Điều kiện thành lập công ty kinh doanh siêu thị
Hiện nay, càng có nhiều siêu thị với quy mô từ lớn tới nhỏ được mở ra để đáp ứng nhu cầu của đông đảo người dân. Siêu thị được ưu chuộng bởi hàng hóa đa dạng, phong phú về chủng loại, mẫu mã, nguồn gốc xuất xứ, giúp người tiêu dùng tự do lựa chọn và tiết kiệm thời gian. Và cũng bởi kinh doanh nhiều mặt hàng khác nhau mà khi kinh doanh một số hàng hóa thuộc danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện thì doanh nghiệp cần đáp ứng được điều kiện tương ứng. Vậy điều kiện thành lập công ty kinh doanh siêu thị cần đáp ứng những điều kiện gì?
Công ty Luật Mai Sơn xin tổng hợp và gửi đến Quý Khách hàng một số quy định liên quan như sau:
Cơ sở pháp lý
- Biểu cam kết về dịch vụ của Việt Nam trong WTO;
- Luật Đầu tư năm 2020;
- Luật Doanh nghiệp năm 2020;
- Luật An toàn vệ sinh thực phẩm 2010;
- Luật phòng, chống tác hại thuốc lá năm 2012;
- Nghị định 78/2015/NĐ-CP hướng dẫn về thủ tục đăng ký kinh doanh;
- Nghị định 136/2020/NĐ-CP quy định điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy
- Quyết định 1371/200 2004/QĐ- BTM quy định về quy chế Siêu thị, Trung tâm tương mại
Khái quát chung về siêu thị và điều kiện để được gọi là siêu thị
Siêu thị là gì?
Siêu thị là loại hình cửa hàng hiện đại; kinh doanh tổng hợp hoặc chuyên doanh; có cơ cấu chủng loại hàng hóa phong phú, đa dạng, bảo đảm chất lượng; đáp ứng các tiêu chuẩn về diện tích kinh doanh, trang bị kỹ thuật và trình độ quản lý, tổ chức kinh doanh; có các phương thức phục vụ văn minh, thuận tiện nhằm thỏa mãn nhu cầu mua sắm hàng hóa của khách hàng.
Điều kiện để được gọi là siêu thị là gì?
Tiêu chí | Siêu thị hạng I | Siêu thị hạng II | Siêu thị hạng III |
Diện tích kinh doanh | 5000 m2 trở lên | 2000 m2 trở lên | 500 m2 trở lên |
Danh mục hàng hóa kinh doanh | 20.000 tên hàng trở lên | 10.000 tên hàng trở lên | 4.000 tên hàng trở lên |
Đối với siêu thị chuyên doanh | Diện tích từ 1000m2 trở lên và có 2000 tên hàng trở lên | Diện tích từ 500m2 trở lên và có 1000 tên hàng trở lên | Diện tích từ 250m2 trở lên và có 500 tên hàng trở lên |
Ngoài ra, siêu thị là công trình kiến trúc có tính thẩm mỹ cao, có thiết kế và trang thiết bị kỹ thuật tiên tiến, hiện đại, đảm bảo các yêu cầu phòng cháy chữa cháy, vệ sinh môi trường, an toàn và thuận tiện cho mọi đối tượng khách hàng; có bố trí nơi trông giữ xe và khu vệ sinh cho khách hàng phù hợp. Siêu thị đồng thời phải có hệ thống kho và các thiết bị kỹ thuật bảo quản, sơ chế, đóng gói, bán hàng, thanh toán và quản lý kinh doanh tiên tiến, hiện đại
Điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài
Đối với việc kinh doanh siêu thị, Việt Nam đã cam kết tại Biểu cam kết cụ thể về dịch vụ trong WTO nội dung về Dịch vụ phân phối, trong đó bao gồm dịch vụ đại lý hoa hồng, dịch vụ bán buôn, dịch vụ bán lẻ và dịch vụ nhượng quyền thương mại. Cụ thể:
- Về mức độ mở cửa, lộ trình mở cửa áp dụng cho các nhà bán lẻ nước ngoài so với nhiều phân ngành khác là khá ngắn. Việt Nam cam kết cho phép các nhà đầu tư nước ngoài được thực hiện hoạt động phân phối tại Việt Nam sau thời điểm Việt Nam gia nhập WTO ngày 11/1/2007 dưới hình thức bắt buộc là liên doanh với đối tác Việt Nam (phần vốn nước ngoài trong liên doanh bị giới hạn không quá 49%); từ ngày 1/1/2008 được phép hoạt động dưới hình thức liên doanh nhưng không bị hạn chế về tỷ lệ vốn nước ngoài trong liên doanh; và được phép thành lập doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài trong lĩnh vực bán lẻ kể từ sau ngày 1/1/2009.
- Về phạm vi hoạt động, một điều kiện mà Việt Nam đã đưa ra trong cam kết mở cửa trong WTO là các nhà bán lẻ nước ngoài chỉ được phép cung cấp dịch vụ bán lẻ thông qua việc lập cơ sở bán lẻ (cửa hàng, siêu thị…) và chỉ được tự động mở 01 (một) địa điểm bán lẻ (mà không cần phải đáp ứng điều kiện gì), việc thành lập các cơ sở bán lẻ (ngoài cơ sở thứ nhất) phải được cơ quan có thẩm quyền cho phép trên cơ sở phân tích nhu cầu kinh tế (Economic Need Test hay ENT).
- Về phạm vi loại sản phẩm mà nhà cung cấp nước ngoài được phép phân phối, Việt Nam cam kết mở cửa các dịch vụ phân phối đối với tất cả các sản phẩm sản xuất tại Việt Nam và các sản phẩm nhập khẩu hợp pháp vào Việt Nam kể từ ngày 11/1/2007, trừ với một số mặt hàng được liệt kê (xi măng, giấy, phân bón…) được mở dần tới năm 2010. Tuy nhiên, Việt Nam loại bỏ hoàn toàn bảy nhóm sản phẩm khỏi danh mục cam kết cho phép nhà đầu tư nước ngoài được phân phối tại Việt Nam (bao gồm thuốc lá và xì gà; sách, báo và tạp chí, vật phẩm đã ghi hình; kim loại quý và đá quý; dược phẩm; thuốc nổ; dầu thô và dầu đã qua chế biến; gạo, đường mía và đường củ cải).
Điều kiện thành lập công ty kinh doanh siêu thị
Kinh doanh siêu thị không thuộc danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Do đó, khi tiến hành kinh doanh, doanh nghiệp hoàn toàn chủ động. Tuy nhiên, do mặt hàng trong siêu thị rất đa dạng thuộc nhiều chủng loại khác nhau. Vì thế khi kinh doanh một số hàng hóa thuộc danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện thì doanh nghiệp cần đáp ứng được điều kiện tương ứng trước khi bắt đầu và trong suốt quá trình hoạt động kinh doanh.
Điều kiện về loại hình doanh nghiệp được phép thành lập
Doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ siêu thị được thành lập theo một trong các loại hình sau:
- Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên;
- Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên
- Công ty cổ phần
- Công ty hợp danh;
- Doanh nghiệp tư nhân.
Điều kiện đối với các loại mặt hàng phổ biến
- Rượu: khi kinh doanh rượu, chủ thể kinh doanh phải được cấp Giấy phép kinh doanh sản phẩm rượu theo điều 11 (Điều kiện phân phối rượu), Điều 13 (Điều kiện bán lẻ rượu) Nghị định 105/2007/NĐ-CP về kinh doanh rượu số được sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 17/2020/NĐ-CP;
- Đối với trường hợp nhập khẩu rượu thì cần đáp ứng điều kiện theo quy định tại Điều 30 Nghị định 105/2007/NĐ-CP về kinh doanh rượu số được sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 17/2020/NĐ-CP;
- Kinh doanh sinh vật biến đổi gen, sản phẩm của sinh vật biến đổi gen sử dụng làm thực phẩm (Điều 65 Luật Đa dạng sinh học 2008, sửa đổi bổ sung 2018; Điều 40 Nghị định số 69/2010/NĐ-CP);
- Kinh doanh thực phẩm: doanh nghiệp cần xin cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm (Điều 34 Luật An toàn vệ sinh thực phẩm 2010). Trong trường hợp nhập khẩu thực phẩm cần đáp ứng các điều kiện khác theo Luật An toàn vệ sinh thực phẩm năm 2010;
- Kinh doanh thuốc lá: công ty cần xin Giấy phép mua bán sản phẩm thuốc lá (theo Điều 19 Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá năm 2012, sửa đổi bổ sung 2018, 2023 và Điều 26 Nghị định 67/2013/NĐ-CP được sửa đổi bổ sung tại từng thời điểm).
Điều kiện về việc đăng ký kinh doanh phù hợp
- Một số mã ngành nghề chủ công ty có thể đăng ký kinh doanh khi mở công ty kinh doanh siêu thị: Mã 1010: Chế biến, bảo quản thịt và các sản phẩm từ thịt, mã 1030: Chế biến và bảo quản rau quả, mã 4759: Bán lẻ đồ điện gia dụng, giường, tủ, bàn, ghế và đồ nội thất tương tự, đèn và bộ đèn điện, đồ dùng gia đình khác trong các cửa hàng chuyên doanh…
- .Ngoài ra, tùy vào các hoạt động kinh doanh khác, doanh nghiệp có thể đăng ký thêm các mã ngành khác. Pháp luật Việt Nam không quy định giới hạn số lượng mã ngành nghề đăng ký.
Điều kiện về các giấy phép cần có đối với kinh doanh siêu thị
- Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp
- Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm hoặc Giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn iso
- Giấy phép về phòng cháy, chữa cháy (nếu cần)
- Giấy phép bán lẻ rượu (nếu cần).
- Giấy phép bán lẻ thuốc lá (nếu cần).
Điều kiện về đủ điều kiện an toàn thực phẩm
- Có đủ điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm phù hợp với từng loại hình sản xuất, kinh doanh thực phẩm theo quy định tại Chương IV của Luật An toàn vệ sinh thực phẩm.
- Có đăng ký ngành, nghề kinh doanh thực phẩm trong Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.
Điều kiện về phòng cháy chữa cháy
Đối với siêu thị dưới 300 m2 và có khối tích dưới 1.000 m3:
- Có quy định, nội quy, biển cấm, biển báo, sơ đồ hoặc biển chỉ dẫn về phòng cháy và chữa cháy, thoát nạn phù hợp với đặc điểm và tính chất hoạt động của cơ sở;
- Có phương án chữa cháy được cấp có thẩm quyền phê duyệt;
- Có hệ thống giao thông, cấp nước, thông tin liên lạc phục vụ chữa cháy, hệ thống báo cháy, chữa cháy, ngăn cháy, ngăn khói, thoát nạn, phương tiện phòng cháy và chữa cháy khác, phương tiện cứu người bảo đảm về số lượng, chất lượng phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về phòng cháy và chữa cháy hoặc theo quy định của Bộ Công an;
- Có quy định và phân công chức trách, nhiệm vụ phòng cháy và chữa cháy. Người làm nhiệm vụ phòng cháy và chữa cháy phải được huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ phòng cháy và chữa cháy
Đối với siêu thị có tổng diện tích kinh doanh từ 300 m2 trở lên hoặc có khối tích từ 1.000 m3:
- Có quy định, nội quy, biển cấm, biển báo, sơ đồ hoặc biển chỉ dẫn về phòng cháy và chữa cháy, thoát nạn phù hợp với đặc điểm và tính chất hoạt động của cơ sở;
- Có giấy chứng nhận thẩm duyệt thiết kế, văn bản thẩm duyệt thiết kế (nếu có); văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy đối với công trình thuộc danh mục quy định tại Phụ lục V ban hành kèm theo Nghị định số 136/2020/NĐ-CP;
- Có bản sao bản vẽ tổng mặt bằng thể hiện giao thông, nguồn nước phục vụ chữa cháy, bố trí công năng của các hạng mục, dây chuyền công nghệ trong cơ sở đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt (nếu có);
- Có quy định và phân công chức trách, nhiệm vụ phòng cháy và chữa cháy trong cơ sở;
- Hệ thống điện, chống sét, chống tĩnh điện; thiết bị sử dụng điện, sinh lửa, sinh nhiệt; việc sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt phải bảo đảm an toàn về phòng cháy và chữa cháy;
- Có quy trình kỹ thuật an toàn về phòng cháy và chữa cháy phù hợp với điều kiện sản xuất, kinh doanh, dịch vụ;
- Có lực lượng phòng cháy và chữa cháy cơ sở, chuyên ngành được huấn luyện nghiệp vụ phòng cháy và chữa cháy và tổ chức thường trực sẵn sàng chữa cháy đáp ứng yêu cầu chữa cháy tại chỗ;
- Có phương án chữa cháy, thoát nạn đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt;
- Có hệ thống giao thông, cấp nước, thông tin liên lạc phục vụ chữa cháy, hệ thống báo cháy, chữa cháy, ngăn cháy, phương tiện phòng cháy và chữa cháy khác, phương tiện cứu người phù hợp với tính chất, đặc điểm của cơ sở bảo đảm về số lượng, chất lượng và hoạt động phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về phòng cháy và chữa cháy hoặc theo quy định của Bộ Công an;
- Có văn bản thẩm duyệt, kiểm tra nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy (Mẫu số PC11 ban hành kèm theo Nghị địnhsố 136/2020/NĐ-CP);
- Có hồ sơ quản lý, theo dõi hoạt động phòng cháy và chữa cháy theo quy định của Bộ Công an.
Đối với siêu thị có tổng khối tích từ 3.000 m3 trở lên phải bao gồm các điều kiện như trên, đồng thời phải có Giấy chứng nhận thẩm duyệt thiết kế và văn bản thẩm duyệt thiết kế (nếu có) và văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy.
Thủ tục thành lập công ty kinh doanh siêu thị
Bước 1: Chuẩn bị và nộp bộ hồ sơ thành lập doanh nghiệp
Chủ sở hữu tiến hành nộp hồ sơ tại Sở Kế hoạch và đầu tư nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính. Bộ hồ sơ thành lập doanh nghiệp bao gồm:
- Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp;
- Điều lệ công ty;
- Giấy tờ pháp lý của cá nhân, pháp nhân là thành viên, đại diện theo pháp luật của công ty: Bản sao có chứng thực chứng minh nhân dân hoặc thẻ căn cước công dân hoặc hộ chiếu (nếu là cá nhân); quyết định thành lập, giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc tài liệu tương đương và thẻ căn cước công dân hoặc chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu kèm văn bản ủy quyền cho người quản lý vốn tại Việt Nam (nếu là tổ chức);
- Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đã được cấp.
- Giấy uỷ quyền cho Luật Mai Sơn (trong trường hợp lựa chọn dịch vụ của công ty).
Bước 2: Công bố nội dung thông tin doanh nghiệp
Doanh nghiệp sau khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh phải thông báo công khai trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày được công khai và phải nộp phí theo quy định của pháp luật.
Bước 3: Khắc dấu của doanh nghiệp
- Dấu bao gồm dấu được làm tại cơ sở khắc dấu hoặc dấu dưới hình thức chữ ký số theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử;
- Doanh nghiệp quyết định loại dấu, số lượng, hình thức và nội dung dấu của doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện và đơn vị khác của doanh nghiệp;
- Việc quản lý và lưu giữ dấu thực hiện theo quy định của Điều lệ công ty hoặc quy chế do doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện hoặc đơn vị khác của doanh nghiệp có dấu ban hành. Doanh nghiệp sử dụng dấu trong các giao dịch theo quy định của pháp luật.
Bước 4: Xin giấy phép về phóng cháy và chữa cháy và giấy phép an toàn vệ sinh thực phẩm
Quý khách hàng có nhu cầu muốn được tư vấn và tìm hiểu thêm thông tin về điều kiện thành lập công ty kinh doanh siêu thị hay bất kỳ loại hình nào khác, xin vui lòng liên hệ Công ty luật Mai Sơn để được chúng tôi hỗ trợ tốt nhất!