Điều kiện cấp Giấy phép kinh doanh cho nhà đầu tư nước ngoài thực hiện bán buôn xe máy điện là gì?
Bán buôn xe máy điện có thuộc Danh mục ngành, nghề hạn chế tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài không?
Bán buôn là gì?
Theo quy định tại khoản 6 Điều 3 Nghị định 09/2018/NĐ- CP thì:
Bán buôn là hoạt động bán hàng hóa cho thương nhân bán buôn, thương nhân bán lẻ và thương nhân, tổ chức khác; không bao gồm hoạt động bán lẻ.
Ngoài ra, cũng theo quy định tại Điều 3 Nghị định 09/2018/NĐ- CP
Phân phối là các hoạt động bán buôn, bán lẻ, đại lý bán hàng hóa và nhượng quyền thương mại.
Quyền phân phối là quyền thực hiện trực tiếp các hoạt động phân phối.
Hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa bao gồm các hoạt động sau đây:
– Thực hiện quyền xuất khẩu;
– Thực hiện quyền nhập khẩu;
– Thực hiện quyền phân phối;
– Cung cấp dịch vụ giám định thương mại;
– Cung cấp dịch vụ logistics;
– Cho thuê hàng hóa, không bao gồm cho thuê tài chính;
– Cung cấp dịch vụ xúc tiến thương mại, không bao gồm dịch vụ quảng cáo;
– Cung cấp dịch vụ trung gian thương mại;
– Cung cấp dịch vụ thương mại điện tử;
– Cung cấp dịch vụ tổ chức đấu thầu hàng hóa, dịch vụ.
Bán buôn xe máy điện có thuộc Danh mục ngành, nghề hạn chế tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài không?
Theo Phụ lục I Nghị định 31/2021/NĐ- CP quy định về Danh mục ngành, nghề hạn chế tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài thì:
Bán buôn xe máy điện không thuộc Danh mục ngành, nghề hạn chế tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài.
Điều kiện cấp Giấy phép kinh doanh cho nhà đầu tư nước ngoài thực hiện bán buôn xe máy điện là gì?
Điều kiện cấp Giấy phép kinh doanh cho nhà đầu tư nước ngoài thực hiện bán buôn xe máy điện được quy định tại Điều 9 Nghị định 09/2018/NĐ- CP, cụ thể:
(i) Trường hợp nhà đầu tư nước ngoài thuộc nước, vùng lãnh thổ tham gia Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có cam kết mở cửa thị trường cho hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa
– Đáp ứng điều kiện về tiếp cận thị trường tại Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên;
– Có kế hoạch về tài chính để thực hiện hoạt động đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh;
– Không còn nợ thuế quá hạn trong trường hợp đã thành lập tại Việt Nam từ 01 năm trở lên.
(ii) Trường hợp nhà đầu tư nước ngoài không thuộc nước, vùng lãnh thổ tham gia Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên
– Điều kiện quy định tại điểm b và c khoản 1 Điều 9 Nghị định 09/2018/NĐ- CP
– Đáp ứng tiêu chí sau:
+ Phù hợp với quy định của pháp luật chuyên ngành;
+ Phù hợp với mức độ cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước trong cùng lĩnh vực hoạt động;
+ Khả năng tạo việc làm cho lao động trong nước;
+ Khả năng và mức độ đóng góp cho ngân sách nhà nước.
Giấy phép kinh doanh bị thu hồi trong những trường hợp nào?
Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 43 Nghị định 09/2018/NĐ- CP thì:
Giấy phép kinh doanh bị thu hồi trong các trường hợp sau:
– Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp bị thu hồi;
– Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư của dự án có mục tiêu hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa bị thu hồi;
– Nội dung kê khai trong hồ sơ cấp, cấp lại, điều chỉnh Giấy phép kinh doanh là giả mạo;
– Ngừng hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa quá 12 tháng mà không báo cáo Cơ quan cấp Giấy phép;
– Không thực hiện chế độ báo cáo định kỳ theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 40 Nghị định 09/2018/NĐ- CP trong 24 tháng liên tiếp;
– Không gửi báo cáo, tài liệu, giải trình theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 40 Nghị định 09/2018/NĐ- CP sau thời hạn 03 tháng kể từ ngày hết hạn theo yêu cầu.
Ngoài ra, theo quy định tại Điều 49 Nghị định 09/2018/NĐ- CP về trách nhiệm của Sở Công Thương:
Sở Công Thương
1. Cấp, cấp lại, điều chỉnh và thu hồi Giấy phép kinh doanh; cấp, cấp lại, điều chỉnh, gia hạn và thu hồi Giấy phép lập cơ sở bán lẻ.
2. Đăng tải, cập nhật trên Hệ thống cơ sở dữ liệu thông tin liên quan đến Giấy phép kinh doanh, Giấy phép lập cơ sở bán lẻ, hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa của nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài; xử lý vi phạm tại địa phương.
3. Thực hiện quản lý nhà nước tại địa phương đối với hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa, lập cơ sở bán lẻ của tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài theo thẩm quyền.
4. Giám sát, thanh tra, kiểm tra và đánh giá hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa, lập cơ sở bán lẻ của tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tại địa phương theo thẩm quyền.
5. Xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa, lập cơ sở bán lẻ của tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tại địa phương theo thẩm quyền.
Theo đó, Sở Công Thương là cơ quan thu hồi Giấy phép kinh doanh.