Doanh nghiệp nào không cần lập Báo cáo tài chính?

Doanh nghiệp nào không cần lập Báo cáo tài chính?

Xin cho tôi hỏi theo quy định của pháp luật thì những doanh nghiệp nào không cần lập Báo cáo tài chính? – Tiến Thành (Bình Thuận)

1. Doanh nghiệp nào không cần lập Báo cáo tài chính?

Cụ thể tại khoản 1 Điều 99 Thông tư 200/2014/TT- BTC quy định hệ thống Báo cáo tài chính năm được áp dụng cho tất cả các loại hình doanh nghiệp thuộc các ngành và các thành phần kinh tế. Báo cáo tài chính năm phải lập theo dạng đầy đủ.

Tuy nhiên, có một số trường hợp không bắt buộc phải lập báo cáo tài chính bao gồm:

(1) Doanh nghiệp siêu nhỏ nộp thuế TNDN tính theo tỷ lệ % trên doanh thu bán hàng hóa, dịch vụ

Doanh nghiệp siêu nhỏ nộp thuế TNDN tính theo tỷ lệ % trên doanh thu bán hàng hóa, dịch vụ không bắt buộc phải lập báo cáo tài chính để nộp cho cơ quan thuế.

(Khoản 1 Điều 18 Thông tư 132/2018/TT-BTC)

(2) Doanh nghiệp được cho phép gộp báo cáo tài chính

Trường hợp kỳ kế toán năm đầu tiên hoặc kỳ kế toán năm cuối cùng có thời gian ngắn hơn 90 ngày thì được phép cộng với kỳ kế toán năm tiếp theo hoặc cộng với kỳ kế toán năm trước đó để tính thành một kỳ kế toán năm; kỳ kế toán năm đầu tiên hoặc kỳ kế toán năm cuối cùng phải ngắn hơn 15 tháng.

Như vậy, doanh nghiệp được phép gộp Báo cáo tài chính trong trường hợp kỳ kế toán năm đầu tiên hoặc cuối cùng có thời gian ngắn hơn 90 ngày thì được cộng với kỳ kế toán năm tiếp theo hoặc năm trước đó để thành 01 kỳ kế toán. Kỳ kế toán sau khi gộp phải ngắn hơn 15 tháng.

(Khoản 4 Điều 12 Luật kế toán 2015)

(3) Doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động, kinh doanh

Trong thời gian người nộp thuế tạm ngừng hoạt động, kinh doanh, người nộp thuế không phải nộp hồ sơ khai thuế, trừ trường hợp người nộp thuế tạm ngừng hoạt động, kinh doanh không trọn tháng, quý, năm dương lịch hoặc năm tài chính thì vẫn phải nộp hồ sơ khai thuế tháng, quý; hồ sơ quyết toán năm.

Như vậy, nếu doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động kinh doanh trong toàn bộ năm dương lịch thì không cần nộp hồ sơ khai thuế, do đó cũng không cần phải lập Báo cáo tài chính.

(Điểm a khoản 2 Điều 4 Nghị định 126/2020/NĐ- CP )

2. Mức phạt hành vi không nộp Báo cáo tài chính

Căn cứ theo Điều 12 Nghị định 41/2018/NĐ- CP quy định mức phạt đối với hành vi không nộp Báo cáo tài chính như sau:

Hành vi

Mức Phạt

Chậm nộp Báo cáo tài chính dưới 03 tháng so với thời hạn quy định 05 – 10 triệu đồng
Chậm nộp Báo cáo tài chính từ 03 tháng trở lên so với thời hạn quy định 10 – 20 triệu đồng
Không nộp Báo cáo tài chính cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền 40 – 50 triệu đồng

Mức phạt tiền này là mức phạt tiền áp dụng đối với tổ chức (Khoản 2 Điều 6 Nghị định 41/2018/NĐ- CP sửa đổi tạiNghị định 102/2021/NĐ- CP ).

3. Hồ sơ Báo cáo tài chính của doanh nghiệp

Hệ thống Báo cáo tài chính gồm Báo cáo tài chính năm và Báo cáo tài chính giữa niên độ. Biểu mẫu Báo cáo tài chính kèm theo tại Phụ lục 2 Thông tư 200/2014/TT- BTC.

Những chỉ tiêu không có số liệu được miễn trình bày trên Báo cáo tài chính, doanh nghiệp chủ động đánh lại số thứ tự các chỉ tiêu của Báo cáo tài chính theo nguyên tắc liên tục trong mỗi phần.

(1) Báo cáo tài chính năm gồm:

– Bảng cân đối kế toán Mẫu số B 01 – DN
– Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh Mẫu số B 02 – DN
– Báo cáo lưu chuyển tiền tệ Mẫu số B 03 – DN
– Bản thuyết minh Báo cáo tài chính Mẫu số B 09 – DN

(2) Báo cáo tài chính giữa niên độ:

* Báo cáo tài chính giữa niên độ dạng đầy đủ, gồm:

– Bảng cân đối kế toán giữa niên độ Mẫu số B 01a – DN
– Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh giữa niên độ Mẫu số B 02a – DN
– Báo cáo lưu chuyển tiền tệ giữa niên độ Mẫu số B 03a – DN
– Bản thuyết minh Báo cáo tài chính chọn lọc Mẫu số B 09a – DN

* Báo cáo tài chính giữa niên độ dạng tóm lược, gồm:

– Bảng cân đối kế toán giữa niên độ Mẫu số B 01b – DN
– Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh giữa niên độ Mẫu số B 02b – DN
– Báo cáo lưu chuyển tiền tệ giữa niên độ Mẫu số B 03b – DN
– Bản thuyết minh Báo cáo tài chính chọn lọc Mẫu số B 09a – DN

(Điều 100 Thông tư 200/2014/TT- BTC)