Ai có quyền nộp đơn đăng ký sáng chế?
Đăng ký sáng chế là thủ tục hành chính do Cục sở hữu trí tuệ tiến hành để xác nhận quyền sở hữu của chủ thể nhất định đối với sáng chế. Quyền sở hữu đối với sáng chế chỉ được xác lập thông qua thủ tục đăng ký. Tuy nhiên ai là người có quyền nộp sáng chế thì vẫn còn là câu hỏi mà nhiều người còn băn khoăn. Hiểu được điều đó, Luật Mai Sơn sẽ cung cấp cho quý khách những thông tin về việc ai là người có quyền đăng ký sáng chế trong bài viết dưới đây.
Cơ sở pháp lý
Luật Sở hữu trí tuệ 2005 sửa đổi, bổ sung 2009, 2019, 2022;
Sáng chế là gì?
Sáng chế là một giải pháp kỹ thuật dưới dạng sản phẩm hoặc quy trình nhằm giải quyết một vấn đề xác định bằng việc ứng dụng các quy luật tự nhiên.
Tại sao cần đăng ký sáng chế?
Bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với sáng chế là một việc làm có ý nghĩa rất quan trọng. Việc này giúp chủ sở hữu của sáng chế xác lập độc quyền của mình đối với sáng chế đó, ngăn chặn hành vi xâm phạm sáng chế. Tuy nhiên, lợi ích của việc đăng ký sáng chế không dừng ở đó. Sau đây, Luật Mai Sơn sẽ đưa ra một số lý do khác để quý khách có được cái nhìn tổng quát hơn về việc tại sao các chủ sở hữu phải đăng ký sáng chế:
- Đăng ký sáng chế giúp chủ sở hữu tăng lợi thế cạnh tranh, sức mạnh thị trường và kiếm được nhiều lợi nhuận. Bằng độc quyền sáng chế cho phép chủ sở hữu khẳng định trước các nhà bán sỉ, nhà phân phối rằng không có bất kì chủ thể nào khác trên thị trường được phép sản xuất, buôn bán, sử dụng, phân phối sản phẩm nếu không có sự đồng ý của chủ sở hữu. Điều này có thể giảm bớt sự cạnh tranh, tăng doanh số bán hàng, và nếu tiếp thị đúng cách, chủ sở hữu có thể tính giá sản phẩm cao hơn vì các đối thủ cạnh tranh khác đã bị ngăn cấm cung cấp sản phẩm tương tự.
- Sáng chế tạo thêm nguồn thu nhập mới cho chủ sở hữu bằng cách nhượng quyền sử dụng sáng chế hoặc chuyển nhượng sáng chế. Việc được cấp văn bằng bảo hộ sáng chế giúp chủ sở hữu dễ dàng trong việc khai thác giá trị thương mại của sáng chế đó. Khi chủ sở hữu được Nhà nước xác nhận có quyền sở hữu hợp pháp đối với sáng chế thì chủ sở hữu sẽ nhận được sự tin tưởng của bên mua khi chuyển nhượng sáng chế đó.
- Sáng chế giúp chủ sở hữu huy động vốn và thu hút các nhà đầu tư tiềm năng. Bằng độc quyền sáng chế có thể được mua, bán hoặc chuyển nhượng quyền sử dụng để giúp chủ sở hữu huy động vốn dễ dàng, nhanh chóng, hiệu quả. Bằng độc quyền sáng chế cũng có thể được sử dụng làm tài sản thế chấp để vay vốn ngân hàng.
- Đóng góp vào công cuộc sáng tạo của con người và nâng cao giá trị, vị thế của chủ sở hữu sáng chế. Các đối tác kinh doanh, nhà đầu tư và cổ đông có thể nhận thức được tài sản sáng chế là biểu hiện của kiến thức chuyên môn, khả năng chuyên môn hóa và năng lực công nghệ cao của chủ sở hữu sáng chế dù là cá nhân hay doanh nghiệp. Đặc biệt đối với doanh nghiệp là chủ sở hữu sáng chế có thể dùng các sản phẩm sáng tạo này của mình để huy động vốn, tìm kiếm đối tác kinh doanh mới và nâng cao giá trị của doanh nghiệp trên thị trường.
Ai là người có quyền đăng ký sáng chế?
Để trả lời câu hỏi “Ai là người có quyền đăng ký sáng chế” ? Luật Mai Sơn sẽ đưa ra 3 trường hợp:
Trường hợp 1: Tác giả tạo ra sáng chế bằng chính công sức và chi phí của mình
Trong trường hợp này tác giả của sáng chế sẽ là người có quyền đăng ký đối với sáng chế. Lúc này, tác giả sáng chế đồng thời cũng là chủ sở hữu của sáng chế. Trường hợp có hai người trở lên cùng nhau trực tiếp sáng tạo ra đối tượng sở hữu công nghiệp thì họ được coi là đồng tác giả và sẽ được hưởng những quyền nhân thân và quyền tài sản như nhau. Cụ thể:
Về quyền nhân thân: các tác giả sẽ được ghi tên là tác giả trong Bằng độc quyền sáng chế và sẽ được nêu tên là tác giả trong các tài liệu công bố, giới thiệu về sáng chế.
Về quyền tài sản: Các tác giả sẽ có quyền:
- Sử dụng, cho phép người khác sử dụng sáng chế để: sản xuất sản phẩm (nếu sáng chế là thành phẩm); áp dụng quy trình (nếu sáng chế là quy trình); khai thác công dụng của sáng chế; lưu thông, quảng cáo, chào hàng, tàng trữ để lưu thông sản phẩm,…
- Ngăn cấm người khác sử dụng sáng chế trừ những trường hợp: sử dụng sáng chế vì mục đích phi thương mại, dùng để đánh giá, nghiên cứu, giảng dạy,…; sử dụng sáng chế nhằm mục đích duy trì hoạt động của các phương tiện vận tại nước ngoài đang quá cảnh tạm thời ở trong lãnh thổ Việt Nam ;…
Trường hợp 2: Tổ chức, cá nhân đầu tư kinh phí, phương tiện vật chất cho tác giả dưới hình thức giao việc, thuê việc
Trong trường hợp này, tổ chức, cá nhân đầu tư kinh phí sẽ đóng vai trò là chủ sở hữu của sáng chế và có quyền đăng ký sáng chế trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác. Chủ sở hữu của sáng chế sẽ có quyền sử dụng, cho phép người khác sử dụng sáng chế cũng như ngăn cấm sử dụng sáng chế của mình (đã phân tích cụ thể trong trường hợp 1).
Tuy nhiên, bên cạnh quyền lợi, chủ sở hữu sẽ có thêm nghĩa vụ thanh toán thù lao cho tác giả của sáng chế. Trong trường hợp hai bên không có thỏa thuận về mức thù lao thì mức thù lao sẽ được chia theo:
- 10% lợi nhuận trước thuế mà chủ sở hữu thu được do sử dụng sáng chế;
- 15% tổng số tiền mà chủ sở hữu nhận được trong mỗi lần nhận tiền thanh toán do chuyển giao quyền sử dụng sáng chế;
- Trong trường hợp sáng chế có đồng tác giả, các tác giả sẽ phải tự phân chia số tiền thù lao do chủ sở hữu chi trả;
- Nghĩa vụ trả thù lao cho tác giả sáng chế sẽ tồn tại trong suốt thời hạn bảo hộ của sáng chế.
Lưu ý: Trong trường hợp nhiều tổ chức, cá nhân cùng tạo ra hoặc đầu tư để tạo ra sáng chế thì các tổ chức, cá nhân này đều có quyền đăng ký và quyền đăng ký đó sẽ chỉ được thực hiện nếu được tất cả các tổ chức, cá nhân đó đồng ý.
Trường hợp 3: Sáng chế là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ được tạo ra có sự đóng góp của Nhà nước
- Với sáng chế được tạo ra bởi 100% ngân sách nhà nước, quyền đăng ký sáng chế sẽ được giao cho tổ chức chủ trì một cách tự động và không bồi hoàn trừ trường hợp sáng chế này thuộc lĩnh lực quốc phòng và an ninh quốc gia thì quyền đăng ký sáng chế sẽ thuộc về Nhà nước;
- Với sáng chế được đầu tư bởi nhiều nguồn vốn, trong đó có một phần là ngân sách nhà nước, phần quyền đăng ký sáng chế tương ứng với tỷ lệ phần ngân sách nhà nước sẽ được giao cho tổ chức chủ trì một cách tự động và không bồi hoàn trừ trường hợp sáng chế thuộc lĩnh vực quốc phòng và an ninh quốc gia thì phần quyền đăng ký sáng chế tương ứng với phần ngân sách nhà nước sẽ thuộc về Nhà nước.
Tương tự như ở trường hợp 2, chủ sở hữu trong trường hợp này cũng sẽ phải có nghĩa vụ phải trả thù lao cho tác giả sáng chế, cụ thể:
- Từ 10% đến 15% lợi nhuận trước thuế mà chủ sở hữu thu được do sử dụng sáng chế;
- Từ 15% đến 20% tổng số tiền mà chủ sở hữu nhận được trước thuế trong mỗi lần nhận tiền thanh toán do chuyển giao quyền sử dụng sáng chế;
- Trong trường hợp sáng chế có đồng tác giả, các tác giả sẽ phải tự phân chia số tiền thù lao do chủ sở hữu chi trả;
- Nghĩa vụ trả thù lao cho tác giả sáng chế sẽ tồn tại trong suốt thời hạn bảo hộ của sáng chế.
Đối với trường hợp chủ sở hữu là tổ chức chủ trì thì chủ sở hữu sẽ có thêm 2 nghĩa vụ:
Nghĩa vụ sử dụng sáng chế (Điều 136 Luật Sở hữu trí tuệ)
- Chủ sở hữu sáng chế có nghĩa vụ sản xuất sản phẩm được bảo hộ hoặc áp dụng quy trình được bảo hộ để đáp ứng nhu cầu quốc phòng, an ninh, phòng bệnh, chữa bệnh, dinh dưỡng cho nhân dân hoặc các nhu cầu cấp thiết khác của xã hội.
- Khi có các nhu cầu trên mà chủ sở hữu sáng chế không thực hiện nghĩa vụ đó thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền có thể chuyển giao quyền sử dụng sáng chế cho người khác mà không cần được phép của chủ sở hữu sáng chế.
Nghĩa vụ cho phép sử dụng sáng chế cơ bản nhằm sử dụng sáng chế phụ thuộc (Điều 137 Luật Sở hữu trí tuệ)
- Sáng chế phụ thuộc là sáng chế được tạo ra trên cơ sở một sáng chế khác (sau đây gọi là sáng chế cơ bản) và chỉ có thể sử dụng được với điều kiện phải sử dụng sáng chế cơ bản.
- Trong trường hợp chứng minh được sáng chế phụ thuộc tạo ra một bước tiến quan trọng về kỹ thuật so với sáng chế cơ bản và có ý nghĩa kinh tế lớn, chủ sở hữu sáng chế phụ thuộc có quyền yêu cầu chủ sở hữu sáng chế cơ bản chuyển giao quyền sử dụng sáng chế cơ bản với giá cả và điều kiện thương mại hợp lý. Lúc này nếu chủ sở hữu sáng chế cơ bản không đáp ứng yêu cầu của chủ sở hữu sáng chế phụ thuộc mà không có lý do chính đáng thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền có thể chuyển giao quyền sử dụng sáng chế đó cho chủ sở hữu sáng chế phụ thuộc mà không cần được phép của chủ sở hữu sáng chế cơ bản.
Trên đây là câu trả lời của Công ty Luật Mai Sơn với câu hỏi ai có quyền nộp đơn đăng ký sáng chế. Nếu quý khách có thắc mắc gì xin vui lòng liên hệ với chúng tôi để có thể được tư vấn cụ thể nhất!