Điều kiện thành lập công ty cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm
Tại Việt Nam, cùng với sự phát triển của thị trường bảo hiểm là sự gia tăng nhu cầu đối với dịch vụ phụ trợ bảo hiểm, đây là xu hướng tất yếu. Nhu cầu sử dụng dịch vụ phụ trợ bảo hiểm của các doanh nghiệp Việt Nam đang ngày càng tăng lên. Trong đó, doanh nghiệp bảo hiểm tại Việt Nam đang sử dụng rất nhiều các dịch vụ phụ trợ bảo hiểm gồm: Hoạt động tư vấn, đánh giá rủi ro, tính phí, giám định tổn thất, hỗ trợ giải quyết bồi thường. Công ty cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm là một loại hình của công ty phải đáp ứng đầy đủ điều kiện khi thành lập công ty theo quy định. Vậy điều kiện thành lâp công ty cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm gồm những điều kiện gì?
Căn cứ pháp lý
- Biểu Cam kết Việt Nam trong WTO.
- Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022.
- Nghị định số 46/2023/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm.
- Nghị định số 151/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số nghị định quy định về điều kiện đầu tư, kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Tài chính
- Thông tư số 65/2019/TT-BTC quy định về nội dung đào tạo, thi, cấp và công nhận chứng chỉ về phụ trợ bảo hiểm.
Dịch vụ phụ trợ bảo hiểm là gì?
Căn cứ Khoản 7 Điều 4 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 quy định về dịch vụ phụ trợ bảo hiểm như sau: “Bao gồm tư vấn, đánh giá rủi ro bảo hiểm, tính toán bảo hiểm, giám định tổn thất bảo hiểm, hỗ trợ giải quyết bồi thường bảo hiểm. Dịch vụ phụ trợ bảo hiểm không bao gồm việc doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam, tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô tự thực hiện để triển khai hoạt động kinh doanh bảo hiểm, kinh doanh tái bảo hiểm của chính tổ chức đó.”
Như vậy, dịch vụ phụ trợ bảo hiểm là một bộ phận của hoạt động kinh doanh bảo hiểm, do doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm và tổ chức, cá nhân khác thực hiện nhằm mục đích sinh lợi. Dịch vụ phụ trợ bảo hiểm bao gồm 5 hoạt động sau: tư vấn bảo hiểm; đánh giá rủi ro bảo hiểm; tính toán bảo hiểm; giám định tổn thất bảo hiểm; hỗ trợ giải quyết bồi thường bảo hiểm.”
Đối tượng được cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm
Căn cứ Điều 140 Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022 quy định những tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm phải thuộc các nhóm đối tượng sau:
- Doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài được cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm cho doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm, tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô.
- Doanh nghiệp môi giới bảo hiểm được cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm cho doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm, tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô và các tổ chức, cá nhân khác.
- Tổ chức khác có tư cách pháp nhân được cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm cho doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm, tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô.
- Cá nhân được cung cấp dịch vụ tư vấn cho doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm, tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô.
Điều kiện tiếp cận thị trường đối với kinh doanh bảo hiểm
Cam kết của Việt Nam gia nhập WTO
Dựa theo mục 7 Biểu cam kết của Việt Nam trong WTO quy định về dịch vụ tài chính có thể thấy, Việt Nam khi gia nhập WTO đã cam kết mở cửa cho nhà đầu tư nước ngoài tiếp cận thị trường đối dịch vụ phụ trợ bảo hiểmở Việt Nam cho phân ngành: dịch vụ hỗ trợ bảo hiểm (như tư vấn, dịch vụ tính toán, đánh giá rủi ro và giải quyết bồi thường).
Điều kiện trong CPTPP
Những cam kết của Việt Nam về việc mở cửa dịch vụ phụ trợ bảo hiểm trong CPTPP cũng tương đồng với cam kết trong WTO. Theo đó, tại Chương 11 Biểu Cam kết CPTPP Việt Nam không hạn chế tiếp cận thị trường đối với các dịch vụ phụ trợ cho bảo hiểm ví dụ như tư vấn, thống kê, đánh giá rủi ro và các dịch vụ giải quyết khiếu nại. Từ đó, Việt Nam xây dựng các nguyên tắc cung cấp và sử dụng dịch vụ bảo hiểm phù hợp với quy định pháp luật hiện hành, tập quán quốc tế và các cam kết quốc tế Việt Nam tham gia (CPTPP); mở rộng đối tượng nhà đầu tư nước ngoài, cho phép các tập đoàn tài chính có hoạt động kinh doanh bảo hiểm; đơn giản điều kiện cho các doanh nghiệp bảo hiểm đã được cấp phép tại Việt Nam muốn thành lập doanh nghiệp bảo hiểm mới…
Điều kiện thành lập công ty cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm theo quy định pháp luật Việt Nam
Điều kiện về cổ đông thành viên góp vốn thành lập
Vì doanh nghiệp cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm nằm trong nhóm doanh nghiệp bảo hiểm nên cần đáp ứng các điều kiện về cổ đông, thành viên góp vốn. Căn cứ điểm a Khoản 1 Điều 64 Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022 quy định điều kiện về cổ đông, thành viên góp vốn thành lập:
- Tổ chức, cá nhân có quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp
- Tổ chức có tư cách pháp nhân, đang hoạt động hợp pháp; trường hợp tham gia góp từ 10% vốn điều lệ trở lên thì phải kinh doanh có lãi trong 03 năm tài chính liên tục gần nhất tính đến thời điểm nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy phép thành lập và hoạt động và đáp ứng các điều kiện về tài chính theo quy định của Chính phủ;
- Doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm đã được cấp giấy phép thành lập và hoạt động tại Việt Nam góp vốn thành lập doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm mới phải kinh doanh có lãi trong 03 năm tài chính liên tục gần nhất tính đến thời điểm nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy phép và đáp ứng tỷ lệ an toàn vốn theo quy định của Luật này.
Đối với tổ chức Việt Nam
- Có tổng tài sản không thấp hơn 2.000 tỷ Đồng Việt Nam vào năm liền kề trước năm nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy phép thành lập và hoạt động.
Đối với tổ chức nước ngoài
Thành viên tham gia góp vốn thành lập công ty TNHH bảo hiểm phải là tổ chức và đáp ứng các điều kiện sau đây:
- Là doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài được cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cho phép hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực dự kiến tiến hành tại Việt Nam hoặc công ty con chuyên thực hiện chức năng đầu tư ra nước ngoài của doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài được doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài ủy quyền để góp vốn thành lập doanh nghiệp bảo hiểm tại Việt Nam;
- Có ít nhất 7 năm kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực dự kiến tiến hành tại Việt Nam
- Có tổng tài sản tối thiểu tương đương 02 tỷ đô la Mỹ vào năm liền kề trước năm nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy phép
- Không vi phạm nghiêm trọng các quy định pháp luật về hoạt động kinh doanh bảo hiểm của nước nơi doanh nghiệp đóng trụ sở chính trong thời hạn 03 năm liền kề trước năm nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy phép
Điều kiện tiêu chuẩn trong lĩnh vực phụ trợ bảo hiểm
Nghị định số 80/2019/NĐ-CP quy định tiêu chuẩn trong lĩnh vực phụ trợ bảo hiểm. Cụ thể, tổ chức cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm phải xây dựng, triển khai và giám sát việc thực hiện tiêu chuẩn cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm. Trong đó:
Doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm sử dụng dịch vụ phụ trợ bảo hiểm xây dựng, triển khai và giám sát việc thực hiện tiêu chuẩn lựa chọn, sử dụng dịch vụ phụ trợ bảo hiểm.
Doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm sử dụng tổ chức nước ngoài cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm qua biên giới tại Việt Nam thì tổ chức nước ngoài phải đáp ứng các tiêu chuẩn sau:
- Được phép cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm qua biên giới theo quy định của pháp luật quốc gia, vùng lãnh thổ nơi tổ chức đóng trụ sở chính
- Đang hoạt động hợp pháp ít nhất 10 năm tính thời điểm cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm qua biên giới tại Việt Nam;
- Không vi phạm các quy định pháp luật về cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm nơi tổ chức đóng trụ sở chính trong thời hạn 3 năm liền kề trước năm cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm qua biên giới tại Việt Nam
- Hoạt động kinh doanh có lãi trong 3 năm tài chính liền kề trước năm cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm qua biên giới tại Việt Nam.
Điều kiện cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm
Căn cứ tại Khoản 1, 2 Điều 143 Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022 quy định về điều kiện cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm:
Đối với cá nhân
Cá nhân cung cấp dịch vụ tư vấn phải đáp ứng các điều kiện sau đây:
- Phải có năng lực hành vi dân sự đầy đủ
- Phải có bằng đại học trở lên về chuyên ngành bảo hiểm.
- Trường hợp không có bằng đại học trở lên về chuyên ngành bảo hiểm thì phải có bằng đại học trở lên về chuyên ngành khác và có chứng chỉ phụ trợ bảo hiểm về tư vấn do các cơ sở đào tạo được thành lập và hoạt động hợp pháp trong nước và ngoài nước cấp.
Đối với tổ chức
Tổ chức cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm phải đáp ứng các điều kiện sau đây:
- Phải có tư cách pháp nhân, được thành lập và hoạt động hợp pháp
- Cá nhân trực tiếp thực hiện hoạt động phụ trợ bảo hiểm trong tổ chức cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm phải có năng lực hành vi dân sự đầy đủ; có văn bằng; chứng chỉ về phụ trợ bảo hiểm phù hợp với loại hình dịch vụ phụ trợ bảo hiểm do các cơ sở đào tạo được thành lập và hoạt động hợp pháp trong nước hoặc ngoài nước cấp.
- Cá nhân trực tiếp thực hiện hoạt động giám định tổn thất bảo hiểm trong tổ chức cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm phải đáp ứng điều kiện quy định tại điểm b khoản này và các tiêu chuẩn của giám định viên theo quy định của pháp luật về thương mại;
- Cá nhân trực tiếp thực hiện hoạt động tính toán bảo hiểm trong tổ chức cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm phải đáp ứng điều kiện, tiêu chuẩn đối với Chuyên gia tính toán.
Điều kiện về Giấy phép thành lập và hoạt động doanh nghiệp bảo hiểm
Căn cứ theo Điều 16 Nghị định số 46/2023/NĐ-CP quy định trình tự, thủ tục đề nghị cấp Giấy phép thành lập và hoạt động như sau:
- Tổ chức, cá nhân đề nghị cấp Giấy phép thành lập và hoạt động chuẩn bị hồ sơ và nộp trực tiếp tại Bộ Tài chính hoặc gửi qua đường bưu điện hoặc qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến nếu đủ điều kiện áp dụng
- Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép, nếu hồ sơ chưa đầy đủ và hợp lệ, Bộ Tài chính thông báo bằng văn bản yêu cầu bổ sung, sửa đổi hồ sơ. Thời hạn bổ sung, sửa đổi hồ sơ của chủ đầu tư tối đa là 06 tháng kể từ ngày ra thông báo. Trường hợp chủ đầu tư không bổ sung, sửa đổi hồ sơ theo đúng thời hạn quy định, Bộ Tài chính từ chối xem xét cấp Giấy phép.
- Tổng thời gian để tổ chức, cá nhân bổ sung, sửa đổi hồ sơ tối đa là 12 tháng kể từ ngày Bộ Tài chính thông báo lần đầu. Quá thời hạn trên, tổ chức, cá nhân không hoàn thiện hồ sơ, tài liệu, Bộ Tài chính có quyền từ chối xem xét cấp Giấy phép.
- Trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Bộ Tài chính cấp Giấy phép thành lập và hoạt động cho doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam.
- Trường hợp từ chối cấp Giấy phép, Bộ Tài chính có văn bản giải thích rõ lý do. Bộ Tài chính chỉ được từ chối cấp Giấy phép khi tổ chức, cá nhân tham gia góp vốn hoặc doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam dự kiến thành lập không đáp ứng đủ điều kiện, hồ sơ cấp Giấy phép theo quy định tại Nghị định này hoặc tổ chức, cá nhân gian lận, giả mạo các giấy tờ, tài liệu quy định.
Quý khách hàng có nhu cầu thành lập công ty cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm xin vui lòng liên hệ Công ty luật Mai Sơn để được hỗ trợ tốt nhất!