ĐĂNG KÝ NHÃN HIỆU CHO HỘ KINH DOANH

Đăng ký nhãn hiệu cho hộ kinh doanh

Hộ kinh doanh không phải là doanh nghiệp, hiện nay mô hình hộ kinh doanh đang trở nên khá phổ biến. Hộ kinh doanh do một cá nhân hoặc các thành viên hộ gia đình đăng ký thành lập và chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với hoạt động kinh doanh của hộ. Để có thể phát triển kinh doanh thuận lợi, uy tín thì việc đăng ký nhãn hiệu  luôn là một nhu cầu thiết yếu. Trong bài viết sau đây, Luật Mai Sơn sẽ tổng hợp những quy định về đăng ký nhãn hiệu cho hộ kinh doanh.

Cơ sở pháp lý

  • Luật Sở hữu trí tuệ 2005 sửa đổi bổ sung 2009, 2019, 2022;
  • Nghị định 65/2023/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ về sở hữu công nghiệp, bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng và quản lý Nhà nước về sở hữu trí tuệ.

Quy định về nhãn hiệu tại Việt Nam

Nhãn hiệu là dấu hiệu để dùng phân biệt hàng hoá, dịch vụ của các tổ chức, cá nhân khác nhau. Hiểu một cách đơn giản là nhãn hiệu dùng để phân biệt hàng hoá, dịch vụ của các tổ chức, cá nhân, ví dụ như trong lĩnh vực sản xuất mỳ gói có những nhãn hiệu nổi tiếng như Kokomi, Hảo hảo,.. Những nhãn hiệu này đều có chung sản phẩm kinh doanh nhưng có nhãn hiệu khác nhau để người tiêu dùng phân biệt, nhận biết.

Nhãn hiệu tập thể là nhãn hiệu dùng để phân biệt hàng hoá, dịch vụ của các thành viên của tổ chức là chủ sở hữu nhãn hiệu đó với hàng hoá, dịch vụ của tổ chức, cá nhân không phải là thành viên của tổ chức đó.

Quyền đăng ký bảo hộ nhãn hiệu cho hộ kinh doanh

Theo quy định tại Điều 87 Luật Sở hữu trí tuệ quy định tổ chức, cá nhân có nhu cầu đăng ký nhãn hiệu thì có quyền đăng ký bảo hộ nhãn hiệu dùng cho hàng hóa do mình sản xuất hoặc dịch vụ do mình cung cấp.

Như vậy, hộ kinh doanh có quyền đăng ký nhãn hiệu dùng cho hàng hoá do mình sản xuất hoặc dịch vụ do mình cung cấp. Chính vì thế hộ kinh doanh hoàn toàn có thể nộp hồ sơ đăng ký bảo hộ nhãn hiệu để phân biệt hàng hoá của mình cung cấp với những hàng hoá của hộ kinh doanh hoặc pháp nhân khác cung cấp ra thị trường.

Tuy nhiên nếu sau khi được cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu thì có nghĩa vụ sử dụng liên tục nhãn hiệu đó, trong trường hợp nhãn hiệu không sử dụng liên tục từ 05 năm trở lên thì quyền sở hữu nhãn hiệu đố bị chấm dứt hiệu lực.

Nhãn hiệu hộ kinh doanh đã được đăng ký

Hộ kinh doanh trang trại vịt trời Vũ Phương

Hộ kinh doanh trang trại vịt trời Vũ Phương được nộp đơn vào 03/02/2020, thuộc chủ văn bằng là hộ kinh doanh trang trại vịt trời Vũ Phương, địa chỉ ấp Phước An B, xã Mỹ Phước, huyện Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng. Nhãn hiệu của hộ kinh doanh đã được đăng ký và công bố số văn bằng 4-0416372-000.

Tên nhãn hiệu: Vũ Phương Hộ Kinh Doanh Trang Trại Vịt Trời MT, hình

Nhóm hàng hóa, dịch vụ đăng ký:

  • Nhóm 29: Trứng vịt trời; thịt vit; thịt vịt khô (khô vịt).
  • Nhóm 31: Con vịt (còn sống).

Hộ kinh doanh Hương Gạo

Hộ kinh doanh Hương Gạo được nộp đơn vào 14/06/2019, thuộc chủ văn bằng là hộ kinh doanh Hương Gạo, địa chỉ Số 193/16 ấp Khánh An, xã Phú An, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang. Nhãn hiệu của hộ kinh doanh đã được đăng ký và công bố số văn bằng 4-0392270-000.

Tên nhãn hiệu: Hương Gạo HGC Hộ Kinh Doanh Hương Gạo, hình

Nhóm hàng hóa, dịch vụ đăng ký:

Nhóm 30: Bánh cốm; bánh cốm gạo; bánh cốm bắp.

Thời gian bảo hộ đối với nhãn hiệu cho hộ kinh doanh

Được quy định tại khoản 6 Điều 93 Luật Sở hữu trí tuệ “Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu có hiệu lực từ ngày cấp đến hết 10 năm kể từ ngày nộp đơn, có thể gia hạn nhiều lần liên tiếp, mỗi lần 10 năm.”

Như vậy, thời gian bảo hộ nhãn hiệu là 10 năm. Chủ sở hữu có thể gia hạn nhiều lần liên tiếp, mỗi lần 10 năm và có thể bảo hộ mãi mãi nếu chủ sở hữu làm thủ tục yêu cầu gia hạn trong vòng 06 tháng trước Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hết hiệu lực, chủ sở hữu nhãn hiệu phải nộp đơn yêu cầu gia hạn cho Cục Sở hữu trí tuệ.

Các dấu hiệu không được bảo hộ với danh nghĩa nhãn hiệu tại Việt Nam

Căn cứ theo quy định tại Điều 73 Luật Sở hữu trí tuệ các dấu hiệu sau đây không được bảo hộ với danh nghĩa nhãn hiệu:

  • Dấu hiệu trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và của các nước, quốc tế ca;
  • Dấu hiệu trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với biểu tượng, cờ, huy hiệu, tên viết tắt, tên đầy đủ của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị – xã hội, nếu không được cơ quan, tổ chức đó cho phép;
  • Dấu hiệu trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với tên thật, biệt hiệu, bút danh, hình ảnh của lãnh tụ, anh hùng dân tộc, danh nhân của Việt Nam, của nước ngoài;
  • Dấu hiệu trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với dấu chứng nhận, dấu kiểm tra, dấu bảo hành của tổ chức quốc tế mà tổ chức đó có yêu cầu không được sử dụng, trừ trường hợp chính tổ chức này đăng ký các dấu đó làm nhãn hiệu chứng nhận;
  • Dấu hiệu làm hiểu sai lệch, gây nhầm lẫn hoặc có tính chất lừa dối người tiêu dùng về nguồn gốc xuất xứ, tính năng, công dụng, chất lượng, giá trị hoặc các đặc tính khác của hàng hoá, dịch vụ;
  • Dấu hiệu là hình dạng vốn có của hàng hóa hoặc do đặc tính kỹ thuật của hàng hóa bắt buộc phải có;
  • Dấu hiệu chứa bản sao tác phẩm, trừ trường hợp được phép của chủ sở hữu tác phẩm đó.

Hồ sơ đăng ký nhãn hiệu cho hộ kinh doanh

  • 02 Tờ khai đăng ký nhãn hiệu về quyền sở hữu công nghiệp (theo mẫu tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định 65/2023/NĐ-CP), kèm yêu cầu quyền ưu tiên (nếu có).
  • 05 Mẫu nhãn hiệu kèm theo (mẫu nhãn hiệu kèm theo phải giống hệt mẫu nhãn hiệu dán trên tờ khai đơn đăng ký kể cả về kích thước và màu sắc.
  • Chứng từ nộp phí, lệ phí.
  • Tài liệu khác (nếu có).

Trường hợp đơn đăng ký nhãn hiệu cho hộ kinh doanh là nhãn hiệu tập thể hoặc nhãn hiệu chứng nhận, ngoài các tài liệu tối thiểu nêu trên, đơn đăng ký cần phải có thêm các tài liệu sau:

  • Quy chế sử dụng nhãn hiệu tập thể hoặc nhãn hiệu chứng nhận;
  • Bản thuyết minh về tính chất, chất lượng đặc trưng (hoặc đặc thù) của sản phẩm mang nhãn hiệu (nếu nhãn hiệu được đăng ký là nhãn hiệu tập thể dùng cho sản phẩm có tính chất đặc thù hoặc là nhãn hiệu chứng nhận chất lượng của sản phẩm hoặc là nhãn hiệu chứng nhận nguồn gốc địa lý của đặc sản địa phương);

Bản đồ khu vực địa lý (nếu nhãn hiệu đăng ký là nhãn hiệu chứng nhận nguồn gốc địa lý của sản phẩm, hoặc nhãn hiệu chứa địa danh hoặc dấu hiệu chỉ nguồn gốc địa lý của đặc sản địa phương).

  • Văn bản của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cho phép sử dụng địa danh hoặc dấu hiệu khác chỉ nguồn gốc địa lý của đặc sản địa phương để đăng ký nhãn hiệu (nếu nhãn hiệu đăng ký là nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận có chứa địa danh hoặc dấu hiệu khác chỉ nguồn gốc địa lý của đặc sản địa phương).

Hình thức nộp hồ sơ đăng ký nhãn hiệu cho hộ kinh doanh tại Việt Nam

Hộ kinh doanh sau khi chuẩn bị hồ sơ gồm những giấy tờ đầy đủ nêu trên thì nộp hồ sơ đến Cục Sở hữu trí tuệ, địa chỉ tại 386 đường Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân, Hà Nội.

Ngoài ra Cục sở hữu trí tuệ còn có hai văn phòng đại diện tại Thành phố Hồ Chí Minh (địa chỉ Lầu 7, toà nhà Hà Phan, số 17 – 19 Tôn Thất Tùng, phường Phạm Ngũ Lão, quận 1, TP Hồ Chí Minh) và Thành phố Đà Nẵng (địa chỉ tại tầng 3, số 135 đường Minh Mạng, phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng).

Thời hạn xử lý đơn đăng ký nhãn hiệu hộ kinh doanh

Kể từ ngày được Cục Sở hữu trí tuệ tiếp nhận, đơn đăng ký nhãn hiệu được xem xét theo trình tự sau:

  • Thẩm định hình thức: 01 tháng
  • Công bố đơn: trong thời hạn 02 tháng kể từ ngày đơn đăng ký nhãn hiệu có Quyết định chấp nhận đơn hợp lệ
  • Thẩm định nội dung: không quá 09 tháng, kể từ ngày công bố đơn.

Quý khách hàng có nhu cầu tư vấn hay tìm hiểu kỹ hơn về hồ sơ đăng ký nhãn hiệu cho hộ kinh doanh nói riêng và tìm hiểu thêm về các loại hồ sơ đăng ký nhãn hiệu khác nói chung, xin vui lòng liên hệ công ty luật Mai Sơn  để được hỗ trợ tốt nhất.