Quy định tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước để chuyển đổi loại hình

Quy định tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước để chuyển đổi loại hình

Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước là gì? Quy định về tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước đẻ chuyển đổi loại hình như thế nào? Cùng chúng tôi tìm hiểu qua bài viết dưới đây.

 

 

1. Doanh nghiệp nhà nước

– Doanh nghiệp nhà nước bao gồm các doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ, tổng số cổ phần có phần biểu quyết theo quy định tại Điều 88 – Luật Doanh nghiệp 2020

– Theo đó, doanh nghiệp nhà nước được tổ chức quản lý dưới hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phần bao gồm:

  • Doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ => công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên
  • Doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết. => công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên hoặc công ty cổ phần

Như vậy, Doanh nghiệp nhà nước tồn tại ở các loại hình: công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên hoặc công ty cổ phần.

2. Chuyển đổi loại hình doanh nghiệp

– Chuyển đổi loại hình doanh nghiệp là một trong những hình thức tổ chức lại doanh nghiệp (căn cứ theo Khoản 31 Điều 4 – Luật Doanh nghiệp 2020)

Thêm đó, Luật doanh nghiệp 2020 có quy định những hình thức chuyển đổi doanh nghiệp sau:

+, Chuyển đổi công ty trách nhiệm hữu hạn thành công ty cổ phần

+, Chuyển đổi công ty cổ phần thành công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên

+, Chuyển đổi công ty cổ phần thành công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên

+, Chuyển đổi doanh nghiệp tư nhân thành công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh

Vậy là có tổng 4 hình thức chuyển đổi loại hình doanh nghiệp. Nhưng như ở trên đã phân tích, doanh nghiệp nhà nước chỉ tồn tại dưới loại hình công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phần. Vậy có thể đưa ra những loại hình chuyển đổi sau của doanh nghiệp nhà nước:

+, Trường hợp doanh nghiệp nhà nước là công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên hoặc công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên có thể chuyển đổi sang hình thức công ty cổ phần. (hay còn gọi là cổ phần hóa)

+, Trường hợp doanh nghiệp nhà nước là công ty cổ phần chuyển đổi thành công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên hoặc công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên.

– Tuy nhiên, trong các hình thức chuyển đổi được nêu trong Luật Doanh nghiệp 2020, chỉ có duy nhất một hình thức chuyển đổi là có nhắc đến doanh nghiệp nhà nước đó là: “Doanh nghiệp nhà nước chuyển đổi thành công ty cổ phần thực hiện theo quy định của pháp luật có liên quan” tại Khoản 1 Điều 202 về Chuyển đổi công ty trách nhiệm hữu hạn thành công ty cổ phần. Như vậy, có thể hiểu rằng doanh nghiệp nhà nước hiện chỉ có hình thức chuyển đổi từ công ty trách nhiệm hữu hạn thành công ty cổ phần. Quá trình này trên thực tế hay được quan tâm dưới những cụm từ như là: cổ phần hóa, tái cơ cấu và được gọi là tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước.

3. Tái cơ cấu là gì? Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước

– Tái cơ cấu (Reengineering) là việc xem xét và cấu trúc lại một phần, một số phần hay toàn bộ một tổ chức, một đơn vị nào đó, mà thường là một công ty. Như vậy, tái cơ cấu là việc sắp xếp lại, tiến hành cơ cấu lại mô hình của các tổ chức, thậm chí thay đổi bề mặt, có tính hình thức các phòng ban chức năng, thay tên gọi.

– Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước với trọng tâm là các tập đoàn, tổng công ty nhà nước là một trong ba trụ cột chính của mục tiêu tái cấu trúc nền kinh tế đã được cụ thể hóa tại Hội nghị lần thứ 3, Ban chấp hành trung ương khóa XI. Mục tiêu của tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước nhằm xây dựng các doanh nghiệp nhà nước có cơ cấu sở hữu hợp lý, tập trung vào những ngành, lĩnh vực then chốt của nền kinh tế, có khả năng góp phần điều tiết kinh tế và ổn định kinh tế vĩ mô, có sức cạnh tranh được tăng cường, chỉ tiêu sản xuất – kinh doanh ổn định và tăng trưởng. Nội dung trọng tâm của quá trình này tập trung vào 5 nhóm vấn đề trong đó có:

+, Đẩy mạnh quá trình cổ phần hóa, đa dạng hóa sở hữu doanh nghiệp nhà nước, giảm dần tỷ lệ sở hữu nhà nước tại những doanh nghiệp thuộc những ngành, lĩnh vực Nhà nước không cần nắm giữ 100% sở hữu.

Tuy nhiên, trên thực tế quá trình này được thực hiện với tiến độ chậm chạp và kéo dài; những doanh nghiệp do Nhà nước giữ cổ phần chi phối vẫn hiện diện ở các ngành, lĩnh vực Nhà nước không cần nắm giữ, làm cho doanh nghiệp nhà nước chưa đạt mục tiêu tập trung tối đa vào những lĩnh vực then chốt, thiết yếu. Điều này phản ánh việc thiếu trách nhiệm của các lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước trong việc thực hiện phương án sắp xếp, cổ phần hóa, tái cơ cấu doanh nghiệp. Đồng thời cũng phản ánh việc cơ chế, chính sách, khung pháp lý cũng chưa thực sự hợp lý và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nhà nước trong việc chuyển đổi.

Hơn nữa hiện nay, vẫn còn một số công ty đang duy trì mô hình tổ chức là công ty nhà nước theo quy định tại Luật doanh nghiệp nhà nước và Luật Doanh nghiệp cũ, chưa thực hiện chuyển đổi theo loại hình doanh nghiệp được quy định tại Luật Doanh nghiệp hiện hành. Điều này khiến việc tái cơ cấu trở nên khó khăn bởi những quy định hướng dẫn không còn hiệu lực trong khi việc thực hiện theo quy định tại Nghị định còn hiệu lực nhưng không còn phù hợp với các quy định luật hiện hành và thực tiễn hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước chưa chuyển đổi.

4. Quy định về chuyển đổi, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước

Nghị định 25/2010/NĐ- CP quy định nội dung về chuyển đổi công ty nhà nước thành công ty TNHH một thành viên có quy định về điều kiện chuyển đổi:

+, Nằm trong nhóm đối tượng đưuọc quy định tại khoản 1,2 và 5 Điều 7 Nghị định này thuộc ngành, lĩnh vực, địa bàn mà Nhà nước cần nắm giữ 100% vốn

+, Còn vốn nhà nước sau khi đã xử lý tài chính, nếu không còn vốn thì báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định bổ sung vốn nhà nước. Nếu không được bổ sung thì chuyển sang thực hiện các hình thức chuyển đổi theo quy định tại Điều 80 – Luật doanh nghiệp nhà nước

Trong khi đó, một số Doanh nghiệp hiện đang tồn tại chưa được chuyển đổi do không đủ điều kiện về vốn nhưng các văn bản hướng dẫn chuyển đổi và Luật doanh nghiệp nhà nước hiện nay cũng đã hết hiệu lực.

Các quy định pháp luật hiện hành về cổ phần hóa doanh nghiệp được thực hiện theo Nghị định 126/2017/NĐ- CP, cụ thể:

– Đối tượng chuyển đổi sang loại hình công ty cổ phần bao gồm:

+, Công ty TNHH một thành viên do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ (công ty mẹ)

+, Công ty TNHH một thành viên độc lập do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ

+, Doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ chưa chuyển thành công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên.

+, Công ty TNHH một thành viên do doanh nghiệp nhà nước đầu tư 100% vốn điều lệ.

Trong khi đó điều kiện để cổ phần hóa vẫn phải là còn vốn nhà nước sau khi đã được xử lý tài chính và đánh giá lại giá trị doanh nghiệp (Điểm b Khoản 1 Điều 4)

Nghị định số 23/2022/NĐ-CP quy định về đối tượng thực hiện chuyển đổi sở hữu, sắp xếp lại, chuyển đổi thành công ty TNHH 2 thành viên, chuyển giao doanh nghiệp là các công ty TNHH một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ. Về đối tượng và điều kiện chuyển đổi cũng áp dụng như đối với doanh nghiệp cổ phần hóa. (Khoản 1 Điều 33).

Như vậy, các công ty chưa chuyển đổi không thể thực hiện tái cơ cấu theo các quy định nêu trên do không thuộc đối tượng đủ điều kiện chuyển đổi. Vậy nên, viện hoàn thiện thể chế, khung pháp lý sao cho phù hợp với thực tiễn sẽ giúp phần đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước hơn.

Trên đây là những thông tin chúng tôi cung cấp về vấn đề tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước để chuyển đối. Nếu quý khách đang gặp vấn đề về pháp lý hay thắc mắc nào cần giải đáp, xin hãy liên hệ với chúng tôi qua Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến qua số hotline 0975 852 995. Chúng tôi xin cam kết giải quyết mọi nhu cầu của quý khách hàng một cách nhanh chóng và chu đáo.