HỒ SƠ THỦ TỤC YÊU CẦU GHI NHẬN TỔ CHỨC TƯ VẤN, DỊCH VỤ QUYỀN TÁC GIẢ, QUYỀN LIÊN QUAN ĐƯỢC QUY ĐỊNH RA SAO?

Hồ sơ, thủ tục yêu cầu ghi nhận tổ chức tư vấn, dịch vụ quyền tác giả, quyền liên quan được quy định ra sao?

Cho tôi hỏi: Hồ sơ, thủ tục yêu cầu ghi nhận tổ chức tư vấn, dịch vụ quyền tác giả, quyền liên quan được quy định ra sao? – Câu hỏi của anh Quân (Long Xuyên)

Hồ sơ yêu cầu ghi nhận tổ chức tư vấn, dịch vụ quyền tác giả, quyền liên quan gồm những gì?

Căn cứ  Nghị định 17/2023/NĐ – CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ về quyền tác giả, quyền liên quan.

Căn cứ quy định tại điểm c khoản 3 Điều 55 Nghị định 17/2023/NĐ – CP như sau:

Tổ chức tư vấn, dịch vụ quyền tác giả, quyền liên quan

3. Ghi nhận tổ chức tư vấn, dịch vụ quyền tác giả, quyền liên quan được thực hiện như sau:

c) Hồ sơ yêu cầu ghi nhận tổ chức tư vấn, dịch vụ quyền tác giả, quyền liên quan vào Sổ đăng ký quốc gia về tư vấn, dịch vụ quyền tác giả, quyền liên quan phải do tổ chức đáp ứng các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 57 Luật Sở hữu trí tuệ đứng tên, bao gồm:

Tờ khai yêu cầu ghi nhận tổ chức tư vấn, dịch vụ quyền tác giả, quyền liên quan (theo Mẫu số 08 của Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định này);

Danh sách cá nhân thuộc tổ chức trực tiếp thực hiện hoạt động tư vấn, dịch vụ quyền tác giả, quyền liên quan kèm theo bản sao Chứng minh nhân dân hoặc Căn cước công dân;

Sơ yếu lý lịch của người đứng đầu tổ chức có xác nhận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

Bản sao có chứng thực bằng tốt nghiệp đại học chuyên ngành luật của người đứng đầu tổ chức và các cá nhân hoạt động tư vấn, dịch vụ quyền tác giả, quyền liên quan;

Bản sao giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc giấy chứng nhận đăng ký hoạt động của tổ chức.

Như vậy, theo quy định trên thì hồ sơ yêu cầu ghi nhận tổ chức tư vấn, dịch vụ quyền tác giả, quyền liên quan bao gồm:

– Tờ khai yêu cầu ghi nhận tổ chức tư vấn, dịch vụ quyền tác giả, quyền liên quan;

– Danh sách cá nhân thuộc tổ chức trực tiếp thực hiện hoạt động tư vấn, dịch vụ kèm bản sao CMND/CCCD;

– Sơ yếu lý lịch của người đứng đầu tổ chức;

– Bản sao có chứng thực bằng tốt nghiệp đại học chuyên ngành luật của người đứng đầu tổ chức và các cá nhân hoạt động tư vấn, dịch vụ;

– Bản sao GCN đăng ký kinh doanh hoặc GCN đăng ký hoạt động của tổ chức.

Thủ tục ghi nhận tổ chức tư vấn, dịch vụ quyền tác giả, quyền liên quan được quy định ra sao?

Căn cứ quy định tại khoản 3 Điều 55 Nghị định 17/2023/NĐ – CP , thủ tục ghi nhận tổ chức tư vấn, dịch vụ quyền tác giả, quyền liên quan được thực hiện theo trình tự như sau:

– Bước 1:

Tổ chức có đủ các điều kiện nộp hồ sơ tới cơ quan chuyên môn quản lý nhà nước về quyền tác giả, quyền liên quan của Bộ VH-TT&DL

– Bước 2:

Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, cơ quan chuyên môn tiến hành việc xem xét hồ sơ, ban hành văn bản trả lời về việc ghi nhận hoặc từ chối ghi nhận tổ chức tư vấn, dịch vụ quyền tác giả, quyền liên quan.

Tổ chức tư vấn, dịch vụ quyền tác giả, quyền liên quan bị xóa tên trong trường hợp nào?

Căn cứ nội dung được quy định tại khoản 4 Điều 55 Nghị định 17/2023/NĐ – CP  như sau:

Tổ chức tư vấn, dịch vụ quyền tác giả, quyền liên quan

4. Xóa tên tổ chức tư vấn, dịch vụ quyền tác giả, quyền liên quan được thực hiện như sau:

a) Cơ quan chuyên môn quản lý nhà nước về quyền tác giả, quyền liên quan của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xoá tên tổ chức tư vấn, dịch vụ quyền tác giả, quyền liên quan trong Sổ đăng ký quốc gia về tư vấn, dịch vụ quyền tác giả, quyền liên quan và việc xóa tên được công bố trên trang thông tin điện tử về quyền tác giả, quyền liên quan trong các trường hợp sau đây:

Tổ chức tư vấn, dịch vụ quyền tác giả, quyền liên quan từ bỏ, chấm dứt kinh doanh tư vấn, dịch vụ quyền tác giả, quyền liên quan;

Tổ chức tư vấn, dịch vụ quyền tác giả, quyền liên quan không còn đáp ứng đầy đủ các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 57 của Luật Sở hữu trí tuệ và khoản 2 Điều này;

b) Tổ chức, cá nhân có quyền yêu cầu cơ quan chuyên môn quản lý nhà nước về quyền tác giả, quyền liên quan của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xóa tên tổ chức tư vấn, dịch vụ quyền tác giả, quyền liên quan nếu có đủ căn cứ khẳng định tổ chức không còn đủ điều kiện kinh doanh tư vấn, dịch vụ quyền tác giả, quyền liên quan;

c) Tổ chức tư vấn, dịch vụ quyền tác giả, quyền liên quan phải làm thủ tục yêu cầu cơ quan chuyên môn quản lý nhà nước về quyền tác giả, quyền liên quan của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xóa tên trong Sổ đăng ký quốc gia về tư vấn, dịch vụ quyền tác giả, quyền liên quan trong các trường hợp quy định tại điểm a khoản này;

d) Cách thức thực hiện: Nộp hồ sơ trực tiếp hoặc qua dịch vụ bưu chính tới cơ quan chuyên môn quản lý nhà nước về quyền tác giả, quyền liên quan của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch;

đ) Hồ sơ yêu cầu xóa tên tổ chức tư vấn, dịch vụ quyền tác giả, quyền liên quan gồm: Tờ khai yêu cầu xóa tên tổ chức tư vấn, dịch vụ quyền tác giả, quyền liên quan trong đó có nêu rõ lý do xóa tên (theo Mẫu số 08 của Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định này) hoặc kết quả giải quyết kiến nghị, phản ánh, khiếu nại, tố cáo hoặc quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền liên quan đến yêu cầu xóa tên;

e) Thủ tục xử lý hồ sơ yêu cầu xóa tên tổ chức tư vấn, dịch vụ quyền tác giả, quyền liên quan được cơ quan chuyên môn quản lý nhà nước về quyền tác giả, quyền liên quan của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiến hành trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, trình tự tương tự như thủ tục Ghi nhận tổ chức tư vấn, dịch vụ quyền tác giả, quyền liên quan.

Như vậy, tổ chức tư vấn, dịch vụ quyền tác giả, quyền liên quan bị xóa tên trong 02 trường hợp:

– Tổ chức tư vấn, dịch vụ quyền tác giả, quyền liên quan từ bỏ, chấm dứt kinh doanh;

– Tổ chức tư vấn, dịch vụ quyền tác giả, quyền liên quan không còn đáp ứng đầy đủ các điều kiện quy định.