Đăng ký bản quyền tác giả cho tranh vẽ
Quyền tác giả được biết đến là quyền được bảo hộ tự động, tuy nhiên, để ngăn ngừa các hành vi lạm dụng, sao chép, trưng bày trái phép các tác phẩm, đồng thời đảm bảo quyền và lợi ích của các tác giả trong các tranh chấp có liên quan đến tác phẩm, nhà nước khuyến khích các tác giả thực hiện đăng ký bản quyền tác giả. Tranh vẽ là một trong những loại hình tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả theo quy định của pháp luật hiện hành. Tuy nhiên, việc đăng ký bản quyền tác giả cho tranh vẽ theo đúng trình tự, thủ tục lại là một trong những khó khăn mà nhiều khách hàng đã và đang gặp phải. Và để giải đáp thắc mắc của quý khách hàng, công ty Luật Mai Sơn đưa ra bài viết về đăng ký bản quyền tác giả cho tranh vẽ dưới đây.
Căn cứ pháp lý
- Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, sửa đổi năm 2009, 2019, 2022.
- Nghị định số 17/2023/NĐ-CP ngày 26 tháng 04 năm 2023.
Quyền tác giả là gì?
Cùng với sự phát triển của pháp luật các quốc gia trên thế giới về sở hữu trí tuệ, thuật ngữ quyền tác giả ngày càng được nhìn nhận dưới góc độ rộng mở hơn. Mặc dù có sự khác nhau giữa quy định của các quốc gia trên thế giới về cách đưa ra định nghĩa về quyền tác giả, song có thể hiểu quyền tác giả là một loại quyền chính đáng của những người sáng tạo, qua đó khuyến khích mọi người tham gia vào các hoạt động trong các lĩnh vực văn hoá, nghệ thuật và khoa học.
Pháp luật thực định tại Việt Nam quy định quyền tác giả (thường gọi là bản quyền tác giả) là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tác phẩm do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu.
Đăng ký bản quyền tác giả cho tranh vẽ là gì?
Theo quy định của điều ước quốc tế nói chung và pháp luật Việt Nam nói riêng, chủ thể sáng tạo ra tranh vẽ là đối tượng nhận được sự bảo hộ quyền tác giả.
Với đặc tính riêng biệt, tranh vẽ được xếp vào loại tác phẩm tạo hình, mỹ thuật ứng dụng và trở thành loại hình tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả theo quy định tại Điều 14 Luật Sở hữu trí tuệ.
Đăng ký quyền tác giả cho tranh vẽ được thực hiện với mục đích ngăn chặn các hành vi xâm phạm tác phẩm tranh vẽ như: ăn trộm, sao chép, lạm dụng, trưng bày, phân phối trái phép tranh vẽ. Việc ghi nhận tên các tác giả trên giấy đăng ký quyền tác giả cũng là cơ sở pháp lý quan trọng chứng minh quyền của tác giả đối với tác phẩm tranh vẽ, bảo vệ lợi ích của người sáng tạo khi có các tranh chấp về quyền tác giả hay có các hành vi vi phạm xảy ra. Nếu tác giả phát hiện có người sử dụng tác phẩm tranh vẽ của mình, tác giả có quyền yêu cầu người đó ngừng sử dụng và đòi bồi thường thiệt hại. Điều này chỉ có thể thực hiện được khi tác giả đã đăng ký quyền tác giả cho tranh vẽ tại các cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Thủ tục đăng ký quyền tác giả cho tranh vẽ:
Thủ tục đăng ký quyền tác giả cho tranh vẽ gồm các bước sau:
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ đăng ký quyền tác giả cho tranh vẽ:
Sau khi hoàn thiện tác phẩm, chủ sở hữu, tác giả tiến hành soạn thảo hồ sơ đăng ký quyền tác giả cho tranh vẽ theo quy định của pháp luật.
Bước 2: Nộp hồ sơ đăng ký quyền tác giả cho tranh vẽ:
Các phương thức nộp hồ sơ bao gồm:
- Nộp trực tiếp Tại các Cục bản quyền tác giả.
- Nộp qua đường bưu điện đến các Cục bản quyền tác giả.
- Nộp trực tuyến tại Cổng dịch vụ công trực tuyến.
Bước 3: Thẩm định hồ sơ đăng ký và cấp giấy chứng nhận quyền tác giả cho tranh vẽ:
Cục bản quyền tác giả sau khi nhận được hồ sơ đăng ký sẽ tiến hành xem xét, thẩm định hồ sơ và sẽ đưa ra các quyết định tương ứng với các trường hợp như sau:
- Trường hợp hồ sơ đáp ứng đủ yêu cầu, Cục bản quyền tác giả sẽ tiến hành cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả cho người nộp hồ sơ.
- Trường hợp hồ sơ thiếu hoặc sai sót, cần bổ sung, điều chỉnh thì Cục bản quyền tác giả sẽ thông tin lại cho người nộp hồ sơ để họ tiến hành điều chỉnh. Trong thời gian quy định, cá nhân, tổ chức không tiến hành các hoạt động sửa đổi, bổ sung hoặc đã sửa đổi bổ sung mà hồ sơ vẫn không hợp lệ thì Cục bản quyền tác giả có quyền trả lại hồ sơ cho người nộp hồ sơ.
- Trường hợp Cục bản quyền tác giả từ chối cáp Giấy phép đăng ký quyền tác giả cho tranh vẽ, Cục bản quyền tác giả phải có thông báo bằng văn bản tới người nộp hồ sơ.
Hồ sơ đăng ký quyền tác giả cho tranh vẽ
Hồ sơ đăng ký quyền tác giả cho tranh vẽ bao gồm:
- Tờ khai đăng ký quyền tác giả: tờ khai phải đảm bảo được viết bằng Tiếng Việt, phải có đủ các thông tin về người nộp hồ sơ, tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả hoặc chủ sở hữu liên quan. Nội dung tờ khai phải ghi rõ tên tác phẩm, loại hình tác phẩm, ngày hoàn thiện tác phẩm, tóm tắt nội dung chính của tác phẩm, các tác phẩm đăng ký là tác phẩm phái sinh, thời gian, địa điểm hình thức công bố và cam kết của người thực hiện tờ khai về độ chính xác của các thông tin ghi trong tờ khai.
- Bản sao tác phẩm đăng ký quyền tác giả cho tranh vẽ (02 bản): 02 bản được in trên giấy A4 tác phẩm có chữ ký hoặc dấu của tác giả, chủ sở hữu.
- Giấy tờ pháp lý của tác giả: CCCD/CMND.
- Giấy uỷ quyền cho Luật Mai Sơn để thực hiện thủ tục.
- Các tài liệu chứng minh quyền nộp đơn.
- Văn bản đồng ý của các đồng tác giả trong trường hợp tác phẩm đó có đồng tác giả.
- Văn bản đồng ý của các đồng chủ sở hữu trong trường hợp quyền tác giả của tranh vẽ thuộc sở hữu chung.
Một số câu hỏi có liên quan đến việc đăng ký quyền tác giả cho tranh vẽ:
Hồ sơ đăng ký quyền tác giả cho tranh vẽ có bắt buộc bằng Tiếng Việt hay không?
Các tài liệu trong hồ sơ đăng ký quyền tác giả cho tranh vẽ phải được làm bằng Tiếng Việt. Trong trường hợp bằng tiếng nước ngoài phải được dịch ra Tiếng Việt và có công chứng/chứng thực.
Thời hạn cấp giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả cho tranh vẽ là bao lâu?
Theo quy định pháp luật hiện hành, trong thời hạn mười lăm (15) ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ hợp lệ, cơ quan quản lý nhà nước về quyền tác giả có trách nhiệm cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả cho người nộp hồ sơ. Trong trường hợp từ chối cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả thì cơ quan quản lý nhà nước về quyền tác giả phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do cho người nộp hồ sơ.
Trong trường hợp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả cho tranh vẽ bị mất, bị hư hỏng, người nộp hồ sơ có được cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả cho tranh vẽ hay không?
Trường hợp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả cho tranh vẽ bị mất, bị hư hỏng thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền tiến hành cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả. Trường hợp từ chối cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả thì cơ quan quản lý nhà nước về quyền tác giả phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do cho người nộp hồ sơ.
Quý khách hàng có nhu cầu tư vấn về đăng ký bản quyền tác giả cho tranh vẽ, xin vui lòng liên hệ Công ty Mai Sơn để được hỗ trợ tốt nhất.