Chi nhánh của doanh nghiệp chế xuất được thành lập để hoạt động mua bán hàng hóa thì có phải nộp thuế giá trị gia tăng không?

Chi nhánh của doanh nghiệp chế xuất được thành lập để hoạt động mua bán hàng hóa thì có phải nộp thuế giá trị gia tăng không?

Bên anh là doanh nghiệp chế xuất, ngoài hoạt động sản xuất để xuất khẩu thì bên anh còn thành lập chi nhánh để nhập khẩu hàng hóa phân phối. Vậy trong trường hợp này chi nhánh của công ty anh có phải nộp thuế giá trị gia tăng không? Câu hỏi của anh K từ Nghệ An.

Chi nhánh của doanh nghiệp chế xuất được thành lập để hoạt động mua bán hàng hóa thì có phải nộp thuế giá trị gia tăng không?

Thuế giá trị gia tăng đối với chi nhánh của doanh nghiệp chế xuất được quy định tại khoản 6 Điều 3 Thông tư 219/2013/TT- BTC như sau:

Người nộp thuế

Người nộp thuế GTGT là tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu thuế GTGT ở Việt Nam, không phân biệt ngành nghề, hình thức, tổ chức kinh doanh (sau đây gọi là cơ sở kinh doanh) và tổ chức, cá nhân nhập khẩu hàng hóa, mua dịch vụ từ nước ngoài chịu thuế GTGT (sau đây gọi là người nhập khẩu) bao gồm:

6. Chi nhánh của doanh nghiệp chế xuất được thành lập để hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa tại Việt Nam theo quy định của pháp luật về khu công nghiệp, khu chế xuất và khu kinh tế.

Ví dụ 1: Công ty TNHH Sanko là doanh nghiệp chế xuất. Ngoài hoạt động sản xuất để xuất khẩu Công ty TNHH Sanko còn được cấp phép thực hiện quyền nhập khẩu để bán ra hoặc để xuất khẩu, Công ty TNHH Sanko phải thành lập chi nhánh để thực hiện hoạt động này theo quy định của pháp luật thì Chi nhánh hạch toán riêng và kê khai, nộp thuế GTGT riêng đối với hoạt động này, không hạch toán chung vào hoạt động sản xuất để xuất khẩu.

Khi nhập khẩu hàng hóa để thực hiện phân phối (bán ra), Chi nhánh Công ty TNHH Sanko thực hiện kê khai, nộp thuế GTGT ở khâu nhập khẩu và khi bán ra (bao gồm cả xuất khẩu), Công ty TNHH Sanko sử dụng hóa đơn, kê khai, nộp thuế GTGT theo quy định.

Theo đó, đối với chi nhánh của doanh nghiệp chế xuất được thành lập để hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa tại Việt Nam theo quy định của pháp luật về khu công nghiệp, khu chế xuất và khu kinh tế thì phải nộp thuế giá trị gia tăng.

Như vậy, theo trường hợp anh chia sẻ thì chi nhánh của công ty anh phải thực hiện kê khai, nộp thuế giá trị gia tăng theo quy định.

Chi nhánh của doanh nghiệp chế xuất có được áp dụng cơ chế đối với doanh nghiệp chế xuất không?

Chi nhánh của doanh nghiệp chế xuất được quy định tại khoản 7 Điều 26 Nghị định 35/2022/NĐ- CP như sau:

Quy định riêng áp dụng đối với khu chế xuất, doanh nghiệp chế xuất

2. Trong khu công nghiệp có thể có các phân khu công nghiệp dành cho các doanh nghiệp chế xuất. Khu chế xuất, doanh nghiệp chế xuất, phân khu công nghiệp dành cho các doanh nghiệp chế xuất được ngăn cách với lãnh thổ bên ngoài bằng hệ thống tường rào, có cổng và cửa ra, vào, bảo đảm điều kiện cho sự kiểm tra, giám sát, kiểm soát của cơ quan hải quan và các cơ quan chức năng có liên quan theo quy định áp dụng đối với khu phi thuế quan quy định tại pháp luật về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu.

7. Doanh nghiệp chế xuất được thành lập chi nhánh theo quy định của pháp luật về đầu tư, pháp luật về doanh nghiệp để thực hiện hoạt động chế xuất. Chi nhánh của doanh nghiệp chế xuất được áp dụng cơ chế đối với doanh nghiệp chế xuất quy định tại Điều này nếu thực hiện hoạt động chế xuất trong khu chế xuất, khu công nghiệp, khu kinh tế và đáp ứng các điều kiện tại khoản 2 Điều này.

8. Trong khu công nghiệp, khu kinh tế có doanh nghiệp chế xuất và được áp dụng cơ chế đối với doanh nghiệp chế xuất nếu đáp ứng các điều kiện quy định tại khoản 2 Điều này.

Như vậy, theo quy định, chi nhánh của doanh nghiệp chế xuất được áp dụng cơ chế đối với doanh nghiệp chế xuất nếu thực hiện hoạt động chế xuất trong khu chế xuất, khu công nghiệp, khu kinh tế và đáp ứng các điều kiện tại khoản 2 Điều 26 nêu trên.

Doanh nghiệp chế xuất chỉ có hoạt động xuất khẩu thì có cần nộp hồ sơ khai thuế giá trị gia tăng không?

Trường hợp doanh nghiệp chế xuất chỉ có hoạt động xuất khẩu được quy định tại khoản 3 Điều 7 Nghị định 126/2020/NĐ- CP như sau:

Hồ sơ khai thuế

3. Người nộp thuế không phải nộp hồ sơ khai thuế trong các trường hợp sau đây:

a) Người nộp thuế chỉ có hoạt động, kinh doanh thuộc đối tượng không chịu thuế theo quy định của pháp luật về thuế đối với từng loại thuế.

b) Cá nhân có thu nhập được miễn thuế theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập cá nhân và quy định tại điểm b khoản 2 Điều 79 Luật Quản lý thuế trừ cá nhân nhận thừa kế, quà tặng là bất động sản; chuyển nhượng bất động sản.

c) Doanh nghiệp chế xuất chỉ có hoạt động xuất khẩu thì không phải nộp hồ sơ khai thuế giá trị gia tăng.

d) Người nộp thuế tạm ngừng hoạt động, kinh doanh theo quy định tại Điều 4 Nghị định này.

đ) Người nộp thuế nộp hồ sơ chấm dứt hiệu lực mã số thuế, trừ trường hợp chấm dứt hoạt động, chấm dứt hợp đồng, tổ chức lại doanh nghiệp theo quy định của khoản 4 Điều 44 Luật Quản lý thuế.

Như vậy, theo quy định, trường hợp doanh nghiệp chế xuất chỉ có hoạt động xuất khẩu thì không cần nộp hồ sơ khai thuế giá trị gia tăng.