Điều kiện thành lập công ty tái bảo hiểm
Căn cứ pháp lý
- Biểu Cam kết Việt Nam trong WTO.
- Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022.
- Nghị định số 46/2023/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm.
- Nghị định số 151/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số nghị định quy định về điều kiện đầu tư, kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Tài chính
Tái bảo hiểm là gì?
Tái bảo hiểm là một loại nghiệp vụ mà Nhà bảo hiểm sử dụng để chuyển một phần trách nhiệm đã chấp nhận với Người được bảo hiểm cho Nhà bảo hiểm khác, trên cơ sở nhượng lại cho Nhà bảo hiểm đó một phần chi phí bảo hiểm thông qua hợp đồng tái bảo hiểm.
Như vậy, hiểu một cách đơn giản hơn là khi công ty bảo hiểm không còn đủ khả năng chi trả thì họ cần một bên khác chia sẻ rủi ro cùng. Trong trường hợp này, người được bảo hiểm sẽ chỉ cần biết doanh nghiệp bảo hiểm cho mình, còn hợp đồng tái bảo hiểm là hợp đồng giữa doanh nghiệp bảo hiểm và doanh nghiệp tái bảo hiểm, người được bảo hiểm không có trách nhiệm liên quan đến hợp đồng này.
Các hình thức cơ bản của tái bảo hiểm hiện nay
Tái bảo hiểm được chia thành 3 hình thức sau:
Tái bảo hiểm tạm thời
- Là hình thức tái bảo hiểm mà công ty bảo hiểm gốc chuyển nhượng cho công ty tái bảo hiểm từng dịch vụ hay từng đơn bảo hiểm một cách riêng lẻ.
- Công ty bảo hiểm gốc có toàn quyền quyết định tái bảo hiểm như thực hiện cho dịch vụ nào, với tỷ lệ bao nhiêu, cho công ty tái bảo hiểm nào. Họ được thực hiện quyết định đối với các nội dung bảo hiểm ngoài khả năng.
- Để đảm bảo được các quyền và lợi ích liên quan, cũng như xác định được rủi ro có thể phải nhận, công ty tái bảo hiểm có quyền nhận hay từ chối hoặc chỉ nhận tái bảo hiểm với một tỷ lệ mà họ cho là thích hợp.
Tái bảo hiểm cố định
- Là hình thức mà công ty bảo hiểm gốc sẽ chuyển nhượng tất cả rủi ro từ bảo hiểm gốc đã thoả thuận cho công ty tái bảo hiểm. Công ty tái bảo hiểm buộc phải bảo hiểm tất cả rủi ro đó.
Tái bảo hiểm lựa chọn – bắt buộc
- Đây là hình thức tái bảo hiểm không bắt buộc phải chuyển nhượng toàn bộ dịch vụ bảo hiểm nhưng công ty tái bảo hiểm buộc phải chấp nhận tất cả dịch vụ mà công ty bảo hiểm gốc đã thoả thuận.
- Các bên tham gia hợp đồng tái bảo hiểm tuỳ ý lựa chọn – bắt buộc cần phải có sự trung thực tuyệt đối để đảm bảo lợi ích cho các nhà nhận tái bảo hiểm. Đặc biệt phải thỏa thuận chắc chắn về quyền, lợi ích cũng như các tính chất bảo hiểm cụ thể.
Điều kiện tiếp cận thị trường đối với kinh doanh tái bảo hiểm:
Cam kết của Việt Nam khi gia nhập WTO
Dựa theo mục 7 Biểu cam kết của Việt Nam trong WTO quy định về dịch vụ tài chính có thể thấy, Việt Nam khi gia nhập WTO đã cam kết mở cửa cho nhà đầu tư nước ngoài tiếp cận thị trường đối với dịch vụ tái bảo hiểm ở Việt Nam cho phân ngành: tái bảo hiểm.
Cam kết của Việt Nam trong CPTPP
Những cam kết của Việt Nam về việc mở cửa dịch vụ phụ trợ bảo hiểm trong CPTPP cũng tương đồng với cam kết trong WTO. Theo đó, tại Chương 11 Biểu cam kết về dịch vụ tài chính, Việt Nam cam kết không hạn chế đối với các dịch vụ tài chính bao gồm: tất cả dịch vụ bảo hiểm và các dịch vụ liên quan đến bảo hiểm. Trong đó, bao gồm loại hình tái bảo hiểm và nhượng tái bảo hiểm. Theo đó, tái bảo hiểm không bị hạn chế trong việc tiếp cận thị trường.
Điều kiện thành lập công ty tái bảo hiểm
Điều kiện về vốn pháp định
Căn cứ quy định tại Điều 64 Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022 về vốn pháp định khi thành lập công ty tái bảo hiểm như sau:
- Vốn điều lệ được góp bằng Đồng Việt Nam và không thấp hơn mức tối thiểu theo quy định của Chính phủ;
- Cổ đông, thành viên góp vốn không được sử dụng vốn vay, nguồn vốn ủy thác đầu tư của tổ chức, cá nhân khác để tham gia góp vốn.
Căn cứ Khoản 4 Điều 35 Nghị định số 46/2023/NĐ-CP quy định về vốn điều lệ tối thiểu của doanh nghiệp tái bảo hiểm bao gồm:
- Kinh doanh tái bảo hiểm, nhận nhượng tái bảo hiểm phi nhân thọ hoặc cả hai loại hình tái bảo hiểm phi nhân thọ và tái bảo hiểm sức khỏe: 500 tỷ đồng Việt Nam;
- Kinh doanh tái bảo hiểm, nhận nhượng tái bảo hiểm nhân thọ hoặc cả hai loại hình tái bảo hiểm nhân thọ và tái bảo hiểm sức khỏe: 900 tỷ đồng Việt Nam;
- Kinh doanh tái bảo hiểm, nhận nhượng tái bảo hiểm cả 03 loại hình tái bảo hiểm nhân thọ, tái bảo hiểm phi nhân thọ và tái bảo hiểm sức khỏe: 1.400 tỷ đồng Việt Nam.
Doanh nghiệp bảo hiểm được thành lập, tổ chức và hoạt động trước ngày 01/7/2023 có số vốn điều lệ thấp hơn mức nêu trên thì trước ngày 01/01/2028 phải hoàn thành việc bổ sung đủ vốn điều lệ và ký quỹ theo quy định.
Điều kiện về cổ đông thành viên góp vốn thành lập
Căn cứ điểm a Khoản 1 Điều 64 Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022 quy định điều kiện về cổ đông, thành viên góp vốn thành lập:
- Tổ chức, cá nhân có quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp
- Tổ chức có tư cách pháp nhân, đang hoạt động hợp pháp;
- Trường hợp tham gia góp từ 10% vốn điều lệ trở lên thì phải kinh doanh có lãi trong 03 năm tài chính liên tục gần nhất tính đến thời điểm nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy phép và đáp ứng các điều kiện về tài chính theo quy định của Chính phủ;
- Doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm đã được cấp giấy phép thành lập và hoạt động tại Việt Nam góp vốn thành lập doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm mới phải kinh doanh có lãi trong 03 năm tài chính liên tục gần nhất tính đến thời điểm nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy phép và đáp ứng tỷ lệ an toàn vốn theo quy định của Luật này.
Điều kiện về nhân sự
Điều kiện chung
- Có quyền quản lý doanh nghiệp theo Luật Doanh nghiệp;
- Không bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm, không bị xử lý kỷ luật dưới hình thức sa thải do vi phạm quy trình nội bộ trong 03 năm liên tục trước thời điểm được bổ nhiệm.
- Không bị cơ quan có thẩm quyền khởi tố theo quy định của pháp luật tại thời điểm được bầu, bổ nhiệm.
Điều kiện đối với chức danh Chủ tịch Hội đồng quản trị, Chủ tịch Hội đồng thành viên, thành viên Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng thành viên
- Đáp ứng các điều kiện, tiêu chuẩn chung nêu trên;
- Có bằng đại học trở lên;
- Chủ tịch Hội đồng quản trị, Chủ tịch Hội đồng thành viên có ít nhất 05 năm trực tiếp làm việc trong lĩnh vực bảo hiểm, tài chính, ngân hàng/có ít nhất 03 năm giữ vị trí là người quản lý, điều hành, kiểm soát tại doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bảo hiểm, tài chính, ngân hàng; thành viên Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng thành viên có ít nhất 03 năm trực tiếp làm việc trong lĩnh vực bảo hiểm, tài chính, ngân hàng/có ít nhất 03 năm giữ vị trí là người quản lý, điều hành, kiểm soát tại doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bảo hiểm, tài chính, ngân hàng.
Điều kiện đối với chức danh Giám đốc hoặc Tổng giám đốc, người đại diện theo pháp luật
- Đáp ứng các điều kiện, tiêu chuẩn chung nêu trên;
- Có bằng đại học trở lên về chuyên ngành bảo hiểm. Trường hợp không có bằng đại học trở lên về chuyên ngành bảo hiểm thì phải có bằng đại học trở lên về chuyên ngành khác và có chứng chỉ bảo hiểm do các cơ sở đào tạo về bảo hiểm được thành lập và hoạt động hợp pháp trong nước hoặc ngoài nước cấp;
- Có ít nhất 05 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực bảo hiểm, tài chính, ngân hàng, trong đó có ít nhất 03 năm giữ vị trí là người quản lý, người kiểm soát của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài;
- Cư trú tại Việt Nam trong thời gian đương nhiệm.
Có hồ sơ xin cấp giấy phép thành lập và hoạt động theo quy định
Căn cứ Điều 69 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 quy định về hồ sơ đề nghị cấp giấy phép thành lập và hoạt động công ty tái bảo hiểm như sau:
- Văn bản đề nghị cấp giấy phép thành lập và hoạt động;
- Dự thảo điều lệ đối với doanh nghiệp tái bảo hiểm;
- Dự thảo quy chế tổ chức và hoạt động đối với chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam;
- Phương án hoạt động 05 năm đầu, trong đó nêu rõ các nghiệp vụ bảo hiểm dự kiến triển khai, mô hình quản trị rủi ro, phương thức trích lập dự phòng nghiệp vụ, chương trình tái bảo hiểm, đầu tư vốn, khả năng thanh toán của doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam;
- Sơ yếu lý lịch, Phiếu lý lịch tư pháp, bản sao các văn bằng, chứng chỉ chứng minh năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của người dự kiến được bổ nhiệm là Chủ tịch Hội đồng quản trị hoặc Chủ tịch Hội đồng thành viên, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc, người đại diện theo pháp luật, Chuyên gia tính toán;
- Mức vốn góp và phương thức góp vốn, danh sách những tổ chức, cá nhân sáng lập hoặc thành viên, cổ đông dự kiến góp từ 10% số vốn điều lệ trở lên và các tài liệu chứng minh việc đáp ứng điều kiện tương ứng với loại hình doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam của các tổ chức, cá nhân đó;
Quý khách hàng có nhu cầu thành lập công ty tái bảo hiểm xin vui lòng liên hệ Công ty luật Mai Sơn để được hỗ trợ tốt nhất!