CÔNG TY ĐẠI CHÚNG CÔNG BỐ THÔNG TIN VỀ NGÀY ĐĂNG KÝ CUỐI CÙNG DỰ KIẾN THỰC HIỆN QUYỀN CHO CỔ ĐÔNG HIỆN HỮU ĐỂ THAM DỰ HỌP ĐẠI HỘI ĐỒNG CỔ ĐÔNG KHI NÀO?

Công ty đại chúng công bố thông tin về ngày đăng ký cuối cùng dự kiến thực hiện quyền cho cổ đông hiện hữu để tham dự họp Đại hội đồng cổ đông khi nào?

Tôi có thắc mắc muốn được giải đáp như sau công ty đại chúng công bố thông tin về ngày đăng ký cuối cùng dự kiến thực hiện quyền cho cổ đông hiện hữu để tham dự họp Đại hội đồng cổ đông khi nào? Câu hỏi của anh Q.L.Q đến từ TP.HCM.

Ngày công bố thông tin là gì? Công ty đại chúng phải lập trang thông tin điện tử khi nào?

Ngày công bố thông tin là gì?

Theo quy định tại khoản 5 Điều 3 Thông tư 96/2020/TT- BTC thì: ngày công bố thông tin là ngày thông tin xuất hiện trên một trong các phương tiện công bố thông tin quy định tại khoản 1 Điều 7 Thông tư 96/2020/TT- BTC

Trong đó, các phương tiện báo cáo, công bố thông tin theo quy định tại khoản 1 Điều 7 Thông tư 96/2020/TT- BTC  bao gồm:

– Trang thông tin điện tử (website) của tổ chức là đối tượng công bố thông tin;

– Hệ thống công bố thông tin của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước;

– Trang thông tin điện tử của Sở giao dịch chứng khoán, phương tiện công bố thông tin khác theo Quy chế của Sở giao dịch chứng khoán;

– Trang thông tin điện tử của Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam;

– Các phương tiện thông tin đại chúng khác theo quy định pháp luật (báo in, báo điện tử,…).

Công ty đại chúng phải lập trang thông tin điện tử khi nào?

Theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 7 Thông tư 96/2020/TT- BTC  thì:

Công ty đại chúng phải lập trang thông tin điện tử khi thực hiện thủ tục đăng ký công ty đại chúng với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.

Lưu ý: Công ty đại chúng khi lập trang thông tin điện tử phải báo cáo với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Sở giao dịch chứng khoán và công khai địa chỉ trang thông tin điện tử và mọi thay đổi liên quan đến địa chỉ này trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày hoàn tất việc lập trang thông tin điện tử hoặc khi thay đổi địa chỉ trang thông tin điện tử này;

Trang thông tin điện tử phải có các nội dung về:

– Ngành, nghề kinh doanh và các nội dung phải thông báo công khai trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp theo quy định của Luật Doanh nghiệp và mọi thay đổi liên quan tới các nội dung này;

– Chuyên mục riêng về quan hệ cổ đông (nhà đầu tư), trong đó phải công bố Điều lệ công ty, Quy chế công bố thông tin, Quy chế nội bộ về quản trị công ty (nếu có), Quy chế hoạt động Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát (nếu có), Bản cáo bạch (nếu có), các thông tin công bố định kỳ, bất thường, theo yêu cầu và các hoạt động khác quy định tại Thông tư này;

Trang thông tin điện tử phải hiển thị thời gian đăng tải thông tin, đồng thời phải đảm bảo nhà đầu tư có thể tìm kiếm và tiếp cận được các dữ liệu trên trang thông tin điện tử đó.

Công ty đại chúng công bố thông tin về ngày đăng ký cuối cùng dự kiến thực hiện quyền cho cổ đông hiện hữu để tham dự họp Đại hội đồng cổ đông khi nào?

Căn cứ tại Điều 11 Thông tư 96/2020/TT- BTC về công bố thông tin bất thường:

Công bố thông tin bất thường

4. Công bố thông tin liên quan đến ngày đăng ký cuối cùng thực hiện quyền cho cổ đông hiện hữu

a) Công ty đại chúng công bố thông tin về ngày đăng ký cuối cùng dự kiến thực hiện quyền cho cổ đông hiện hữu tối thiểu 10 ngày trước ngày đăng ký cuối cùng dự kiến, trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản này;

b) Công ty đại chúng công bố thông tin về ngày đăng ký cuối cùng dự kiến thực hiện quyền cho cổ đông hiện hữu để tham dự họp Đại hội đồng cổ đông tối thiểu 20 ngày trước ngày đăng ký cuối cùng dự kiến.

5. Trường hợp tổ chức kiểm toán đưa ra ý kiến kiểm toán hoặc kết luận soát xét không phải là ý kiến kiểm toán hoặc kết luận soát xét chấp nhận toàn phần đối với báo cáo tài chính hoặc báo cáo tài chính có điều chỉnh hồi tố, công ty đại chúng phải công bố thông tin về ý kiến kiểm toán, kết luận soát xét, kết quả điều chỉnh hồi tố báo cáo tài chính trong thời hạn theo quy định tại khoản 1 Điều 10, khoản 2 và khoản 3 Điều 14 Thông tư này.

Như vậy, công ty đại chúng phải công bố thông tin về ngày đăng ký cuối cùng dự kiến thực hiện quyền cho cổ đông hiện hữu để tham dự họp Đại hội đồng cổ đông tối thiểu 20 ngày trước ngày đăng ký cuối cùng dự kiến.

Người triệu tập họp Đại hội đồng cổ đông phải thực hiện những công việc nào?

Đối chiếu với quy định tại khoản 5 Điều 140 Luật Doanh nghiệp 2020 thì:

Người triệu tập họp Đại hội đồng cổ đông phải thực hiện các công việc sau đây:

– Lập danh sách cổ đông có quyền dự họp;

– Cung cấp thông tin và giải quyết khiếu nại liên quan đến danh sách cổ đông;

– Lập chương trình và nội dung cuộc họp;

– Chuẩn bị tài liệu cho cuộc họp;

– Dự thảo nghị quyết Đại hội đồng cổ đông theo nội dung dự kiến của cuộc họp; danh sách và thông tin chi tiết của các ứng cử viên trong trường hợp bầu thành viên Hội đồng quản trị, Kiểm soát viên;

– Xác định thời gian và địa điểm họp;

– Gửi thông báo mời họp đến từng cổ đông có quyền dự họp theo quy định của Luật Doanh nghiệp 2020;

– Công việc khác phục vụ cuộc họp.