Cá nhân mở trường mầm non tư thục có cần thành lập doanh nghiệp không?
Cá nhân mở trường mầm non tư thục có cần thành lập doanh nghiệp không? Thủ tục, hồ sơ thành lập trường mầm non tư thực như thế nào? Tôi là bảo mẫu có kinh nghiệm giữ trẻ nhiều năm, giờ tôi muốn mở trường mầm non tư thục. Cho tôi hỏi là để mở trường mầm non tư thục tôi có cần phải thành lập doanh nghiệp trước không và thủ tục, hồ sơ thành lập trường mầm non tư thục như thế nào?
-
Cá nhân có cần thành lập doanh nghiệp trước khi mở trường mầm non tư thục hay không?
Căn cứ Điều 2 Quy chế tổ chức và hoạt động trường mầm non tư thục ban hành kèm theo Thông tư 13/2015/TT – BGDĐT quy định về vị trí của nhà trường, nhà trẻ, nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục như sau:
1. Nhà trường, nhà trẻ, nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục là cơ sở giáo dục mầm non thuộc hệ thống giáo dục quốc dân, do tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp, tổ chức kinh tế hoặc cá nhân thành lập khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép. Nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và bảo đảm kinh phí hoạt động là nguồn ngoài ngân sách nhà nước.
2. Nhà trường, nhà trẻ tư thục có tư cách pháp nhân, có con dấu và được mở tài khoản riêng.
Theo đó, trường mầm non tư thục ngoài trường hợp do tổ chức kinh tế (doanh nghiệp) thành lập thì các chủ thể sau vẫn có quyền đứng ra thành lập gồm: tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp, cá nhân.
Vì vậy, cá nhân không nhất thiết phải thành lập doanh nghiệp để mở trường mầm non tư thục mà cá nhân có thể mở khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép.
Thủ tục, hồ sơ thành lập trường mầm non tư thực như thế nào?
Căn cứ Điều 4 Nghị định 46/2017/NĐ-CP được sửa đổi bởi Nghị định 135/2018/NĐ -CP quy định thủ tục thành lập trường mẫu giáo, trường mầm non, nhà trẻ công lập hoặc cho phép thành lập trường mẫu giáo, trường mầm non, nhà trẻ dân lập, tư thục như sau:
1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, huyện, thành phố, thị xã thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp huyện) quyết định thành lập trường mẫu giáo, trường mầm non, nhà trẻ công lập hoặc cho phép thành lập trường mẫu giáo, trường mầm non, nhà trẻ dân lập, tư thục.
2. Hồ sơ gồm:
a) Tờ trình đề nghị thành lập của cơ quan chủ quản đối với trường mẫu giáo, trường mầm non, nhà trẻ công lập; của tổ chức hoặc cá nhân đối với trường mẫu giáo, trường mầm non, nhà trẻ dân lập, tư thục cần nêu rõ sự cần thiết thành lập; tên trường mẫu giáo, trường mầm non, nhà trẻ; địa điểm dự kiến làm trụ sở tổ chức thực hiện việc nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em;
b)[2] Đề án thành lập trường mẫu giáo, trường mầm non, nhà trẻ;
c)[3] (được bãi bỏ)
d)[4] (được bãi bỏ)
3. Trình tự thực hiện:
a) Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp xã; nếu đề nghị thành lập trường mẫu giáo, trường mầm non, nhà trẻ công lập); tổ chức, cá nhân (nếu đề nghị thành lập trường mẫu giáo, trường mầm non, nhà trẻ dân lập, tư thục) gửi trực tiếp hoặc qua bưu điện 01 bộ hồ sơ quy định tại khoản 2 Điều này đến Ủy ban nhân dân cấp huyện;
b)[5] Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Ủy ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm chỉ đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo tổ chức thẩm định các điều kiện thành lập trường mẫu giáo, trường mầm non, nhà trẻ; trong thời hạn 15 ngày làm việc, Phòng Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với các phòng chuyên môn có liên quan có ý kiến thẩm định, trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện;
c)[6] Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được ý kiến thẩm định bằng văn bản của Phòng Giáo dục và Đào tạo và các phòng chuyên môn có liên quan, nếu đáp ứng các điều kiện theo quy định thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện ra quyết định thành lập hoặc cho phép thành lập; nếu không đáp ứng các điều kiện theo quy định thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện có văn bản trả lời và nêu rõ lý do.
4. Sau thời hạn 02 năm, kể từ ngày quyết định thành lập hoặc cho phép thành lập có hiệu lực, nếu trường mẫu giáo, trường mầm non, nhà trẻ không được cho phép hoạt động giáo dục thì quyết định thành lập hoặc cho phép thành lập bị hủy bỏ.
Trân trọng!