ĐIỀU KIỆN THÀNH LẬP CÔNG TY BẢO HIỂM PHI NHẬN THỌ

Điều kiện thành lập công ty bảo hiểm phi nhân thọ

Bảo hiểm phi nhân thọ là biện pháp bảo vệ tài sản bản thân cũng như con người một cách thiết thực và hữu ích. Hiện nay, nhiều khách hàng chưa rõ những thông tin liên quan đến loại bảo hiểm này đặc biệt liên quan đến điều kiện để  thành lập công ty bảo hiểm phi nhân thọ cần những gì? Để giải đáp thắc mắc của quý khách hàng, công ty Luật Mai Sơn  đưa ra bài viết điều kiện thành lập công ty bảo hiểm phi nhân thọ dưới đây.

Căn cứ pháp lý

  • Biểu Cam kết Việt Nam trong WTO.
  • Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022.
  • Nghị định số 46/2023/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm.

Bảo hiểm phi nhân thọ là gì?

Căn cứ theo khoản 14 Điều 4 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 thì bảo hiểm phi nhân thọ là loại hình bảo hiểm cho những thiệt hại về tài sản và những tổn thất khác hoặc trách nhiệm dân sự đối với người thứ ba.

Ngoài ra, bảo hiểm phi nhân thọ (Non-life insurance), còn được gọi là bảo hiểm tài sản và thương vong. Đây là một loại hình bảo hiểm rất phổ biến cho các doanh nghiệp và cả cá nhân. Bảo hiểm phi nhân thọ sẽ bảo vệ cho chủ sở hữu khỏi những bất trắc có thể xảy đến cũng như hạn chế thấp nhất nguy cơ kinh tế của bản thân bạn bị ảnh hưởng xấu.

Các hình thức cơ bản của bảo hiểm phi nhân thọ hiện nay

Bảo hiểm phi nhân thọ bao gồm:

Bảo hiểm sức khỏe và bảo hiểm tai nạn con người

  • Là loại hình bảo hiểm cho trường hợp người được bảo hiểm bị thương tật, tai nạn, ốm đau, bệnh tật, tử vong thì doanh nghiệp bảo hiểm trả tiền bảo hiểm theo thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm.

Bảo hiểm thiệt hại kinh doanh

  • Là sản phẩm bảo hiểm cho những rủi ro về tài sản trong quá trình sản xuất và kinh doanh của doanh nghiệp.

Bảo hiểm tài sản và bảo hiểm thiệt hại

  • Là sản phẩm bảo hiểm cho tài sản gồm vật có thực, tiền, giấy tờ có giá và các quyền tài sản

Bảo hiểm hàng không

  • Là bảo hiểm dành cho hoạt động của máy bay và những rủi ro trong khi vận chuyển bằng đường hàng không (bao gồm hàng hóa và con người).

Bảo hiểm xe cơ giới

  • Là bảo hiểm dành cho xe cơ giới bồi thường cho chủ xe khi không may xảy ra rủi ro về con người, chiếc xe hoặc hàng hóa trên xe.

Bảo hiểm cháy, nổ

  • Là sản phẩm bồi thường cho các thiệt hại xảy ra về tài sản của người tham gia bảo hiểm khi không may xảy ra cháy, nổ.

Bảo hiểm hàng hóa vận chuyển đường bộ, đường biển, đường sông, đường sắt, đường hàng không

  • Là sản phẩm bảo hiểm bồi thường cho rủi ro của các loại hàng hóa trong quá trình được vận chuyển.

Bảo hiểm thân tàu và trách nhiệm dân sự của chủ tàu

  • Là bảo hiểm bồi thường cho các thiệt hại đối với thân tàu và các rủi ro mà chủ tàu phải chi trả với thiệt hại của người thứ ba do quá trình hoạt động của tàu, thuyền gây ra.

Bảo hiểm tín dụng và rủi ro tài chính

  • Là bảo hiểm đảm bảo cho những khoản vay tại ngân hàng khi không may gặp rủi ro bất ngờ mà không trả được nợ.

Điều kiện tiếp cận thị trường đối với kinh doanh bảo hiểm phi nhân thọ

Cam kết của Việt Nam khi gia nhập WTO

Dựa theo mục 7 Biểu cam kết của Việt Nam trong WTO quy định về dịch vụ tài chính có thể thấy, Việt Nam khi gia nhập WTO đã cam kết mở cửa cho nhà đầu tư nước ngoài tiếp cận thị trường đối với dịch vụ bảo hiểm phi nhân thọ ở Việt Nam.

Cam kết của Việt Nam trong CPTPP

Những cam kết của Việt Nam về việc mở cửa dịch vụ phụ trợ bảo hiểm trong CPTPP cũng tương đồng với cam kết trong WTO. Theo đó, tại Chương 11 Biểu cam kết về dịch vụ tài chính, Việt Nam cam kết không hạn chế đối với các dịch vụ tài chính bao gồm: tất cả dịch vụ bảo hiểm và các dịch vụ liên quan đến bảo hiểm. Trong đó, bao gồm loại hình bảo hiểm phi nhân thọ. Theo đó, bảo hiểm phi nhân thọ không bị hạn chế trong việc tiếp cận thị trường.

Điều kiện thành lập công ty bảo hiểm phi nhân thọ

Điều kiện về vốn pháp định

Căn cứ quy định tại Điều 64 Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022 về vốn pháp định khi thành lập công ty bảo hiểm phi nhân thọ như sau:

  • Vốn điều lệ được góp bằng Đồng Việt Nam và không thấp hơn mức tối thiểu theo quy định của Chính phủ;
  • Cổ đông, thành viên góp vốn không được sử dụng vốn vay, nguồn vốn ủy thác đầu tư của tổ chức, cá nhân khác để tham gia góp vốn.

Căn cứ Khoản 2 Điều 35 Nghị định số 46/2023/NĐ-CP quy định về vốn điều lệ tối thiểu của doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ bao gồm:

  • Kinh doanh bảo hiểm phi nhân thọ (trừ bảo hiểm hàng không, bảo hiểm vệ tinh) và bảo hiểm sức khỏe: 400 tỷ đồng Việt Nam;
  • Kinh doanh bảo hiểm theo quy định tại điểm a khoản này và bảo hiểm hàng không hoặc bảo hiểm vệ tinh: 450 tỷ đồng Việt Nam;
  • Kinh doanh bảo hiểm theo quy định tại điểm a khoản này, bảo hiểm hàng không và bảo hiểm vệ tinh: 500 tỷ đồng Việt Nam.

Doanh nghiệp bảo hiểm được thành lập, tổ chức và hoạt động trước ngày 01/7/2023 có số vốn điều lệ thấp hơn mức nêu trên thì trước ngày 01/01/2028 phải hoàn thành việc bổ sung đủ vốn điều lệ và ký quỹ theo quy định.

Điều kiện về cổ đông thành viên góp vốn thành lập

Căn cứ điểm a Khoản 1 Điều 64 Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022 quy định điều kiện về cổ đông, thành viên góp vốn thành lập:

  • Tổ chức, cá nhân có quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp;
  • Tổ chức có tư cách pháp nhân, đang hoạt động hợp pháp;
  • Trường hợp tham gia góp từ 10% vốn điều lệ trở lên thì phải kinh doanh có lãi trong 03 năm tài chính liên tục gần nhất tính đến thời điểm nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy phép và đáp ứng các điều kiện về tài chính theo quy định của Chính phủ;
  • Doanh nghiệp bảo hiểm đã được cấp giấy phép thành lập và hoạt động tại Việt Nam góp vốn thành lập doanh  nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ mới phải kinh doanh có lãi trong 03 năm tài chính liên tục gần nhất tính đến thời điểm nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy phép và đáp ứng tỷ lệ an toàn vốn theo quy định của Luật này.

Điều kiện về nhân sự

Điều kiện chung

  • Có quyền quản lý doanh nghiệp theo Luật Doanh nghiệp;
  • Không bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm, không bị xử lý kỷ luật dưới hình thức sa thải do vi phạm quy trình nội bộ trong 03 năm liên tục trước thời điểm được bổ nhiệm
  • Không bị cơ quan có thẩm quyền khởi tố theo quy định của pháp luật tại thời điểm được bầu, bổ nhiệm.

Điều kiện đối với chức danh Chủ tịch Hội đồng quản trị, Chủ tịch Hội đồng thành viên, thành viên Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng thành viên

  • Đáp ứng các điều kiện, tiêu chuẩn chung nêu trên;
  • Có bằng đại học trở lên;
  • Chủ tịch Hội đồng quản trị, Chủ tịch Hội đồng thành viên có ít nhất 05 năm trực tiếp làm việc trong lĩnh vực bảo hiểm, tài chính, ngân hàng/có ít nhất 03 năm giữ vị trí là người quản lý, điều hành, kiểm soát tại doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bảo hiểm, tài chính, ngân hàng; thành viên Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng thành viên có ít nhất 03 năm trực tiếp làm việc trong lĩnh vực bảo hiểm, tài chính, ngân hàng/có ít nhất 03 năm giữ vị trí là người quản lý, điều hành, kiểm soát tại doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bảo hiểm, tài chính, ngân hàng.

Điều kiện đối với chức danh Giám đốc hoặc Tổng giám đốc, người đại diện theo pháp luật

  • Đáp ứng các điều kiện, tiêu chuẩn chung nêu trên;
  • Có bằng đại học trở lên về chuyên ngành bảo hiểm. Trường hợp không có bằng đại học trở lên về chuyên ngành bảo hiểm thì phải có bằng đại học trở lên về chuyên ngành khác và có chứng chỉ bảo hiểm do các cơ sở đào tạo về bảo hiểm được thành lập và hoạt động hợp pháp trong nước hoặc ngoài nước cấp;
  • Có ít nhất 05 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực bảo hiểm, tài chính, ngân hàng, trong đó có ít nhất 03 năm giữ vị trí là người quản lý, người kiểm soát của doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài;
  • Cư trú tại Việt Nam trong thời gian đương nhiệm.

Có hồ sơ xin cấp giấy phép thành lập và hoạt động theo quy định

Căn cứ Điều 69 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 quy định về hồ sơ đề nghị cấp giấy phép thành lập và hoạt động công ty bảo hiểm phi nhân thọ như sau:

  • Văn bản đề nghị cấp giấy phép thành lập và hoạt động;
  • Dự thảo điều lệ đối với doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ;
  • Dự thảo quy chế tổ chức và hoạt động đối với chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam;
  • Phương án hoạt động 05 năm đầu, trong đó nêu rõ các nghiệp vụ bảo hiểm dự kiến triển khai, mô hình quản trị rủi ro, phương thức trích lập dự phòng nghiệp vụ, chương trình bảo hiểm phi nhân thọ, đầu tư vốn, khả năng thanh toán của doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam;
  • Sơ yếu lý lịch, Phiếu lý lịch tư pháp, bản sao các văn bằng, chứng chỉ chứng minh năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của người dự kiến được bổ nhiệm là Chủ tịch Hội đồng quản trị hoặc Chủ tịch Hội đồng thành viên, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc, người đại diện theo pháp luật, Chuyên gia tính toán;
  • Mức vốn góp và phương thức góp vốn, danh sách những tổ chức, cá nhân sáng lập hoặc thành viên, cổ đông dự kiến góp từ 10% số vốn điều lệ trở lên và các tài liệu chứng minh việc đáp ứng điều kiện tương ứng với loại hình doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam quy định tại các điều 65 của Luật nàycủa các tổ chức, cá nhân đó;

Quý khách hàng có nhu cầu thành lập công ty bảo hiểm phi nhân thọ xin vui lòng liên hệ Công ty luật  Mai Sơn để được hỗ trợ tốt nhất!