ĐĂNG KÝ SÁNG CHẾ TẠI NƯỚC NGOÀI

Đăng ký sáng chế tại nước ngoài

Đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ là một lĩnh vực đang ngày càng được quan tâm trên thế giới. Trong xu thế hội nhập kinh tế quốc tế, vấn đề này càng được chú trọng. Đăng ký sáng chế  tại nước ngoài là một khái niệm không mới. Tại Việt Nam, việc đăng ký sáng chế tại nước ngoài đang dần được người sở hữu sáng chế tiếp cận và thực hiện nhằm mục đích mở rộng thị trường kinh doanh, giới thiệu công nghệ với thế giới cũng như chuyển giao công nghệ. Bài viết sau của công ty luật Mai Sơn sẽ cung cấp những thông tin tới quý khách về đăng ký sáng chế tại nước ngoài.

Khái quát chung về đăng ký sáng chế tại nước ngoài

Sáng chế là gì?

  • Tổ chức Sở hữu trí tuệ Thế giới (WIPO) đưa ra khái niệm: “sáng chế” là một giải pháp cho một vấn đề cụ thể trong lĩnh vực công nghệ. Sáng chế có thể liên quan tới một sản phẩm (bao gồm cơ cấu hoặc chất) hay một quy trình.
  • Tương tự khái niệm trên, Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam định nghĩa: “Sáng chế là giải pháp kỹ thuật dưới dạng sản phẩm hoặc quy trình nhằm giải quyết một vấn đề xác định bằng việc ứng dụng các quy luật tự nhiên’.

Tại sao phải đăng ký bảo hộ sáng chế ở nước ngoài?

  • Việc bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp nói chung và bảo hộ sáng chế nói riêng mang tính lãnh thổ. Nói cách khác, quyền sở hữu trí tuệ đối với sáng chế chỉ phát sinh trên cơ sở bằng sáng chế do cơ quan thẩm quyền (quốc gia hoặc khu vực) cấp trong khu vực của quốc gia đó. Vì vậy, nếu muốn bảo hộ sáng chế tại các quốc gia khác nhau, chủ sở hữu sáng chế phải đăng ký bảo hộ độc quyền sáng chế của mình tại tất cả quốc gia.
  • Ngoài ra, việc đăng ký bảo hộ sáng chế ở nước ngoài còn nhằm một số mục tiêu như đảm bảo việc xuất khẩuh àng hóa trên cơ sở sáng chế được thuận lợi; thăm dò, củng cố và mở rộng thị trường hoặc nhằm chuyển giao quyền sử dụng, quyền sở hữu sáng chế cho các tổ chức, cá nhân nước ngoài.

Căn cứ pháp lý để đăng ký bảo hộ sáng chế ở nước ngoài

Công ước Paris về bảo hộ sở hữu công nghiệp

Tính đến tháng 1/2019, Công ước Paris đã có 177 quốc gia thành viên ký kết, trở thành một trong những điều ước quốc tế được áp dụng rộng rãi nhất trên thế giới. Việt Nam tham gia Công ước Paris ngày 8/3/1949. Các quy định của Công ước Paris đề cập đến các nguyên tắc lớn cho việc bảo hộ sở hữu công nghiệp nói chung và bảo hộ sáng chế nói riêng tại các nước thành viên.

  • Nguyên tắc đối xử quốc gia: Công ước quy định mỗi nước thành viên phải dành cho công dân các nước thành viên khác sự bảo hộ tương tự như sự bảo hộ dành cho công dân của mình.
  • Quyền ưu tiên: Trên cơ sở một đơn hợp lệ đầu tiên được nộp tại một nước thành viên, trong thời hạn 12 tháng đối với sáng chế, người nộp đơn có thể nộp đơn yêu cầu bảo hộ tại bất cứ nước thành viên nào khác và các đơn nộp sau được coi như đã được nộp vào cùng ngày với ngày nộp đơn đầu tiên.
  • Nguyên tắc bảo hộ độc lập: Nguyên tắc này được hiểu là việc một nước thành viên cấp bằng sáng chế cho một sáng chế sẽ không bắt buộc các nước thành viên khác cũng phải cấp bằng sáng chế cho chính sáng chế đó. Ngoài ra, nguyên tắc này có được hiểu là không thể từ chối cấp, hủy bỏ hay đình chỉ hiệu lực của một bằng sáng chế ở bất cứ nước thành viên nào với lí do bằng sáng chế đó bị từ chối cấp, đình chỉ hoặc hủy bỏ hiệu lực ở bất cứ một nước thành viên nào khác.

Hiệp ước Hợp tác sáng chế PCT

Việt Nam tham gia Hiệp ước PCT ngày 10/3/1993. Theo Hiệp ước này, các công dân của một quốc gia tham gia ký kết chỉ cần lập một hồ sơ đăng ký cấp bằng sáng chế duy nhất, hay gọi là đơn đăng quốc tế, và gửi tới cơ quan cấp bằng sáng chế của nước họ hoặc tới WIPO với tư cách là cơ quan tiếp nhận hồ sơ. Đơn xin cấp bằng sáng chế này sẽ tự động được gửi tới tất cả các quốc gia tham gia PCT. Trong khuôn khổ PCT, WIPO đã yêu cầu “áp dụng tính quốc tế” cùng hướng dẫn về việc công nhận sáng chế theo hiệp ước này.

Hiệp định về các khía cạnh liên quan đến thương mại và quyền ở hữu trí tuệ TRIPS

Tổ chức Thương mại thế giới WTO ra đời đã quy định một hệ thống quy tắc chung đối với thương mại quốc tế nhằm tự do hóa và mở rộng thương mại, trong đó bao gồm cả các quy tắc liên quan đến sở hữu trí tuệ, trong đó có sáng chế. Bên cạnh việc đề cập tới các nguyên tắc cơ bản của Công ước Paris, Hiệp định TRIPS đưa ra thêm nguyên tắc “đối xử tối huệ quốc”, cụ thể: “Đối với việc bảo hộ sở hữu trí tuệ, bất kỳ một sự ưu tiên, chiếu cố, đặc quyền hoặc sự miễn trừ nào được một thành viên dành cho công dân của bất kỳ một nước nào khác cũng phải lập tức và vô điều kiện dành cho công dân của tất cả các thành viên khác”.

Điều kiện để được cấp bằng độc quyền sáng chế tại nước ngoài

Hầu hết các văn bản pháp lý trên quốc tế và của các nước trên thế giới đều quy định 3 tiêu chuẩn sau đối với việc cấp bằng độc quyền sáng chế, gồm:

  • Tính mới;
  • Trình độ sáng tạo;
  • Khả năng áp dụng công nghiệp.

Các đối tượng không được bảo hộ sáng chế

  • Theo quy định của Hiệp ước PCT, các lĩnh vực có thể bị loại trừ khỏi phạm vi đối tượng được bảo hộ sáng chế gồm lý thuyết khoa học và toán học, giống cây trồng, giống động vật hoặc quy trình sinh học cơ bản để tạo ra giống cây trồng hoặc động vật, các chương trình, quy tắc hay các phương pháp kinh doanh, thực hiện hành vi thuần túy tinh thuần, các phương pháp chữa bệnh cho người hoặc động vật bằng phẫu thuật hoặc điều trị, phương pháp chẩn đoán bệnh cho người, động vật,…
  • Hiệp định TRIPS quy định các quốc gia thành viên có thể loại trừ không bảo hộ đối với những sáng chế mà việc khai thác thương mại sẽ trái đạo đức xã hội hoặc trật tự công cộng.

Cách thức đăng ký bảo hộ sáng chế ở nước ngoài

Việc đăng ký bảo hộ sáng chế ở nước ngoài có thể được tiến hành theo nhiều cách thức khác nhau bao gồm:

Theo kênh quốc gia

Chủ sở hữu nộp đơn đăng ký sáng chế trực tiếp tại quốc gia mà mình muốn bảo hộ theo ngôn ngữ yêu cầu và nộp phí theo quy định. Nếu có nhu cầu nộp tại nhiều nước thì phải làm nhiều đơn khác nhau.

Theo kênh khu vực

Nếu muốn số nước mà chủ đơn muốn nộp là thành viên của một hệ thống sáng chế khu vực, người nộp đơn có thể yêu cầu bảo hộ với hiệu lực trên lãnh thổ của toàn bộ hoặc một số thành viên, bằng cách nộp đơn tại cơ quan khu vực liên quan.

Ví dụ: một số hệ thống bảo hộ sáng chế được xây dựng ở một số khu vực như Cơ quan Sáng chế châu Âu (EPO); Tổ chức Sở hữu trí tuệ châu Phi; Tổ chức Sáng chế Á – Âu ( EAPO);…

Theo kênh quốc tế

Chủ đơn nộp đơn theo Hệ thống PCT. Đây được coi là cách thức đơn giản hơn 2 cách trên. Cụ thể quy trình nộp đơn theo hệ thống này được trình bày dưới đây.

Quy trình đăng ký bảo hộ sáng chế theo Hiệp ước PCT

Hiện nay, việc đăng ký bảo hộ sáng chế theo PCT được coi là đơn giản và phổ biến nhất khi chủ đơn có thể được bảo hộ tại nhiều quốc gia là thành viên của PCT.

Bước 1: Nộp đơn quốc tế

Khách hàng có thể nộp đơn đăng ký tại Việt Nam, trong đó có thể yêu cầu bảo hộ tại bất kỳ nước Thành viên nào của Hiệp ước PCT, kể cả Việt Nam (gọi tắt là đơn PCT có nguồn gốc Việt Nam) có thể nộp trực tiếp hoặc gửi qua bưu điện tới Cục Sở hữu trí tuệ hoặc cho Văn phòng quốc tế của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO).

Hồ sơ nộp đơn gồm:

  • Tờ khai đơn PCT có nguồn gốc Việt Nam được làm bằng tiếng Anh (03 bản);
  • Bản mô tả (02 bản, bao gồm cả hình vẽ, nếu có);
  • Yêu cầu bảo hộ (02 bản).
  • Các tài liệu có liên quan (nếu có);
  • Chứng từ nộp phí.

Bước 2: Tra cứu quốc tế

  • Khách hàng có thể tiến hành tra cứu quốc tế sáng chế tại các cơ quan tra cứu có thẩm quyền (cơ quan sáng chế quốc gia hoặc khu vực đáp ứng các yêu cầu do PCT đặt ra và được chỉ định bởi Đại hội đồng PCT).
  • Đối với đơn quốc tế có nguồn gốc Việt Nam, các cơ quan tra cứu quốc tế là thẩm quyền là các cơ quan của Áo, Úc, Liên Bang Nga, Thụy Điển, Hàn Quốc, Nhật Bản, EPO.

Bước 3: Công bố đơn

Đơn PCT có nguồn gốc Việt Nam được công bố trên Công báo của PCT (PCT Gazette). Việc công bố được tiến hành sau 18 tháng tính từ ngày ưu tiên hoặc có thể sớm hơn theo yêu cầu của người nộp đơn.

Bước 4: Thẩm định sơ bộ quốc tế

Thủ tục này được tiến hành tại cơ quan thẩm định sơ bộ quốc tế có thẩm quyền theo PCT. Mục đích của thủ tục này là đưa ra ý kiến sơ bộ và không ràng buộc về sáng chế cần bảo hộ trong đơn có đáp ứng các yêu cầu bảo hộ hay không. Cơ quan thẩm định lập báo cáo thẩm định sơ bộ và gửi cho Văn phòng quốc tế.

Bước 5: Xử lý đơn trong giai đoạn quốc gia

Ở giai đoạn quốc gia, đơn quốc tế được thẩm định hình thức và thẩm định nội dung theo các thủ tục quy định đối với đơn đăng ký sáng chế thông thường tại quốc gia sở tại

Nếu chủ đơn chỉ quan tâm đến việc bảo hộ sáng chế của mình tại một quốc gia nhất định thì sẽ nộp đơn đăng ký bảo hộ sáng chế trực tiếp tại quốc gia đó. Đề việc nộp đơn theo phương thức này được nhanh chóng và thuật lợi, khách hàng nên sử dụng dịch vụ của Công ty Luật Mai Sơn để được hỗ trợ một cách tốt nhất.

Quý khách hàng có nhu cầu muốn được tư vấn và tìm hiểu thêm thông tin về đăng ký sáng chế tại nước ngoài cũng như trong nước, xin vui lòng liên hệ Công ty Luật Mai Sơn để được chúng tôi hỗ trợ tốt nhất!