Điểm mới trong Nghị định 65/2023/NĐ-CP về đăng ký nhãn hiệu
Ngày 23/8/2023, Chính phủ ban hành Nghị định số 65/2023/NĐ-CP quy định chi tiết về sở hữu công nghiệp, bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp và quản lý giống cây trồng. Nghị định 65/2023/NĐ-CP thay thế Nghị định số 103/2006/NĐ-CP và một số điều của Nghị định 105/2006/NĐ-CP trong đó có sửa đổi, bổ sung một số điểm mới về nhãn hiệu. Bài viết dưới đây, Luật Mai Sơn sẽ phân tích những điểm mới trong Nghị định số 65/2023/NĐ-CP về nhãn hiệu.
Căn cứ pháp lý
- Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi, bổ sung năm 2022.
- Nghị định số 65/2023/NĐ-CP quy định chi tiết về sở hữu công nghiệp, bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp, và quản lý giống cây trồng.
Nhãn hiệu là gì?
Nhãn hiệu là những dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hóa, dịch vụ của các tổ chức, cá nhân khác nhau. Như vậy, để phân biệt với các đối tượng sở hữu trí tuệ khác, nhãn hiệu gắn liền với chức năng phân biệt hàng hóa, dịch vụ mà nó gắn liền để tạo ra tính độc nhất của chủ thể kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đó.
Điểm mới trong Nghị định số 65/2023/NĐ-CP về nhãn hiệu
Thứ nhất, thay đổi mẫu tờ khai đăng ký bảo hộ
Các mẫu tờ khai, mẫu văn bằng bảo hộ và hướng dẫn khai tờ khai được quy định tại Phụ lục I của Nghị định đã thay thế các mẫu tờ khai nhãn hiệu theo Thông tư số 01/2007/TT-BKHCN.
Thứ hai, thủ tục sửa đổi, bổ sung đơn đăng ký nhãn hiệu
Căn cứ quy định tại điểm b Khoản 1 Điều 16 Nghị định quy định người nộp đơn có quyền yêu cầu sửa đổi thêm một số thông tin trong đơn như: mã nước của người nộp đơn, địa chỉ tác giả (nếu có), sửa đổi đại diện sở hữu công nghiệp.
Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 16 Nghị định này, cần lưu ý:
- Người nộp đơn có thể thực hiện quyền yêu cầu sửa đổi trên bằng văn bản mà không cần nộp Tờ khai sửa đổi như trước kia chỉ khi thời điểm yêu cầu là trước khi đơn được chấp nhận hợp lệ hoặc bị từ chối chấp nhận hợp lệ hoặc sửa đổi, bổ sung đơn trên cơ sở thông báo của Cục Sở hữu trí tuệ.
- Trong trường hợp người nộp đơn sửa đổi tên, quốc tịch tác giả, tên, địa chỉ tổ chức thì người nộp đơn phải nộp kèm tài liệu chứng minh. Các tài liệu này được quy định tương tự như trường hợp sửa đổi văn bằng bảo hộ sáng chế.
- Trường hợp thay đổi đại diện, người nộp đơn phải nộp tuyên bố thay đổi đại diện.
- Người nộp đơn phải nộp: phí thẩm định yêu cầu sửa đổi và (chi) phí công bố thông tin sửa đổi, bổ sung theo quy định đối với từng trường hợp.
Ngoài ra, căn cứ theo điểm đ Khoản 2 Điều 16 Nghị định số 65/2023/NĐ-CP quy định người nộp đơn không phải nộp kèm bản thuyết minh chi tiết nội dung sửa đổi trong trường hợp sửa đổi mẫu nhãn hiệu, danh mục hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu, bản mô tả tính chất đặc thù của sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý, bản đồ khu vực địa lý tương ứng với chỉ dẫn địa lý.
Thứ ba, bổ sung quy định rút đơn đăng ký nhãn hiệu
Căn cứ điểm b Khoản 2 Điều 17 Nghị định 65 đã bổ sung quy định về việc Cục Sở hữu trí tuệ phải ban hành thông báo dự định từ chối chấp nhận rút đơn trong trường hợp yêu cầu rút đơn không đáp ứng điều kiện để người nộp đơn có thể khắc phục thiếu sót.
Thứ tư, quy định tách đơn đăng ký nhãn hiệu
Theo điểm a Khoản 1 Điều 17 của Nghị định 65/2023/NĐ-CP, người nộp đơn có quyền yêu cầu tách đơn đăng ký sở hữu công nghiệp trước khi có quyết định thẩm định hình thức hoặc thẩm định nội dung. Tuy vậy, việc tách đơn sáng một hoặc nhiều đơn mới (đơn tách) chỉ được chấp nhận trong trường hợp:
- Tách một hoặc một phần danh mục hàng hoá, dịch vụ trong đơn đăng ký nhãn hiệu;
- Khi thực hiện thủ tục tách đơn đăng ký sở hữu công nghiệp, người nộp đơn phải nộp bản thuyết minh về đối tượng yêu cầu bảo hộ và nội dung thay đổi so với đơn ban đầu theo điểm c Khoản 1 Điều 17 của Nghị định.
Thứ năm, về thủ tục đăng ký nhãn hiệu quốc tế
Các yêu cầu đối với Đơn Madrid có nguồn gốc Việt Nam đã được cấp số đăng ký quốc tế có thể được thực hiện trực tiếp với Văn phòng quốc tế hoặc thông qua Cục Sở hữu trí tuệ và quy định về các tài liệu phải nộp nếu lựa chọn nộp qua Cục Sở hữu trí tuệ (Điều 26.3).
Thứ sáu, bổ sung hình thức cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu
Theo Nghị định số 65/2023/NĐ-CP các mẫu tờ khai mới cho phép người nộp đơn lựa chọn nhận văn bằng bảo hộ dưới dạng giấy hoặc điện tử; bổ sung nhãn hiệu âm thanh và nhãn hiệu ba chiều vào loại nhãn hiệu có thể đăng ký.
Thứ bảy, thủ tục sửa đổi văn bằng bảo hộ nhãn hiệu
Căn cứ Khoản 3 Điều 29 của Nghị định 65/2023/NĐ-CP, bổ sung so với Điểm 20.1(b) của Thông tư 01/2007/TT-BKHCN về các trường hợp yêu cầu sửa đổi văn bằng bảo hộ thì yêu cầu sửa đổi mẫu nhãn hiệu trên Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu cũng được chấp nhận nếu đáp ứng điều kiện:
- Chỉ loại bỏ các chi tiết nhỏ là yếu tố bị loại trừ (tức là không bảo hộ riêng)
- Không làm thay đổi khả năng phân biệt của nhãn hiệu.
Người yêu cầu thu hẹp phạm vi bảo hộ phải nộp phí thẩm định yêu cầu thu hẹp phạm vi bảo hộ, phí đăng bạ và phí công bố quyết định sửa đổi văn bằng bảo hộ.
Về bản chất, các quy định tại Điều 29 đã thiết lập khung pháp lý để quản lý các thay đổi đối với nhãn hiệu đã đăng ký và thủ tục cấp lại hoặc cấp phó bản. Quy định rõ ràng về các điều kiện nghiêm ngặt phải đáp ứng nếu chủ nhãn hiệu muốn sửa đổi mẫu nhãn hiệu giúp bảo vệ tính toàn vẹn, bảo toàn tính phân biệt của nhãn hiệu. Mặc dù chủ sở hữu nhãn hiệu được phép linh hoạt yêu cầu sửa đổi mẫu nhãn hiệu, nhưng các điều kiện đảm bảo rằng những thay đổi đó nằm trong giới hạn xác định. Sự cân bằng này ngăn chặn việc lạm dụng quyền được yêu cầu sửa đổi mẫu nhãn hiệu, trong khi vẫn đáp ứng các nhu cầu sửa đổi chính đáng.
Thứ tám, về điều kiện và thủ tục chuyển nhượng quyền sử dụng nhãn hiệu
Điều kiện chuyển nhượng quyền sử dụng nhãn hiệu
Nghị định đã bổ sung 3 nội dung mới để hướng dẫn thi hành quy định tại Khoản 4 Điều 139 Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi, bổ sung năm 2022 về hạn chế việc chuyển nhượng quyền đối với nhãn hiệu. Theo đó, không chấp nhận việc chuyển nhượng nhãn hiệu nếu nhãn hiệu được chuyển nhượng:
- Trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu thuộc quyền sở hữu của bên chuyển nhượng;
- Có một phần hàng hóa, dịch vụ tương tự với phần hàng hóa dịch vụ thuộc sở hữu của bên chuyển nhượng và việc sử dụng nhãn hiệu được chuyển nhượng có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc thương mại của hàng hóa, dịch vụ;
- Có chứa dấu hiệu làm cho người tiêu dùng nhầm lẫn hoặc hiểu sai lệch về xuất xứ, chất lượng, giá trị của hàng hóa dịch vụ.
Việc cung cấp những hướng dẫn cụ thể nêu trên tại Nghị định góp phần khắc phục thiếu sót của quy định trước đây trong xử lý các đơn yêu cầu chuyển nhượng nhãn hiệu và đẩy nhanh quá trình xử lý đơn tại Cục Sở hữu trí tuệ, giúp chủ thể quyền nắm rõ các giới hạn trong việc chuyển giao quyền sở hữu trí tuệ.
Thủ tục chuyển nhượng quyền sử dụng nhãn hiệu
Căn cứ theo Nghị định số 65/2023/NĐ-CP quy định trường hợp đăng ký hợp đồng chuyển nhượng, chuyển quyền sử dụng, thủ cấp lại hoặc cấp phó bản giấy chứng nhận đăng ký hợp đồng chuyển quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp được áp dụng tương tự như thủ tục cấp lại hoặc cấp phó bản văn bằng bảo hộ các đối tượng trên.
Ngoài ra, căn cứ tại Khoản 8 Điều 29 Nghị định này còn quy định thủ tục cấp lại hoặc cấp phó bản giấy chứng nhận đăng ký hợp đồng chuyển quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp được áp dụng tương tự như thủ tục cấp lại hoặc cấp phó bản văn bằng bảo hộ.
Trên đây là một số điểm mới của Nghị định 65/2023/NĐ-CP về nhãn hiệu thông tin đến Quý khách. Đại diện sở hữu công nghiệp – công ty luật Mai Sơn sẵn sàng cung cấp các dịch vụ liên quan đến đăng ký sở hữu công nghiệp để hỗ trợ Quý khách, vui lòng liên hệ chúng tôi để nhận được tư vấn tốt nhất.