CHẾ TÀI KHI NHÀ ĐẦU TƯ KÉO DÀI THỜI GIAN NỘP TIỀN KÝ QUỸ BỔ SUNG TRONG TRƯỜNG HỢP TĂNG VỐN ĐẦU TƯ CỦA DỰ ÁN THUỘC TRƯỜNG HỢP KÝ QUỸ LÀ GÌ?

Chế tài khi nhà đầu tư kéo dài thời gian nộp tiền ký quỹ bổ sung trong trường hợp tăng vốn đầu tư của dự án thuộc trường hợp ký quỹ là gì?

Tôi có thắc mắc muốn được giải đáp như sau chế tài khi nhà đầu tư kéo dài thời gian nộp tiền ký quỹ bổ sung trong trường hợp tăng vốn đầu tư của dự án thuộc trường hợp ký quỹ là gì? Câu hỏi của anh T.V.K đến từ Sóc Trăng.

Mỗi dự án đầu tư được cấp tối đa bao nhiêu mã số dự án đầu tư?

Căn cứ tại khoản 1 Điều 37 Nghị định 31/2021/NĐ -CP về mã số dự án đầu tư như sau:

Mã số dự án đầu tư

1. Mã số dự án đầu tư là một dãy số được tạo tự động bởi Hệ thống thông tin quốc gia về đầu tư và được ghi tại Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Mỗi dự án đầu tư được cấp một mã số duy nhất, tồn tại trong quá trình hoạt động của dự án và hết hiệu lực khi dự án chấm dứt hoạt động.

2. Đối với dự án đầu tư thực hiện theo Giấy chứng nhận đầu tư, Giấy phép đầu tư hoặc các giấy tờ có giá trị tương đương khác, mã số dự án đầu tư là số Giấy chứng nhận đầu tư, số Giấy phép đầu tư hoặc số giấy tờ có giá trị tương đương khác đã cấp cho dự án đầu tư.

3. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền thống nhất sử dụng mã số dự án đầu tư để quản lý và trao đổi thông tin về dự án đầu tư.

Như vậy, mỗi dự án đầu tư được cấp một mã số duy nhất, tồn tại trong quá trình hoạt động của dự án và hết hiệu lực khi dự án chấm dứt hoạt động.

Việc đề nghị điều chỉnh dự án đầu tư làm dự án đầu tư thuộc diện phải chấp thuận chủ trương đầu tư thì nhà đầu tư phải thực hiện thủ tục nào?

Căn cứ vào khoản 7 Điều 41 luật đầu tư 2020  về điều chỉnh dự án đầu tư như sau:

Điều chỉnh dự án đầu tư

7. Trường hợp đề nghị điều chỉnh dự án đầu tư dẫn đến dự án đầu tư thuộc diện phải chấp thuận chủ trương đầu tư thì nhà đầu tư phải thực hiện thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư trước khi điều chỉnh dự án đầu tư.

Như vậy, trong trường hợp đề nghị điều chỉnh dự án đầu tư dẫn đến dự án đầu tư thuộc diện phải chấp thuận chủ trương đầu tư thì nhà đầu tư phải thực hiện thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư trước khi điều chỉnh dự án đầu tư.

Chế tài khi nhà đầu tư kéo dài thời gian nộp tiền ký quỹ bổ sung trong trường hợp tăng vốn đầu tư của dự án đầu tư thuộc trường hợp ký quỹ là gì?

 

Căn cứ tại điểm c khoản 1 Điều 19 Nghị định 122/2021/NĐ -CP  và điểm a khoản 4 Điều 19 Nghị định 122/2021/NĐ -CP  vi phạm về thực hiện dự án đầu tư tại Việt Nam như sau:

Vi phạm về thực hiện dự án đầu tư tại Việt Nam

1. Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

a) Không thực hiện ký quỹ hoặc không có bảo lãnh ngân hàng về nghĩa vụ ký quỹ để bảo đảm thực hiện dự án đầu tư có đề nghị Nhà nước giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, trừ trường hợp pháp luật quy định khác;

b) Thực hiện thủ tục bảo đảm thực hiện dự án đầu tư không đúng thời gian quy định;

c) Tăng vốn đầu tư của dự án mà không nộp bổ sung số tiền ký quỹ hoặc bổ sung bảo lãnh ký quỹ của tổ chức tín dụng khi có yêu cầu bổ sung bằng văn bản từ cơ quan quản lý đầu tư;

d) Kê khai, lập hồ sơ không hợp pháp, không trung thực, không chính xác để được giảm chi phí bảo đảm thực hiện dự án.

4. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc nộp bổ sung mức bảo đảm thực hiện dự án theo đúng quy định pháp luật đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm c khoản 1 Điều này;

b) Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do việc kê khai lập hồ sơ không hợp pháp, không trung thực, không chính xác đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm d khoản 1 Điều này;

c) Buộc thực hiện thủ tục thanh lý dự án đầu tư và các nghĩa vụ tài chính đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 2 Điều này;

d) Buộc tiếp tục thực hiện dự án đầu tư theo tiến độ quy định tại Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư, văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời với chấp thuận nhà đầu tư hoặc chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm c khoản 2 Điều này;

đ) Buộc thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời với chấp thuận nhà đầu tư, chấp thuận nhà đầu tư đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 3 Điều này.

Như vậy, trường hợp nhà đầu tư không nộp hoặc kéo dài thời gian nộp tiền ký quỹ bổ sung trong trường hợp tăng vốn đầu tư của dự án thuộc trường hợp ký quỹ, nhà đầu tư có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với hành vi tăng vốn đầu tư của dự án mà không nộp bổ sung số tiền ký quỹ hoặc bổ sung bảo lãnh ký quỹ của tổ chức tín dụng khi có yêu cầu bổ sung bằng văn bản từ cơ quan quản lý đầu tư.

Đồng thời, nhà đầu tư bị buộc phải nộp bổ sung mức bảo đảm thực hiện dự án theo đúng quy định pháp luật.