Công ty luật nước ngoài là gì? Giám đốc công ty luật nước ngoài là ai?

Công ty luật nước ngoài là gì? Giám đốc công ty luật nước ngoài là ai?

Xin cho tôi hỏi công ty luật nước ngoài là gì? Giám đốc công ty luật nước ngoài là ai? – Tuấn Ngọc (Hậu Giang)

 

 

Công ty luật nước ngoài là gì?

Công ty luật nước ngoài là một hình thức hành nghề của tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài, trong đó công ty luật nước ngoài sẽ được tổ chức dưới dạng các loại hình doanh nghiệp như sau:

– Công ty luật trách nhiệm hữu hạn một trăm phần trăm vốn nước ngoài là tổ chức hành nghề luật sư do một hoặc nhiều tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài thành lập tại Việt Nam.

– Công ty luật trách nhiệm hữu hạn dưới hình thức liên doanh là tổ chức hành nghề luật sư liên doanh giữa tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài và tổ chức hành nghề luật sư Việt Nam.

– Công ty luật hợp danh là tổ chức hành nghề luật sư hợp danh giữa tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài và công ty luật hợp danh Việt Nam.

(Điểm b khoản 1 Điều 69 và khoản 1 Điều 72 Luật Luật sư 2006, sửa đổi 2012)

Giám đốc công ty luật nước ngoài là ai?

Theo đó, giám đốc công ty luật nước ngoài là luật sư nước ngoài hoặc luật sư Việt Nam, trong đó phải có ít nhất hai năm liên tục hành nghề luật sư.

(Khoản 3 Điều 68 và khoản 2 Điều 72 Luật Luật sư 2006, sửa đổi 2012)

Cụ thể tiêu chuẩn của luật sư nước ngoài hoặc luật sư Việt Nam được quy định như sau:

(1) Luật sư nước ngoài

Theo Điều 74 Luật Luật sư 2006, sửa đổi 2012, để được cấp Giấy phép hành nghề luật sư tại Việt Nam, luật sư nước ngoài đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:

– Có Chứng chỉ hành nghề luật sư đang còn hiệu lực do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của nước ngoài cấp;

– Có kinh nghiệm tư vấn pháp luật nước ngoài, pháp luật quốc tế;

– Cam kết tuân thủ Hiến pháp, pháp luật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam;

– Được tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài cử vào hành nghề tại Việt Nam hoặc được chi nhánh, công ty luật nước ngoài tại Việt Nam, tổ chức hành nghề luật sư của Việt Nam đồng ý tuyển dụng vào làm việc tại các tổ chức đó.

Luật sư nước ngoài hành nghề tại Việt Nam dưới các hình thức sau đây:

– Làm việc với tư cách thành viên cho một chi nhánh hoặc một công ty luật nước ngoài tại Việt Nam.

– Làm việc theo hợp đồng cho chi nhánh, công ty luật nước ngoài, tổ chức hành nghề luật sư Việt Nam.

(Điều 75 Luật Luật sư 2006, sửa đổi 2012)

(2) Luật sự Việt Nam

Tiêu chuẩn luật sư Việt Nam là công dân Việt Nam trung thành với Tổ quốc, tuân thủ Hiến pháp và pháp luật, có phẩm chất đạo đức tốt, có bằng cử nhân luật, đã được đào tạo nghề luật sư, đã qua thời gian tập sự hành nghề luật sư, có sức khỏe bảo đảm hành nghề luật sư thì có thể trở thành luật sư.

Đồng thời muốn được hành nghề luật sư phải có Chứng chỉ hành nghề luật sư và gia nhập một Đoàn luật sư.

(Điều 10 và Điều 11 Luật Luật sư 2006, sửa đổi 2012)

Quyền và nghĩa vụ của công ty luật nước ngoài

Quyền và nghĩa vụ của công ty luật nước ngoài được quy định tại Điều 73 Luật Luật sư 2006, sửa đổi 2012, cụ thể như sau:

(1) Về quyền

– Thực hiện dịch vụ pháp lý về các lĩnh vực ghi trong Giấy phép thành lập, Giấy đăng ký hoạt động;

– Nhận thù lao từ khách hàng;

– Thuê luật sư nước ngoài, luật sư Việt Nam, lao động nước ngoài, lao động Việt Nam;

– Nhận người tập sự hành nghề luật sư Việt Nam vào tập sự hành nghề luật sư;

– Chuyển thu nhập từ hoạt động hành nghề ra nước ngoài theo quy định của pháp luật Việt Nam;

– Các quyền khác theo quy định của Luật Luật sư 2006, sửa đổi 2012, pháp luật về doanh nghiệp, pháp luật về đầu tư và quy định khác của pháp luật có liên quan.

(2) Về nghĩa vụ

– Hoạt động theo đúng lĩnh vực ghi trong Giấy phép thành lập, Giấy đăng ký hoạt động;

– Thực hiện đúng những nội dung đã giao kết với khách hàng;

– Bồi thường thiệt hại vật chất do lỗi mà luật sư gây ra cho khách hàng trong khi thực hiện tư vấn pháp luật, đại diện ngoài tố tụng và các dịch vụ pháp lý khác;

– Mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp cho các luật sư hành nghề tại Việt Nam theo quy định của pháp luật về kinh doanh bảo hiểm;

– Chấp hành quy định của pháp luật Việt Nam về lao động, kế toán, thống kê và thực hiện nghĩa vụ thuế, tài chính;

– Nhập khẩu phương tiện cần thiết cho hoạt động theo quy định của pháp luật Việt Nam;

– Các nghĩa vụ khác theo quy định Luật Luật sư 2006, sửa đổi 2012, pháp luật về doanh nghiệp, pháp luật về đầu tư và quy định khác của pháp luật có liên quan.