải cử ra một người đại diện cho nhóm hoặc hộ gia đình để thực hiện giao dịch bằng tư cách của hộ kinh doanh với bên ngoài.

Thứ hai, hộ kinh doanh thường kinh doanh với quy mô nhỏ (có một địa điểm kinh doanh và sử dụng không quá 10 lao động). Nếu hộ kinh doanh sử dụng từ 10 lao động trở lên thì phải đăng ký thành lập doanh nghiệp. Đồng thời, hộ kinh doanh chỉ được hoạt động tại một địa điểm và cũng không được mở các chi nhánh, văn phòng, địa điểm kinh doanh.

Thứ ba, chủ hộ kinh doanh chịu trách nhiệm vô hạn trong hoạt động kinh doanh. Bản chất về trách nhiệm vô hạn của chủ hộ kinh doanh cũng giống như của chủ doanh nghiệp tư nhân. Có nghĩa là nếu tài sản của hộ kinh doanh không đủ để thanh toán nợ thì phải lấy cả tài sản không đầu tư vào hộ kinh doanh của chủ hộ kinh doanh để trả nợ. Nếu hộ kinh doanh do một nhóm người làm chủ thì các thành viên trong nhóm phải liên đới chịu trách nhiệm vô hạn về mọi khoản nợ của hộ kinh doanh. Đối với hộ kinh doanh do một hộ gia đình làm chủ thì các thành viên trong hộ gia đình phải lấy cả tài sản riêng để chịu trách nhiệm liên đới trong trường hợp tài sản chung của hộ kinh doanh không đủ để trả nợ.

2. Điều kiện để hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp

* Theo quy định tại Điều 16 Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa 2017, doanh nghiệp được hỗ trợ chuyển đổi từ hộ kinh doanh thành doanh nghiệp nhỏ và vừa khi đáp ứng được đầy đủ các điều kiện dưới đây:

– Điều kiện: Trước khi thành lập doanh nghiệp, hộ kinh doanh đã đăng ký và hoạt động theo quy định của pháp luật.

– Điều kiện về thời gian hoạt động kinh doanh tối thiểu: Hộ kinh doanh hoạt động sản xuất, kinh doanh liên tục ít nhất là 01 năm tính đến ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu.

3. Thủ tục chuyển đổi từ hộ kinh doanh thành doanh nghiệp

CCPL: Điều 27 Nghị định 01/2021/NĐ-CP.

– Hộ kinh doanh thực hiện việc đăng ký thành lập doanh nghiệp trên cơ sở chuyển đổi từ hộ kinh doanh thực hiện tại Phòng Đăng ký kinh doanh – Sở Kế hoạch và Đầu tư nơi doanh nghiệp dự định đặt trụ sở.

– Hồ sơ đăng ký thành lập doanh nghiệp bao gồm:

+ Bản chính Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh;

+ Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký thuế;

+ Các giấy tờ tương ứng với từng loại doanh nghiệp quy định tại Điều 21, 22, 23, 24 Nghị định 01/2021/NĐ-CP.

+ Trường hợp doanh nghiệp chuyển đổi từ hộ kinh doanh có nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tham gia góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp thuộc trường hợp phải thực hiện thủ tục đăng ký góp vốn theo quy định của Luật Đầu tư thì hồ sơ phải có văn bản của Cơ quan đăng ký đầu tư chấp thuận về việc góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài.

– Trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, Phòng đăng ký kinh doanh gửi bản sao Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp và bản chính Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh đến Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện nơi hộ kinh doanh đặt trụ sở để thực hiện chấm dứt hoạt động hộ kinh doanh.

4. Chính sách hỗ trợ đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi từ hộ kinh doanh

4.1. Hỗ trợ tư vấn, hướng dẫn hồ sơ, thủ tục thành lập doanh nghiệp

CCPL: Điều 15 Nghị định 80/2021/NĐ-CP hướng dẫn Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa

– Chủ thể thực hiện: Uỷ ban nhân nhân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ứng (gọi chung là Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh) giao Sở Kế hoạch và Đầu tư tư vấn, hướng dẫn miễn phí hộ kinh doanh đăng ký chuyển đổi thành doanh nghiệp.

– Các trình tự, thủ tục được tư vấn, hướng dẫn bao gồm:

+ Trình tự, thủ tục, hồ sơ đăng ký thành lập doanh nghiệp;

+ Trình tự, thủ tục, hồ sơ đăng ký chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh đối với các ngành nghề kinh doanh có điều kiện (nếu có).

– Hồ sơ đề nghị hỗ trợ bao gồm: Hộ kinh doanh đăng ký chuyển đổi thành doanh nghiệp có nhu cầu tư vấn, hướng dẫn gửi đề nghị hỗ trợ đến Sở Kế hoạch và Đầu tư thông qua hình thức trực tiếp hoặc trực tuyến

+ Bản sao hợp lệ Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của hộ kinh doanh;

+ Bản sao hợp lệ Giấy chứng nhận đăng ký mã số thuế;

+ Bản sao hợp lệ chứng từ nộp lệ phí môn bài, các loại thuế, và các khoản nộp ngân sách nhà nước khác (nếu có);

+ Tờ khai thuế trong thời hạn 01 năm trước khi chuyển đổi.

– Thời hạn giải quyết hồ sơ đề nghị: 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị.

4.2. Hỗ trợ đăng ký doanh nghiệp, công bố thông tin doanh nghiệp

CCPL: Điều 16 Nghị định 80/2021/NĐ-CP

– Miễn lệ phí đăng ký doanh nghiệp lần đầu: Doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi từ hộ kinh doanh được miễn lệ phí đăng ký doanh nghiệp lần đầu tại cơ quan đăng ký kinh doanh.

– Miễn công bố nội dung đăng ký doanh nghiệp lần đầu: Doanh nghiệp nhỏ và vừa được miễn phí công bố nội dung đăng ký doanh nghiệp lần đầu tại Cổng thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia.

4.3. Hỗ trợ thủ tục đăng ký ngành, nghề kinh doanh có điều kiện

CCPL: Điều 17 Nghị định 80/2021/NĐ-CP

– Đối với hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp vừa và nhỏ mà vẫn tiếp tục hoạt động sản xuất kinh doanh thuộc ngành, nghề kinh doanh có điều kiện mà không thay đổi về quy mô thì gửi đề nghị tới cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền để được cấp văn bản có liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh.

– Thời hạn giải quyết: Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đề nghị của doanh nghiệp, cơ quan nhà nước có thẩm quyền có trách nhiệm cấp các văn bản liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh cho doanh nghiệp.

4.4. Hỗ trợ lệ phí môn bài

CCPL: Điều 18 Nghị định 80/2021/NĐ-CP

– Miễn lệ phí môn bài: Doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi từ hộ kinh doanh được miễn phí lệ phí môn bài trong thời hạn 03 năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu.

4.5. Hỗ trợ tư vấn, hướng dẫn thủ tục hành chính thuế và chế độ kế toán

CCPL: Điều 19 Nghị định 80/2021/NĐ-CP

– Trong thời hạn 03 kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu, doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi hộ kinh doanh được tư vấn, hướng dẫn miễn phí về thủ tục hành chính và chế độ kế toán.

– Chủ thể thực hiện: Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh giao Sở Tài chính thực hiện tư vấn, hướng dẫn miễn phí cho doanh nghiệp về thủ tục hành chính thuế và chế độ kế toán.

* Ngoài ra doanh nghiệp cũng có thể được hỗ trợ:

– Miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp trong thời hạn nhất định theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp;

– Miễn, giảm tiền sử dụng đất có thời hạn theo quy định của pháp luật về đất đai.

Trên đây là tư vấn của chúng tôi. Nếu vướng mắc, chưa rõ hoặc còn vấn đề pháp lý khác vui lòng liên hệ đến Bộ phận tư vấn pháp luật trực tuyến thông qua hotline số: 0975852995 Xin trân trọng cảm ơn.