Điều kiện thành lập công ty/ cơ sở giáo dục phổ thông có vốn đầu tư nước ngoài
Một nền giáo dục phát triển không chỉ giúp cải thiện trình độ dân trí mà còn là nguồn động lực giúp đất nước sánh vai với các cường quốc năm châu. Ngày càng nhiều sự giao lưu phát triển giáo dục giữa các nước về giáo dục cũng nằm trong xu thế đó. Việc thành lập các cơ sở giáo dục là một trong những biểu hiện tiêu biểu. Trong bài viết sau đây, Luật Mai Sơn sẽ tổng hợp những quy định về điều kiện thành lập của cơ sở giáo dục phổ thông có vốn đầu tư nước ngoài.
Cơ sở pháp lý
- WTO, CPTPP;
- Luật đầu tư năm 2020;
- Luật doanh nghiệp năm 2020;
- Nghị định 86/2018/NĐ-CP quy định về hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục;
- Thông tư 47/2019/TT-BCT quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí cung cấp thông tin doanh nghiệp, lệ phí đăng ký doanh nghiệp.
Hiểu thế nào là cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài
Căn cứ tại khoản 2 Điều 2 Nghị định 86/2018/NĐ-CP quy định về cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài. Theo đó cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài là cơ sở giáo dục do tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài bỏ vốn đầu tư.
Một điều quan trọng mà pháp luật Việt Nam quy định là cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài được phép sử dụng con dấu và tài khoản riêng. Quy định này đã tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình thực hiện các giao dịch pháp lý và thủ tục hành chính cho các cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài.
Có thể nói, quy định của pháp luật Việt Nam về cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài đã tạo môi trường phát triển cũng như thu hút các nhà đầu tư nước ngoài tham gia đầu tư, hình thành thêm nữa nhiều cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài.
Các loại hình cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài
Có 5 loại hình cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài được quy định tại Điều 28 Nghị định 86/2018/NĐ-CP, bao gồm:
- Cơ sở đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn.
- Cơ sở giáo dục mầm non.
- Cơ sở giáo dục phổ thông (trường tiểu học, trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông, trường phổ thông có nhiều cấp học).
- Cơ sở giáo dục đại học.
- Phân hiệu của cơ sở giáo dục đại học có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.
Điều kiện đầu tư trong lĩnh vực giáo dục theo các hiệp định quốc tế
Theo biểu cam kết của Việt Nam trong WTO
- Về những hạn chế tiếp cận thị trường đối với lĩnh vực giáo dục thì phương thức hiện diện thương mại hiện nay chưa cam kết trong WTO.
- Phạm vi hoạt động: Giáo dục phổ thông, giáo dục bậc cao, giáo dục cho người lớn và dịch vụ giáo dục khác, bao gồm đào tạo ngoại ngữ
- Chương trình đào tạo phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê chuẩn.
Theo CPTPP
Theo cam kết của Việt Nam trong CPTPP thì nhà đầu tư nước ngoài được thực hiện đầu tư thành lập của cơ sở giáo dục phổ thông chỉ khi đáp ứng điều kiện:
- Cơ sở giáo dục phổ thông thực hiện chương trình giáo dục theo chương trình của nước ngoài, cấp văn bằng của nước ngoài, dành cho học sinh là người nước ngoài và một bộ phận học sinh Việt Nam có nhu cầu.
- Cơ sở giáo dục phổ thông được phép tiếp nhận học sinh Việt Nam, nhưng số học sinh Việt Nam ở trường tiểu học và trung học cơ sở không quá 10% tổng số học sinh của trường, ở trường trung học phổ thông không quá 20% tổng số học sinh của trường.
Tại Phụ lục II, Việt Nam bảo lưu quyền áp dụng và duy trì bất kỳ biện pháp nào liên quan đến đầu tư và/hoặc cung cấp dịch vụ giáo dục phổ thông cơ sở.
Điều kiện đầu tư nước ngoài đối với hình thức cơ sở giáo dục phổ thông
Điều kiện về vốn đầu tư
- Căn cứ theo Khoản 2 Điều 34 Nghị định 86/2018/NĐ-CP quy định dự án đầu tư thành lập cơ sở giáo dục phổ thông phải có suất đầu tư ít nhất là 50 triệu đồng/học sinh (không bao gồm các chi phí sử dụng đất). Tổng số vốn đầu tư ít nhất được tính toán căn cứ thời điểm có quy mô dự kiến cao nhất, nhưng không thấp hơn 50 tỷ đồng.
- Đồng thời, đối với các cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài không xây dựng cơ sở vật chất mới mà chỉ thuê lại hoặc do bên Việt Nam góp vốn bằng cơ sở vật chất sẵn có để triển khai hoạt động thì mức đầu tư ít nhất phải đạt 70% các mức quy định theo mục trên.
Cơ sở vật chất kỹ thuật
Căn cứ theo Khoản 3 Điều 36 Nghị định 86/2018/NĐ-CP về cơ sở vật chất và thiết bị đối với cơ sở giáo dục phổ thông.
- Trường tập trung tại một địa điểm, có môi trường tốt. Diện tích mặt bằng xây dựng trường được xác định trên cơ sở số lớp, số học sinh và đặc điểm vùng miền, với mức bình quân ít nhất là 06 m2/học sinh đối với khu vực thành phố, thị xã và 10 m2/học sinh đối với khu vực nông thôn;
- Có diện tích dùng cho học tập, giảng dạy bảo đảm mức bình quân ít nhất là 2,5 m2/học sinh;
- Có văn phòng nhà trường, ban giám hiệu, phòng giáo viên, phòng họp phù hợp;
- Có phòng học bộ môn (đối với trường trung học cơ sở và trường trung học phổ thông), thư viện, bàn ghế, thiết bị, đồ dùng giảng dạy, bảo đảm các tiêu chuẩn theo quy định hiện hành của Bộ Giáo dục và Đào tạo;
- Có phòng tập thể dục đa năng, phòng giáo dục nghệ thuật, phòng tin học, phòng hỗ trợ giáo dục học sinh tàn tật, khuyết tật học hòa nhập, phòng y tế học đường. Có nhà ăn, phòng nghỉ trưa nếu tổ chức học bán trú;
- Có hệ thống nước sạch, nhà vệ sinh phù hợp với quy mô của cơ sở giáo dục, bảo đảm các điều kiện về tiêu chuẩn theo quy định hiện hành của Bộ Giáo dục và Đào tạo;
- Có sân chơi, bãi tập, khu để xe với diện tích ít nhất bằng 30% tổng diện tích mặt bằng của trường. Có tường bao quanh khu vực trường, có cổng trường với biển trường ghi rõ tên trường theo quy định tại Điều 29 Nghị định này.
Chương trình giáo dục của cơ sở giác dục phổ thông được tổ chức giảng dạy
Chương trình giáo dục thực hiện tại cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài phải thể hiện mục tiêu giáo dục, không có nội dung gây phương hại đến quốc phòng, an ninh quốc gia, lợi ích cộng đồng; không truyền bá tôn giáo, xuyên tạc lịch sử; không ảnh hưởng xấu đến văn hóa, đạo đức, thuần phong mỹ tục Việt Nam và phải bảo đảm điều kiện liên thông giữa các cấp học và trình độ đào tạo
Đội ngũ nhà giáo
Căn cứ theo quy định tại Khoản 3 Điều 38 Nghị định 86/2018/NĐ-CP thì đội ngũ nhà giáo đối với cơ sở giáo dục phổ thông có vốn đầu tư nước ngoài cần tuân thủ một số yêu cầu sau:
- Giáo viên ít nhất phải có trình độ đại học sư phạm hoặc tương đương
- Số lượng giáo viên ít nhất phải bảo đảm tỷ lệ: 1,5 giáo viên/lớp đối với trường tiểu học, 1,95 giáo viên/lớp đối với trường trung học cơ sở và 2,25 giáo viên/lớp đối với trường trung học phổ thông;
- Số lượng học sinh/lớp không vượt quá 30 học sinh/lớp đối với trường tiểu học, 35 học sinh/lớp đối với trường trung học cơ sở và trung học phổ thông
Quy trình thành lập cơ sở giáo dục phổ thông có vốn đầu tư nước ngoài
Bước 1: Cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư
Phụ thuộc vào dự án của nhà đầu tư, nhà đầu tư nước ngoài phải chuẩn bị hồ sơ để xin cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Theo đó, nếu đạt đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận cơ quan có thẩm quyền thuộc Sở kế hoạch và đầu tư cấp. Bên xạnh đó, đối với việc cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư liên quan tới giáo dục còn cần lấy ý kiến thẩm định của sở giáo dục và đào tạo.
Bước 2: Làm thủ tục thuê đất (nếu có)
Nhà đầu tư nước ngoài cần tiến hành thủ tục thuê đất để thực hiện xây dựng cơ sở giáo dục theo dự án của mình. Trong trường hợp xây mới cơ sở giáo dục thì nhà đầu tư nước ngoài phải tiến hành xin giấy phép xây dựng trước khi thành lập.
Bước 3: Thành lập cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài
Để tiến hành thành lập cơ sở giáo dục, nhà đầu tư nước ngoài phải tiền hành nộp hồ sơ đề nghị cho phép thành lập. Sau khi đã được cấp phép thành lập, nhà đầu tư nước ngoài phải tiếp tục thực hiện hồ sơ đăng ký cho phép hoạt động giáo dục.
Doanh nghiệp sau khi được cấp giấy chứng nhận sẽ được công bố nội dung thông tin đăng ký doanh nghiệp với mức lệ phí công bố là 100.000 đồng theo qui định tại Thông tư 47/2019/TT-BCT.
Quý khách hàng là nhà đầu tư nước ngoài có nhu cầu tư vấn về dịch vụ thành lập công ty (cơ sở) giáo dục phổ thông có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, xin vui lòng liên hệ Công ty luật Mai Sơn để được hỗ trợ tốt nhất.