Các giao dịch dân sự luôn đi kèm những rủi ro đòi hỏi chủ thể trước khi tham gia cần phải nắm rõ, đặc biệt là khi ký hợp đồng đặt cọc với bên bán là vợ chồng.
Thắc mắc về khi ký hợp đồng đặt cọc với bên bán là vợ chồng
Chị Trang tại Đống Đa có hỏi: sắp tới tôi chuẩn bị mua một căn hộ tập thể tại Phạm Ngọc Thạch, hai bên dự kiến ký Hợp đồng đặt cọc 200 triệu trước. Nhưng bên bán có chồng đang đi công tác nước ngoài, tôi có thể ký Hợp đồng đặt cọc mua nhà với chỉ mình người vợ được không.
Dựa trên những gì chị Trang cung cấp, Luật Mai Sơn xin đưa ra những lưu ý pháp lý trong trường hợp này như sau:
Không chỉ nhà, đất mà các tài sản khác như ô tô nếu là tài sản được hình thành trong thời kỳ hôn nhân (tài sản chung vợ chồng) thì nhất thiết phải cả hai vợ chồng cùng ký hợp đồng hoặc một trong hai người ký hợp đồng nếu có giấy/hợp đồng ủy quyền hợp lệ của người kia.
Do vậy, nhất thiết cần phải có sự đồng ý và ký kết của hai vợ chồng.
Trường hợp do nhiều trở ngại, một trong hai vợ chồng bên bán không thể ký được vào Hợp đồng đặt cọc.
Do nhu cầu cơ hội thực sự cấp thiết, nếu chị cần ký Hợp đồng đặt cọc ngay thì tốt hơn cả phải yêu cầu người chồng bên bán gọi Video Call trực tiếp và khẳng định đồng ý bán căn hộ trên với giá bao nhiêu, và đồng ý ủy quyền cho vợ ký vào văn bản đặt cọc.
=> Nếu không có đủ chữ ký, cần củng cố bằng chứng cả hai vợ chồng đều đồng ý bán theo thỏa thuận.
Hậu quả của việc nếu trong Hợp đồng đặt cọc chỉ có chữ ký của một trong hai vợ chồng: Nhà, đất, ô tô là tài sản chung có giá trị lớn của vợ chồng, nếu trong văn bản Hợp đồng đặt cọc chỉ có chữ ký của một người, không có gì chứng minh người còn lại đồng ý bán, nếu người không ký Hợp đồng đặt cọc không đồng ý giao dịch mua bán thì có thể Hợp đồng này sẽ vô hiệu. Mà trong trường hợp này rõ ràng bên mua sẽ là bên chịu rủi ro lớn hơn do đã đưa tiền cọc cho bên bán.
Người mua có thể sẽ phải trải qua quá trình đàm phán, thỏa thuận, kiện tụng kéo dài, tốn kém nhiều chi phí để lấy lại tiền đặt cọc của mình.