CÁN BỘ, CÔNG CHỨC CÓ ĐƯỢC QUYỀN THÀNH LẬP CÔNG TY KHÔNG?

Cán bộ, công chức có được quyền thành lập công ty không?

Trong thời đại kinh tế – xã hội phát triển nhanh chóng như hiện nay, số lượng doanh nghiệp được thành lập ngày càng nhiều. Vậy pháp luật hiện hành quy định như thế nào về  thành lập công ty và cán bộ, công chức có quyền  thành lập công ty hay không? Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn giải đáp thắc mắc này.

Căn cứ pháp lý

  • Luật Doanh nghiệp 2020;
  • Luật cán bộ, công chức 2008 sửa đổi bổ sung 2019;
  • Luật phòng chống tham nhũng 2018 sửa đổi bổ sung 2020;

Khái niệm, quyền và nghĩa vụ của cán bộ, công chức

Khái niệm cán bộ, công chức

Căn cứ theo điều 4 Luật cán bộ, công chức 2008 sửa đổi bổ sung 2019 quy định về cán bộ, công chức, có thể hiểu một cách đơn giản như sau:

  • Cán bộ là công dân Việt Nam được bầu, phê chuẩn, bổ nhiệm giữ các chức vụ, chức danh theo nhiệm kỳ của các cơ quan Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị – xã hội ở Trung ương, trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (gọi chung là cấp tỉnh), ở quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (gọi chung là cấp huyện), trong biên chế và tiền lương thuộc ngân sách nhà nước.
  • Công chức là công dân Việt Nam, được tuyển dụng, bổ nhiệm vào ngạch, chức vụ, chức danh tương ứng với vị trí việc làm trong cơ quan Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị – xã hội ở trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện; trong cơ quan, đơn vị của Quân đội nhân dân không phải là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng; trong cơ quan, đơn vị Công an nhân dân có hạ sĩ quan, hạ sĩ quan phục vụ theo chế độ chuyên nghiệp, sĩ quan, công nhân viên Công an nhân dân hưởng lương từ ngân sách nhà nước.

Các quy định về cán bộ, công chức

Về nghĩa vụ của cán bộ, công chức

Căn cứ theo điều 8, 9,10 của Luật cán bộ, công chức 2008 sửa đổi bổ sung 2019 quy định về các nghĩa vụ của cán bộ, công chức đối với Đảng, Nhà nước và nhân dân; trong việc thi hành công vụ và nghĩa vụ đối với cán bộ, công chức là người đứng đầu như sau:

  • Nghĩa vụ đối với Đảng, Nhà nước và toàn thể nhân dân Việt Nam.
  • Nghĩa vụ của cán bộ, công chức trong thi hành công vụ,

Về quyền của cán bộ, công chức

Từ điều 11 đến điều 14 của Luật cán bộ, công chức 2008 sửa đổi bổ sung 2019 quy định về các quyền của cán bộ, công chức như sau:

  • Được bảo đảm các điều kiện để thi hành công vụ,
  • Quyền của cán bộ, công chức về tiền lương và các chế độ tương tự,
  • Quyền về nghỉ ngơi và các quyền khác,

Điều kiện thành lập công ty hiện nay

Theo Luật Doanh nghiệp 2020 quy định, để thành lập công ty cần đáp ứng các điều kiện chung đó là:

  • Điều kiện về chủ thể thành lập công ty
  • Điều kiện về ngành nghề kinh doanh
  • Điều kiện về vốn điều lệ và vốn pháp định khi thành lập công ty
  • Điều kiện về đặt tên công ty
  • Điều kiện về trụ sở chính của công ty

Để có thể hiểu chi tiết về điều kiện thành lập công ty xin mời quý khách tham khảo bài viết ai có quyền thành lập công ty để hiểu rõ hơn về vấn đề này.

Ngoài ra đối với từng loại hình doanh nghiệp cụ thể sẽ có các điều kiện thành lập công ty riêng, như: hồ sơ, thủ tục, số lượng thành viên, điều kiện về chủ thể góp vốn thành lập, vốn góp…

Cán bộ công chức có được thành lập công ty không?

Chủ thể có quyền thành lập công ty được quy định rõ trong Luật Doanh nghiệp 2020. Cụ thể, căn cứ theo điều 17 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định, mọi tổ chức, cá nhân đều có quyền thành lập, góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp và quản lý doanh nghiệp tại Việt Nam trừ những trường hợp cụ thể sau:

  • Tổ chức không có tư cách pháp nhân.
  • Người chưa thành niên; người bị mất, không đầy đủ, hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự; khó khăn trong việc nhận thức và điều khiển hành vi của bản thân.
  • Cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân Việt Nam sử dụng tài sản nhà nước để thành lập doanh nghiệp kinh doanh thu lợi nhuận cho cơ quan, đơn vị mình.
  • Cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của pháp luật về cán bộ công chức, viên chức.
  • Sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng trong cơ quan, đơn vị Quân đội nhân dân Việt Nam; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ trong cơ quan, đơn vị Công an nhân dân Việt Nam.
  • Cán bộ quản lý, điều hành nghiệp vụ trong các doanh nghiệp 100% vốn sở hữu nhà nước, trừ những người được cử làm đại diện theo uỷ quyền để quản lý phần vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp khác.
  • Người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, chấp hành án phạt tù, đang bị chấp hành biện pháp xử lý hành chính; bị Toà án cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm một số công việc đặc biệt khác.
  • Pháp nhân thương mại bị cấm hoạt động, kinh doanh trong một số lĩnh vực theo quy định của Bộ luật hình sự.
  • Các trường hợp khác do pháp luật quy định.

Như vậy có thể thấy cán bộ, công chức là đối tượng không có quyền thành lập hay quản lý doanh nghiệp tại Việt Nam.

Ngoài ra, điểm b khoản 2 điều 20 Luật phòng chống tham nhũng 2018 sửa đổi bổ sung 2020 cũng nêu rõ những việc mà người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị không được làm đó là “b, Thành lập, tham gia quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã, trừ trường hợp luật có quy định khác”. Do đó, cán bộ công chức đều là những người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức nhà nước nên họ bị cấm và không có quyền thành lập, quản lý doanh nghiệp.

Cán bộ công chức có thể tham gia hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp bằng cách nào?

Tuy không được thành lập và quản lý công ty nhưng cán bộ, công chức vẫn có thể tham gia vào hoạt động của công ty bằng cách góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp khi công ty đi vào hoạt động.

Tuy nhiên, việc góp vốn của cán bộ, công chức cũng có giới hạn đối với từng loại hình công ty. Họ chỉ được góp vốn vào một số loại hình doanh nghiệp và giữ chức vụ nhất định mà không được quyền quản lý, bao gồm:

  • Đối với công ty hợp danh: cán bộ, công chức chỉ được tham gia với tư cách là thành viên góp vốn mà không được tham gia với tư cách thành viên hợp danh.
  • Đối với công ty cổ phần: cán bộ, công chức chỉ được tham gia với tư cách là cổ đông, mua cổ phiếu của công ty đại chúng trên thị trường chứng khoán mà không được tham gia với tư cách là thành viên hội đồng quản trị, thành viên ban kiểm sát của công ty.
  • Đối với công ty TNHH  một thành viên: cán bộ, công chức không được góp vốn vào loại hình công ty này vì loại hình công ty này chỉ có một người đứng ra thành lập công ty và người này quyết định mọi vấn đề của doanh nghiệp, từ thành lập đến quản lý, điều hành.
  • Đối với công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên: cán bộ, công chức được góp vốn vào loại hình doanh nghiệp này, khi tham gia góp vốn thì người góp vốn đương nhiên là thành viên Hội đồng thành viên của công ty. Do đó, họ vẫn có quyền biểu quyết và quyết định về các vấn đề quan trọng của Công ty.

Nói tóm lại, cán bộ công chức không có quyền thành lập hay quản lý công ty mà chỉ có thể đầu tư sinh lời bằng cách góp vốn hoặc mua phần vốn góp vào doanh nghiệp tuy nhiên cũng phải lưu ý với từng loại hình doanh nghiệp khác nhau.

Quý khách có bất vướng mắc gì về quy định của pháp luật về cán bộ công chức hay việc thành lập công ty vui lòng liên hệ với Luật Mai Sơn để được tư vấn và hỗ trợ tốt nhất.