ĐĂNG KÝ SÁNG CHẾ

Đăng ký sáng chế

Đăng ký sáng chế là thủ tục xác lập quyền đối với giải pháp kỹ thuật dưới dạng sản phẩm hoặc quy trình nhằm giải quyết một vấn đề xác định thông qua việc nộp đơn đề nghị Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ độc quyền sáng chế.

LUẬT SƯ TƯ VẤN SỞ HỮU TRÍ TUỆ  – 0941762609

Các loại sáng chế có thể đăng ký

Sáng chế là giải pháp kỹ thuật dưới dạng sản phẩm thông qua hình thành một cơ cấu hoặc chất mới hoặc quy trình nhằm giải quyết một vấn đề xác định bằng việc ứng dụng các quy luật tự nhiên. Theo đó đăng ký bảo hộ sáng chế có thể được thực hiện dưới 3 dạng như sau:

Sáng chế dạng cơ cấu

  • Sáng chế tồn tại dưới dạng một cơ cấu thông qua hình thành một sản phẩm cụ thể. Sáng chế dạng này được thể hiện bằng tập hợp các thông tin xác định một sản phẩm nhân tạo được đặc trưng bởi các dấu hiệu (đặc điểm) kỹ thuật về kết cấu. Sản phẩm đó có chức năng (công dụng) như một phương tiện nhằm đáp ứng nhu cầu nhất định của con người.
  • Ví dụ về đăng ký sáng chế dạng cơ cấu: máy móc, thiết bị, linh kiện, mạch điện, dụng cụ,…Cụ thể: Máy làm sạch không khí của Công ty Honda Giken Kogyo Kabushiki Kaisha (Nhật) được Cục Sở hữu trí tuệ cấp bằng độc quyền sáng chế. Máy ép mía hai trục của Công ty NIKAM, BHAUSAHEB BAPURAO (Ấn Độ) được Cục Sở hữu trí tuệ cấp bằng độc quyền sáng chế,…

Sáng chế dạng chất

  • Sáng chế tồn tại dưới dạng một chất cụ thể thông qua một sản phẩm dưới dạng chất (gồm đơn chất, hợp chất và hỗn hợp chất). Chất này được thể hiện bằng tập hợp các thông tin xác định một sản phẩm nhân tạo được đặc trưng bởi các dấu hiệu (đặc điểm) kỹ thuật về sự hiện diện, tỷ lệ và trạng thái của các phần tử. Chất này có chức năng (công dụng) như một phương tiện nhằm đáp ứng nhu cầu nhất định của con người; hoặc sản phẩm dưới dạng vật liệu sinh học. Ví dụ gen, thực vật/động vật biến đổi gen…. Chất này được thể hiện bằng tập hợp các thông tin về một sản phẩm chứa thông tin di truyền bị biến đổi dưới tác động của con người, có khả năng tự tái tạo.
  • Ví dụ sáng chế dạng chất: Như một loại sinh phẩm y tế mới như vắc- xin, thuốc mới, một gen sinh học,….Cụ thể: CHẾ PHẨM BỨC XẠ HỒNG NGOẠI XA CÓ CÁC TÍNH CHẤT CHỐNG TĨNH ĐIỆN, SỢI VÀ SẢN PHẨM DỆT CHỨA CHẾ PHẨM NÀY TOSHIO KOMURO (Nhật Bản) được Cục Sở hữu trí tuệ cấp bằng độc quyền sáng chế….

Sáng chế dạng quy trình hay phương pháp

  • Sáng chế tồn tại dưới gạng một quy trình hay phương pháp tức một trình tự để thực hiện một công việc cụ thể. Theo đó, quy trình hay phương pháp (quy trình sản xuất; phương pháp chẩn đoán, dự báo, kiểm tra, xử lý, v.v.). Nó được thể hiện bằng một tập hợp các thông tin xác định cách thức tiến hành một quá trình, một công việc cụ thể. Quy trình hay phương pháp được đặc trưng bởi các dấu hiệu (đặc điểm) về trình tự, thành phần tham gia, biện pháp, phương tiện thực hiện các thao tác nhằm đạt được mục đích nhất định.
  • Ví dụ như quy trình pha trộn bê tông, quy trình cấy lúa, quy trình dệt vải, quy trình tạo vật liệu….Cụ thể: PHƯƠNG PHÁP VÀ HỆ THỐNG KẾT NỐI HỆ THỐNG MÀN HÌNH CỦA HỆ THỐNG ĐIỆN THOẠI NỘI BỘ TRUYỀN HÌNH của Công ty ELBEX VIDEO LTD (Nhật Bản) được Cục Sở hữu trí tuệ cấp bằng độc quyền sáng chế,…

Điều kiện đăng ký bảo hộ sáng chế

Sáng chế được bảo hộ dưới hình thức cấp bằng độc quyền sáng chế nếu đáp ứng các điều kiện sau đây:

Sáng chế phải có tính mới

  • Sáng chế được coi là có tính mới nếu chưa bị bộc lộ công khai dưới bất kỳ hình thức nào: sử dụng, mô tả bằng văn bản hoặc bất kỳ hình thức nào khác ở trong nước hoặc trên thế giới. Tính đến trước ngày nộp đơn đăng ký sáng chế hoặc trước ngày ưu tiên trong trường hợp đơn đăng ký sáng chế được hưởng quyền ưu tiên.
  • Sáng chế được coi là chưa bị bộc lộ công khai nếu chỉ có một số người có hạn được biết và có nghĩa vụ giữ bí mật về sáng chế đó.
  • Sáng chế không bị coi là mất tính mới nếu được công bố trong các trường hợp sau đây với điều kiện đơn đăng ký sáng chế được nộp trong thời hạn sáu tháng kể từ ngày công bố:
  • Sáng chế bị người khác công bố nhưng không được phép của người có quyền đăng ký sáng chế;
  • Sáng chế được người có quyền đăng ký được công bố dưới dạng báo cáo khoa học;
  • Sáng chế được người có quyền đăng ký trưng bày tại cuộc triển lãm quốc gia của Việt Nam hoặc tại cuộc triển lãm quốc tế chính thức hoặc được thừa nhận là chính thức.

Sáng chế phải có trình độ sáng tạo

  • Sáng chế được coi là có trình độ sáng tạo nếu căn cứ vào các giải pháp kỹ thuật đã được bộc lộ công khai dưới hình thức sử dụng, mô tả bằng văn bản hoặc dưới bất kỳ hình thức nào khác ở trong nước hoặc ở nước ngoài trước ngày nộp đơn hoặc trước ngày ưu tiên của đơn đăng ký sáng chế.
  • Trong trường hợp đơn đăng ký sáng chế được hưởng quyền ưu tiên, sáng chế đó là một bước tiến sáng tạo, không thể được tạo ra một cách dễ dàng đối với người có hiểu biết trung bình về lĩnh vực kỹ thuật tương ứng.

Sáng chế phải có khả năng áp dụng công nghiệp.

Sáng chế được coi là có khả năng áp dụng công nghiệp nếu có thể thực hiện được việc chế tạo, sản xuất hàng loạt sản phẩm. Hoặc sáng chế có thể áp dụng lặp đi lặp lại quy trình là nội dung của sáng chế và thu được kết quả ổn định.

Đối tượng không được đăng ký sáng chế

Theo Luật Sở hữu trí tuệ không phải tất cả các lĩnh vực công nghệ đều là đối tượng bảo hộ của sáng chế. Các đối tượng sau đây không được bảo hộ với danh nghĩa sáng chế:

  • Phát minh, lý thuyết khoa học, phương pháp toán học;
  • Sơ đồ, kế hoạch, quy tắc và phương pháp để thực hiện các hoạt động trí óc, huấn luyện vật nuôi, thực hiện trò chơi, kinh doanh; chương trình máy tính;
  • Cách thức thể hiện thông tin;
  • Giải pháp chỉ mang đặc tính thẩm mỹ;
  • Giống thực vật, giống động vật;
  • Quy trình sản xuất thực vật, động vật chủ yếu mang bản chất sinh học mà không phải là quy trình vi sinh;
  • Phương pháp phòng ngừa, chẩn đoán và chữa bệnh cho người và động vật.

Lợi ích của việc đăng ký sáng chế

  • Đăng ký sáng chế giúp chủ sở hữu, tác giả bảo hộ được thành quả sáng tạo của mình.
  • Giúp ngăn chặn hành vi xâm phạm, sử dụng trái phép thành quả sáng tạo của chủ sở hữu sáng chế.;
  • Đăng ký sáng chế giúp chủ sở hữu tăng lợi thế cạnh tranh, sức mạnh thị trường và kiếm được nhiều lợi nhuận do có sự độc quyền của chủ sở hữu.
  • Bằng độc quyền sáng chế tạo thêm nguồn thu nhập mới cho chủ sở hữu bằng cách nhượng quyền sử dụng sáng chế hoặc chuyển nhượng sáng chế.
  • Bằng độc quyền sáng chế giúp chủ sở hữu huy động vốn và thu hút các nhà đầu tư tiềm năng.
  • Bằng độc quyền sáng chế giúp chủ sở hữu bảo vệ chính mình trước sáng chế của đối thủ cạnh tranh.
  • Chủ sở hữu sáng chế có thể sử dụng bằng độc quyền sáng chế để truyền tải tín hiệu về năng lực công nghệ cao hơn, khả năng sáng tạo lớn hơn. Từ đó, chủ sở hữu đạt hiệu suất hoạt động cao hơn trong chiến lược tiếp thị, quảng cáo.

Hồ sơ đăng ký sáng chế

  • Tờ khai đăng ký sáng chế được làm theo mẫu của Cục Sở hữu trí tuệ ban hành (in 03 bộ). Vui lòng liên hệ trực tiếp Luật Mai Sơn để được cung cấp mẫu tờ khai theo quy định.
  • Giấy uỷ quyền (theo mẫu của Công ty luật Mai Sơn);
  • Bản mô tả sáng chế/giải pháp hữu ích, bao gồm tên sáng chế/giải pháp hữu ích, phần mô tả, phần ví dụ minh hoạ, phần yêu cầu bảo hộ và phần tóm tắt;
  • Hình vẽ minh hoạ (nếu có);
  • Bản sao tài liệu xin hưởng quyền ưu tiên có xác nhận của cơ quan nơi đơn ưu tiên được nộp (chỉ yêu cầu đối với đơn xin hưởng quyền ưu tiên theo Công ước Paris). Tài liệu này có thể được bổ sung trong thời hạn 03 tháng tính từ ngày nộp đơn.
  • Đối với các đơn PCT nộp vào quốc gia Việt Nam thì ngoài các tài liệu nêu trên, cần phải cung cấp các tài liệu sau đây: Công bố đơn PCT. Báo cáo Xét nghiệm Sơ bộ Quốc tế (PCT/IPER/409) (nếu có). Thông báo về những thay đổi liên quan tới đơn (PCT/IB/306) (nếu có). Báo cáo Kết quả Tra cứu Quốc tế (PCT/ISA/210)… Đối với trường hợp này, có thể bổ sung bản gốc của Giấy Uỷ Quyền trong thời hạn là 34 tháng tính từ ngày ưu tiên. Các thông tin cần cung cấp:
  • Họ tên đầy đủ, địa chỉ và quốc tịch của người nộp đơn;
  • Họ tên đầy đủ, địa chỉ và quốc tịch của tác giả sáng chế/giải pháp hữu ích;
  • Tên của sáng chế/giải pháp hữu ích;
  • Số đơn ưu tiên, ngày ưu tiên và nước ưu tiên của đơn (trong trường hợp đơn có xin hưởng quyền ưu tiên);
  • Số đơn quốc tế và số công bố đơn quốc tế (trong trường hợp là đơn PCT nộp vào quốc gia Việt Nam).

Thủ tục đăng ký sáng chế

Thủ tục đăng ký sáng chế được thực hiện theo các bước như sau

Bước 1: Xác định dạng sáng chế đăng ký bảo hộ

Sau khi hoàn thiện sáng chế, chủ sở hữu cần xác định dạng bảo hộ của sáng chế và thực hiệnphân loại sáng chế theo bảng phân loại sáng chế quốc tế (IPC).

Bước 2: Tra cứu sáng chế

  • Tra cứu sáng chế nhằm xác định tính khả thi khi sáng chế đăng ký được cấp bằng bảo hộ độc quyền do thời gian đăng ký sáng chế khá dài.
  • Khách hàng có thể tự tra cứu sáng chế qua website của Cục Sở hữu trí tuệ: http://iplib.noip.gov.vn/WebUI/WSearch.php, hoặc trang web của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới Wipo.
  • Thông qua công ty luật Mai Sơnsẽ tiến hành tra để đánh giá khả năng bảo hộ của sáng chế.

Bước 3: Nộp hồ sơ đăng ký sáng chế

Sau khi tra cứu đánh giá khả năng bảo hộ của sáng chế chủ đơn tiến hành nộp hồ sơ đăng ký sáng chế. Ngay khi nộp đơn đăng ký sáng chế chủ đơn đã phải nộp lệ phí như sau:

  • Lệ phí nộp đơn: 150.000VNĐ
  • Phí thẩm định hình thức: 180.000VNĐ/01 điểm yêu cầu bảo hộ độc lập;
  • Phí thẩm định hình thức từ trang thứ 7 bản mô tả trở đi: 8.000VNĐ/01 trang;
  • Phí công bố đơn: 120.000VNĐ;
  • Phí công bố từ hình thứ 2 trở đi: 60.000VNĐ/hình;
  • Phí thẩm định yêu cầu hưởng quyền ưu tiên (nếu có): 600.000VNĐ/01 đơn ưu tiên;
  • Phí tra cứu thông tin nhằm phục vụ quá trình thẩm định: 600.000VNĐ/01 điểm yêu cầu bảo hộ độc lập;
  • Phí thẩm định nội dung: 720.000VNĐ/01 điểm yêu cầu bảo hộ độc lập;
  • Phí thẩm định nội dung từ trang thứ 7 bản mô tả trở đi: 32.000VNĐ/01 trang
  • Lưu ý: Đơn đăng ký sáng chế/giải pháp hữu ích cần được phân loại sáng chế quốc tế (IPC). Trường hợp người nộp đơn không phân loại hoặc phân loại không chính xác thì Cục Sở hữu trí tuệ sẽ tiến hành phân loại. Theo đó, người nộp đơn cần nộp phí phân loại theo quy định (100.000VNĐ/01 phân loại sáng chế quốc tế).

Cơ quan tiếp nhận và xử lý hồ sơ, thu lệ phí đăng ký sáng chế tại Việt Nam: Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam.

Bước 4: Thẩm định hình thức đơn đăng ký

Thời hạn thẩm định hình thức đơn đăng ký sáng chế là 01 tháng kể từ ngày nộp đơn.

Bước 5: Công bố đơn đăng ký sáng chế

  • Đơn đăng ký sáng chế/giải pháp hữu ích được công bố trong tháng thứ mười chín kể từ ngày ưu tiên hoặc ngày nộp đơn. Nếu đơn không có ngày ưu tiên hoặc trong thời hạn 02 tháng kể từ ngày chấp nhận đơn hợp lệ, tùy theo ngày nào muộn hơn;
  • Đơn đăng ký sáng chế theo Hiệp ước hợp tác về sáng chế (sau đây gọi là “đơn PCT”) được công bố trong thời hạn 02 tháng kể từ ngày chấp nhận đơn hợp lệ đã vào giai đoạn quốc gia;
  • Đơn đăng ký sáng chế/giải pháp hữu ích có yêu cầu công bố sớm được công bố trong thời hạn 02 tháng kể từ ngày Cục Sở hữu trí tuệ nhận được yêu cầu công bố sớm. Hoặc kể từ ngày chấp nhận đơn hợp lệ, tùy theo ngày nào muộn hơn. Để được công bố sớm, chủ đơn cần có Văn bản yêu cầu công bố sớm. Trong đó, chủ đơn cần nêu rõ lý do cần công bố sớm. Yêu cầu công bố sớm không phải nộp phí, lệ phí.

Bước 6:  Thẩm định nội dung

  • Thẩm định nội dung: không quá mười tám tháng, kể từ ngày công bố đơn nếu yêu cầu thẩm định nội dung được nộp trước ngày công bố đơn hoặc kể từ ngày nhận được yêu cầu thẩm định nội dung nếu yêu cầu đó được nộp sau ngày công bố đơn.
  • Kết thúc thẩm định nội dung Cục Sở hữu trí tuệ sẽ ra Thông báo dự định cấp văn bằng bảo hộ độc quyền sáng chế. Hoặc thông báo từ chối cấp bằng bảo hộ sáng chế và lý do.

Bước 7: Nộp lệ phí cấp văn bằng bảo hộ

Sau khi nhận được thông báo dự định cấp văn bằng bảo hộ, chủ đơn tiến hành nộp lệ phí cấp bằng.

Bước 8: Cấp Văn bằng bảo hộ độc quyền sáng chế

Sau khi lệ phí vấp văn bằng trong khoảng từ 02-03 tháng kể từ ngày nộp lệ phí cấp văn bằng Cục Sở hữu trí tuệ sẽ cấp văn bằng bảo hộ độc quyền sáng chế.

Bước 9: Nộp phí duy trì hiệu lực bằng độc quyền sáng chế hàng năm

  • Bằng độc quyền Sáng chế có hiệu lực kể từ ngày cấp kéo dài đến hết 20 năm kể từ ngày nộp đơn/ngày nộp đơn quốc tế. Hiệu lực bảo hộ cần được duy trì hàng năm.
  • Bằng độc quyền Giải pháp hữu ích có hiệu lực kể từ ngày cấp kéo dài đến hết 10 năm kể từ ngày nộp đơn/ngày nộp đơn quốc tế. Hiệu lực bảo hộ cần được duy trì hàng năm.
  • Để được duy trì hiệu lực văn bằng bảo hộ, trong vòng 06 tháng trước khi kết thúc kỳ hạn hiệu lực chủ văn bằng bảo hộ phải nộp yêu cầu duy trì hiệu lực. Đơn duy trì hiệu lực có thể nộp muộn nhưng không quá 06 tháng kể từ ngày kết thúc kỳ hạn hiệu lực và chủ văn bằng bảo hộ phải nộp thêm lệ phí duy trì hiệu lực muộn.

Hồ sơ yêu cầu duy trì hiệu lực bằng sáng chế gồm:

  • Tờ khai yêu cầu duy trì hiệu lực (theo mẫu 02-GH/DTVB tại Phụ lục C của Thông tư 01);
  • Giấy ủy quyền (trường hợp nộp yêu cầu thông qua đại diện);
  • Bản sao chứng từ nộp phí, lệ phí theo quy định;
  • Tài liệu khác (nếu cần).

Phí, lệ phí duy trì hiệu lực bằng sáng chế

  • Lệ phí duy trì hiệu lực: 100.000 đồng/điểm.
  • Lệ phí duy trì hiệu lực muộn: 10% lệ phí duy trì/mỗi tháng nộp muộn.
  • Phí thẩm định yêu cầu duy trì: 160.000 đồng/ văn bằng bảo hộ.
  • Phí sử dụng văn bằng bảo hộ (theo năm):
  • Năm 1 -2: 300.000 đồng/năm/điểm.
  • Năm 3-4: 500.000 đồng/năm/điểm.
  • Năm 5-6: 800.000 đồng/năm/điểm.
  • Năm 7-8: 1.200.000 đồng/năm/điểm.
  • Năm 9-10: 1.800.000 đồng/năm/điểm.
  • Năm 11-13: 2.500.000 đồng/năm/điểm.
  • Năm 14-16: 3.300.000 đồng/năm/điểm.
  • Năm 17-20: 4.200.000 đồng/năm/điểm.
  • Phí công bố Thông báo ghi nhận duy trì: 120.000 đồng/đơn.
  • Phí đăng bạ thông tin duy trì hiệu lực: 120.000 đồng/ văn bằng bảo hộ.

Thời hạn thực hiện thủ tục đăng ký sáng chế

  • Thời hạn xin hưởng quyền ưu tiên theo Công ước Paris cho đơn sáng chế/giải pháp hữu ích là 12 tháng tính từ ngày ưu tiên.
  • Thời hạn để đơn PCT nộp vào quốc gia Việt Nam là 31 tháng tính từ ngày ưu tiên.
  • Trong những trường hợp cần thiết, Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam có thể yêu cầu bổ sung Giấy xác nhận việc chuyển nhượng. Bản dịch tiếng Việt của tài liệu xin hưởng quyền ưu tiên.
  • Thời hạn để nộp yêu cầu xét nghiệm nội dung là 42 tháng (đối với đơn xin cấp Bằng độc quyền sáng chế) hoặc 36 tháng (đối với đơn xin cấp Bằng độc quyền giải pháp hữu ích) tính từ ngày ưu tiên sớm nhất.
  • Thời hạn cho việc xét nghiệm hình thức của đơn là 01 tháng tính từ ngày nộp đơn.
  • Thời hạn cho việc xét nghiệm nội dung là 31 tháng (đối với đơn xin cấp Bằng độc quyền sáng chế). 09 tháng (đối với đơn xin cấp Bằng độc quyền giải pháp hữu ích).
  • Công bố đơn (nếu yêu cầu xét nghiệm nội dung được nộp trước ngày Công bố đơn) hoặc tính từ ngày nộp yêu cầu xét nghiệm nội dung (nếu yêu cầu xét nghiệm nội dung đó được nộp sau ngày Công bố đơn);
  • Thời hạn hiệu lực của Bằng độc quyền sáng chế là 20 năm và của Bằng độc quyền giải pháp hữu ích là 10 năm tính từ ngày nộp đơn hợp lệ. Các Bằng độc quyền này có hiệu lực kể từ ngày cấp;
  • Chỉ phải nộp phí duy trì hiệu lực sau khi Bằng độc quyền sáng chế/giải pháp hữu ích đã được cấp.

Quyền ưu tiên và nguyên tắc nộp đơn đầu tiên trong đăng ký sáng chế

Theo Luật Sở hữu trí tuệ, quyền đối với sáng chế được xác lập trên cơ sở quyết định cấp văn bằng bảo hộ của Cục Sở hữu trí tuệ. Người muốn được hưởng quyền đối với sáng chế phải trực tiếp làm đơn xin cấp văn bằng bảo hộ và nộp cho Cục Sở hữu trí tuệ hoặc. Người nộp đơn uỷ quyền cho một Tổ chức đại diện sở hữu công nghiệp đã được cấp chứng chỉ hành nghề như Công ty Luật Mai Sơn để thực hiện các công việc liên quan.

Câu hỏi liên quan đến đăng ký sáng chế

Sáng chế là gì?

Sáng chế là giải pháp kỹ thuật dưới dạng sản phẩm hoặc quy trình nhằm giải quyết một vấn đề xác định bằng việc ứng dụng các quy luật tự nhiên.

Sáng chế được bảo hộ trong bao lâu?

Sáng chế được bảo hộ tối đa 20 năm. Tuy nhiên để duy trì hiệu lực văn bằng bảo hộ hàng năm chủ sở hữu phải đóng phí duy trì hiệu lực văn bằng bảo hộ.

Nên đăng ký sáng chế như thế nào?

Đăng ký sáng chế có thể được thực hiện bằng một trong hình thức:

  • Nộp đơn đăng ký trực tiếp tại Cục sở hữu trí tuệ;
  • Đăng ký thông qua Tổ chức Đại diện sở hữu trí tuệ. Đây là cách thức bắt buộc đối với người nộp đơn sáng chế mang quốc tịch nước ngoài. Đối với người nộp đơn sáng chế có quốc tịch Việt Nam thì nộp đơn thông qua Tổ chức Đại diện sở hữu trí tuệ như Công ty luật Mai Sơn cũng được khuyến khích. Bởi lẽ hồ sơ đăng ký sáng chế rất chuyên biệt và đòi hỏi luật sư sở hữu trí tuệ chuyên sâu để hướng dẫn và tư vấn cụ thể.

Tại Việt Nam sáng chế được bảo hộ dưới các đối tượng nào?

Việt Nam quy định về bằng sáng chế được chia thành 02 cấp độ để khuyến khích sự sáng tạo: Bằng sáng chế và bằng giải pháp hữu ích

  • Bảo hộ sáng chế (Khi giải pháp đáp ứng điều kiện: tính mới, tính sáng tạo và khả năng áp dụng công nghiệp). Thời gian bảo hộ của sáng chế là 20 năm.
  • Bảo hộ giải pháp hữu ích (Khi giải pháp đáp ứng điều kiện: tính mới và khả năng áp dụng công nghiệp). Thời gian bảo hộ của giải pháp hữu ích là 10 năm.

Dịch vụ của Luật Mai Sơn trong lĩnh vực tư vấn đăng ký sáng chế

  • Tư vấn, tra cứu, đánh giá khả năng sử dụng, đăng ký bảo hộ của sáng chế / giải pháp hữu ích ở Việt Nam và nước ngoài;
  • Tra cứu không chính thức hoặc chính thức thông tin sáng chế tại Cục Sở hữu trí tuệ – Chi phí độc lập (Tra cứu tình trạng kỹ thuật liên quan đến Sáng chế/ Giải pháp hữu ích);
  • Hoàn thiện hồ sơ xin cấp văn bằng bảo hộ Sáng chế (dịch tài liệu hoặc viết bản mô tả sáng chế và yêu cầu bảo hộ;
  • Chuẩn bị các hình vẽ, làm tờ khai, đại diện) cho khách hàng trong việc nộp đơn yêu cầu cấp bằng bảo hộ ở Việt Nam và ở nước ngoài;
  • Theo dõi tiến trình xét nghiệm đơn tại Cục Sở hữu trí tuệ, soạn thảo công văn giấy tờ giao dịch với Cục Sở hữu trí tuệ;
  • Đại diện cho khách hàng trong toàn bộ quá trình xác lập quyền và phúc đáp công văn trao đổi với Cục Sở hữu trí tuệ về việc đăng ký sáng chế;
  • Trao đổi, cung cấp thông tin cho khách hàng trong tiến trình đăng ký bảo hộ sáng chế/giải pháp hữu ích.
  • Tư vấn và thực hiện dịch vụ duy trì hiệu lực văn bằng bảo hộ sáng chế đã được cấp ở Việt Nam và ở nước ngoài;
  • Tư vấn và đánh giá khả năng vi phạm các quyền sáng chế đang được bảo hộ;
  • Đánh giá hiệu lực văn bằng bảo hộ sáng chế đã được cấp ở Việt Nam và ở nước ngoài;
  • Đàm phán, soạn thảo, thẩm định, đăng ký hợp đồng chuyển giao quyền sử dụng hoặc quyền sở hữu các sáng chế ở Việt Nam và ở nước ngoài.